Tuần này, hai sự kiện liên quan tới hai doanh nhân nổi tiếng giàu có và năng động tại Việt Nam: Ông Đỗ Anh Dũng – chủ Tân Hoàng Minh gửi “Tâm thư” cho các viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Việt Nam xin buông lô 3/12 ở Thủ Thiêm sau khi thông qua đấu giá, đẩy giá đất tại đó lên mức chưa từng có và ông Trịnh Văn Quyết – chủ FLC, tiếp tục “bán chui” khoảng 75 triệu cổ phiếu, kiếm thêm khoản lợi hàng ngàn tỉ nhưng khiến vài chục ngàn người xất bất xang bang, đã khiến “doanh nhân” trở thành chủ đề để nhiều người sử dụng mạng xã hội luận bàn…
***
Ngoài việc tỉ tê giới thiệu cá nhân, gia đình, gia tộc đều là… “người của ta”, qua “Tâm thư” ông Dũng thỏ thẻ việc từ bỏ quyền sử dụng lô đất mới giành được hồi tháng trước ở Thủ Thiêm, tự nguyện bỏ 600 tỉ vì… trả giá cao như vậy có thể dẫn tới những hệ lụy không tốt trong khi ông luôn đặt lợi ích xã hội lên trên và tha thiết… cám ơn đảng, quốc hội, nhà nước, chính phủ đã cho Tân Hoàng Minh nói riêng và các doanh nghiệp trong, ngoài nước nói chung được sống, làm việc và phát triển trong một môi trường kinh doanh hòa bình, ổn định theo định hướng XHCN công bằng, bình đẳng và minh bạch…
“Tâm thư” vừa kể đã khiến Lê Thiếu Nhơn ngứa ngáy tới mức phải bình: Hình như cái gọi là “Tâm thư” của ông Dũng gửi nhầm địa chỉ, hoặc cố tình gửi những địa chỉ không cần thiết để phơi bày một thứ tâm địa ngớ ngẩn. Ông Đỗ Anh Dũng và Tập đoàn Tân Hoàng Minh nổi như cồn suốt tháng qua vì thắng phiên đấu giá đất Thủ Thiêm, với mức 2,4 tỷ đồng/m2. Giờ, nếu muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đất, lẽ ra phải làm việc với Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.HCM và Trung tâm Đấu giá TP.HCM thì ông lại viết “Tâm thư” kể lể thân thế và van nài đồng cảm từ những lãnh đạo cao cấp.
Nhìn danh sách ông Đỗ Anh Dũng “kính gửi” mà choáng váng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư đến… tập thể Bộ Chính trị. Chưa hết, ông còn gửi Bộ trưởng Bộ Công an và tập thể lãnh đạo Bộ Công an, Bí thư Thành ủy TP.HCM và tập thể lãnh đạo Thành ủy TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM và tập thể lãnh đạo UBND TP.HCM… Mục đích để làm gì? Chả ai rõ. Chỉ biết “Tâm thư” chủ yếu để ông nhấn mạnh bản thân vô cùng may mắn có được sự dạy dỗ của bố vợ nguyên là Giám đốc Công an Hà Nội.
Nếu không có hành vi khuất tất và không có động cơ đê hèn, thì chả cần phải viết “Tâm thư” rườm rà và ngây ngô? Đúng là thượng đế công bằng với người Việt Nam, kẻ nhiều tiền thì ít chữ, và ngược lại. Chủ tịch một tập đoàn dám trả giá 2,4 tỷ đồng/m2 rồi ỉ ôi sướt mướt viết “Tâm thư gửi loạn xạ” thì thật ngao ngán cho nền kinh tế nước nhà. Năm nay ông Đỗ Anh Dũng đã 61 tuổi. Lục thập nhi nhĩ thuận đấy. Sao mà hài hước đến mức kệch cỡm như vậy. “Tâm thư” hạ giá tâm hồn. Đành than rằng: Thị trường sớm nắng chiều mưa, bạc đầu có kẻ vẫn chưa thành người (1)!
