Khi cái chết của bé V.A. 8 tuổi ở TPHCM chưa kịp nguôi ngoai thì tại Hà Nội một em bé 6 tuổi cũng đã phải từ giã cuộc sống bởi nạn bạo hành. Có một điểm chung giữa hai vụ án này: các bé đều bị chết vì đòn roi trong lúc được/bị người lớn dạy học ở nhà.
Tôi có nhiều bạn bè có con đang học tiểu học, và thường xuyên phải nghe họ than vãn kêu ca rằng, con đi học ở trường về là phải kèm, nếu không kèm dường như chúng sẽ không biết gì hoặc rất lơ mơ. Tôi cũng xác nhận điều này qua trường hợp của con mình. Và cũng nhìn thấy tình trạng tương tự ở các cấp học cao hơn: khi các em đã lớn, cha mẹ phần nhiều không đủ kiến thức và cũng không đánh con được như khi chúng còn bé nữa, lúc này, đi học thêm trở thành giải pháp thay thế.
Thế là, phần đông cha mẹ bây giờ phải bất đắc dĩ làm giáo viên của con mình, nhất là ở cấp tiểu học. Đó là một thực tế, cái thực tế ngày một rõ rệt và được tô đậm theo thời gian. Vì chương trình quá nặng, vì phương pháp dạy học ở trường có vấn đề, hay vì một lý do nào khác mà học sinh tiếp thu bài học rất kém hiệu quả như thế? Dù nguyên nhân là gì thì chúng ta vẫn phải đối diện với một thực tế rằng, không phải cha mẹ nào cũng là giáo viên, không phải ai cũng biết phương pháp dạy học hay có những tri thức căn bản về tâm lý học để hướng dẫn con cái mình một cách đúng đắn.
Dân gian ta có câu “Cha không dạy được con, anh không dạy được em”; không hẳn vì cha anh dốt, mà vì cái sự dễ nổi nóng trong lúc dạy học. Có nhiều lý do khách quan dẫn đến việc giáo viên khó hành xử thô bạo được với học sinh, nhưng cha mẹ anh em thì khác. Thiếu kỹ năng và phương pháp sư phạm cộng với tâm lý gia trưởng và không có khoảng cách để tôn trọng đã dẫn tới bạo hành, bạo hành từ sự mắng nhiếc tới roi vọt, thậm chí gậy gộc. Dân gian lại có câu “Dạy con mình, con hàng xóm khôn” cũng một phần là vì cái sự la hét, quát tháo làm ầm ĩ khắp xóm làng này.
Vấn đề hệ trọng nhất ở đây không phải là bổ khuyết kỹ năng sư phạm cho phụ huynh. Trách nhiệm chính của cha mẹ và gia đình là giáo dục con cái, chứ không phải là dạy học. Giáo dục gia đình có một sứ mệnh khác, đó là tạo ra một môi trường văn hóa, một tổ ấm với những uốn nắn về giao tiếp, về sinh hoạt, tình cảm… – chứ không phải để dạy những môn học trong sách giáo khoa với vai trò như các nhà chuyên môn thực thụ! Từ bao giờ việc thực hiện một công việc chuyên môn đã nghiễm nhiên trở thành trách nhiệm trên vai những người vốn không hề được đào tạo như thế?
Trong xã hội hiện đại, dù giáo dục thế hệ trẻ là trách nhiệm chung của cả gia đình, nhà trường và xã hội nhưng không thể vì thế mà nhập nhằng. Nhưng tại sao bây giờ nó lại lẫn lộn một cách thản nhiên đến thế? Trách nhiệm xã hội của ngành giáo dục, của nhà trường và nhà giáo là gì và đến đâu trong việc dạy học? Khi cha mẹ phải ghé vai vào gánh cái công việc vốn xa lạ ấy thì ngành giáo dục nghĩ gì?
Một cách đại thể và khoa học, việc dạy kiến thức các môn học trong chương trình giáo dục quốc dân là của hệ thống giáo dục, nó không được phép đặt lên vai cha mẹ các em như một nghĩa vụ, như một sự phân công, dù là phân công ngầm. Khi ngành giáo dục không làm tròn bổn phận ấy cũng là khi đã gián tiếp tạo ra các thế hệ méo mó, gián tiếp làm rối nhiễu xã hội và làm mất sự cân bằng trong phân công lao động lành mạnh. Cứ thế, nó biến xã hội và giáo dục trở thành một hệ sinh thái mang bệnh, mỗi ngày một trầm trọng.
Nói như thế không có nghĩa là phủ nhận giáo dục gia đình. Cũng vẫn có những cha mẹ đang dạy con tại nhà rất hiệu quả. Đó là chưa nói tới mô hình giáo dục Home Schooling (dạy học tại nhà) ngày nay đang rất phát triển ở các nước phương Tây, tuy nhiên ở đó là một sự lựa chọn rất rõ ràng: hoặc tới trường hoặc ở nhà chứ không phải cùng lúc cả hai như một sản phẩm mang tính hệ lụy như ở ta. Trong bối cảnh này, vì thực tiễn xã hội hoặc vì ngành giáo dục không kham nổi thì Home Schooling rất đáng khuyến khích và có thể cần được chính thức thừa nhận, để giúp làm cân bằng lại hệ sinh thái giáo dục Việt Nam.
Tóm lại, trước mắt phải tìm cho ra nguyên nhân của tình trạng cha mẹ đang phải làm giáo viên bất đắc dĩ nêu trên, để từ đó mà hoặc cắt giảm chương trình, hoặc thay đổi cách thức quản lý, hoặc thay đổi tư duy, thay đổi mục đích-triết lý giáo dục. Và, bước đầu tiên cho những thay đổi lâu dài là, bên cạnh cha mẹ thì ngành giáo dục phải nhận một phần trách nhiệm không nhỏ trong những vụ bạo hành trẻ em ở gia đình, vì từ những góc độ nhất định, chúng phát sinh từ chính vấn đề của bản thân ngành giáo dục./.
Thái Hạo
Nguồn http://vanviet.info/…/cha-me-bao-hnh-con-ci-ngnh-gio…/
Leave a Comment