Thời gian qua, người ta nghe nhiều hơn đến cụm từ “đổi mới thể chế,” có vẻ rất thời thượng từ miệng một số cán bộ trung và cao cấp CSVN đã về hưu và một vài trí thức xã hội chủ nghĩa. Nếu cụm từ này được hiểu đúng theo nghĩa ghi trong từ điển thì muốn phát triển kinh tế xã hội phải đổi mới chính trị. Tức là phải bắt đầu từ sự thay đổi việc nắm giữ và sử dụng quyền lực nhà nước nhằm thúc đẩy những mô hình kinh tế sáng tạo hơn và bền vững hơn. Nền kinh tế phải đi vào phát triển chiều sâu thay vì mô hình phát triển dựa trên mở rộng đầu vào bằng lao động giản đơn, vốn và tài nguyên thô như lộ trình từ 1968 tới nay.
Thực ra, cụm từ này và nhiều sáo ngữ như “đổi mới,” “đột phá tư duy,” kiến tạo – phát triển… đã được nhắc tới nhiều mỗi khi đảng CSVN nhận thấy tình thế khó khăn và yêu cầu thay đổi trở thành cấp thiết. Tuy vậy, tất cả những thay đổi “cải tiến, cải lùi” nửa vời chỉ dừng lại trong lĩnh vực kinh tế. Trong khi, “cái áo” về chính trị và tư tưởng đã rách nát, chắp vá, phải “cơi nới” cho vừa với cơ thể già nua, phì nộn không thay đổi là bao. Mâu thuẫn từ các yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và việc kiểm soát quyền lực của đảng và lợi ích của các phe nhóm luôn gay gắt. Trong bối cảnh hiện nay, những mâu thuẫn này khó có thể tìm được tiếng nói chung.
Nền kinh tế “hồn Trung, xác Việt” sau 2 năm bị tàn phá bởi cả dịch bệnh và những chính sách chống dịch ngu xuẩn đã thực sự sụp đổ. Sài Gòn, đô thị lớn nhất miền Nam Việt Nam và là đầu tàu kinh tế của cả nước kể từ 1975 tới nay đã không thể giấu được sự tàn tạ và sa sút tới mức thê lương. Suốt chặng đường từ sân bay Tân Sân Nhất tới Biên Hòa, Đồng Nai, những con phố chính sầm uất nhất ở Quận 1, Quận 5, Quận 7, Quận 12… thưa vắng tới ngỡ ngàng với dãy dài những ngôi nhà mặt phố đắt giá, building cao ngất đóng cửa, treo biển bán nhà, cho thuê. Nhiều căn nhà dường như lâu nay không còn được tu bổ, biển hiệu cũ rách nát, băng rôn cho thuê chữ mờ vì mưa gió… cảnh tượng chưa từng có ở nơi chốn thị thành phồn hoa đô hội bậc nhất đất Phương Nam.
GDP dù được giới chức tuyên bố vẫn tăng trưởng 2,54% và các tờ báo lề đảng vẫn tự sướng là một trong 20 nền kinh tế thương mại hàng đầu thế giới. Tuy vậy, mức tăng trưởng kinh tế và thặng dư ngoại thương dựa vào khối doanh nghiệp nước ngoài đã gắng gượng duy trì các hoạt động sản xuất và tiếp tục đầu tư (dù đã giảm dần qui mô vốn trong 4 năm gần đây). Cũng như nhờ vào lợi thế của hàng loạt hiệp định thương mại với Liên Minh Châu Âu (EU), Mỹ, Nhật, Canada và gần đây là hiệp định RCEP, các doanh nghiệp Trung Quốc mượn tên, đóng dấu chữ Việt Nam để được hưởng ưu đãi thuế và né tránh các đòn trừng phạt của các chính phủ Tây phương với hàng hóa Trung Quốc như đang từng xảy ra trong giai đoạn 2016- 2021.
Việc mở rộng nguồn cung tiền được bơm vô tội vạ vào chứng khoán, bất động sản, đầu tư công lên tới 1,4 triệu tỷ đồng đã góp phần khiến cho giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng giá chóng mặt cùng với cơn ngáo giá đất khắp mọi nơi với đỉnh điểm cuộc đấu giá đất đầy nhạo báng ở Thủ Thiêm. Giá đất ở Việt Nam đã trở thành lố bịch khi còn vượt xa Bắc Kinh, Thượng Hải, Tokyo hay London. Thị trường chứng khoán Việt Nam với bản chất của những canh bạc đầy lọc lừa được bơm thổi bởi nguồn tiền dồi dào và cơn say máu của hàng triệu các nhà đầu tư nghiệp dư đã lập những đỉnh cao chưa từng có trong lịch sử. Sự bùng nổ của bất động sản và chứng khoán trong 2 năm dịch bệnh hoành hành đã góp phần khiến nguồn thu ngân sách tăng vượt mức chỉ tiêu. Song những hậu quả nghiêm trọng của nó sẽ kéo dài dai dẳng cho nền kinh tế.
