Mở đầu cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, không phải vào năm 1979, mà nó rơi vào tháng Giêng năm 1978, cuộc chiến diễn ra bằng việc ném đá, đôi bên đã giằng co ở một đoạn biên giới tỉnh Cao Bằng, trong đó, một người lính công binh của quân đội nhân dân Việt Nam đã bị thiệt mạng do bị ném đá, sự việc kéo dài, giằng co cho đến khi Trung Quốc chính thức mang quân sang tấn công Việt Nam.
Tôi quen biết với một người lính già, từng tham chiến suốt thời gian chiến tranh biên giới Việt – Trung, ông là người có đồng đội bị thiệt mạng vào năm 1978 tại biên giới Cao Bằng, hiện tại, ông đang sống tại thành phố Lạng Sơn với nghề cũ, chủ một hiệu may vá, sửa chữa áo quần, cuộc đời của ông, hay nói khác đi, niềm vui của ông gắn với một người bạn chiến binh khác, chiến đấu ở mặt trận Lào Cai, sau khi tàn chiến cuộc, cả hai không có chế độ gì và mỗi người mỗi việc, người máy vá, người bán nước chè ngay trước cổng đồn công an thành phố Lạng Sơn.
Trong cuộc sống, không có gì dễ tái diễn hơn việc nó bị chôn lấp và bỏ quên quá nhanh, bởi một khi sự việc được chôn đi và thay vào đó bằng một thứ tình cảm giả tạo, bằng một thứ anh em rắp tâm và bằng một thứ giao lưu thỏa hiệp, cam chịu, thì mọi khả năng cảnh giác đã bị thay thế và những chuyện cũ có thể diễn ra bất kì giờ nào, nó xảy ra như chưa từng. Trường hợp chiến tranh biên giới Việt – Trung là một ví dụ, nó bị bỏ quên một cách kì lạ.
Cuộc chiến tranh bị bỏ quên trong lịch sử, một cuộc chiến mà trong vòng chưa đầy ba tháng đã giết chết hàng vạn người, một cuộc chiến mà trước đó, sự gây hấn đã diễn ra cả năm trời nhưng vẫn bị vùi lấp vào im lặng, rồi đến súng đạn, giết tróc, tàn phá, rồi dai dẵng những ngọn đồi máu, những chảo lửa kéo dài mãi đến những năm đầu thập niên 1980 nhưng trong các bài học lịch sử, không có dòng nào mô tả về nó.
Một cuộc chiến mà có hàng vạn người ngã xuống bảo vệ tổ quốc, thử hỏi trong hàng vạn người ấy, có bao nhiêu người được vinh danh là đứa con thiên thần của tổ quốc? Có bao nhiêu người được xác nhận là liệt sĩ để cha mẹ, vợ con của họ được an ủi, được hưởng một chút tiền tuất lúc tuổi già bóng xế? Một cuộc chiến mà có hàng chục vạn người lính Việt Nam đã xả thân bảo vệ từng tấc đất, từng ngọn cỏ… để rồi cuối cùng, họ được đối đãi như thế nào? Không có chế độ, chính sách nào rõ ràng cho họ. Như người lính già bán chè xanh ở thành phố Lạng Sơn đã nói: “May sao họ còn cho mình ngồi bán được ly nước, điều thuốc, chứ bị đuổi nữa mới là nhục!”.
Câu nói chua chát của ông chỉ cho thấy một điều duy nhất: Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc từ năm 1978 đến 1982 mà đỉnh điểm của nó là tháng 2 năm 1979 đã bị đảng, nhà nước cố tình bỏ quên, vùi lấp nó vào hố lãng quên. Ngay cả với những người đã hi sinh tuổi thanh xuân của mình cho tổ quốc cũng bị đối đãi rất tệ mạt.
Sự bỏ quên này sẽ dẫn đến hệ lụy nào?
Sẽ có hai vấn đề hết sức trầm trọng: Thế hệ trẻ không hay biết gì đến cuộc chiến tranh từng xảy ra và từng đoạt đi hàng vạn sinh mệnh của đồng bào mình, họ sẽ mất cảnh giác, sẽ xem kẻ thù là bạn tin cậy và sẽ đứt gốc về lịch sử; Vấn đề thứ hai, ý nghĩa của việc bảo vệ tổ quốc trở nên mất thiêng, bởi mọi xương máu và tuổi trẻ dành cho việc bảo vệ tổ quốc đã bị lãng quên, người ta chỉ nhắc về cuộc chiến tranh với miền Nam mà không hề nhắc đến cuộc chiến tranh với Trung Quốc, kẻ xâm lăng ngàn đời, kẻ đã gây ra nỗi đau “ngàn năm nô lệ giặc Tàu” với dân tộc Việt.
Ở khía cạnh lịch sử, tuổi trẻ, thế hệ tương lai, khi mà các tương tác khu vực, tương tác quốc tế trở nên nhạy cảm, tốc độ, việc trang bị kiến thức về nhân học, sử học, văn hóa học là hết sức cần thiết, cái mà các ông, bà làm giáo dục, văn hóa tại Việt Nam hiện tại gọi là “bản sắc” lại nằm chính chỗ này. Một quốc gia đánh mất bản sắc, khiếm khuyết về lịch sử, về nhân học, văn hóa học sẽ nhanh chóng bị tan loãng vào thế giới rộng lớn, thậm chí tan loãng vào một quốc gia rộng lớn nào đó khi họ đủ sức bao phủ.
