Chí Quang (VNTB)
Các tù nhân lương tâm đã làm phần của họ, giờ đây, phải chăng đến lượt chúng ta làm phần của mình? Hãy hành động!
Nhận được lời chúc tết của nhà báo độc lập-nhà đấu tranh vì tự do ngôn luận, PHẠM CHÍ DŨNG từ trại giam Xuân Lộc, nhiều độc giả của Việt Nam Thời Báo chắc chắn sẽ rất xúc động (trừ đám bò đỏ), khi được biết điều kiện sống hết sức tồi tệ của người bị tạm giam mà anh đã trải qua trong buồng tạm giam số 4 Phan Đăng Lưu trong thời gian dài (gián, chuột bò lên người vào ban đêm), rồi cách chính quyền cố tình xếp anh nằm ngủ sát bên các tù nhân mang bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (ghẻ, HIV) trong trại giam BỐ LÁ để gây áp lực tâm lý và trả thù đê hèn người phản biện, cũng như buộc tù nhân phải sử dụng nguồn nước nấu ăn hàng ngày nhiễm chất phèn độc hại trong trại giam XUÂN LỘC nhằm bào mòn sức khỏe tù nhân và đầu độc họ theo kiểu mưa dầm thấm đất, chắc hẳn mọi người rất thương cảm cho các nạn nhân và phẫn nộ vì cách đối xử vô nhân đạo của nhà cầm quyền với người bất đồng chính kiến.
Đây rõ ràng là phương pháp hủy diệt con người cho chết dần chết mòn rất có bài bản, rất thâm độc và man rợ. Nếu so sánh với kiểu giết người bằng cách dùng cuốc bổ vỡ sọ của khmer đỏ thì cao tay hơn nhiều, vì khi khmer đỏ dùng cuốc bổ vỡ sọ nạn nhân, sự đau đớn chỉ lóe lên trong chớp nhoáng rồi chấm dứt, nạn nhân sẽ chết đi và nhanh chóng được giải thóat khỏi đau khổ, thế giới văn minh sẽ lên án hành vi sát nhân đó là cực kỳ dã man vì nó luôn để lại một hiện trường đẫm máu.
Tuy nhiên, với “độc chiêu” tiêm nhiễm hóa chất độc hại, mầm bệnh hiểm nghèo…vào cơ thể tù nhân qua thực phẩm, nguồn nước sinh hoạt hàng ngày, để chúng âm thầm tấn công các cơ quan nội tạng của tù nhân từng chút một, thì mặc dù không thấy bạo lực, tra tấn, hay máu me gì cả, nhưng chắc chắn sẽ tàn phá sức khỏe của nạn nhân một cách chậm rãi và hiệu quả, dẫn đến một cái chết từ từ chậm chạp, bị hành hạ vật vã đớn đau trong thời gian dài, kể cả sau khi ra tù, mà không để lại hiện trường ghê rợn hay chứng tích rõ rệt, nên không thể bị lên án.
Thực trạng này cho thấy số phận các tù nhân lương tâm, những con người dám xả thân vì chính nghĩa, đang rất mong manh và cần được sự hỗ trợ tích cực từ các nhân tố bên ngoài môi trường lao tù đang giam giữ họ. Họ đã tranh đấu vì chúng ta, tại sao chúng ta không tranh đấu vì họ?
Câu hỏi đặt ra là đấu tranh như thế nào với một chính quyền không đếm xỉa gì đến lý lẽ?
Trước tiên và cơ bản nhất, khi các tù nhân lương tâm như Phạm Chí Dũng, Phạm Đoan Trang…lên tiếng phản biện, phê phán các chính sách, hành vi…của chính quyền, bằng ngòi bút và lý lẽ của mình một cách ôn hòa, họ chỉ thực thi quyền tự do ngôn luận của mỗi công dân được quy định bởi điều 25 của hiến pháp 2013, nhưng họ lại bị bắt giam để điều tra bất chấp luật pháp và dư luận. thời gian tạm giam để điều tra này có thể kéo dài tùy tiện theo ý muốn của chính quyền, có khi lên đến 2 năm.
Họ là một công dân, một con người, và do đó, dù họ có phạm tội gì đi nữa thì trong khi bị tạm giam, họ cần được đối xử như một con người.
