Ngô Nhân Dụng – VOA
Vladimir Putin đe dọa Ukraine với hơn 100,000, đại pháo, hỏa tiễn, chiến xa, mang theo cả các đoàn xe tải thương và bệnh viện dã chiến. Nga đưa chiến hạm đến bờ Hắc Hải và Biển Azov phía Đông Nam Ukraine, chuyển các hỏa tiễn “địa-không” S-400 và phi cơ chiến đấu qua nước Belarus, nằm sát trên Ukraine. Nếu tấn công, quân Nga có thể chiếm một nửa xứ Ukraine trong một ngày, vì hỏa lực mạnh gấp bội.
Phía bên kia, Mỹ và NATO chỉ viện trợ cho Ukraine các vũ khí phòng thủ. Không một nước nào tính đem quân vào cứu nếu Ukraine bị tấn công. NATO có 4.000 quân đồn trú trong các nước hội viên, Estonia, Lithuania, Latvia và Ba Lan; có thể được tăng cường với 5.000 quân Mỹ. Đan Mạch gửi chiến đấu cơ F-16 tới Lithuania; Tây Ban Nha đưa chiến hạm lên biển Baltic; Pháp chuẩn bị đưa quân tới Romania; Hòa Lan phụ họa. Anh quốc, Lithuania, Estonia gửi tặng Ukraine các vũ khí chống chiến xa.
Các chính phủ Anh và Mỹ đã yêu cầu gia đình các nhân viên sứ quán ở Kyiv trở về nước. Nhưng 45 triệu dân Ukraine không tỏ ra sợ hãi! Không ai tới ngân hàng rút tiền ra đem đổi lấy đô la, như dân Sài Gòn đầu tháng Tư năm 1975. Đồng “hryvnias” tiền Ukraine không tụt giá nhiều so với mỹ kim.
Tổng thống Volodymyr Zelensky yêu cầu dân chúng hãy sinh hoạt bình thường, ông nói, “Ukraine sẽ không để bị khiêu khích đánh bẫy, chúng tôi sẽ bình tĩnh và tự kiềm chế.” Từ năm 2014, sau khi Putin chiếm Crimea và xúi giục dân nói tiếng Nga nổi dậy đòi tự trị trong vùng Donbas, gây cuộc “nội chiến” chết 14,000 người, dân Ukraine đã quen sống dưới đe dọa thường trực.
Nhật báo The Wall Street Journal ngày 25 tháng 1 năm 2022 kể chuyện dân thị xã Mariupol, sống ở biên giới Ukraine và Nga. Dân ở đây phần lớn nói tiếng Nga, vốn thân Nga, nhưng trong bảy năm qua đã đổi ý kiến. Vì họ thấy đời sống còn tốt hơn vùng Donetsk và Luhansk, cách đó 20 cây số, do phe ly khai thân Nga kiểm soát. Nhà máy thép vẫn hoạt động, xuất cảng tới 50 nước khác. Chính phủ Ukraine đã mở mang các công viên, xây dựng nhà bên bờ biển, các quán mở cửa, dân tụ họp ăn uống như không hề biết chiến tranh đang đe dọa. Quỹ Phát triển Liên Hiệp Quốc và Ngân hàng Đầu tư Âu châu mới mở hai trường học cho trẻ em khuyết tật. Xe vận tải của bộ Xã hội Ukraine, do LHQ và Canada viện trợ, tới trợ giúp những vùng xa như thị xã này.
Dân Mariupol không thích chính phủ ở thủ đô Kyiv, nhưng họ biết một chế độ như ở nước Nga thì tồi tệ hơn. Bà Natalie Sheglova, 60 tuổi, nói “Chúng tôi không tin tưởng gì vào chính phủ ở Kyiv, nhưng sống dưới chính phủ Nga thì không thể nào đời sống tốt đẹp hơn.
Từ năm 2014 khi Nga chiếm Crimea và gây cuộc nổi loạn ở Donbas, dân Ukraine chống Nga mạnh hơn trước. Nhiều người đã ngưng không nói tiếng Nga nữa, chỉ nói tiếng Ukraine; họ kéo đổ những bức tượng Lenin còn sót lại. Người ta còn nhớ chính sách tập thể hóa nông nghiệp của Stalin thời 1930 đã làm bốn triệu dân Ukraine chết đói, mặc dầu xứ này xưa kia vẫn là vựa lúa nuôi cả đế quốc các Nga hoàng.
Dân Ukraine không phải chỉ bình thản chờ coi bao giờ ông Vladimir Putin tấn công. Một cuộc nghiên cứu dư luận cuối năm 2021 cho thấy một phần ba những người trả lời nói nếu chiến tranh xảy ra họ sẵn sàng cầm súng chống cự. Họ đang chuẩn bị cuộc kháng chiến lâu dài.
