BBT Trang Web Việt Tân, Facebook Việt Tân, Youtube Việt Tân
Vào đầu tháng Mười Hai, 2021, toàn ban biên tập của Trang Web Việt Tân, Facebook Việt Tân, Youtube Việt Tân cùng nhau bình chọn những tin tức Việt Nam và thế giới được cho là nổi bật nhất trong năm. Mỗi nhân sự được chọn từ 5 đến 10 tin tức mà mình cho là đáng chú ý nhất dựa trên ba tiêu chí: 1) đặc thù nhất trong năm; 2) có tác dụng hay ảnh hưởng lên xã hội; 3) có những tác động lâu dài lên đời sống hay sự tiến bộ của nhân loại. Các đề nghị đã được tổng hợp lại và tuyển chọn.
Sau đây là 10 sự kiện Việt Nam của năm 2021 có tầm ảnh hưởng và tính chất đặc thù nhất theo đánh giá của chúng tôi. Xin được giới thiệu đến quý độc giả.
***
- CUỘC THÁO CHẠY KHỎI SÀI GÒN CỦA NGƯỜI DÂN TRỐN DỊCH
Kể từ ngày Hồ Chí Minh đem chủ nghĩa cộng sản ngoại lai vào Việt Nam, đã xảy ra 3 lần người dân bỏ chạy khỏi nanh vuốt cộng sản: 1) Cuộc di cư từ miền Bắc vào miền Nam tìm tự do của hơn 1 triệu người dân vào năm 1954; 2) Cuộc vượt biên, vượt biển của hàng triệu người tỵ nạn cộng sản với những thảm cảnh chết chóc trên biển cả, trong rừng sâu làm rúng động cả thế giới kéo dài nhiều năm sau tháng Tư, 1975; và 3) Cuộc tháo chạy khỏi Sài Gòn về quê trốn đại dịch và để khỏi chết đói sau khi chính quyền thành phố mở cửa vào đầu tháng Mười, 2021.
Cả ba cuộc tháo chạy đều để lại những dấu ấn lịch sử khác nhau; nhưng cuộc tháo chạy vừa qua của hàng trăm ngàn người lao động nghèo, khốn khổ bất chấp đói, khát, nóng, lạnh quyết liều mạng, vượt qua mọi cấm cản của công an, cảnh sát đặc nhiệm, cố tháo chạy khỏi đất hứa Sài Gòn đã cho thấy cái gọi là chính sách “an dân” trong chống dịch của CSVN hoàn toàn là láo khoét. Họ tháo chạy về quê để tìm hạt gạo củ khoai sống còn, sau khi bị nhà nước nhốt, cách ly, và bỏ đói suốt nhiều tháng trời với những hứa hẹn cứu trợ suông không bao giờ đến tay người dân.
Kẻ dùng xe máy, người xe đạp, kẻ xe thồ tự chế, kẻ đi bộ dắt díu nhau, lê lết trên những đoạn đường dài cả trăm, cả ngàn cây số, ngủ bờ ngủ bụi, màn trời chiếu đất. Đã có những người bỏ mạng, có phụ nữ mang bầu đã hạ sinh con trên đường đi… Một thảm cảnh không ai có thể tưởng tượng nổi trên nước Việt vào Thế Kỷ 21. Người dân thời chiến chạy loạn đã đành, nhưng thời nay, hàng trăm ngàn người chạy trối chết khỏi thành phố – từng một thời được vinh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông, trước khi rơi vào tay độc tài cộng sản, chỉ để khỏi chết đói là hình ảnh tiêu biểu của một chính quyền hoàn toàn bất lực trong việc đối phó với những khủng hoảng của đại dịch.
