Nịnh bợ ông Tổng?!

Lễ ra mắt cuốn sách
Lễ ra mắt cuốn sách "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng" tổ chức tại Hà Nội 9/2/2022. Ảnh: Internet
- Quảng Cáo -

Út Sài Gòn

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa được thuộc cấp nịnh bợ đầy lộ liễu bằng “lễ ra mắt cuốn sách Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.”

Đề án văn hóa công vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cách đây 2 năm, đến nay có nhiều vấn đề vẫn mù mờ, như là việc công chức không được nịnh bợ, lấy lòng cấp trên vì mục đích không trong sáng. Nhưng như thế nào là mục đích không trong sáng, như thế nào là nịnh, liệu có ranh giới nào giữa nịnh và văn hóa giao tiếp và có giải pháp nào để không tồn tại “văn hóa nịnh”?

Liệu danh sách ‘xướng tên’ tiếp theo đây có thể gọi là nịnh bợ?

- Quảng Cáo -

Ngày 9/2, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo trung ương, Hội đồng Lý luận trung ương, Nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia Sự Thật tổ chức lễ ra mắt cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.”

Tham dự lễ ra mắt có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng…

Sở dĩ có thể gọi “lễ ra mắt” ở trên là hành vi nịnh bợ vì cuốn sách này chỉ là tập hợp kiểu như bài phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng ngày 27/11/2020, rằng công tác kiểm tra, giám sát của Đảng chính là “thanh bảo kiếm để chữa lành các vết thương.”

Nhân vụ “lễ ra mắt,” làm nhớ đến câu chuyện ngoài hè phố vầy, lần nọ ở tận bên Tàu có một viên quan nhỏ đến nhờ Hòa Thân chỉ cho vài chiêu nịnh sếp để được thăng chức.

Hòa Thân cười ha hả: Khoản đó là năng khiếu bẩm sinh, nếu không ông phải tôi luyện. Viên quan: Vậy nhờ ông chỉ cho tại hạ vài đường cụ thể ạ. Ví như lâu nay sếp nhỏ con, xấu trai nhưng tại hạ hay nịnh là “Ôi sếp cao to đẹp trai quá,” được không ạ?

Hòa Thân cười hê hê: Đừng nịnh lộ thế. Nịnh phải khéo, phải nhắm vào cái trừu tượng, vô hình chứ đừng nói vống cái cụ thể.

Viên quan ngơ ngác. Hòa Thân bảo: Ví như vợ sếp xấu như Chung Vô Diệm nhưng phải nịnh là “Phu nhân không đẹp nhưng rất có duyên, chỉ gặp một lần là nhớ mãi!” Hay sếp có óc trái nho nhưng phải lấy lòng rằng “Sếp tuy không đẹp trai nhưng rất thông minh!”…

Viên quan: Tại hạ hiểu rồi. Nhưng nếu sếp thông minh thật, không hề lú như thiên hạ nói, và sếp một mực yêu cầu không cho nịnh thì sao?

Hòa Thân lại cười: Sao không cho nịnh được? Sếp có định nghĩa được rõ ràng như thế nào là nịnh không? Nịnh thiên hình vạn trạng, có cả một luận văn tiến sĩ về nịnh, sao xác định được mà không cho?

Viên quan: Nhưng… lỡ sếp không thích nịnh thì sao, sếp phải thích nịnh thì tại hạ mới nịnh thành công chứ?

Hòa Thân cười hi hi: Ông ngây thơ quá. Ông nhìn xem, hiếm có sếp không thích nịnh lắm. Ngay như vua Càn Long thông minh thế mà cũng thích ta nịnh, lão Lưu Dung không nịnh nên lãnh khổ, thấy không?

Viên quan: Chí phải, chí phải!…

Xem ra không bằng cấp nào hơn cái bằng lòng, mà cái bằng này chỉ có được nhờ 80% phương pháp nịnh học cùng những bí kíp chân truyền của nó.

Từ xưa, sách sử đã chua rằng: hôn quân bao giờ cũng gắn kết với nịnh thần. Xiểm nịnh làm cho người lãnh đạo thiếu sáng suốt và công bằng, thiên vị cảm tính, không khách quan, luôn lơ mơ trong thực tiễn, lúc nào cũng tự hài lòng về bản thân sẽ thoái hóa dần trí tuệ rồi mắc sai lầm khuyết điểm vì nịnh sĩ.

Ngược lại, ninh sĩ sẽ trở thành hiện tượng tiểu nhân đắc ý nêu gương xấu cho xã hội với hệ lụy không cần học hành, phấn đấu, cố gắng làm gì cho mệt, chỉ cần mài gối, uốn lưỡi rèn luyện kỹ năng nịnh ắt thành công.

Mong rằng ở tuổi ‘xưa nay hiếm,’ tác giả cuốn sách vừa được làm “lễ ra mắt” linh đình ở Hà Nội hôm mồng 9 Tết Nhâm Dần, nhận ra được “bầy tôi” nào đang nịnh hót: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng…

- Quảng Cáo -