Hiếu Chân – Báo Người Việt
Cuộc đối đầu giữa Nga và Hoa Kỳ về số phận của Ukraine đang âm vang trên hai bờ eo biển Đài Loan và chắc chắn có ảnh hưởng đến tình hình Châu Á-Thái Bình Dương trong những tháng ngày tới.
Tuy không hoàn toàn tương đồng nhưng tình hình Ukraine với mối đe dọa xâm lược của Nga rất giống với số phận của Đài Loan, đảo quốc thường xuyên bị Trung Quốc hăm he thâu tóm, có thể bằng vũ lực để thực hiện cái gọi là thống nhất đất nước, hoàn thành “Trung Hoa Mộng” của Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Nga và Ukraine có lịch sử gắn bó lâu dài cả về chủng tộc, ngôn ngữ và văn hóa. Tổng Thống Nga Vladimir Putin muốn ngăn cản sự mở rộng về phía đông của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), thiết lập một vùng đệm an ninh ở phía Tây và lôi kéo Ukraine trở lại quỹ đạo ảnh hưởng của Nga, có thể bằng vũ lực nếu cần thiết.
Căng thẳng giữa Nga và Ukraine bắt đầu sôi sục từ năm 2014 khi cuộc cách mạng ở Ukraine lật đổ chính phủ thân Nga và quân đội Nga sau đó tiến vào lãnh thổ Ukraine, xâm chiếm và sáp nhập bán đảo Crimea, đồng thời hỗ trợ lực lượng ly khai nổi dậy ở miền Đông Ukraine gây ra cuộc nội chiến đã làm cho 13.000 binh sĩ và thường dân thiệt mạng.
Ông Putin năm nay 69 tuổi, đã vào buổi hoàng hôn của sự nghiệp chính trị và mong muốn di sản của ông sẽ là sự sửa chữa cái mà ông coi là thảm họa của thế kỷ 20: Sự tan rã của Liên Bang Xô Viết. Ukraine với 44 triệu dân, từng là một trong 15 nước Cộng Hòa của Liên Bang Xô Viết cũ, có 1.200 cây số đường biên giới với Nga, luôn là một mục tiêu mà ông Putin muốn lôi kéo vào vòng ảnh hưởng để tạo dựng một nước Nga hùng cường, sánh vai với Hoa Kỳ và Trung Quốc thành một cực quyền lực trong trật tự thế giới tương lai. Kế hoạch của NATO kết nạp Ukraine làm thành viên và mở rộng về phía Đông, do đó bị Nga coi là một mối đe dọa sinh tử đối với đất nước họ và ông Putin không thể chấp nhận.
Nhìn sang phương Đông, Trung Quốc bị chia đôi sau cuộc nội chiến Quốc Cộng nửa đầu thế kỷ 20, phần Trung Hoa lục địa rộng lớn thuộc quyền cai trị của đảng Cộng Sản Trung Quốc, đối kháng với đảo Đài Loan – một nền dân chủ non trẻ tự do và tự trị từ năm 1949 đến nay. Tuy đảng Cộng Sản Trung Quốc chưa bao giờ chiếm được hoặc thiết lập được chế độ cai trị ở Đài Loan song các nhà lãnh đạo của đảng Cộng Sản Trung Quốc vẫn coi Đài Loan là một “tỉnh ly khai,” cần được sáp nhập trở lại với Trung Quốc lục địa để “hoàn thành thống nhất đất nước,” có thể bằng vũ lực nếu cần.
Lãnh đạo Trung Quốc càng quyết tâm thâu tóm Đài Loan sau khi dàn xếp thành công với chính phủ Mỹ thời Nixon-Kissinger dẫn tới việc Đài Loan bị đẩy ra khỏi vị trí ủy viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc để Trung Quốc thay thế. Sở dĩ Trung Quốc chưa phát động chiến tranh thâu tóm Đài Loan một phần vì thực lực của Trung Quốc chưa đủ, nhưng phần quan trọng hơn là do hậu thuẫn của Mỹ giúp Đài Loan tự vệ trước mọi cuộc tấn công của Trung Quốc. Theo đạo luật Quan Hệ Đài Loan (Taiwan Relation Act), Hoa Kỳ cam kết cung cấp vũ khí để Đài Loan có đủ sức tự bảo vệ. Quan hệ Trung Quốc-Đài Loan từ đó trở thành một phép thử cho quan hệ Mỹ-Trung Quốc.