- LÀN SÓNG THỨ TƯ CỦA ĐẠI DỊCH COVID – 19 NHẤN CHÌM VIỆT NAM
Khởi đầu từ ngày 27 tháng Tư, 2021 với cao điểm từ giữa tháng Bảy đến giữa tháng Chín, làn sóng dịch thứ tư đã đẩy đời sống của người dân tại 63 tỉnh, thành trên toàn quốc bỗng chốc rơi vào tình huống bị “cô lập” hoàn toàn. Với hệ thống y tế vô cùng yếu kém, nhưng lại bắt chước Trung Quốc áp dụng chính sách “Zero Covid” qua một số biện pháp chống dịch cực đoan như: Phong tỏa cả thành phố, cách ly tập trung bất hợp lý; xét nghiệm đại trà không cần thiết vừa tốn kém, vừa không hiệu quả; các chỉ thị trái ngược, không minh bạch, áp dụng và trừng phạt máy móc, tùy tiện, khiến cho nhiều người dân mất mạng oan uổng. Hầu hết các hoạt động dân sinh, sản xuất bị tê liệt trong thời gian dài.
Trong đợt dịch thứ tư, thành phố Sài Gòn và 19 tỉnh thành phía Nam là bị thiệt hại nặng nhất. Đặc biệt khu tam giác Sài Gòn – Bình Dương – Đồng Nai, được mệnh danh là trung tâm công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam đã bị tê liệt với hơn 80% doanh nghiệp ngừng hoạt động, không chỉ gây thiệt hại cho nền kinh tế mà còn khiến cho hàng triệu người lao động mất việc và sống trong đói khổ. Theo ông Nguyễn Thành Phong, Phó trưởng Ban Kinh Tế Trung Ương đã phát biểu trong một diễn đàn thảo luận về các biện pháp phục hồi kinh tế hôm mồng 5 tháng Mười Hai cho biết là thiệt hại kinh tế do đại dịch Covid-19 mà Việt Nam phải hứng chịu lên đến khoảng 847.000 tỷ đồng, tương đương 37 tỷ Mỹ Kim.
Nhưng, những thiệt hại về kinh tế chỉ là bề nổi của tảng băng đang nhấn chìm xã hội Việt Nam chưa biết ngày nào hồi phục, đó chính là sự kiêu ngạo của lãnh đạo khi mang cả “hệ thống chính trị” vào việc chống dịch. Trong khi các quốc gia Thái Lan, Philippines, Malaysia đang trong chiều hướng khắc phục đại dịch, bắt đầu các kế hoạch mở cửa nền kinh tế dù phải đối phó với biến chủng Delta, thì theo đánh giá và sắp hạng của hãng tin Bloomberg vào ngày 20 tháng Mười Hai, 2021, Việt Nam đứng hạng chót trong việc phục hồi đại dịch khi số ca nhiễm tiếp tục tăng ở mức kỷ lục và số ca tử vong vượt 200 ca/ngày. Mặc dù Việt Nam báo cáo là đã chích ngừa vượt mốc 100 triệu liều (bao gồm tiêm 1 liều và 2 liều) đạt 76% so với dân số, nhưng số ca nhiễm và tử vong vẫn tăng cao, cho thấy là hệ thống y tế và cách phòng chống dịch quá tồi tệ.
- PHONG TRÀO TỰ PHÁT DÂN CỨU DÂN TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19
Khi biến thể Delta ập đến Việt Nam từ cuối tháng Tư, 2021, đại dịch Covid-19 đã bùng phát mạnh mẽ ở nhiều nơi, đặc biệt Thành Phố HCM là nơi bị nặng nhất. Các Chỉ Thị 15, 16 và nhiều chỉ thị tùy tiện khác sau đó đã được áp dụng để phong tỏa toàn xã hội khiến đời sống người dân vô cùng khốn khổ. Gần 5 triệu dân nghèo hay công nhân lao động bị mất việc làm và đương nhiên không có tiền để mua các nhu yếu phẩm cho cuộc sống. Nhà cầm quyền CSVN tung ra gói hỗ trợ 26 ngàn tỷ đồng và chính quyền Thành Phố HCM xin thêm 28 ngàn tỷ đồng, nhưng thực thi chậm chạp với thủ tục hành chánh rườm rà, lại ăn chặn và tham nhũng tràn lan, rốt cuộc là tiền đã không đến tay người dân.
