Tết cổ truyền đang rất gần chúng ta.
Những ngày này, khắp nơi trên đất nước Việt Nam, các công sở nghỉ việc, các chợ búa nhộn nhịp những phiên chợ tết cuối năm. Từng đoàn xe và người vội vã trên những nẻo đường hướng về quê hương, bản quán của mình. Ở nơi đó là gia đình, họ hàng, là cha ông, là tất cả những điều gì mà cuộc đời con người Việt cảm thấy thân thương, gần gũi nhất.
Tết này khác những tết xưa
Nói đến tết, từ xưa đến nay, người ta vẫn nhắc đến câu ca dao:
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.
Đó là đặc trưng của ngày tết xưa, bởi ngày thường chẳng mấy khi có những thứ đó.
“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”.
Miếng ăn, đối với người Việt nhiều khi là mục đích, là mục tiêu phấn đấu cả năm lao động gian nan. Và nó quan trọng vô cùng trong đời sống con người. Bởi với thời tiết không thuận, thiên tai triền miên, ruộng đất thường nảy sinh nhiều bất ngờ, nên cuộc sống người dân bữa no, bữa đói. Vì thế, miếng ăn được đặt vào hàng hết sức quan trọng trong đời sống con người Việt Nam.
Có lẽ cũng vì thế, mà người dân Việt có tục lệ từ lâu đời là hễ có người chết, thì điều quan trọng, đầu tiên, là phải kiếm bằng được bát cơm, đôi đũa và quả trứng đặt lên đó cho người chết. Rồi ngày ngày cúng cơm, cúng nước cho đến khi giỗ, chạp.
Dẫu biết rằng, những thứ bày biện lên đó, bố mẹ, người thân đã qua đời cũng chẳng ăn được, chẳng hưởng dùng được. Dân ca Nghệ Tĩnh có bài hát ru bằng điệu ví dặm, có những câu ví như: “Khi cúng hương, cúng lửa. Khi lễ nhạc, song kỳ. Chẳng thấy thầy ăn chi. Chẳng thấy mẹ ăn chi. Chỉ một ruồi với ruồi. Chỉ một ruồi với kiến”.
Thế nhưng, nỗi sợ cái đói, cái rét đã ăn sâu trong tâm khảm người Việt tạo nên nét văn hóa đó.
Đời sống người dân Việt Nam mà đa số là ở nông thôn, cả năm ăn chay nhịn khát. Và trong đời sống hàng ngày, khi mà năng suất lao động thấp, sản phẩm nông nghiệp nghèo nàn, thì trong bữa cơm ngày thường, miếng thịt cũng là mơ ước. Chính vì vậy, “Thịt mỡ, dưa hành” không là những thứ cao sang, nhưng không phải đời thường khi nào cũng có, mà chỉ chờ đến “Chiều ba mươi tết, thịt treo trong nhà”. Còn ngày thường chỉ là dưa cà, mắm muối. Nếu như người nông dân có miếng thịt mỡ, họ cũng đưa rán lên để dành mà nấu canh, để rán trứng… hoặc sử dụng như một thứ gia vị chứ đã mấy ai dám ăn thỏa thích.
Những điều này còn dai dẳng đeo bám người dân Việt Nam, nhất là trong thời kỳ đảng CSVN tiến hành cả 3 cuộc Cách mạng với nền kinh tế tập thể nhằm “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Chủ nghĩa xã hội”.
Mãi cho đến mới gần đây, khi đảng không còn “kiên định” với đường lối phản khoa học đó nữa, thì đất nước Việt Nam mới trở lại với thời xưa khi miếng cơm không còn là mơ ước.
Ngày nay, bữa cơm no, miếng thịt ngon không còn là cao xa, khó khăn với đại đa số dân chúng Việt Nam. Nhưng nét văn hóa sợ đói khát, lo miếng ăn đã trở thành nét văn hóa lâu đời.
Chuẩn bị đón tết, cũng là dịp để người ta chăm sóc, dọn dẹp, trang trí lại nhà cửa để đón năm mới. Phiên chợ tết, người ta gặp những hàng quán bán những hoa giấy, hoa lụa hoặc các tranh vẽ, câu đối để trang trí lại ngôi nhà mà bình thường, người dân chỉ lo lao động đầu tắt mặt tối ít khi có điều kiện. Do vậy, trong các gánh hàng của người mẹ đi chợ Tết về, thường kèm theo bó hoa bằng giấy, bằng lông gà, vài ba câu đối đỏ với nội dung cầu mong gia đình hạnh phúc, con cháu an khang, tết nhất đầm ấm vui vẻ.
Ngày nay, khi mà cuộc sống người dân không còn chật vật, nơi ăn chốn ở không đến mức độ như ngày xưa. Nhiều gia đình đã có nhà đẹp, trang trí sang trọng, thì câu đối, hoa giấy, hoa lụa như xưa đã ít đi để thay vào đó là những vật dụng đắt tiền, những hoành phi, câu đối bằng gỗ, mạ vàng, nhũ bạc.
