Việt gian tân sử

- Quảng Cáo -

Chu Mộng Long

Ngày 17/02/1979, hơn 600 nghìn quân (có sách nói là 180 ngàn) Trung Quốc theo lệnh của Đặng Tiểu Bình tràn sang 6 tỉnh biên giới của Việt Nam với tuyên bố: Dạy cho Việt Nam một bài học. Các công trình quốc gia, nhà cửa của dân bị tàn phá, hàng vạn người vô tội bị tàn sát.

Trong lúc tổng động binh, toàn dân ra trận thì sử gia chui vào gầm giường tránh đạn, dù đạn không thể bay tới kinh thành.

Sau khi giặc rút lui, sử gia mới lồm cồm bò ra khỏi giường và ngồi vào bàn viết sử. Đọc thấy trên báo đăng hình anh lính Trung Quốc khóc rống lên trước thi hài đồng đội, sử gia cũng khóc rống lên: “Ôi đau xót quá!” Sử gia hỏi: “Đứa nào bắn anh đó/ Súng nào nhằm trúng anh/ Khôn thiêng xin chỉ mặt/ Gọi tên nó ra anh?” Nói đoạn sử gia viết trang lịch sử đẫm máu này cho học trò học với định hướng cho người dạy sử: “cần tuyệt đối tránh các ngôn từ, hình ảnh, lối trình bày mang tính gây hấn, biểu cảm, miệt thị. Các ngôn từ biểu cảm, miệt thị, như “chúng”, “quân địch”, “giặc”, “dã man”, “tàn bạo”, “khát máu” … không hề giúp cho các lập luận, phân tích, đánh giá gia tăng tính thuyết phục, trái lại, làm bộc lộ rõ thái độ định kiến, áp đặt, phiến diện, thiếu khách quan và do đó, thiếu tính thuyết phục”.

- Quảng Cáo -

Sử gia nhấn mạnh, Đặng Tiểu Bình mở cuộc tấn công này đã dạy cho chúng ta một bài học bằng máu, rằng giặc bắn ta bằng đạn thì ta hãy bắn vào mồm giặc bằng thuốc bổ mới đảm bảo tính nhân văn, nhân đạo. Khi ấy giặc mãi mãi là đồng chí của ta và ta mãi mãi là đồng chí của giặc…

Nghe nói sau đó nhờ những trang tân sử này mà sử gia được phong giáo sư và tham dự vào cuộc cuộc cải cách giáo dục căn bản và toàn diện.

Chu Mộng Long

- Quảng Cáo -