Trong cơn tuyệt vọng, với tấm lòng nhân ái, tương trợ, những quán cơm cứu trợ mọc lên tại nhiều thành phố và địa phương. Những suất cơm và thực phẩm miễn phí, như quán cơm Bếp Ăn 0 Đồng ở Bà Rịa-Vũng Tàu, Đà Nẵng với Quán cơm chay của nhóm Từ Thiện An Nhiên, quán cơm Phúc Tuệ An ở An Giang, hay của vợ chồng ông Tiêu Văn Nghĩa ở Cà Mau, v.v…
Tùy theo khả năng từng nơi, có quán phát từ 50-150 phần ăn mỗi ngày, quán Cơm Sài Gòn, có ngày phát đến 5.000 phần. Các cá nhân hoặc nhóm từ thiện đến từ mọi thành phần trong xã hội, từ những người dân bình thường, doanh nhân, đến các đại diện tôn giáo có nhiều quà cứu trợ hơn và được điều hành quy mô hơn. Cao điểm nhất là việc trợ giúp cho người dân trong cuộc tháo chạy về quê vừa sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ.
Ngoài việc phát cơm miễn phí, để giúp dân nghèo chống chọi với cơn bệnh dịch Covid-19 này, các doanh nhân trẻ đã cho ra lò “ATM Oxy,” với những bình khí trợ thở cho những người dân đang phải cách ly tại gia. Nếu ai cần phải đưa đi cấp cứu tại TP. HCM, họ đã có thể dựa vào các chuyến xe cứu thương miễn phí 0 đồng do các anh em Grab thành lập. Đã có nhiều bác sĩ lập ra nhóm để hỗ trợ, tư vấn các bệnh nhân qua mạng xã hội hay trực tiếp tới thăm bệnh nhân.
Dù cho việc tiếp tế, hỗ trợ thực phẩm tới tay người dân bị nhiều khó khăn do bị các chốt của chính quyền cản trở, nhưng các nhóm thiện nguyện đã bằng mọi cách phối hợp với những nông dân bị ối đọng nông sản, cần giải cứu, để mua lại số lượng này với mức giá phải chăng rồi mang tới tay người dân cần hỗ trợ kịp thời.
Việc dân với nhiều sáng kiến, tự phát giúp nhau có thể ví như ánh sáng của viên ngọc tỏa ra trong bóng đêm đen tối của mùa đại dịch.
- TÔ LÂM VÀ MIẾNG THỊT BÒ DÁT VÀNG
Trong chuyến sang Anh Quốc cùng với phái đoàn Thủ Tướng Phạm Minh Chính để dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Về Biến Đổi Khí Hậu (COP26) tại Glasgow, Scotland, Bộ Trưởng Công An Tô Lâm đã “xé rào” đi ăn chơi và trở thành câu chuyện đình đám nhất trên dư luận Việt Nam và quốc tế vào đầu tháng Mười Một, 2021.
Câu chuyện được gói ghém trong một Youtube clip dài không quá 50 giây, khi người đầu bếp Thổ Nhĩ Kỳ Nusret Gökçe, có biệt danh “Thánh Rắc Muối” (Salt Bae), cắt từng miếng thịt bò được bọc vàng lá 24 Karat, tự tay rắc muối theo phong cách nổi tiếng của ông và “âu yếm” đút vào miệng ông bộ trưởng giữa sự reo hò của đám tuỳ tùng đi cùng. Ngay sau khi ngoạm miếng thịt bò, Bộ Trưởng Tô Lâm đã giơ ngón tay cái lên biểu thị sự đắc ý.
Ngay sau khi hình ảnh Tô Lâm ngoạm miếng thịt bò dát vàng được tung lên mạng xã hội, Ban Tuyên Giáo Trung Ương đã ra chỉ thị các báo, đài không được đề cập đến cũng như thông đồng với Facebook ngăn chặn sự truy cập từ độc giả Việt Nam.