Tình hình eo biển Đài Loan trở nên hết sức căng thẳng sau khi bà Thái Anh Văn (Tsai Ing Wen) của đảng Dân Chủ Tiến Bộ có lập trường độc lập với Trung Quốc đắc cử tổng thống năm 2015, thay cựu Tổng Thống Mã Anh Cửu của Quốc Dân Đảng muốn hòa hợp với Trung Quốc. Bắc Kinh đã tiến hành cuộc chiến tranh ngoại giao, kinh tế và gián điệp âm thầm chống lại Đài Loan hàng chục năm qua và có vẻ đã sẵn sàng thực hiện cuộc chiến tranh tổng lực để chiếm hòn đảo dân chủ này một khi sự yểm trợ của Hoa Kỳ cho Đài Loan có dấu hiệu giảm sút.
Như vậy, Nga và Trung Quốc không chỉ là hai thể chế chính trị chuyên chế lớn nhất thế giới mà còn là những cường quốc theo khuynh hướng “xét lại” (revisionism), mưu toan giành lại vùng ảnh hưởng hoặc lãnh thổ mà họ cho là thuộc về quốc gia họ từ xa xưa, tái lập “niềm vinh quang” xưa cũ của các đế chế Nga và Trung Hoa. Ukraine và Đài Loan là đích ngắm cho quan điểm xét lại đó.
Ngạn ngữ phương Đông có câu “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã.” Sự tương đồng về thể chế chính trị và tham vọng xét lại đã khiến Trung Quốc và Nga liên kết để chống phương Tây; hỗ trợ nhau thực hiện giấc mộng bá quyền. Trong sự kiện gần đây nhất, Tổng Thống Nga Putin đã đến Bắc Kinh hội đàm với Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân tham dự lễ khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông 2022. Hai ông Tập và Putin đã ra một tuyên bố chung lên án “mưu toan của các thế lực bên ngoài nhằm xói mòn an ninh và ổn định trong các khu vực tiếp giáp Nga và Trung Quốc.”
Tuy không nhắc đến Ukraine, ông Tập đã bày tỏ sự ủng hộ dứt khoát của Trung Quốc với những yêu sách của Nga, phản đối việc mở rộng khối NATO và chiến lược quân sự của Hoa Kỳ ở Đông Âu. Đáp lại, ông Putin công nhận Đài Loan “là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc” và phản đối chiến lược của Mỹ thu hút các đồng minh để bao vây Trung Quốc tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt phê phán hoạt động của các diễn đàn an ninh như Bộ Tứ (QUAD – gồm Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Úc) và liên minh mới hình thành AUKUS gồm Anh, Mỹ, Úc.
Tuy vậy, Ukraine và Đài Loan có những điểm khác biệt lớn. Từ khi Liên Xô sụp đổ, Ukraine đã tách ra thành một quốc gia dân chủ được cộng đồng quốc tế công nhận và có quan hệ ngoại giao. Trái lại, Đài Loan ngày càng mất dần vị thế trên trường quốc tế; hiện chỉ còn 13 nước nhỏ và Vatican duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Bắc. Trung Quốc đã rất thành công trong việc gây áp lực và mua chuộc cả về kinh tế thương mại lẫn chính trị để xúc tiến quan điểm “Một Trung Quốc,” làm cho đa số các nước ngả theo Bắc Kinh để có cơ hội làm ăn ở một thị trường lớn nhất thế giới.
Do vậy, về phản ứng quốc tế, một cuộc chiến tranh xâm chiếm Đài Loan sẽ thuận lợi hơn rất nhiều so với cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine. Đó là điều làm cho ông Putin phải hết sức cân nhắc và bà Thái Anh Văn đang hết sức lo lắng.
Trở lại với tình hình xung đột Nga-Ukraine, giới quan sát ghi nhận biên giới Ukraine-Nga nóng lên từng ngày trong lúc các nỗ lực ngoại giao cấp cao để ngăn chặn xung đột cho đến nay vẫn chưa mang lại nhiều kết quả, vẫn chưa xác định được Tổng Thống Nga Vladimir Putin có những dự định gì, trong khi các nhà lãnh đạo phương Tây và Ukraine vẫn chưa đồng ý với nhau về cách đánh giá tình hình xung đột, do đó chưa có một chiến lược đối phó thống nhất và hữu hiệu.
