Được thúc đẩy bởi các đối tác liên minh, chính phủ mới của Đức dưới quyền Thủ tướng Olaf Scholz sẽ áp dụng một lập trường cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh, giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, và tăng cường quan hệ với các quốc gia dân chủ ở châu Á.
Nhìn lại các chính sách mà bà cựu Thủ tướng Angela Merkel và Liên minh Dân chủ Kitô giáo Đức (CDU) đã theo đuổi trong nhiều năm đối với nhà cầm quyền cộng sản Bắc Kinh.
Hàng loạt các sự kiện Trung Quốc đàn áp dân tộc thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và người Tây Tạng, xóa bỏ quyền tự trị của Hồng Kông, và răn đe Đài Loan bằng vũ lực quân sự – Merkel chỉ muốn giải quyết tất cả những điều này sau những cánh cửa đóng kín. Thương mại là trung tâm trong chính sách Trung Quốc của bà. Thỏa thuận liên minh giữa chính phủ của bà vào năm 2018 với Liên minh Xã hội Kitô giáo Bayern (CSU) bảo thủ và Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trung tả, thậm chí còn nêu rõ: “Sự phát triển kinh tế của Trung Quốc là một cơ hội lớn, đặc biệt là đối với nền kinh tế Đức.”
Nhưng thời vận đã thay đổi.
Chính phủ mới, dưới quyền Thủ tướng Scholz, tuyên bố rằng Đức sẽ cứng rắn hơn trong đường lối đối với Trung Quốc.
Thỏa thuận liên minh giữa chính phủ Scholz với SPD, Liên minh 90/Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do (FDP) nêu rõ rằng họ sẽ theo đuổi hợp tác với Trung Quốc, nhưng “trên cơ sở nhân quyền và luật pháp quốc tế hiện hành”.
Thủ tướng Scholz đã không đến dự Thế vận hội mùa đông ở Trung Quốc. Và đó không phải là dấu hiệu duy nhất mà ông ta đã bày tỏ thái độ đối với nhà cầm quyền Bắc Kinh. Ông còn muốn tổ chức các cuộc tham vấn, trực tiếp hoặc trực tuyến, với chính phủ Ấn Độ và Nhật Bản trước cuộc gặp đầu tiên với nhà nước Trung Quốc.
Trong cùng lúc, Ngoại trưởng mới của Đức, bà Annalena Baerbock, một thành viên của Liên minh 90/Đảng Xanh, cũng không có kế hoạch thăm Trung Quốc sớm.
Chưa hết, Bộ Ngoại giao do Baerbock dẫn đầu hiện đang chuẩn bị một “Chiến lược Trung Quốc” mà trong đó, chính phủ mới của Đức sẽ coi “Trung Quốc là đối tác, đối thủ cạnh tranh và là đối thủ mang tính hệ thống”.
Reinhard Bütikofer, một chuyên gia về Trung Quốc và là thành viên của Nghị viện Châu Âu thuộc Đảng Xanh, hoan nghênh “một cuộc chia tay trong mối quan hệ thân thiết giữa Merkel với Bắc Kinh.”
Ông Bütikofer là người đứng đầu danh sách đen, đã bị Bắc Kinh cấm nhập cảnh vào Trung Quốc kể từ tháng 3 năm 2021 sau khi Liên minh châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt một số quan chức Trung Quốc vì sự đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
“Nhà nước đảng phái Trung Quốc đang ngày càng bộc lộ bản chất của mình”, ông Bütikofer nói.
Ông nhấn mạnh rằng kể từ nay sẽ “không còn có hai ý kiến về điều đó trong chính phủ Đức.”
Người Đà Lạt Xưa
Leave a Comment