Mỗi phần thịt bò dát vàng này có giá hơn 1.000 Mỹ Kim, tương đương 8 tấn lúa khô tại Việt Nam. Vì thế mà dư luận Việt Nam rất phẫn nỗ trước sự ăn chơi của cán bộ cao cấp khi ra nước ngoài, trong khi người dân trong nước đang còn phải trải qua nhiều tháng trời phong toả do đại dịch, khiến cả triệu người lâm vào cảnh đói nghèo. Đa số muốn Tô Lâm phải bị kỷ luật, tối thiểu là từ chức bộ trưởng như nhiều quan chức cao cấp của các quốc gia Phương Tây khi tạo sóng bất bình trong dư luận.
Tô Lâm cùng với Chánh Án Toà Án Nhân Dân Tối Cao Nguyễn Hoà Bình hiện đang bị 10 tổ chức Xã Hội Dân Sự và tranh đấu cho nhân quyền đưa vào chiến dịch vận động một số quốc gia Liên Minh Âu Châu, Canada, Hoa Kỳ trừng phạt qua việc áp dụng Đạo Luật Matgnitsky mà các quốc gia này đã thông qua.
Bộ Trưởng Tô Lâm là người đứng đầu bộ máy an ninh, chịu trách nhiệm trong hàng loạt vụ án trấn áp, khủng bố những nhà tranh đấu cho dân quyền như hạ lệnh tấn công làng Đồng Tâm, giết chết cụ Lê Đình Kình vào đầu năm 2020, và gần đây nhất là những bản án nặng nề đối với những cá nhân chỉ vì họ bày tỏ quan điểm của mình như nhà báo Phạm Thị Đoan Trang.
- ĐƯỜNG SẮT CÁT LINH – HÀ ĐÔNG HOẠT ĐỘNG TRONG LO SỢ
Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, thuộc về mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội, là tuyến tàu điện trên cao đầu tiên của Việt Nam được đưa vào hoạt động vào ngày 6 tháng Mười Một, 2021, sau hơn 10 năm xây dựng với tổng mức đầu tư là 886 triệu Mỹ Kim. Tuyến đường sắt này bắt đầu hoạt động 8 năm trễ hơn dự kiến và đã đội vốn lên hơn rất nhiều so với mức ước tính xây dựng đầu tiên là 381,3 triệu Mỹ Kim.
Đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã được khởi công xây dựng vào tháng Mười, năm 2011 bằng vốn vay từ ODA của Trung Quốc được ký kết vào năm 2008. Đường sắt này dài 13,05 cây số với tổng cộng 12 ga và 13 đoàn tàu, chạy với vận tốc khai thác là 35km/giờ và có thể chạy lên vận tốc tối đa là 80km/giờ. Mỗi một đoàn tàu (4 toa) có sức chứa tối đa là 950 hành khách và cần tới 733 công nhân để vận hành tuyến tàu điện trên cao này.
Tàu chạy từ ga Cát Linh tới ga Hà Đông, kéo dài khoảng 25 phút, và giờ hoạt động của tuyến đường là từ 5 giờ sáng tới 11 giờ đêm mỗi ngày. Tất cả hành khách được đi miễn phí trong 15 ngày hoạt động đầu tiên. Sau đó, giá vé cho mỗi chuyến đi tối đa là 15.000 VND; và vé cho một ngày là 30.000 VND, một tháng là 200.000 VND với số lần đi không giới hạn. Học sinh và công nhân được giảm 50% tiền vé, giá vé để công ty mua cho công nhân của họ là 140.000 VND/tháng. Tuy đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã được đưa vào hoạt động, nhưng còn để lại hai bài học lớn cho Việt Nam.
Bài học thứ nhất là CSVN ký hiệp định vay vốn của Trung Quốc rồi lại chọn nhà thầu EPC của Trung Quốc vốn không có kinh nghiệm trong lãnh vực kỹ thuật của dự án. Phải chăng đây là điều kiện của kẻ cho vay tiền và muốn đoạt trọn gói? Một dự án kéo dài 10 năm, đội vốn lên gấp đôi và nhất là không cung cấp đủ tài liệu liên quan tới an toàn vận hành hệ thống, hệ thống an toàn cháy nổ nhà ga… rõ ràng là nhà thầu EPC và nhà nước Trung Quốc vừa lợi dụng CSVN để khai thác lợi nhuận, vừa coi thường đối tác là Bộ Giao Thông Vận Tải của CSVN.