Trong báo cáo kinh tế xã hội của giới chức CSVN, các chỉ tiêu như tăng trưởng GDP, tăng trưởng xuất nhập khẩu, thu ngân sách… luôn được nhấn mạnh hàng đầu. Trái với sự èo uột nền kinh tế và sự sụp đổ của hệ thống kinh tế tư nhân – động lực tăng trưởng quan trọng nhất của quốc gia, nguồn thu ngân sách để phục vụ cho hệ thống hành chính quan liêu “ăn không chừa một thứ gì” đã tăng vượt mức trong thời gian phong tỏa và dịch bệnh hoành hành.
Một phần lớn nguồn thu đó đến từ việc tăng giá nhập khẩu, thu từ chuyển quyền sử dụng đất, giao dịch chứng khoán và các sắc thuế mới. Bùi Trinh, một nhà kinh tế trong nước cho biết “Thu ngân sách của 11 tháng năm 2021 tăng 7,5% so với cùng kỳ, tức tăng 88.500 tỷ đồng, trong khi Chính phủ chi ra gói cứu trợ 26.000 tỷ đồng và rút từ tiết kiệm chi 14.620 tỷ đồng, tổng số khoảng 40.600 tỷ đồng. Điều này khiến người ta có cảm giác ‘tay trái cho tiền nhưng tay phải thu lại gấp đôi.'” Thực tiễn này, càng khẳng định thêm chính sách thuế khóa tận thu tàn bạo của CSVN trước thảm họa dịch bệnh và khủng hoảng kinh tế xã hội vừa qua.
Và cái gì cũng có cái giá của nó. Chỉ khi tận mắt chứng kiến tất cả các trung tâm thương mại, các chợ đầu mối truyền thống danh tiếng hàng trăm năm tuổi và những đường phố trung tâm Sài Gòn trở nên hoang tàn, vắng lặng tới ngỡ ngàng, nguồn thu từ khối dân doanh sụt giảm còn phân nửa… thì những người lập chính sách CSVN mới giật mình. “Trạng chết, Chúa cũng băng hà,” “con bò sữa TP. HCM” – nơi đóng góp tới 1/3 ngân sách quốc gia trong nhiều thập kỷ, đã bị vắt kiệt tới những giọt sữa cuối cùng trước khi gục ngã. Những con số thu ngân sách vượt mức theo chỉ tiêu kế hoạch nhờ tăng thu từ lĩnh vực bất động sản, chứng khoán trong bối cảnh khủng hoảng toàn diện như hiện nay không khác gì việc nền kinh tế “uống thuốc độc giải khát” và những ông vua ở xứ Đông Lào vẫn ngạo nghễ cởi truồng diễu phố với những chỉ số tăng trưởng đầy hoang tưởng và lừa mị.
Mới đây, Hà Nội đã cho hạ mức thuế VAT từ 10% xuống còn 8% và hạ các mức thuế dựa trên doanh số đối với các hộ kinh doanh cá thể, tư nhân… Khách quan, thì những chính sách này đáng ghi nhận. Xong, thực tế áp dụng và thi hành luật của Việt Nam thì luôn luôn là câu chuyện tiếu lâm, bi nhiều hơn hài. Những thay đổi muộn màng này, cần thời gian để đánh giá khả năng thực thi trong đời sống. Một nền kinh tế quá suy sụp khó có khả năng phục hồi hình V như mong đợi và sự kiên nhẫn của những cái dạ dày tham lam của giới chức CSVN thì luôn là thứ xa xỉ.
Khi nói đến cụm từ nhạy cảm “đổi mới thể chế” ở Việt Nam, có lẽ nên được hiểu là việc thay đổi các chính sách kinh tế. Tuy vậy, mọi sự thay đổi hiện trạng đều ảnh hưởng tới lợi ích nhóm tầng tầng lớp lớp. Một thiết chế chính trị hoàn hảo cho việc việc bóc lột, lừa dối, nhũng lạm như chế độ CSVN, tự nó không thể điều chỉnh theo hướng minh bạch, công ích.