Trên thực địa, Nga vẫn tiếp tục điều động quân đội và vũ khí áp sát biên giới Ukraine từ ba phía, sẵn sàng cho một cuộc tấn công xâm lược có thể diễn ra bất cứ lúc nào, như nhận định của ông Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ, bất chấp các quan chức Nga luôn miệng tuyên bố Moscow không có kế hoạch xâm lược Ukraine. Về phần mình, Hoa Kỳ và một số đồng minh chính ở Châu Âu như Anh đã thiết lập cầu không vận để đưa vũ khí, đạn dược đến giúp quân đội Ukraine phòng thủ; Hoa Kỳ đã bắt đầu triển khai các đơn vị lính dù và Thủy Quân Lục Chiến đến Ba Lan phối hợp với lực lượng phản ứng nhanh của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) bảo vệ sườn phía Đông, không để bị bất ngờ khi Nga tấn công Ukraine.
Các phân tích gia thời sự cho rằng, việc chuẩn bị của Nga đã vượt xa quy mô các cuộc tập trận thông thường, với 130.000 quân và rất nhiều vũ khí hạng nặng. Thậm chí có ý kiến nhận định nếu chiến tranh nổ ra, Nga có thể chiếm thủ đô Kyiv của Ukraine trong vòng 72 tiếng đồng hồ. Song song với việc tập trung quân đội và vũ khí, Moscow đang thực hiện một chiến dịch tuyên truyền rầm rộ làm cho đa số người dân Nga tin rằng, cuộc khủng hoảng ở biên giới với Ukraine là do Hoa Kỳ và NATO dàn dựng mà nước Nga chỉ là một nạn nhân bị chèn ép.
Tuy vậy, chúng tôi nghĩ rằng cuộc xung đột Ukraine-Nga chỉ là một chiến thuật gây sức ép của Putin hơn là một âm mưu gây chiến tranh bởi vì một chính trị gia lão luyện như Putin thừa biết cuộc tấn công Ukraine có thể bị phản tác dụng, hay nói cách khác, Nga chẳng thu được gì nhiều mà cái giá phải trả vô cùng lớn. Cuộc dàn quân về phía Tây của Nga đang thúc đẩy các nước NATO gia tăng binh lực ở các nước thành viên giáp biên giới với Nga như các quốc gia vùng biển Baltic. Các biện pháp cấm vận kinh tế, tài chính và công nghệ từ Hoa Kỳ và Châu Âu đã được lập kế hoạch và sẽ được kích hoạt nếu Nga bước qua lằn ranh đỏ ở Ukraine. Nước Nga đang khốn đốn vì dịch COVID-19 và kinh tế suy thoái chắc chắn người dân Nga sẽ không ủng hộ một cuộc phiêu lưu quân sự ở nước ngoài của ông Putin.
Ở Ukraine, chính quyền và người dân vẫn tự tin trước mối đe dọa quân sự của Nga, đồng thời chủ nghĩa dân tộc được khơi dậy; truyền thông quốc tế cho biết đã có nhiều lực lượng dân quân được thành lập và huấn luyện quân sự, chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh du kích trường kỳ nếu đất nước của họ bị quân Nga chiếm đóng.
Và như vừa nói trên, Ukraine là một quốc gia có quan hệ ngoại giao rộng lớn và tình hình ở nước này đang thu hút sự quan tâm sâu sắc của cộng đồng quốc tế. Những hoạt động ngoại giao cấp cao đang được đẩy mạnh trong vài ngày gần đây để tháo ngòi nổ xung đột. Hôm thứ Hai tuần này, Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc đàm luận kéo dài năm tiếng đồng hồ với Tổng Thống Putin mà trong cuộc họp báo vội vàng vào lúc nửa đêm ở Moscow ông Putin cam kết sẽ duy trì “đối thoại” với phương Tây. Sau khi rời Moscow, ông Macron đã bay tới Kyiv, thủ đô Ukraine và Berlin, Đức, tiếp tục đối thoại với các bên liên quan để tìm một giải pháp tránh chiến tranh.
Trong khi đó tại thủ đô Washington, Tổng Thống Joe Biden và tân Thủ Tướng Đức Olaf Scholz tìm cách thống nhất một lập trường chung, một phản ứng chung của phương Tây nếu Nga tiến hành chiến tranh xâm lược Ukraine. Ông Biden khẳng định, đường ống dẫn khí đốt Nord Stream II trị giá 11 tỷ đô-la đưa khí đốt của Nga đến các khách hàng Châu Âu sẽ bị đóng ngay lập tức và dự án sẽ bị hủy bỏ khi tiếng súng xâm lược nổ ra.