Bài học thứ hai là nhà cầm quyền CSVN thuê công ty tư vấn Pháp ACT để khảo sát, đánh giá chất lượng của công trình dự án và đã công bố kết quả “chứng nhận công trình đạt điều kiện an toàn hệ thống” vào ngày 29 tháng Tư, 2021; nhưng lại thòng thêm 16 khuyến cáo rằng công trình chưa đạt tiêu chuẩn Âu Châu theo các nhóm hạng mục khác nhau, và nếu đưa vào sử dụng thì chủ dự án là Bộ Giao Thông Vận Tải phải chấp nhận khả năng xảy ra những rủi ro, tai nạn.
Nói một cách ngắn gọn là đường sắt Cát Linh –Hà Đông tuy đã hoạt động nhưng chưa biết lúc nào xảy ra tai nạn vì không đạt tiêu chuẩn an toàn.
- CSVN BẮT HÀNG LOẠT TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM – NỔI BẬT LÀ BÀ NGUYỄN THÚY HẠNH
Năm 2021 là năm CSVN phá kỷ lục đàn áp những người yêu nước, những nhà tranh đấu cho nhân quyền so với những năm trước đó, mặc cho những lời thề thốt của Phạm Minh Chính với thế giới là sẽ cải thiện nhân quyền.
Những người bị an ninh bắt giữ phi pháp gồm có Đỗ Nam Trung, Trần Hoàng Huấn, Phùng Thị Nga là những người trẻ, bày tỏ quan điểm hết sức ôn hòa trên mạng xã hội, họ không hề có một vũ khí gì để lật đổ ai, nhưng đều bị ghép vào tội “chống phá nhà nước,” “lật đổ chính quyền” theo điều 117, Bộ Luật Hình Sự.
Trong khi đó, các ông Lê Trọng Hùng, Trần Quốc Khánh, Lê Văn Dũng chỉ vì hành xử quyền tự do ứng cử vào quốc hội cũng như quyền phê phán các đại biểu không hoàn thành nhiệm vụ liền bị công an trấn áp với tội danh “tuyên truyền chống phá nhà nước.” Ngoài ra, công an còn truy bức và bắt giữ nhà báo Mai Phan Lợi, Luật gia Đặng Đình Bách chỉ vì cổ xúy việc thành lập các đoàn thể xã hội dân sự độc lập theo quy định được ghi trong Hiệp Ước Thương Mại Tự Do EU – Việt Nam (EVFTA).
Trường hợp bà Nguyễn Thúy Hạnh, người đã thành lập Quỹ 50K để trợ giúp cho các gia đình Tù Nhân Lương Tâm, một nỗ lực mang tính chất thiện nguyện, nhưng luôn luôn bị công an ngăn cản và hăm dọa bắt giữ nếu bà không ngừng. Nhưng bà Nguyễn Thúy Hạnh cho rằng bà không làm gì sai trái, việc giúp đỡ các gia đình Tù Nhân Lương Tâm là điều phải làm. Không ngăn chặn được ý chí cứu người của bà Nguyễn Thúy Hạnh, sáng ngày 7 tháng Tư, hơn 30 công an đã ập vào nhà bắt giữ bà Hạnh và giam giữ cho đến nay.
Nhìn chung, trong năm 2021 đã có hàng chục người bị bắt với những lý do vô cớ nhằm trấn áp những tiếng nói phản biện trong xã hội. Các tổ chức nhân quyền thế giới đã coi năm 2021 là năm tồi tệ nhất về tình trạng đàn áp nhân quyền tại Việt Nam.
- NGUYỄN PHÚ TRỌNG NẮM QUYỀN LỰC TẠI ĐẠI HỘI ĐẢNG KHÓA XIII
Sau hơn 2 năm chuẩn bị với những màn đấu đá nội bộ để trành giành quyền lực giữa các phe nhóm, đại hội XIII của đảng CSVN đã khai mạc vào ngày 25 tháng Giêng, 2021 kéo dài đến ngày 2 tháng Hai, 2021 tại Hà Nội.