Thế nhưng, vẫn còn đâu đó nhiều nơi, câu đối vẫn tồn tại, Một vế đối hay, một câu đối có ý nghĩa, hợp lòng người vẫn là nội dung bàn tán của những hậu duệ các “ông đồ xứ Nghệ”.
“Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”.
Chiếc bánh chưng xanh, là món bánh cổ truyền vẫn được giữ đến ngày nay, tuy rằng không còn náo nức, không còn sự hồ hởi của cả không chỉ con trẻ mà cả người lớn như xưa. Bởi cũng do trước đây, để có được nồi bánh chưng cho cả nhà ăn tết đầm ấm, người dân Việt Nam cũng phải trải qua bao lo lắng quanh năm. Vì vậy nó hiếm, và vì hiếm nên háo hức.
Còn ngày nay, các dịch vụ phát triển nên nhiều nơi đã không còn cái thú vị của những đêm lạnh mùa đông, ngồi bên nồi bánh chưng sôi và chờ đến khi vớt, khi lau rửa chuẩn bị cho chiếc bánh đón xuân.Nhưng chiếc bánh chưng xanh vẫn còn mang hương vị ngày tết cổ truyền của người dân Việt.
Trước đây chưa lâu, chỉ hơn ¼ thế kỷ trước, trước năm 1995 thôi, trong những gói hành lý của người khách từ phương xa về quê, trong các chợ tết, người ta có thể thấy những bánh pháo tép, những chùm pháo hoa khoe mà đỏ. Trong bếp mỗi nhà, bên cạnh nồi bánh chưng sôi sùng sục, thì xa xa cũng có một bánh pháo nhỏ được đem hong thật khô để chuẩn bị cho giây phút giao thừa.
Thế rồi khi giao thừa đến, khắp thôn làng, ngõ phố, tiếng pháo rộ lên xua đuổi tà ma, ám khí để đón mừng mùa xuân. Những đứa trẻ háo hức khi nghe tiếng pháo, đua nhau xem pháo nhà ai nổ to hơn, giòn hơn. Những làn khói pháo bay lên giữa đêm giao thừa, như xua đì tà ma, ám khí để đón một làn khôn khí mới đến với quê hương, dân tộc và mọi nhà.
Những xác pháo đỏ hồng trước ngõ, đầu sân được giữ nguyên trong ba ngày tết, để cầu mong phúc lộc vào nhà ngay từ đầu năm mới…
Tất cả mới như hôm qua.
Nhưng, chỉ là hôm qua mà thôi.
Kể từ khi khối Cộng sản Đông Âu sụp đổ, đảng đã thấy bài học nhãn tiền về lòng dân với một chủ thuyết hoang đường, bạo tàn và bất nhân. Những làn sóng người dân đổ ra đường, lật đổ các chế độ độc tài cộng sản khắp nơi trên thế giới, đã làm cho những kẻ cầm quyền CSVN run sợ.
Trong sự hoảng sợ đó, người cộng sản Việt Nam đã tìm cách loại trừ bằng được những điều mà họ nghĩa là người dân, quần chúng yêu quý mà họ tự nhận rằng họ là đội quân tiên phong, là đầy tớ trung thành, tận tụy… sẽ có một ngày vùng lên, để đưa họ về đúng vị trí của họ là sọt rác lịch sử. Thế nên, họ nghĩ ra mọi cách để hạn chế sức mạnh của người dân.
Trước hết là tịch thu bằng hết súng đạn, chất nổ, vũ khí, rồi dần đến công cụ hỗ trợ, dao búa… là những thứ mà trước đây họ cấp phát cho dân chúng để đi theo họ cướp chính quyền.
Như vậy vẫn chưa yên. Những tiếng nổ, vốn là cái mà họ dùng, họ thích, họ say mê trong chiến tranh để tiến hành các cuộc khủng bố như đánh bom nhà hàng, rạp chiếu bóng, câu lạc bộ… Hay như tiếng pháo Giao thừa là tiếng nổ che lấp tiếng pháo tấn công của họ, lời chúc mừng năm mới của Hồ Chí Minh là hiệu lệnh tổng tấn công Mậu Thân 1968.
Kết quả là hàng ngàn, hàng vạn người dân, người lính Việt Nam bỏ xác sau lời chúc tết “Tiến lên, Toàn thắng ắt về ta” của Hồ Chí Minh.
Chính từ kinh nghiệm tàn bạo của mình, người CS thấy sợ hãi. Và rồi ngày 8/8/1994, Võ Văn Kiệt, Thủ tướng chính phủ CSVN ban hành Chỉ thị: Kể từ ngày 1/1/1995 nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ trong phạm vi cả nước.
Và thế là từ 1995, nhà cầm quyền CSVN chính thức cấm pháo. Còn người dân, thì mới ngỡ ngàng bảo nhau: “À, thì ra đâu chỉ có chó mới sợ pháo. Đảng còn sợ pháo hơn nhiều”
Cây nêu ngày Tết để trừ quỷ.