Với tất cả những diễn biến chính trị và ngoại giao như vậy, xung đột Nga-Ukraine khó có thể nổ lớn thành chiến tranh. Khả năng dễ xảy ra nhất là ông Putin sẽ tiếp tục duy trì sức ép quân sự ở Ukraine trong một thời gian dài nữa, gây ra tình trạng không chiến tranh nhưng cũng không hòa bình để buộc phương Tây bước vào những cuộc đàm phán kéo dài, tiêu tốn nhiều nguồn lực và sự quan tâm của Hoa Kỳ và phương Tây để rồi cuối cùng những yêu sách của Nga về một cấu trúc an ninh mới ở Đông Âu, trong đó vai trò và ảnh hưởng của Nga sẽ được mở rộng.
Nhìn về phương Đông, Trung Quốc muốn biết các cường quốc phương Tây sẽ phản ứng thế nào nếu Nga xâm lược Ukraine. Với Hoa Kỳ, Bắc Kinh tin rằng xung đột ở Ukraine có nguy cơ gây bất ổn cho Mỹ, làm suy yếu sự ủng hộ mà Washington dành cho Đài Bắc, thu hút sự quan tâm và nguồn lực mà Mỹ sử dụng để kiềm chế các tham vọng của Trung Quốc ở Châu Á-Thái Bình Dương nếu như không có cuộc xung đột Ukraine.
Ông Sử Ngân Hồng (Shi Yinhong), giáo sư về Quan Hệ Quốc Tế, Đại Học Nhân Dân Bắc Kinh, cho rằng “Ngay lúc này, Hoa Kỳ đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn và tuyệt vọng.” Ông Sử nhận xét nếu cuộc xung đột ở Châu Âu kéo dài thì Hoa Kỳ sẽ không thể tập trung cùng lúc vào hai mặt trận, nghĩa là không thể dồn sức cho cuộc đối đầu tiềm tàng với Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Cuộc xung đột Nga-Ukraine “cũng sẽ khuyến khích lập trường rất cứng rắn hiện nay của Trung Quốc và thúc đẩy chuẩn bị quân sự để giải quyết vấn đề Đài Loan,” ông Sử nói thêm với báo The New York Times.
Tổng Thống Thái Anh Văn theo dõi sát tình hình ở Ukraine và tháng trước đã cho thành lập một lực lượng đặc nhiệm nghiên cứu tác động của cuộc xung đột cách xa hàng ngàn dặm ở Châu Âu đối với tình hình eo biển Đài Loan. Đội đặc nhiệm này có nhiệm vụ giám sát và báo cáo thường xuyên về tình hình cuộc xung đột ở Ukraine. Đài Loan đã gia tăng mua sắm vũ khí, luyện tập quân sĩ và trong khi Đài Bắc vẫn trông cậy vào sự hỗ trợ mạnh mẽ của quân đội Hoa Kỳ, người Đài Loan ngày càng ý thức rằng họ cần phải làm nhiều hơn để tự đảm đương nhiệm vụ bảo vệ đất nước của họ.
Hoa Kỳ xem ra đang “lưỡng đầu thọ địch.” Washington một mặt khẳng định với các giới chức Đài Loan rằng cam kết hỗ trợ Đài Loan tự vệ vẫn vững như bàn thạch, một mặt cung cấp vũ khí đạn dược cho Ukraine phòng thủ trước nguy cơ bị Nga tấn công. Quả là một tình huống khó khăn cho Hoa Kỳ song không phải là tuyệt vọng như nhận xét của Giáo Sư Sử Ngân Hồng dẫn trên. Quân đội Hoa Kỳ có tính chuyên nghiệp cao, đã từng chiến đấu cùng lúc trên nhiều mặt trận nên không xa lạ với việc tổ chức tác chiến ở cả Châu Âu và Châu Á.
Thêm nữa, do vị trí địa lý, Đài Loan có ý nghĩa quan trọng với Hoa Kỳ trong chiến lược Châu Á-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, đối thủ số một của nước Mỹ trong thời đại mới. Chính quyền Biden nhiều lần nói rõ Washington sẽ không gửi quân tham chiến ở chiến trường Ukraine song không hề nói có sẽ gửi quân bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc tấn công hay không. Chính sách “mơ hồ chiến lược” này đã kéo dài qua nhiều đời tổng thống Mỹ và được coi là một yếu tố quan trọng ngăn ngừa sự phiêu lưu quân sự của Trung Quốc.
Trong diễn biến mới nhất, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken sau thời gian ngoại giao con thoi ở Châu Âu để làm dịu tình hình Ukraine, đầu tuần này đã bay sang Châu Á để làm việc với các đồng minh khu vực, chuẩn bị ứng phó với Trung Quốc nếu Bắc Kinh lợi dụng lúc Hoa Kỳ bận rộn với tình hình Ukraine để ra tay giành lợi thế “tiên hạ thủ vi cường.”
Leave a Comment