Trong hai năm chuẩn bị, ông Trọng muốn “tiến cử” đàn em của mình là Trần Quốc Vượng, Thường Trực Ban Bí Thư lên thay thế vì ông Trọng đã giữ chức tổng bí thư 2 nhiệm kỳ và phải ngưng theo Điều Lệ Đảng (Điều 17); nhưng khi Hội Nghị 14 của Trung Ương Đảng khóa XII bầu chọn thử tứ trụ (tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng, và chủ tịch quốc hội) cho khóa XIII, thì ông Vượng có số phiếu quá thấp, thua cả phiếu của ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc và Phạm Minh Chính.
Vì vậy mà trong phiên họp trù bị diễn ra vào ngày 24 tháng Giêng, một ngày trước khi đại hội XIII khai mạc, phe nhóm ông Trọng đã vận động các đại biểu tham dự đại hội, biểu quyết việc tu sửa câu cuối của Điều 17. Đó là thòng thêm phía sau câu “Đồng chí Tổng bí thư giữ chức vụ Tổng bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp” đoạn văn “trừ trường hợp đặc biệt” nhằm mở đường cho Nguyễn Phú Trọng có thể tiếp tục giữ ghế tổng bí thư… có lẽ cho đến khi qua đời. Điều này cho thấy là phe nhóm ông Nguyễn Phú Trọng đã học theo mô hình “hoàng đế” suốt đời của Tập Cận Bình khi Bắc Kinh cho sửa hiến pháp và điều lệ đảng để họ Tập có thể ngồi ghế tổng bí thư và chủ tịch nước cho đến khi qua đời.
Nguyễn Phú Trọng được đưa lên làm tổng bí thư tại đại hội XI ( tháng 1/2011) như một trái độn trong lúc hai phe Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng tranh chấp nhau gay gắt ghế này. Nhưng lúc đó phe nhóm Nguyễn Tấn Dũng quá mạnh nên trong 5 năm (2011-2016) làm tổng bí thư ở nhiệm kỳ 1, ông Trọng dù có được sự hợp tác của phe Trương Tấn Sang nhưng đã không thu tóm được mọi quyền lực.
Phải đến nhiệm kỳ 2 trong 5 năm (2016-2021), sau khi loại được Nguyễn Tấn Dũng ra khỏi cuộc đua quyền lực, ông Trọng mới học chiêu pháp “đả hổ diệt ruồi” của Tập Cận Bình, biến thái thành chủ trương “đốt lò” chống tham nhũng, để vừa triệt hạ vây cánh của Nguyễn Tấn Dũng, vừa củng cố thế lực của phe nhóm mình.
Có thể nói quyền lực tổng bí thư ở nhiệm kỳ 2 của ông Trọng đã lên tột đỉnh, nên việc ông Trọng sửa điều lệ để ngồi ghế này suốt đời là chuyện bình thường trong các cơ chế độc tài.
- CÁC DOANH NGHIỆP THIẾU LAO ĐỘNG TRẦM TRỌNG
Theo khảo cứu của trang vieclamtot.com, một tổ chức lo về giới thiệu lao động trên mạng cho biết: “Sau giai đoạn hậu cách ly, tốc độ phục hồi tuyển dụng từ phía nhà tuyển dụng chậm hơn so với nhu cầu tìm việc của người lao động phổ thông. Có 58% người lao động đã về quê có dự định quay trở lại Sài Gòn làm việc, 42% còn lại đều khẳng định sẽ không quay lại thành phố, dù nhiều công ty quảng cáo tuyển dụng nhân viên với lương tháng tăng từ 7% đến 10%.