Theo truyền thuyết dân gian. Ngày Tết nhất thì Quỷ quái , ma tà hay vào phá hoại cuộc sống bình yên của người dân. Do vậy người xưa dựng cây nêu ngày Tết nhằm xua đuổi ma quỷ và tà thần yêu quái để được yên lành ăn tết.
Cây nêu thường được cắm lên bằng cây cao phía trên có lá dứa, cành đa, vôi bột… và những thứ ghê tởm đến ma quỷ cũng phải sợ, phía trên thường có cái khánh và cung tên nhằm đe dọa nhằm làm cho ma quỷ cũng phải chú ý sợ mà tránh đi nơi khác.
Nghĩa là, những thứ treo lên cây nêu, là những thứ làm cho ma quỷ cũng phải kinh hồn, bạt vía mà không dám bén mảng.
Câu ca dao ngày xưa:
Cành đa lá dứa treo kiêu
Vôi bột rắc ngõ chớ trêu mọi nhà,
Quỷ vào thì Quỷ lại ra,
Cánh đa lá dứa thì ta cứa mồm
(Trích: Kho tàng truyện Cổ tích Việt Nam – Nguyễn Đổng Chi)
Truyền thuyết dân gian về ý nghĩa cây nêu là vậy. Tuy nhiên, ngày nay dưới thời cộng sản, cũng như mọi thứ tôn giáo mà đảng đã khuynh loát, mọi nội dung đều thay đổi.
Ngày nay, đi đến nhiều bản làng, nhiều vùng nông thôn, thậm chí là cả phái đoàn lính của VN tại Sudan trong lực lượng của Liên Hợp Quốc cũng dựng cây nêu. Thế nhưng, cây nêu ngày nay, thay vì cành đa, lá dứa, vôi bột, tóc rối và những thứ dơ bẩn để đe dọa ma quỷ đã được thay bằng cờ đỏ búa liềm và cờ đỏ sao vàng.
Điều này gây lạ cho nhiều người. Bởi truyền thống dân tộc không có việc treo cờ, dù của bất cứ tổ chức, đất nước, hội hè nào lên cây nêu. Chỉ có cây cờ điếu trong đám tang, mới có chùm lá phía trên một dải vải tang khi tiễn đưa người chết.
Và điều này, chỉ có thể giải như sau.
Ngày nay, người dân thấy rằng những thứ như cành đa, lá dứa, vôi bột, tóc rối, những thứ dơ bẩn của phụ nữ cũng không có tác dụng nhiều, không gây sợ hãi nhiều bằng cờ đảng, cờ đỏ…
Kinh nghiệm dân gian gần thế kỷ qua cho biết: Hễ thấy cờ búa liềm là biết ở đó có đâm chém, giết chóc máu me tàn bạo, thấy cờ đỏ là biết ở đó “đường vinh quang được xây bằng xác quân thù”… Ở đó, khi nghe những tiếng thân yêu nhất như đồng chí, anh em… là lúc mà các nạn nhân chết rồi vẫn chưa hiểu lý do. Bởi lúc đó, “bọn đầy tớ” lại đi hút máu “ông chủ”, bọn “trong sạch vững mạnh” là những đứa thối tha, những “tấm gương” chính là điển hình của sự khốn nạn trong xã hội. Thế thì người còn kinh sợ nữa là ma quỷ.
Thế nên từ những năm gần đây, dân chúng đã thay những thứ tà ma, ám quỷ, dơ bẩn, đe dọa kia bằng cờ đảng và cờ đỏ.
Và chúng ta có thể nhìn thấy những cây nêu đó nhiều nơi trên đất nước. Tương tự người ta dán những thứ bùa ngải trước ngõ hay chuồng gà chuồng lợn để kỵ huý.
Cũng nhiều nơi, nhiều người giải thích rằng: Nói như trên cũng chỉ mới một phần. Mà chủ yếu là trong thế giới ma tà, quỷ quái và ôn dịch… cũng có quy luật như của thế giới động vật. Đó là thằng lớn ăn hiếp thằng bé. Cứ thằng nào to xác hơn, tàn bạo hơn, ma quái, mưu đồ hơn… thì thằng khác thấy phải tránh, không ngu gì mà vào đó tranh giành lãnh thổ của nó không gãy xương thì cũng nát thịt.
Thế nên, nhìn thấy dấu hiện Cộng sản, thì lũ yêu quái ma tà, ôn dịch kia liệu kiếm đường mà tránh nếu không muốn thằng dữ hơn, khốn nạn hơn, kinh hoàng hơn nó thịt.
Bởi ma quỷ dịch bệnh, tà thần hay ôn dịch yêu quái chẳng có gì đáng sợ trước virus cộng sản. Những con chó thường đánh dấu vào gốc cây bằng cách đái một bãi, cũng là theo nguyên tắc, quy luật này đó thôi.
Câu ca dao ngày nay trở thành:
Búa liềm, cờ đỏ làm nêu
Khẩu hiệu đầy ngõ… chớ trêu loại này
Quỷ ma, ôn dịch đến đây
Bóng cờ của đảng sánh tày ma vương.
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Leave a Comment