Một tập đoàn công nghệ được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn đang từ bỏ hai dự án chip nhớ, theo tin tức độc quyền từ Nikkei Asia.
Tập đoàn khổng lồ Tsinghua Unigroup với nợ nần chồng chất, đã hủy bỏ các dự án chip nhớ ở hai thành phố Trung Quốc.
Một trong các dự án chip nhớ bị chấm dứt là cơ sở 16 tỷ USD ở Trùng Khánh. Dự án thứ hai bị hủy bỏ là ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, nơi tập đoàn đã từng lên kế hoạch xây dựng một cơ sở 24 tỷ USD để sản xuất loại chip nhớ “flash 3D NAND”.
Tsinghua Unigroup đã gặp khó khăn về tài chính cũng như những thách thức trong việc tìm nguồn cung ứng thiết bị sản xuất chip trong bối cảnh ngày càng căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh.
Tập đoàn đã bị ảnh hưởng bởi các hạn chế của Hoa Kỳ đối với quyền tiếp cận các loại công nghệ quan trọng. Và cho dù có đánh cắp được thiết kế sở hữu trí tuệ, các chip hiện đại vẫn khó có thể được sản xuất nếu không có máy móc công nghệ cao.
Vào tháng 12 vừa qua, Tsinghua Unigroup đã đệ trình dự thảo kế hoạch tái cơ cấu nợ lên Tòa án Nhân dân Trung cấp Số 1 Bắc Kinh để phê duyệt sau khi được cho là đã đảm bảo được khoản tiền 60 tỷ nhân dân tệ (tương đương với 9,42 tỷ USD) từ các nhà đầu tư chiến lược để giúp trả nợ cho các chủ nợ. Đến nay, các nhà đầu tư mới đang hủy bỏ các dự án thất bại để tập đoàn có thể khởi động lại.
Các dự án sản xuất chip nhớ DRAM và NAND là một phần trong kế hoạch lớn của Bắc Kinh nhằm làm cho Trung Quốc bớt phụ thuộc vào công nghệ phương Tây.
Khi căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc bùng phát vào năm 2018 dưới thời chính phủ Trump, tập đoàn Tsinghua Unigroup với các dự án khổng lồ sản xuất chip nhớ, đã từng được coi là niềm hy vọng vĩ đại của Trung Quốc trong lĩnh vực tự cung tự cấp chất bán dẫn.
Vào tháng 11 năm 2019, Tsinghua Unigroup đã lôi kéo được sự hợp tác của Yukio Sakamoto để giúp xây dựng năng lực của tập đoàn Trung Quốc trong việc phát triển và sản xuất các chip bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động.
Sakamoto là cựu giám đốc điều hành của Elpida Memory, một công ty đã từng được niêm yết trên sàn chứng khoán Tokyo ở Nhật Bản. Ông ta có mối thù riêng với Micron Technology, một tập đoàn khổng lồ của Mỹ đã tiếp quản Elpida Memory với giá rẻ mạt 2,5 tỷ USD vào tháng 7 năm 2012.
Ông đã thất bại trong việc cạnh tranh với Samsung Electronics của Hàn Quốc, và sự phá sản của Elpida Memory là một đòn giáng mạnh vào Yukio Sakamoto. Vì thế, ông đã sẵn sàng hợp tác với Tsinghua Unigroup của Trung Quốc.
Nhưng kết cuộc, Sakamoto ở tuổi 73 đã rời Tsinghua Unigroup vào cuối năm ngoái sau khi việc tuyển dụng một đội chuyên gia không hề diễn ra như mong đợi.
Chủ tịch của Tsinghua Unigroup, Zhao Weiguo, đã từng tuyên bố tập đoàn của ông ta sẽ chi 100 tỷ USD trong 10 năm tới để xây dựng một ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc với đẳng cấp chưa từng có trên thế giới.
Các kế hoạch đẳng cấp như thế, bây giờ đang tan nát./.
Người Đà Lạt Xưa
Leave a Comment