Năm mới cần quyết tâm mới

- Quảng Cáo -

Phạm Phú Khải – VOA

Resolution, tiếng Anh, có ít nhất hai nghĩa. Một là giải pháp, hay hành động để giải quyết (the action of solving a problem). Hai là tính cách quyết tâm (resolute), hay quyết định vững chắc.

Hai nghĩa bổ túc cho nhau. Quyết tâm thì sẽ có giải pháp. Biết giải pháp giúp chúng ta quyết tâm (hơn).

Mỗi khi một năm mới bắt đầu, nhiều người muốn nghĩ đến những quyết tâm mới để vươn lên, để cải thiện chính mình, hay để làm những điều cao thượng hơn. Trên đời này không có ai là hoàn hảo, hoặc không có gì mới để học, từ sách vở hay người khác. Do đó, quyết tâm mới cũng là cách để tự cam kết là mình có thể thực hiện được vậy.

- Quảng Cáo -

Năm 2022 này, tôi muốn dành thời gian nhiều hơn để đọc sách, muốn tập trung giải quyết cho xong một số việc tồn đọng từ vài năm qua, và muốn mình thật sự cân bằng hơn trong cuộc sống. Khi có sự cân bằng, nó giúp cho mình đứng vững để qua đó, có sức khỏe từ thể xác đến tinh thần để đem lại nhiều lợi ích hơn cho công việc và những người chung quanh.

Về việc đọc sách, thì trong hai năm qua, vì không tập trung nên tôi không đọc được gì nhiều. Đọc hơn mười cuốn sách cùng lúc, nhảy đến các đoạn hay các cuốn sách khác nhau, nên biết nhiều thứ thay vì biết sâu. Ngoài ra đọc nhiều và đọc nhanh quá chưa hẳn là điều hay. Được biết có người chia sẻ là đã đọc 52 cuốn sách một tháng. Một người khác đọc 99 cuốn trong năm 2021, nên muốn đọc cuốn thứ 100 đầu năm 2022, mà không biết nên đọc tác phẩm nào. Tiến sĩ Nancy K. Napier biện luận rằng, bà không đếm mình đã đọc được bao nhiêu cuốn sách một tháng hay một năm, tuy đọc khá nhiều. Nhưng bà không ủng hộ chủ trương “nhồi nhét càng nhiều càng tốt trong thời gian hiếm hoi có được” (“So many books, so little time” motto). Napier mong muốn rằng năm 2022 bà sẽ đọc ít hơn, nhưng sâu hơn, thái độ “ít mà nhiều” (less is more) là cần thiết, để nghiền ngẫm suy luận sâu hơn về những gì mình đọc.

Tôi cũng mong rằng năm nay tôi đọc kỹ hơn, sâu hơn, toàn bộ hơn, chú trọng vào chất lượng hơn là số lượng. Bởi khi nó không thấm đủ thì những gì mình đọc sẽ khó tồn tại lâu dài với mình.

Về những việc tồn đọng, thì thú thật tôi có quá nhiều. Tôi muốn làm nhiều quá, lại không biết giới hạn về năng lực của mình, nên danh sách những gì muốn làm ngày càng dài ra. Không ai bắt buộc tôi làm những việc này, hay buộc tôi phải làm cách như thế. Chỉ có chính tôi tự gây khó cho mình. Cuối cùng vì làm không được hết và kết quả không như ý muốn nên cảm thấy căng thẳng hơn, và cảm giác phần nào thất bại và thất vọng với chính mình. Cái vòng luẩn quẩn này là tự mình chuốc lấy, tự mình làm khổ. Thay đổi thói quen này cũng đòi hỏi mình phải thật ý thức và cần thời gian để điều chỉnh tư duy. Năm nay tôi sẽ cố gắng làm ít lại, nhưng sẽ làm đến nơi đến chốn, nâng cao chất lượng hơn, và tập trung vào quy trình thực hiện để cảm nhận và thưởng thức công việc của mình, thay vì chỉ nghĩ đến kết quả mà thôi.

Về sự cân bằng trong cuộc sống, thì có thể nói đây là nhược điểm, có lẽ là yếu nhất, của tôi. Khi mong muốn làm nhiều, như có nói trên, mà nguồn lực thì không nhiều, tôi lại phải tự cố gắng hơn nữa. Qua thời gian mình mất chủ động, trở thành nô lệ của những điều mình muốn làm, thay vì mình ý thức và lèo lái theo ý hướng mình muốn. Tôi không những không thưởng thức những gì mình muốn làm, mà còn cảm thấy thất vọng với người chung quanh khi họ không đáp ứng được những mong đợi có khi rất cao từ mình. Riết rồi tôi có cảm giác bi quan với con người, và với những ước nguyện mình muốn thực hiện. Cuộc sống trở nên mất cân bằng, chỉ biết hướng đến tương lai (kết quả), và nhìn lại quá khứ (những điều tồn đọng), mà quên đi cả cuộc sống trong hiện tại.

