Đôi khi nhìn sự phát triển xã hội chỉ thông qua một số hình ảnh điển hình là đủ. Nhiều nhà nghiên cứu thị trường chọn các khu chợ để điều nghiên và cho kết quả khá tương thích với thực tế. Và một số nhà xã hội học, nghiên cứu văn hóa lại chọn hình ảnh Cò để so sánh mức độ phát triển hay thụt lùi của đất nước. Vậy chọn ra sao và so sánh dựa trên tiêu chuẩn nào?
Trước nhất, thử chọn hai hình ảnh Cò tại miền Nam Việt Nam trước và sau 1975, cách chọn này dựa trên căn cứ về xã hội học, giáo dục, kinh tế, văn hóa và chính trị. Sự khác biệt giữa thể chế Việt Nam Cộng Hòa và Cộng Sản xã hội chủ nghĩa trên vùng đất này sau mốc lịch sử 1975 cũng như các chính sách về kinh tế, giáo dục, văn hóa hoàn toàn khác nhau sẽ cho ra sự khác biệt cần thiết và điều đó được khái quát, cô đọng trên hình ảnh Cò.
Nói tới cò, trước 1975, ám chỉ người làm công việc kết nối giữa người mua và người bán, ăn đồng hoa hồng và cả khoản tiền thưởng của cả hai bên khi hợp động đạt được sự thỏa thuận viên mãn. Hình ảnh của những người này giống như những con cò lặn lội bờ sông, ruộng đồng, chịu mưa chịu nắng, rị mọ, tìm từng con tép, con tôm, con cá nhỏ… Nói tới cò, người ta nghĩ đến những cuộc đời chịu thương chịu khó, hi sinh và đắng cay. Hình ảnh cò trong xã hội loài người cũng vậy, những người chịu thương chịu khó, chịu tìm tòi chỗ này bán thứ này, người kia cần mua thứ nọ để mà kết nối họ với nhau, để bằng cả sự trung thực và thành tâm, phân tích, chỉ ra cái hay cái dở cho cả bên mua và bên bán, để hợp đồng đi đến thỏa thuận thành công. Và mỗi đồng kiếm được của họ bao gồm cả mồ hôi, lương tri và nhiều khi cả nước mắt.
Trước 1975, khi nhắc tới cò nhà, cò dịch vụ, người ta nhắc bằng một sự thương cảm, đôi khi cả ân cần và nể vì, bởi nếu không có họ, việc mua hay bán thứ gì đó sẽ chậm đi, không như mong muốn. Điều đó ngược với cò bây giờ, bây giờ không mấy người thích chữ Cò, người ta thích gọi họ là người môi giới, người làm dịch vụ giới thiệu, kỳ thực là họ đang làm công việc của cò. Nhưng tại sao họ lại không thích chữ Cò khi nói về họ?
Bởi cái tâm lý không thích lượm đồng ba rơi, không thích lặn lội bờ sông để nhặt từng con tôm, cái tép, không chấp nhận mình là cò, mà phải nhảy lên làm một người tư vấn tài chính, môi giới mua bán, cái thứ tâm lý nhiễm từ cung cách của dịch vụ đa cấp, bảo hiểm đã nhanh chóng đẩy người ta đến chỗ cao ngạo, không chấp nhận thân phận, không chấp nhận địa vị và muốn mình phải là một thứ gì đó to tát trong xã hội. Chính điều này nhanh chóng kéo theo động thái bất chấp để kiếm tiền, sẵn sàng lừa lọc, phỉnh phờ và sẵn sàng tạo ra các xung động kinh tế, thổi ra những cái bong bóng ảo để đẩy nhiều gia đình vào chỗ trắng tay.
Ví dụ với cò đất, trước đây, người ta vẫn giới thiệu, mua – bán nhưng không đến nỗi hung hăng và loạn như bây giờ, cò đất bây giờ không chịu nhận mình là cò, chỉ xem mình là nhà tư vấn, môi giới địa ốc và nếu được, sẽ nhảy hẳn vào vị trí chủ đất để thương lượng, làm giá, chủ đất trở thành bị động, người mua trở thành con thiêu thân. Cái không khí hết sức lộn xộn và nhặng xị, chẳng có nguyên tắc nào trong mua bán của tư vấn và môi giới đất đai bây giờ cho thấy điều đó. Và khi người ta nói về nghề của mình, có vẻ như đầy tự hào, tự mãn và luôn xem người khác dưới mắt.