Điều kiện vệ sinh trong buồng tạm giam dành cho họ phải đạt được một tiêu chuẩn tối thiểu cho một con người văn minh, bây giờ là thế kỷ 21 và một con người bị giam cầm trong một môi trường tối tăm chật hẹp chung với chuột và gián, các sinh vật độc hại, là không thể chấp nhận được, bởi đó là môi trường dành cho súc vật chứ hoàn toàn không thích hợp với con người. Đặc biệt, đối với một quốc gia đã tham gia vào công ước nhân quyền quốc tế 1982, thì đối xử với con người như vậy là hoàn toàn sai trái và vô nhân đạo. Cho nên điều kiện vệ sinh buồng giam phải được cải thiện, bảo đảm sạch sẽ, an toàn, không bị các sinh vật như chuột gián…xâm nhập. Nếu các buồng giam đã lắp camera giám sát thì tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế – Human Right Watch, phải được quyền truy cập để thường xuyên nắm bắt tình hình sức khỏe của người bị giam.
Mặc dù anh Phạm Chí Dũng không đề cập đến chất lượng thực phẩm hàng ngày được cung cấp cho người bị giam ở trại số 4 Phan Đăng Lưu, nhưng qua phản ánh của những tù nhân lương tâm bị giam giữ ở những nơi khác, thì chất lượng thực phẩm rất tệ, khẩu phần ăn ít ỏi, nghèo dinh dưỡng, cơm bị sống, thức ăn ôi thiu, nước uống bẩn và hôi…tóm lại, một tiêu chuẩn thực phẩm như vậy là dành cho con vật chứ không thích hợp với con người. Do đó, chất lượng bữa ăn cho tù nhân phải được cải thiện để đạt mức tối thiểu về dinh dưỡng và an tòan, mà tù nhân có thể ăn uống được để duy trì sự sống. Và chất lượng bữa ăn cũng phải được tổ chức nhân quyền thế giới thường xuyên giám sát.
Về vấn đề hàng trăm tù nhân nằm ngủ tập thể trong trại giam Bố Lá, việc trộn lẫn các tù nhân bị bệnh truyền nhiễm như ghẻ, HIV…với các tù nhân không bị bệnh truyền nhiễm cũng là hành vi vô nhân đạo. Các tù nhân có được khám sức khỏe định kỳ hay không? Có được điều trị khi mắc bệnh hay không? Nếu có, tại sao không tách họ ra ngủ ở một khu vực riêng trong thời gian điều trị, để tránh lây bệnh cho tù nhân khác? Dù họ là tù nhân, họ vẫn là con người, và cách đối xử với họ như vậy là cách đối xử dành cho con vật, thậm chí còn tệ hơn, vì khi một con gà bị cúm thì người ta luôn tách nó ra riêng để khỏi lây nhiễm cho cả đàn, huống chi là con người. Do đó, yếu tố này cũng cần được cải thiện nhanh chóng và có sự giám sát thường xuyên của các tổ chức quốc tế, nếu không, với một chính phủ luôn hành xử theo kiểu nói một đằng, làm một nẻo thì không có sự cam kết nào là đáng tin cậy.
Như anh Dũng phản ánh, khi được chuyển về trại giam Xuân Lộc, nguồn nước sinh hoạt ở đây là nước giếng nhiễm phèn nặng, nước uống phải tự mua, còn nấu ăn hàng ngày vẫn phải dùng nguồn nước nhiễm phèn này, nên việc bị hóa chất độc hại xâm nhập vào cơ thể dần dần qua các bữa ăn là không tránh khỏi. Thành thật mà nói, ngay cả nguồn nước máy sử dụng trong gia đình ở các thành phố, dù đã qua xử lý của hệ thống lọc nước quốc gia, cũng vẫn chứa các tạp chất không đảm bảo an toàn cho sức khỏe, nói chi đến nước giếng trong trại giam. Cho nên, một thiết bị lọc, xử lý chất phèn cần phải được lắp đặt tại trại giam này để thanh lọc bớt các tạp chất độc hại trong nguồn nước giếng, trước khi tù nhân dùng để nấu ăn. Các tổ chức từ thiện chắc chắn sẵn sàng gây quỹ để tài trợ cho dự án này, nhưng cần có sự hợp tác của chính quyền, và tất nhiên, họ phải được đích thân thực hiện việc lắp đặt thiết bị, chứ không thể giao kinh phí cho ban quản lý trại giam tự làm để tránh phát sinh tiêu cực.