Phóng viên báo Wall Street Journal đã chứng kiến một cuộc huấn luyện quân sự trong một rừng thông ở gần thủ đô Kyiv. Ngày 26 tháng 12, 2021, tờ báo mô tả cảnh những người dân đang học đánh du kích. Những thầy giáo, kế toán viên, người hầu bàn hay kỹ sư điện toán, lái những xe Toyota và Ford của mình kéo nhau vào rừng. Một quân nhân đang dạy họ cách lắp sợi dây ngòi nổ vào một trái mìn chống chiến xa. Huấn luyện viên Mykhailo Hiraldo-Ramires giải thích, “Quân Nga rất nhiều “tank” còn chúng tôi không có đủ hỏa tiễn Javelin chống lại. Vì thế chúng tôi sẽ đón họ với mấy thứ “bánh bò” này!”
Bà Marta Yuzkiv, một bác sĩ đã ghi tên dự khóa huấn luyện trong tháng này, nói, “Quân đội chúng tôi mạnh, nhưng không đủ sức chống lại quân Nga. Nếu nước tôi bị chiếm đóng, tôi mong điều đó không xảy ra, thì cả nước sẽ chiến đấu.”
Giới trí thức và chuyên môn tổ chức quyên góp tiền bạc, hô hào mọi người chuẩn bị kháng chiến; đồng thời giúp quân đội chế tạo các chiến cụ, như máy bay thám thính không cần người lái. Ông Danylo Kovzhun, một kỹ sư điện tử 46 tuổi, đang cố hoàn thành một dụng cụ điều khiển từ xa các ổ súng quay tròn. Năm 2014, Kovzhun đã đi quyên góp lương thực, quần áo và chiến cụ giúp quân đội. Năm nay Kovzhun đang dạy các đứa con, 10 và 14 tuổi, tập tháo, ráp và sử dụng súng lục, súng trường.
“Người dân bình thường đang phải chuẩn bị chiến tranh,” Kovzhun nói, mặc dù, “Tôi không muốn sống trong tình cảnh này. Tôi chỉ muốn thanh thản uống rượu bia, mua một căn nhà trên bờ biển.” Nhưng ông còn nhớ lịch sử, “Hàng triệu con người đã chôn xác ở đây, chiến tranh diễn ra hàng thế kỷ. Nếu chiến tranh tái diễn chúng tôi sẽ chết rất nhiều. Nhưng tôi không tin Nga sẽ chiếm được đất nước tôi.”
Dân chúng Ukraine ghi tên dự các lớp quân sự, chế tạo mìn, cứu thương, được chính phủ tổ chức hay các nhóm tư nhân được chính phủ giúp đỡ. Đây không phải là một điều mới lạ. Năm 2014 khi Nga giúp quân nổi loạn ở miền Đông Nam, một phong trào dân quân tình nguyện đã bắt đầu vì quân đội chính quy không đủ sức chống cự.
Ngày nay quân đội Ukraine đã mạnh hơn nhiều, nhưng từ năm ngoái, các đơn vị bộ binh đã mở những khóa học tập hàng tuần cho các người dân tình nguyện tham dự. Bộ Quốc Phòng chính thức thành lập một đạo Quân Tự Vệ gồm những người tình nguyện. Một tổ chức tư nhân, Đạo Quân Ukraine, cũng mở các khóa huấn luyện, các người tham dự góp trả tiền phí tổn.
Những nước láng giềng của Nga, xưa bị ép vào Liên bang Xô Viết, như Estonia, Latvia và Lithuania trong vùng Baltic đã có những chương trình tương tự, huấn luyện dân chúng sẵn sàng lập các đội dân quân chiến đấu nếu bị quân Nga chiếm đóng. Chính phủ khuyến khích dân chúng cất giữ súng trong nhà, phòng khi cần đến. Các nước khác ở Âu châu, Na Uy và Thụy Sĩ đã thi hành chính sách này từ thời Đại Chiến Thứ Hai, bây giờ đang được nhiều nước Đông Âu áp dụng theo.
Bộ Quốc phòng Ukraine không tiết lộ bao nhiêu thường dân đã tham dự các lớp huấn luyện quân sự; nhưng Tướng Anatoliy Barhylevych, chỉ huy phó lực lượng phòng ngự, cho biết sẽ có 100.000 dân quân tình nguyện nếu Nga tấn công. Mục tiêu của quân đội Ukraine không phải là đánh bại quân Nga, một chuyện khó thành công, nhưng chỉ tạo càng nhiều chướng ngại càng tốt để cản trở quân xâm lăng. Họ có thể đối đầu với quân Nga, phần lớn là những thanh niên Nga bị bắt đi làm nghĩa vụ quân sự và không có kinh nghiệm chiến trường.
Mỹ và các nước NATO hứa sẽ đưa quân, tàu chiến, máy bay chiến đấu tới các nước chung quanh Ukraine để cho ông Putin thấy kết quả trái ngược với điều ông muốn: NATO đoàn kết hơn, sẽ đưa quân đội đến gần biên giới nước Nga hơn. Nhưng yếu tố quan trọng nhất có thể làm Putin nản lòng không muốn tiếp tục phiêu lưu nữa, là ý chí chống cự đến cùng của dân Ukraine.
Dân Ukraine muốn cho Vladimir Putin thấy ông ta sẽ bị sa lầy ở Ukraine giống như quân Nga tiến vào Afghanistan hơn 40 năm trước.
Leave a Comment