Năm Tân Sửu sắp qua, năm Nhâm Dần đang đến gần. Những vụ bê bối điển hình từ cuối năm cũ thường cho ta chỉ dấu về những gì sẽ diễn ra trong năm mới. Đó là một bước ngoặt quan trọng khi Việt Nam đứng trước ngã ba đường. Hoặc đổi mới thể chế, để tiếp tục phát triển, hoặc duy trì nguyên trạng, để tiếp tục tụt hậu. Trong khi các chuyên gia tổng kết năm cũ và dự báo về năm mới, cần lý giải các vụ bê bối điển hình để dự báo xu hướng.
Thao túng chính sách và lũng đoạn nhà nước
Muốn biết tương lai, cần xem lại quá khứ để rút ra bài học cho hiện tại. Đại án Việt Á là vụ bê bối chưa từng có, làm bộc lộ những lỗ hổng thể chế. Theo học giả Minxin Pei, đó là do “chủ nghĩa tư bản thân hữu” (crony capitalism). Các nhóm lợi ích thân hữu gồm “tư bản đỏ” và các “quan tham” câu kết để thao túng chính sách. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành gọi đó là “lũng đoạn nhà nước” (state capture). (Viet-studies, 3/1/2022).
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Giang (BBC, 12/1/2022), “tham nhũng chính sách nguy hiểm bởi nó tinh vi hơn, tác động lớn và nghiêm trọng hơn, đặc biệt là bởi nó hợp thức hóa tham nhũng thành một hành vi ‘lập pháp’ bình thường. Câu chuyện thông đồng giữa Việt Á và các quan chức Bộ Y tế và Bộ KH-CN vừa qua có lẽ chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Muốn chống tham nhũng chính sách, Việt Nam phải đổi mới thể chế.
Trong khi CQĐT đang “mở rộng điều tra” vụ Việt Á và đồng bọn, theo hướng “không có vùng cấm”, thì Trịnh Văn Quyết (FLC) đã “bán chui” cổ phiếu để trục lợi hàng ngàn tỷ đồng, và Đỗ Anh Dũng (Tân Hoàng Minh) đã “bỏ cọc” sau khi đấu giá được lô đất vàng tại Thủ Thiêm với giá “trên trời” để lũng đoạn thị trường. Các vụ bê bối tuy khác nhau, nhưng bản chất giống nhau. Họ thao túng chính sách và lũng đoạn thị trường để trục lợi.
Phan Quốc Việt (Việt Á) vô danh tiểu tốt nhưng được các quan tham nâng đỡ nên đã “lớn nhanh như Thánh Gióng”, trở thành đại gia trong năm 2021, trước khi “lên thớt” và “vào lò” (12/2021). Việt Á và nhóm lợi ích đã lừa mọi người về đề án “nghiên cứu” và “sản xuất” bộ kit xét nghiệm Covid-19. Chúng đã “thổi giá” để bán bộ kit cho 52/53 tỉnh thành, trục lợi 4.000 tỷ đồng, “lại quả” 800 tỷ đống, bất chấp tính mạng người dân trong đại dịch.
Trong khi đó, đại gia bất động sản Trịnh Văn Quyết (FLC) nổi tiếng khi dùng kế bẩn “bán chui” 74.800.000 cổ phiếu FLC để “đánh úp các nhà đầu tư” trên sàn chứng khoán (10/12), thu được 3.100 tỷ đồng. Còn đại gia bất động sản Đỗ Anh Dũng (Tân Hoàng Minh) nổi tiếng vì “bỏ cọc” (588,5 tỷ đồng) sau khi đấu giá thành công lô đất vàng 3-12 tại Thủ Thiêm (với giá 24.500 tỷ đồng). “Quyết còi” và “Dũng béo” nổi lên như “cặp bài trùng”.