Mấy hôm nay tôi dành thời gian để đọc những gì mình ưa thích, trong đó có các bài ngắn từ các chuyên gia tâm lý, có liên quan đến những điều chia sẻ trên.

Đối với quyết tâm năm mới (new year resolution), rõ ràng là có người đạt được ý nguyện, nhưng cũng có người thì không. Phần lớn không thành công như mong đợi. Vì sao?

Nguyên do căn bản mà chúng ta không thể đạt được điều mình đặt ra là vì mình muốn kết quả nhưng lại không muốn tự thay đổi. Tiến sĩ Gurnek Bains biện luận rất thuyết phục rằng, một số những thói hư tật xấu, những cung cách hành xử gây thiệt hại (damaging behaviours), là cản trở chính trong việc thực hiện quyết tâm năm mới. Điều quan trọng không chỉ là biết chúng ta cần làm gì, mà là tại sao chúng ta nên làm vậy. Chúng ta cần hiểu chính mình, bình tâm nhận xét đánh giá chính xác về mình. Nó đòi hỏi bộ óc/não trạng rất thành thật, phản chiếu và đôi khi cần sự giúp đỡ của người mình tin tưởng hay chuyên gia. Những điều này, những thay đổi này, đòi hỏi sự cố gắng, chăm chỉ (hardwork) không ngừng. Lý do làm cho mọi thay đổi khó khăn là vì thói quen đã ăn sâu vào tâm khảm mình, trở thành quán tính. Chúng ta đã làm như thế vô số lần, làm thói quen gắn chặt trong não (hardwired). Cho nên ngay cả những thói quen nhỏ cũng cần sự cố gắng lớn để thay đổi.

Tóm lại, có lẽ bí quyết nằm ở chỗ “bình cũ rượu mới”. Những gì mình mong muốn thay đổi mỗi năm cũng không khác nhiều, và thật ra nó không mới bao nhiêu. Chẳng hạn, năm 2020 mình muốn nói năng lễ phép lịch sự hơn; năm 2021 đối xử tử tế và tôn trọng người khác hơn, biết lắng nghe hơn; và năm 2022 cách giao tiếp, trình bày và truyền đạt của mình được hiệu quả hơn. Mỗi năm mục tiêu nhỏ khác nhau, nhưng sau cùng cũng chỉ là truyền thông hiệu quả hơn (effective communication). Tất cả đòi hỏi sự thay đổi trong tư duy, nhận thức, để mình biết điểm mạnh và yếu, và làm sao khắc phục từng bước. Nhưng nếu mình vẫn vậy, rượu vẫn cũ, thì mọi thay đổi, nếu có, cũng không lâu bền, và cũng chỉ bề ngoài. Rồi mỗi năm thất vọng, rồi cũng bỏ nửa chừng v.v…

Thay đổi rượu, những chất tố cấu thành nên chính mình, thì mới có thể giữ được và làm chủ được những đổi thay mình nhắm đến.

Những cách khác để giúp đạt được quyết tâm năm mới cũng rất hay. Như tiến sĩ Nicolas Davidenko cho rằng: một, cần đặt ra các mục tiêu ngắn hạn hơn để dễ thực hiện từng bước; hai, tránh các mục tiêu mang tính cầu toàn, và thay vào đó, đặt các mục tiêu dựa trên xu hướng chung để duy trì lâu dài.

Tiến sĩ Radhule B. Weininger cũng đưa ra những đề nghị rất hay và thực tiễn. Hãy viết xuống những gì mình đang là (Current Reality) và giữ bên tay trái, và nơi/điều mình muốn thành (Where I Want to Be) và giữ bên tay phải. Phương thức này mang tính tâm linh, vì cần cảm nhận/nghiệm và tưởng tượng. Để thành công thì cần phải luôn duy trì một ý thức cao, đồng đều và tỉnh táo khi nắm được cả hai mặt của vị trí mình đang ở và vị trí mình muốn đến đó. Nếu cảm nhận hết bằng năng lực tích cực, Weininger biện luận rằng chúng ta có thể đạt được điều mình mong muốn, sẽ đạt được các bước tiến tích cực, nếu chúng ta siêng năng, quyết tâm và kiên trì.

Mong chúc quý vị có nhiều quyết tâm và đạt được những quyết tâm này trong năm 2022.

- Quảng Cáo -