Việc phản đối, thậm chí chặn đứng các luồng văn hóa phương Tây, chặn đứng các luồng lịch sử có tính bất lợi cho mối quan hệ Việt – Trung hiện nay cùng với việc chấp nhận để văn hóa Trung Quốc bành trướng mà đỉnh điểm là viện Khổng Tử được cấp phép xây dựng tại Việt Nam, thậm chí thuyết ‘chính danh” của Khổng Tử được rao giảng trong các trung tâm chính trị quân đội Việt Nam, bất kỳ chính trị viên quân đội nào cũng có thể nói về thuyết này như một điển cố, điển phạm… Bên cạnh đó là hàng hóa, giao lưu kinh tế, đặt thế hệ sau vào mối tương quan kinh tế mật thiết với kẻ xâm lược, xem họ là anh em bốn tốt, mười sáu vàng… Tất cả chỉ cho thấy rằng chúng ta đã bị họ giật dây quá sâu và rất khó để nói về một sự kháng cự cần thiết về mặt tư tưởng thông qua giáo dục, kinh tế, văn hóa.
Việc đảng Cộng sản Việt Nam đặt quyền lợi đảng lên trên quyền lợi dân tộc, thực hiện chính sách ngoại giao cây tre nhưng kì thực, bên trong nó hàm chứa một sự thỏa hiệp và cam chịu, chấp nhận làm một thứ lân bang không chính thức và biến hệ thống cầm quyền Việt Nam thành một đội ngũ thái thú bị động, có khuynh hướng loại bỏ mọi thành phần chống Trung ra khỏi hệ thống.
Thời gian cũng đủ cho một sự cố tình vùi lấp và lãng quên, đến lúc này, khi mà Trung Quốc tiến hành xây các hàng rào biên giới vững chãi, biến các đường ống thoát nước của họ thành nòng súng chỉa thẳng vào lãnh thổ Việt Nam, cụ thể là bờ sông biên giới Việt Nam, chỉ cần một mùa mưa thì bờ sông lở lói, sạt lở, làm mất đi các định vị biên giới, chỉ nhìn sơ qua cũng đủ biết dã tâm của “phía bạn” như thế nào rồi. Bên cạnh đó, họ luôn ngăn cản việc xây các bờ kè của Việt Nam, và dấu hiệu lịch sử lại tái diễn, dùng đá ném sang phía Việt Nam. Rõ ràng ở đây có sự tính toán rất kĩ, từ đất liền, hải đảo và biên giới. Hay nói khác đi, khi chúng ta bị họ bao vây từ bề bằng đòn chiến tranh mềm, từ viện trợ, cho vay vốn để xây dựng (nhưng kỳ thực là lừa đảo, gài thế, cho vay nặng lãi chẳng kém gì giới xã hội đen) và thao túng mọi luồng kinh tế của Việt Nam… Hay nói chính xác hơn là đã đặt tất cả các vị trí chiến lược vào tầm ngắm, tầm đánh, họ bắt đầu gây hấn.
Vấn đề hiện nay là thái độ của đảng, nhà nước và chính phủ Việt Nam có cương quyết, quyết liệt hay không? Bởi một khi chúng ta sợ chiến rtanh, thì chiến tranh mãi mãi là mối đe dọa và có thể nổ ra bất kì giờ nào? Một khi chúng ta nhún nhường, chịu nhượng bộ với kẻ ưa làm càn quấy, thì câu chuyện ổn định của chúng ta mãi mãi là thứ bánh vẽ. Giả sử chúng ta cường quyết, đưa quân đội vào cuộc, đưa công binh lên xây các bờ kè biên giới và luôn chuẩn bị quân đội trong tinh thần sẵn sàng chiến đấu, kêu gọi các liên minh quân sự, kêu gọi quốc tế, làm tất cả các động thái cần thiết để phòng khi Trung Quốc lại “dạy cho Việt Nam một bài học” thì sẽ ra sao?
Xin thưa thì không ra sao cả! Bởi lính Trung Quốc, quân đội Trung Quốc và cả các chỉ huy, các chính trị gia của họ cũng là con người, họ cũng cần phải sống, họ chẳng dại gì dây vào chuyện chết chóc một khi họ biết chắc rằng cái cớ gây chiến đã quá sai và đối phương đã chuẩn bị tinh thần để sống mái với ta, sau đó là hàng triệu thứ hệ lụy khi súng nổ… Họ buộc phải biết dừng đúng lúc.
Chỉ có thái độ hèn nhát và nhún nhường quá mức của Việt Nam mới là cái cớ, cái đà để Trung Quốc chuyển từ ném đá sang ném lựu đạn và sau đó là những động thái bạo lực khác có tính quân sự. Đã đến lúc Việt Nam có những hành động cần thiết, nghĩa khí và quả cảm trước biên giới, tổ quốc thiêng liêng!
Leave a Comment