“Tâm thư” của ông Dũng là lý do Lương Vĩnh Kim thở dài về “Một tầng lớp sinh non”: Doanh nhân Việt Nam là tầng lớp thua thiệt so với doanh nhân nước ngoài về nhiều mặt. Thua về vốn, thua về công nghệ, thua về quản trị, thua về trí tuệ và đặc biệt là thua về văn hóa doanh nhân. Tâm thư của ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Hoàng Minh gửi “16 cái gạch đầu dòng” cho thấy sự nịnh bợ thần thánh này hơn cả những bà lên đồng “vái lạy tứ phương”. Nó là đỉnh cao ‘văn hóa” nịnh bợ chính quyền của tầng lớp doanh nhân hiện nay.
Tôi có một vài người bạn doanh nhân nịnh bợ quan chức chính quyền một cách lạ lùng. Họ treo hình chụp chung giữa họ với một số “ông to, bà lớn” trong phòng tiếp khách, phía trên, ngay sau lưng chỗ ngồi. Hễ có dịp là họ xuất hiện cặp kè bên cạnh quan to. Có người hầu như ngày nào cũng có mặt ở nhà hàng nào đó để tiếp đãi các công chức, đặc biệt là các công chức đang trực tiếp quản lý doanh nghiệp. Nhìn cách họ khoe khoang, tiếp đãi quan chức chính quyền, tôi nhận ra tâm hồn yếu đuối ẩn giấu đằng sau chiếc áo doanh nhân.
Doanh nhân Việt Nam hiện nay là tầng lớp sinh non. Thời kỳ thuộc Pháp, tầng lớp doanh nhân Việt Nam rất nhỏ bé. Ở miền Bắc, sau 1954, tầng lớp doanh nhân Việt Nam bị xóa sổ hoàn toàn sau ba năm cải tạo công thương nghiệp. Ở miền Nam, sau năm 1975, tầng lớp doanh nhân cũng bị đánh què, gần như bị tê liêt hoàn toàn, sau các chiến dịch đánh tư sản và cải tạo xã hội chủ nghĩa. Từ sau đại hội VI, năm 1986, mới bắt đầu manh nha chuyển sang kinh tế thị trường nhưng phải đến sau năm 1990, mới có nhiều người mạnh dạn bỏ vốn ra làm ăn. Thời kỳ từ 1986 đến năm 2000, như là thời kỳ doanh nhân trưởng thành trong bụng mẹ, chưa được khai sinh. Có thể coi ngày 01 tháng 01 năm 2000, luật doanh nghiệp Việt Nam có hiệu lực, là ngày khai sinh tầng lớp doanh nhân Việt Nam mới. Giai đoạn từ năm 2000 đến nay là quá ngắn, tầng lớp doanh nhân Việt Nam chưa đủ thời gian để hình thành văn hóa doanh nhân như thế giới phương Tây. Họ không đủ vốn và tri thức để đi vào công nghệ. Họ tích lũy tư bản bằng con đường thân hữu với những quan chức có quyền ban phát nguồn lực quốc gia bằng chính sách và giấy phép. Giấy phép con dẹp hoài mà không hết vì đó là nguồn nuôi sống tư bản thân hữu. Vũ Nhôm tích lũy tư bản nhờ thân hữu với các quan chức nắm nguồn nhà đất, từ chiến lợi phẩm của cuộc chiến tranh. Đất đai thuộc “sở hữu toàn dân” cũng là nguồn đóng góp quan trọng nhất hình thành tầng lớp doanh nhân giàu có hiện nay.
Tầng lớp doanh nhân Việt Nam sinh sau đẻ muộn và là tầng lớp bị sinh non. Phần đông là siêu nhỏ, siêu mỏng, “buôn thúng bán bưng”. Một số doanh nghiệp lớn thì hầu hết, hoặc là có bóng dáng nước ngoài thâu tóm, hoặc là có tham gia vào quá trình ăn chia tài sản nhà nước, mà chủ yếu là ăn chia “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”.