Công ty “Ngôi Sao Việt” (thành viên của Tân Hoàng Minh) đã trúng thầu lô đất vàng tại Thủ Thiêm, với giá gấp 8,3 lần giá chào, đẩy đơn giá đất lên 2,43 tỷ/m2, làm người ta kinh ngạc. Dũng béo “bỏ cọc” tuy mất hàng trăm tỷ đồng, nhưng nhóm lợi ích chắc trục lợi hơn nhiều vì tạo ra “sóng đất cao”. Chưa biết rõ họ có thông đồng hay không, nhưng khi Dũng béo “bỏ cọc”, thì mọi người mới nhận ra ông ta đang lũng đoạn thị trường.
Làm nhiễu loạn thị trường
Theo báo chí, CQĐT đã tiến hành xác minh 11 dự án bất động sản do Tân Hoàng Minh đầu tư tại Hà Nội. Cuộc điều tra được khởi động ngay sau khi “Ngôi Sao Việt” đấu thầu được lô đất vàng 3-12 tại Thủ Thiêm (10/12) với giá 24.500 tỷ đồng. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói giá đất “cao chưa từng có”, và Bộ trưởng bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói giá đất thủ thiêm 2,4 tỷ đồng/m2 là cao bất thường, “làm nhiễu loạn thị trường”.
Tuy Đỗ Anh Dũng đã thề thốt “không bao giờ bỏ cọc”, nhưng ông ta đã làm ngược lại. Một số doanh nghiệp lợi dụng giá trúng thầu quá cao, xin định giá lại tài sản thế chấp để vay thêm tiền nhằm “rút ruột ngân hàng”, hay “làm sạch bảng cân đối tài chính” của họ. Điều đó tạo ra “bong bóng bất động sản”, tác động tiêu cực đến tất cả các phân khúc trên thị trường theo hiệu ứng “bình thông nhau”, cản trở mục tiêu làm giảm giá nhà ở.
Theo nghị định 156 (2020) các cá nhân vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán sẽ bị xử phạt tối đa 1,5 tỷ đồng, đình chỉ giao dịch chứng khoán có thời hạn từ 1 đến 12 tháng. Theo đó, Quyết có thể bị phạt 3% – 5% giá trị chứng khoán giao dịch nhưng không quá 1,5 tỉ đồng. Ngoài ra, Quyết có thể bị phạt bổ sung “đình chỉ giao dịch chứng khoán có thời hạn từ 3 đến 5 tháng”. (khoản 5 điều 33 Nghị định 128). Khung phạt như vậy quá nhẹ.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành đề xuất “ba bước” giúp đại gia Trịnh Văn Quyết sửa sai trong sự cố “quên” gửi thông báo bán cổ phiếu FLC. Một là “lập tức phong tỏa tài khoản chứng khoán của ông Quyết”. Hai là “bắt buộc ông Quyết mua lại toàn bộ số cổ phiếu đã lỡ bán mất” thông qua giao dịch trên sàn. Ba là “sau khi mua lại đủ số cổ phiếu đã lỡ bán, ông Quyết sẽ bán hết 175 triệu cổ phiếu như dự định, theo giá thị trường lúc đó”.
Đây không phải lần đầu tiên Quyết còi “bán chui” cổ phiếu, nhưng lần trước (2017) chỉ bị UBCKNN xử phạt hành chính có 65 triệu đồng. Đó là một lỗ hổng về luật chơi chứng khoán, không đủ răn đe mà còn khuyến khích tái phạm. Bộ Tài Chính đã ra Quyết định 19/QD-UBCK phong tỏa tài khoản chứng khoán đứng tên ông Trịnh Văn Quyết từ ngày 11/1/2022. Đến tối 11/1/2022, HOSE đã công bố thông tin huỷ giao dịch FLC.
Có người nghi vấn tại sao Quyết còi phải liều “bán chui” gần hết số cổ phiếu đang nắm giữ, trong khi FLC không có dấu hiệu quẫn bách phải thoái vốn. Tuy Quyết còi lắm mưu nhiều kế, nhưng không loại trừ khả năng lần này bị ép phải “chuyển giao” số cổ phiếu của FLC cho kẻ giấu mặt nào đó. Người ta đồn nguồn gốc tài sản của Quyết “đến từ phương Bắc”, nay đến lúc phải trả lại. Chỉ có CQĐT mới có thể làm rõ nghi vấn này.