Trên đây là một số các yêu sách cơ bản mà chúng ta, những người yêu chính nghĩa và có lương tri, cần phải đưa ra cho chính quyền, để cải thiện phần nào điều kiện sống đang rất tệ hại trong các trại giam của các tù nhân lương tâm. Yêu cầu nhà cầm quyền hãy đối xử với họ như con người. Tất nhiên, một chính phủ độc tài toàn trị sẽ không bao giờ tự nguyện đáp ứng những yêu sách đó, dù chúng hoàn toàn chính đáng. Chính phủ này sẽ chỉ miễn cưỡng đáp ứng các yêu sách trên, hoặc nhượng bộ phần nào, nếu bị áp lực mạnh mẽ từ phía quốc tế.
Được biết tân đại sứ Hoa Kỳ vừa nhậm chức tại Hà Nội, ông Marc Knapper, là một nhân vật có khuynh hướng ủng hộ việc phát huy dân chủ, nhân quyền ở nhiều khu vực trên thế giới, đã được ghi nhận. Và chắc chắn giờ đây, khi đến làm việc tại Việt Nam, ông ta cũng sẽ giữ nguyên lập trường xưa nay của mình, tức là ủng hộ cho quyền tự do ngôn luận của mọi công dân trong xã hội, như một phần của quyền con người cần phải được tôn trọng. Một người như ông ta chắc chắn sẽ không đồng ý với cách hành xử của chính quyền Việt Nam: bỏ tù những nhà báo như Phạm Chí Dũng, Phạm Đoan Trang…vì sự phản kháng ôn hòa chỉ bằng ngôn luận của họ, điều mà họ được quyền làm, căn cứ theo hiến pháp Việt Nam (điều 25). Và một người như ông ta chắc chắn sẽ cảm thấy rất phẫn nộ khi chứng kiến điều kiện sống tồi tệ của các tù nhân lương tâm này trong trại giam, điều kiện sống như súc vật mà họ đang phải chịu đựng hàng ngày. Chắc hẳn ông đại sứ Knapper sẽ đồng tình với các yêu sách về việc cải thiện điều kiện sống trong trại giam của tù nhân lương tâm đã nêu ở trên, mà chính phủ Việt Nam cần nhanh chóng thực hiện trong năm 2022. Với vị thế của mình, sự can thiệp và tác động của vị đại sứ này có thể sẽ gây được một áp lực nào đó với nhà cầm quyền Hà Nội.
Nếu như tất cả thân nhân của các tù nhân lương tâm, cùng với rất nhiều công dân có lương tri khác, đồng lòng ký một thỉnh nguyện thư gửi tới ông đại sứ này qua facebook của ĐSQ Hoa Kỳ (https://www.facebook.com/usembassyhanoi), nhờ ông ta can thiệp, thì mới hy vọng sẽ có hiệu quả, và mới giúp giảm bớt được sự khốn khổ cơ cực của các tù nhân lương tâm trong chốn lao tù.
Ngoài ra, nếu chúng ta có được sự ủng hộ từ tổ chức Anonymous thì chắc chắn không thế lực hung bạo tàn ác nào dám xem thường, vì khi tổ chức phi bạo lực này ra tay thì hậu quả không phải chuyện đùa. (https://www.anonymousforthevoiceless.org/contact)
Hiện nay, đó có lẽ là điều tốt nhất mà chúng ta có thể làm được cho họ, những tù nhân lương tâm bất khuất đã vì tất cả chúng ta mà bị giam cầm. điều đó có thể sẽ không thay đổi được gì nhưng ít ra, nó cũng làm cho lương tri của chúng ta được nhẹ nhõm phần nào vì đã không bỏ mặc họ cho bạo quyền mặc sức chà đạp như súc vật trong chốn ngục tù tăm tối.
Thế giới này dường như chỉ thay đổi khi mọi người chung tay làm cho nó thay đổi. Các tù nhân lương tâm đã làm phần của họ, giờ đây, phải chăng đến lượt chúng ta làm phần của mình? Hãy hành động!
Leave a Comment