Chưa bao giờ nạn cò cuốc lừa đảo, dịch vụ môi giới (chỉ riêng hai chữ Môi Giới – tức bán ‘nước miếng’ kiếm sống cũng đủ thấy bản chất vấn đề) trở nên lộn xộn và lũng đoạn thị trường như bây giờ. Sở dĩ tình hình ngày càng trở nên tệ hại và xấu đi như vậy là do khởi sự giáo dục, sau đó chính trị, văn hóa và cuối cùng là quản lý kinh tế cấp vĩ mô. Ở khía cạnh giáo dục, ngay từ tấm bé, người ta được dạy thói soi mói, đấu tố, cạnh tranh gay gắt, kèn cựa, lớn lên sống trong môi trường văn hóa xã hội mạnh được yếu thua, cá lớn nuốt cá bé, và một môi trường mà ở đó, mọi tiểu xảo, mọi sự ranh ma đều có đất dụng võ, có môi trường để thi triển đến đỉnh điểm, lương tri bị chết ngộp, bị nhấn chìm. Trong một môi trường như vậy, nhà quản lý đóng vai trò hết sức to lớn và tiên yếu. Nhưng ở đây nhà quản lý đã làm gì? Họ không làm được gì cả, nếu không muốn nói họ còn tệ hơn.
Hệ thống quan quyền, lãnh đạo, tỉ lệ cò chính trị, hay nói khác đi là môi giới chính trị, môi giới quyền lực nhiều vô số kể, sự hoạt động của giới này nhanh chóng đẩy bộ máy chính trị, quyền lực vào chỗ lộn xộn, không có trật tự và rối loạn. Mỗi quan chức vừa đóng vai một môi giới quyền lực lại vừa là kẻ trộm của công, khi cả hệ thống trở thành một bộ phận môi giới quyền lực khép kín và mãi lực để trao trả cho việc môi giới này được lấy từ tài sản công, từ việc bắt tay với nhóm lợi ích nhóm, tạo ra một hệ thống tư bản thân hữu và các nguồn tài nguyên quốc gia trở thành miếng bánh ngọt của họ sau khi các khoản trong ngân sách quốc gia được chia đều, xâu xé theo mọi cách.
Với một hệ thống quản lý chỉ biết hưởng lợi là chính, trong trăm người có đôi người biết suy nghĩ về đất nước, trong ngàn người, những người biết suy nghĩ cho đất nước trở thành lập dị và có thể bị loại khỏi sân chơi bất kì giờ nào, thì làm sao có thể tin vào một hệ thống quản lý tốt. Chính không khí lộn xộn và bất an của hệ thống quản lý sẽ nhanh chóng tạo ra hiệu ứng lây lan bên dưới, lan ra cả xã hội, “thượng bất chính, hạ tắc loạn” là vậy.
Và điều này giải thích cho việc tại sao đất nước ngày càng rất nhiều có, cò hoành hành, tác oai tác quái nhưng chẳng nhận mình là cò, thậm chí chẳng ra cò. Bởi nét chịu thương chịu khó, chịu giữ phẩm hạnh “có xáo thì xáo nước trong” của cò đã không còn, đã thay bằng sự kiêu ngạo, ngạo mạn, hãnh tiến và bất chấp. Sự kiêu ngạo, ngạo mạn, hãnh tiến và bất chấp này đến từ hai phía, từ căn cơ giáo dục đã thụ đắc ở mỗi người và từ các xung văn hóa xã hội, chính trị họ tiếp tục thụ động đón nhận hằng ngày trong quá trình bươn chải với cơm áo gạo tiền. Và đương nhiên, cò đã mất dấu, thay vào đó là dân môi giới với đầy đủ tính ranh ma, xảo quyệt của họ.
Hình ảnh người làm dịch vụ cò mất đi trong xã hội Việt Nam hiện nay, thay vào đó là những nhà tư vấn, môi giới với tính khí tự mãn, bất chấp và đạp qua mọi giá trị, thang bậc trong xã hội là một báo động, một tín hiệu buồn, nó cho thấy xã hội đã thực sự lộn xộn và khó bề khắc phục. Bởi muốn khắc phục nó, phải khắc phục tận gốc!
Leave a Comment