Tầng lớp doanh nhân Việt Nam không đảm đương được sứ mệnh công nghiệp hóa đất nước như tầng lớp doanh nhân Hàn Quốc. Chính sách “Công nghiệp hóa” đất nước Việt Nam, cho đến nay, là thất bại. Việt Nam không có sản phẩm công nghiệp xứng tầm. Quanh đi quẩn lại chỉ xuất khẩu thô các sản phẩm nông ngư nghiệp. Không cạnh tranh được với nước ngoài bằng trí tuệ, người dân Việt Nam cạnh tranh bằng cơ bắp, với đặc trưng là xuất khẩu lao động tại chỗ. GDP bình quân đầu người Việt Nam có tăng hơn so với trồng lúa nhưng đất nước thì không phát triển (2).
Nếu Lê Thiếu Nhơn mắc cười, Lương Vĩnh Kim thở dài thì Lưu Trọng Văn cảm thấy… “xấu hổ” Lưu Trọng Văn vì: Biết nhục vẫn làm! Lợi ích trên danh dự! Trong tâm thư đầy lời lẽ ngợi ca lãnh đạo, khoe mẽ bố vợ là tướng an ninh, khoe mẽ động cơ chính trị, mà thấy buồn cho một nhà kinh doanh giàu có hàng đầu quốc gia.
Nếu có phẩm chất một nhà kinh doanh có tự trọng, tỷ phú Dũng chỉ cần gửi thư đến ban đấu giá xin nộp phạt và bồi thường các tổn thất do việc mình bỏ không tham gia mua đất nữa là đủ. Sòng phẳng, không cần lý do. Tiếc thay, nhiều tỷ phú là nhà kinh doanh nhưng không có phẩm chất của một nhà kinh doanh.
Mới đây tỷ phú Trịnh Văn Quyết – chủ FLC bị Uỷ ban Chứng khoán điều tra về hành vi bán chui đến hơn 70 triệu cổ phiếu của mình gây tổn thất cho các nhà đầu tư do không được minh bạch thông tin.
Và có thể dẫn ra nhiều tỷ phú đôla VN có những vấn đề về phẩm chất như trên.
Hơn một trăm năm trước cụ Phan Châu Trinh nhà cách mạng vĩ đại nhất thế kỷ 20 của Việt Nam chủ trương một quốc gia muốn phát triển phải có tầng lớp Tư sản Dân tộc. Cụ và các đồng chí của mình đã vận động và trực tiếp hỗ trợ các nhà Tư sản Dân tộc như Nước mắm Liên Thành.
Tiếc rằng các nhà Tư sản Dân tộc của Việt Nam mới chỉ xuất hiện lẻ tẻ như Bạch Thái Bưởi, Trịnh Văn Bô… mà không thành một tầng lớp Tư sản Dân tộc.
Sau năm 1954, tại miền Nam đã xuất hiện một tầng lớp Tư sản Dân tộc nhỏ đang dần tạo nền tảng cho tầng lớp Tư sản Dân tộc lớn thì chiến tranh mở rộng dẫn đến không thể có nhà Tư sản Dân tộc lớn tạo nên những thương hiệu lớn vượt tầm quốc gia. Và các nhà tư sản trong đó có cả các nhà Tư sản Dân tộc sau 1975 đều bị cải tạo hết.
Sau năm 1954 tại miền Bắc do sai lầm của kinh tế bao cấp, kinh tế nhà nước, các nhà tư sản trong đó có cả các nhà Tư sản Dân tộc bị cải tạo rồi bị triệt tiêu.
Sau Đổi mới đất nước năm 1986 đã dần xuất hiện một số Tư sản Dân tộc tạo nên một loạt thương hiệu uy tín. Tiếc rằng một số nhà Tư sản Dân tộc chân chính này chưa đủ sức cạnh tranh được với tầng lớp hùng mạnh các nhà tư bản thân hữu có lợi ích mật thiết với một bộ phận tham nhũng tha hoá trong chính quyền.
Sự khác biệt duy nhất của các nhà tư sản Dân tộc với các nhà tư bản thân hữu đó là Tinh thần Dân tộc. Vì lợi ích của Dân tộc mà kinh doanh. Vì niềm tự hào Dân tộc mà kinh doanh (3).