Cảng vũ trụ ở Phú Quốc
Trong khi các đại gia bất động sản (FLC và Tân Hoàng Minh) nổi lên như hiện tượng gây sốc dư luận cuối năm 2021, thì ông chủ Thaigroup (Nguyễn Đức Thụy hay “Bầu Thụy”) có ý tưởng chơi ngông là xây “cảng vũ trụ” tại Phú Quốc. Bầu Thụy đã lập Thaispace với vốn điều lệ là 26.688 tỉ đồng. HĐQT Thaigroup đề xuất dự án “cảng vũ trụ” du lịch tại Phú Quốc có tổng đầu tư là 30.000 tỷ đồng (1,3 tỷ USD) cho giai đoạn 2022 – 2026.
Theo công văn của Thaigroup giải trình về dự án thì, “mục tiêu của dự án là xây dựng phát triển Phú Quốc trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch mang tầm quốc tế và đưa Việt Nam sánh ngang với các cường quốc vũ trụ trên thế giới” và “việc phát triển cảng vũ trụ phục vụ cho mục đích du lịch sẽ là bước ngoặt đột phá, mang tính lịch sử, mang lại lợi ích to lớn cho ngành du lịch và phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam trong tương lai”.
Cảng vũ trụ được hiểu là nơi phóng tàu vũ trụ vào quỹ đạo quanh trái đất. Trên thế giới chỉ có 3 nước lớn đầu tư là Mỹ, Nga, Trung Quốc. Tại Mỹ, cảng Spaceport America có tổng chi phí hơn 200 triệu USD. Tại Trung Quốc, cảng vũ trụ Văn Xương (Hải Nam) có tổng chi phí hơn 700 triệu USD. Dự án cảng Thaispace có quy mô đầu tư “gấp 6 lần của Mỹ và gấp 2 lần của Trung Quốc”. Chắc mục đích chính là xin đất và “cơ chế đặc thù”.
Trong khi các đại gia bất động sản tiếp tục “bám đất” trục lợi, thì Bầu Thụy muốn “bay lên trời” như tỷ phú Elon Musk (Tesla) và Jeff Benzos (Amazon). Có lẽ Bầu Thụy tưởng làm “cảng vũ trụ” cũng dễ như mua đội bóng hay ngân hàng Liên Việt. Một số người Việt dễ ngộ nhận và bốc đồng khi làm PR. Ý tưởng “cảng vũ trụ” của Bầu Thụy hơi giống ý tưởng “Bamboo Airways” của Quyết hay Vinfast của Vượng, nhưng khó hơn nhiều.
Theo ông Mai Văn Huỳnh (Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang) lãnh đạo tỉnh Kiên Giang chưa có ý kiến, do lĩnh vực đầu tư còn khá mới mẻ. Ông Huỳnh nói: “Mọi dự án đầu tư dù quy mô lớn hay nhỏ đều được tiếp nhận, xử lý đúng theo quy trình, quy định. Nếu thấy phù hợp, Kiên Giang sẽ báo cáo lên cấp Trung ương quyết định. Đến nay, quy hoạch của Kiên Giang chưa có khái niệm cảng vũ trụ du lịch”.
Hàm ý gì cho năm mới
Năm Tân Sửu có nhiều vụ bê bối gây tranh cãi, như “thần y” Võ Hoàng Yên, “dê cụ” Lê Tùng Vân tại “Tịnh thất Bồng lai” nay là “Thiền Am bên bờ vũ trụ”, và các “nghệ sỹ” bị CEO Nguyễn Phương Hằng tố giác ăn chặn tiền cứu trợ lũ lụt Miền Trung. Cuối năm 2021, các vụ bê bối ồn ào đó đã bị các vụ bê bối khác về kinh tế lấn át làm cho lu mờ. Năm Nhâm Dần, bức tranh đa dạng nhiều gam màu xám chắc vẫn tiếp tục theo xu hướng đó.