Những lời kêu gọi “đổi mới thể chế” của những cán bộ về hưu và trí thức xã hội chủ nghĩa rụt rè trên truyền thông lề đảng không khác gì câu chuyện ngụ ngôn “đeo chuông cho mèo” của La Fontaine. Đàn chuột thì đều biết rằng ích lợi của việc nếu như có thể đeo vào cổ con mèo tai ác một cái chuông để có thể biết được con mèo đi tới đâu để tránh né. Nhưng vấn đề ở chỗ, có con chuột nào đủ can đảm và khả năng đeo được chiếc chuông vào cổ con mèo đó không?
Cuộc chọi chó phía sau hậu trường Ba Đình trong thời gian qua đã cho người dân được biết tới những thủ đoạn kinh tởm của bầy “kền kền Đỏ” trục lợi trên xương máu người dân trong thời gian ôn dịch cúm Tàu hoành hành. Hết “niềm tự hào” Việt Á, rồi đến những chuyến bay “giải cứu” thấm đẫm “nghĩa đồng bào”… được báo chí “lề đảng” tung hô lên mây xanh, đã bị bóc trần sự táng tận lương tâm của những bầy linh cẩu mặt người, nhân danh “do dân và vì dân.” Trước đó, cũng cần nhắc đến vô số những tiêu cực trong việc phân chia tiền cứu trợ.
Đúng như những gì mà truyền thông lề dân, “báo chí phản động” đã phản ánh, hệ thống công quyền CSVN đã làm tốt nhất việc góp phần tạo ra một thảm họa nhân đạo lớn nhất kể từ nạn “thuyền nhân” sau 1975. Hàng vạn người đã chết oan uổng, không có vaccine, thuốc điều trị, hỗ trợ y tế cần thiết, không được cung cấp thực phẩm và bị tuyệt đường sinh sống. Không những thế, người dân trở thành con mồi cho một đám ác nhân luôn tìm mọi cơ hội làm tiền bằng việc cưỡng bức xét nghiệm, cách ly tự trả phí, thực phẩm, vé máy bay với giá cắt cổ…
Có vẻ như Bộ Công An đang đóng vai là những người hùng trên mặt trận chống tiêu cực, là thanh gươm sắc bén để trừng trị tham nhũng và tiêu cực. Tuy vậy, cũng cần nhắc lại rằng mới đây, hàng loạt tướng lĩnh cấp cao của tổ chức này đã phải ngồi tù, kỷ luật vì những sai phạm tày đình như mang hệ thống máy tính chủ của Bộ Công An để sử dụng tổ chức các đường dây đánh bạc hàng nghìn tỷ, thâu tóm tài sản công, nhận hối lộ… Trong lịch sử hình thành và tồn tại của mình, tổ chức được coi là “thanh gươm và lá chắn” của đảng CSVN đã gây ra những tội ác mang tính hệ thống, man rợ và đẫm máu không khác gì Gestapo của Đức Quốc Xã.
Đại án tham nhũng liên quan tới kít xét nghiệm đểu Việt Á và những chuyến bay giải cứu của Cục Lãnh Sự là một đòn chí mạng với phe quân đội, Bộ Khoa Học – Công Nghệ, Bộ Y Tế, Bộ Ngoại Giao cũng như hàng ngũ quan chức đầu tỉnh của 63 tỉnh thành. Chỉ với hai vụ bê bối này cũng đủ để phe công an Tô Lâm loại khỏi cuộc đua quyền lực phân nửa các ủy viên trung ương không phải là người của Bộ Công An và ba trong bốn vị trí tứ trụ đương nhiệm.
Duy nhất Vương Đình Huệ người có thể trụ lại tiếp tục đảm nhận chức chủ tịch Quốc Hội hoặc chủ tịch nước – những vị trí bị coi là hữu danh vô thực của nhiệm kỳ tới. Nội các chính phủ sau tháng Mười, 2022 phần lớn sẽ do phe công an nắm giữ các vị trí trọng yếu. Mô hình quyền lực của Việt Nam đang trở thành một Myanmar thứ 2 ở Đông Nam Á và sự thay đổi này là một bước lùi về chính trị. Nó chỉ tạo điều kiện tốt hơn cho những lũng đoạn mang qui mô nhà nước vì quyền lực tuyệt đối, sẽ chỉ dẫn đến tha hóa tuyệt đối mà thôi.
Những biến động trên chính trường CSVN đang cho thấy rằng mọi nỗ lực hay lời kêu gọi “đổi mới thể chế” chỉ là một lời nói sáo cho vui của đám viên chức về hưu. Cũng chẳng có con chuột nào đủ khả năng để “đeo chuông cổ mèo” và con tàu XHCN Việt Nam đang lao nhanh đến chiếc cầu gãy mà không còn bộ phanh hãm nào cả.
Tân Phong
Leave a Comment