***
Hai scandal liên quan đến hai doanh nhân thuộc loại “vua biết mặt, chúa biết tên” cũng là lý do khiến ông Lê Kiên Thành – vừa là doanh nhân, vừa “đỏ” – ngậm ngùi, khắc khoải viết về “Người Việt mới”: Sau khi Liên xô sụp đổ, đất nước mà tôi và nhiều thế hệ người Việt Nam hàng yêu mến, kính trọng trở nên nghèo khổ, điêu tàn. Rồi cũng chính từ trong cái nghèo khổ và điêu tàn ấy, một thời gian sau nữa, xuất hiện một tầng lớp mà người ta gọi là “Novue russkie” – Người Nga mới. Tức là họ vẫn là người Nga nhưng họ cũng chẳng là người Nga. Là người Nga vì họ nói tiếng Nga. Nhưng họ ăn, mặc, ở… nói chung là sống (và cả chết nữa) hoàn toàn không giống những người Nga còn lại, người Nga “cũ”. Vì đa phần họ là người có nhiều tiền. Số ít còn lại là có rất, rất nhiều tiền.
Tình hình ở Việt Nam chúng ta lại hơi khác. Một lớp “Người Việt mới” đã dần xuất hiện khi chưa có một sự sụp đổ nào, cả trong quan chức lẫn trong doanh nhân và ngày càng rõ nét. Là quan chức, thay vì sòng sọc điếu cày như trước kia, họ hút xì gà (ngày vài ba điếu) mà mỗi điếu bằng nửa tháng lương người lao động, họ uống chai rượu bằng thu nhập 10 năm của một hộ nông dân thay vì rượu đế.
Con họ, đang du học ở Anh bằng tiền tiết kiệm và tiền đi “bán chổi” làm thêm, vài tháng có thể về thăm bạn gái bằng vé C (vé máy bay loại đắt tiền nhất). Bạn gái họ vài tuần có thể đi mua các thứ lặt vặt ở các cửa hàng tại Milano, cách chúng ta không xa lắm.
Khi rao giảng về chủ nghĩa và đạo đức, họ hay viện dẫn truyện Kiều và ca dao cho dễ hiểu và sinh động. Và khi chết, để khỏi chen chúc ở những nghĩa trang, nơi có chồng chất những anh hùng, liệt sỹ, những vị tiền bối, họ được chôn tại quê nhà ấm áp, nơi đã giành (hay họ đã giành) vài héc ta vuông vức.
Bên cạnh quan chức “mới” tất nhiên là chúng ta hay thấy hình bóng của vài (hay nhiều) doanh nhân “mới”. Họ thường tháp tùng quan chức nhưng đi sau vài bước chân, cười (rất to) khi quan chức cười mỉm, gật như gà mổ thóc mỗi khi quan chức hỏi và vỗ tay dào dạt như dành cho idol khi quan chức kết thúc bài phát biểu hùng hồn. Và họ chẳng cần “noi gương và học theo” ai hết, đạo đức của họ sáng ngời như chúng ta đã biết trong vài ngày qua.
Một cái gì đắng chát trong cổ họng (và cả trong tim nữa) khi bất chợt nghĩ rằng: “đất nước chưa bao giờ đẹp như hôm nay” lại có thể chỉ thuộc về “HỌ”, những “Người Việt mới” (5)!
***
Tóm lược và trích dẫn một số ý kiến, nhận định, tâm tình vừa kể chắc đủ để gợi ý cho việc đào sâu hơn để tìm câu trả lời cho thắc mắc, những Đỗ Anh Dũng, Trịnh Văn Quyết và nhiều cá nhân thuộc loại giàu có “nứt đố, đổ vách” trong một thời gian rất ngắn, đang nhảy múa ở Việt Nam từ đâu mà ra và vì sao lại giàu có nhưng dị hợm như thế!
Chú thích
(1) https://www.facebook.com/lethieunhon/posts/3767009203523709
(2) https://www.facebook.com/KIMLUONG474/posts/3020955744825978
(3) https://www.facebook.com/KIMLUONG474/posts/3020955744825978
(4) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=3138291093162773&id=100009457401127
(5) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1165930363813450&id=100011894928988
Leave a Comment