Có một quy luật không thành văn là những gì diễn ra tại Trung Quốc hầu như sẽ diễn ra tại Việt Nam, tuy với quy mô nhỏ hơn và thời điểm muộn hơn. Sự kiện tập đoàn Evergrande ở Trung Quốc đã phá sản không chỉ báo hiệu thị trường địa ốc của Trung Quốc đang lâm nguy, mà còn cảnh báo thị trường địa ốc của Việt Nam cũng dễ đổ vỡ. FLC hay Tân Hoàng Minh chỉ là con bài thí trong trò chơi quyền lực đang diễn ra trong bối cảnh mới.
Trong năm Tân Sửu, nhiều người lao vào thị trường bất động sản như “trâu húc mả”, nhưng sang năm Nhâm Dần, họ phải cẩn trọng kẻo dễ bị “hổ vồ”. Trong số các quan chức và đại gia nổi tiếng là “thánh nổ” hay chơi ngông, một số bị sa cơ lỡ vận, đang làm mồi cho hổ đói (như Quyết còi và Dũng béo). Tuy chưa rõ họ có chạy tội được không, nhưng đấu tranh quyền lực trên vũ đài chính trị năm Nhâm Dần hứa hẹn nhiều kịch tính.
Trong những năm qua, các nhóm lợi ích thân hữu đã lợi dụng lỗ hổng thể chế lỗi thời để thao túng thị trường, trục lợi giàu lên nhanh thành “tỷ phú đỏ”. Theo thuyết “ba đại diện” của Bắc Kinh thì “làm giàu là vinh quang”. Nhưng nay nhiều tỷ phú đang bị chính quyền xử lý, kể cả Jack Ma (chủ Alibaba). Đó không chỉ là hệ quả của chủ trương “vỗ béo để thịt” mà còn do đấu tranh quyền lực và điều chỉnh tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo.
Trong bối cảnh trật tự thế giới và khu vực diễn biến khó lường, theo hướng độc tài hơn chứ không dân chủ hơn (tại Trung Quốc), thì xu thế chính trị (tại Việt Nam) dễ trượt theo hướng đó, cản trở quá trình đổi mới thể chế (vòng hai). Trong nước, tranh chấp lợi ích nhóm và đấu tranh quyền lực càng phức tạp, thì nguồn lực quốc gia càng dễ bị hóa giải, và đồng thuận dân tộc càng dễ bị suy yếu. Đó là những thách thức lớn năm Nhâm Dần.
Lời cuối
Trên đây, chúng ta vừa điểm lại ba vụ bê bối điển hình như “bi hài kịch” đang làm dư luận ồn ào bức xúc. Nhưng nếu chú ý quá nhiều đến “phần nổi” của tảng băng, thì dư luận có thể không nhận ra “phần chìm” của nó. Nói cách khác, báo chí chính thống thường chỉ “thấy cây mà không thấy rừng”, hoặc thấy rừng nhưng không dám nói thẳng sự thật. Vì vậy, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành đã gọi vụ Việt Á là “lũng đoạn nhà nước”.
Hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã làm hơn ba vạn người Việt chết và kinh tế suy thoái, trong đó Việt Á và nhóm lợi ích góp phần không nhỏ, tuy Việt Á là “phần nổi của tảng băng chìm”. Trong khi cả nước gồng mình chống dịch và tìm cách phục hồi kinh tế, Trịnh Văn Quyết (FLC) đã “bán chui” gần 75 triệu cổ phiếu để trục lợi, và Đỗ Anh Dũng (Tân Hoàng Minh) đã lũng đoạn thị trường bằng cách đấu giá đất thật cao rồi “bỏ cọc”.
Muốn “chống dịch như chống giặc”, và có thể “sống chung với dịch”, phải mở rộng điều tra để xử lý thật nghiêm (không có vùng cấm) các nhóm lợi ích thân hữu đang thao túng chính sách và lũng đoạn nhà nước như “giặc nội xâm”. Theo quy luật “cùng tắc biến”, hy vọng một ngày nào đó đại dịch sẽ lui dần và các biến thể không còn nguy hiểm như trước. Nhưng muốn dẹp “giặc nội xâm”, thì phải kiểm soát được quyền lực và đổi mới thể chế.
18/01/2022
N.Q.D.
Tác giả gửi
Leave a Comment