Vào ngày 10 tháng Mười Một vừa qua, tại buổi chất vấn ở Quốc Hội, ông Đào Ngọc Dung, Bộ Trưởng Lao Động-Thương Binh-Xã Hội CSVN cho biết là có khoảng 1,3 triệu lao động đã bỏ chạy khỏi Thành Phố HCM hồi tháng Mười sau mấy tháng bị nhốt ở nhà vì dịch Covid-19. Trong số đó, có tới 60% là từ các khu công nghiệp ở Sài Gòn và các khu vực lân cận.
Theo một khảo sát của Phòng Thương Mại Hoa Kỳ tại Việt Nam công bố vào ngày 15 tháng Mười Một vừa qua, thì khi đặt câu hỏi với 45% thành viên của Phòng Thương Mại họ đã cho biết là công ty hoạt động ở mức 80% công suất trở lên, chỉ có 18% là hoạt động được ở mức100%. Lý do là sau đợt công nhân bỏ chạy khỏi Sài Gòn, các ngành công kỹ nghệ về điện tử, da giày, dệt may thiếu khoảng 50% lao động để thỏa mãn các đơn hàng xuất cảng. Các xí nghiệp điện tử, hầu hết là các đại công ty hàng đầu thế giới, đang thiếu hụt đến 56% công nhân, trong khi kỹ nghệ dệt may thiếu hụt khoảng 49,2% công nhân. Kỹ nghệ da giày đang thiếu khoảng 51,7% nhân công, kỹ nghệ sản xuất dụng cụ điện nói thiếu hụt 44,5% công nhân.
- CSVN VÁI TỨ PHƯƠNG XIN VACCINE TOÀN THẾ GIỚI
Tính đến ngày 25 tháng Mười Hai, 2021, Việt Nam tiếp nhận hơn 181,5 triệu liều vaccine đủ loại để phòng ngừa Covid-19 từ các nguồn mua, viện trợ và tài trợ. Trong số hơn 180 triệu liều tiếp nhận, có gần 75 triệu liều mua từ nguồn tiền đóng góp của người dân và một phần từ ngân sách nhà nước, số còn lại hơn 100 triệu liều từ nguồn viện trợ, tài trợ từ một số quốc gia trong đó Hoa Kỳ và Nhật Bản là nhiều nhất.
Nhìn vào con số tiếp nhận cho thấy là đa số đến từ nguồn viện trợ do chính sách “vái tứ phương” mà CSVN gọi là “ngoại giao vaccine” trong thời gian qua.
Chính sách này bắt đầu vào ngày 24 tháng Tám, 2021 trong cuộc họp của Bộ Chính Trị nhằm đối phó với tình hình lây nhiễm và tử vong lên quá cao sau đợt bùng phát thứ tư từ ngày 27 tháng Tư. Ông Trọng đã ra chỉ thị cho các cơ quan: “Khẩn trương tập trung triển khai chiến lược vaccine, đặc biệt là mở rộng tiếp cận việc cung ứng, sớm thực hiện tiêm vaccine diện rộng” mà trước đó, Bộ Y Tế và Ủy Ban Phòng Chống Covid đều ngạo mạn cho rằng Việt Nam đã kiểm soát dịch tốt nên không ưu tiên vận động mua hay xin vaccine.
Sau hội nghị của Bộ Chính Trị, Thủ Tướng Phạm Minh Chính ký quyết định thành lập tổ công tác của chính phủ về ngoại giao vắc xin do Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao Bùi Thanh Sơn làm tổ trưởng có nhiệm vụ chính là sắp xếp các cuộc hẹn để cho lãnh đạo Tứ Trụ nói chuyện trực tiếp với lãnh đạo một số quốc gia, như ông Nguyễn Phú Trọng thì gọi nói chuyện với Tổng Thống Putin (Nga), Chủ Tịch Nước Tập Cận Bình (Trung Quốc); ông Phạm Minh Chính gọi trực tiếp cho 20 thủ tướng các nước Anh, Úc, Pháp, Nhật, New Zealand, Đan Mạch, Đức…, lãnh đạo một số tổ chức quốc tế và nhất là khẩn khoản yêu cầu COVAX, WHO, Hãng Dược AstraZeneca và Pfitze… ưu tiên cung cấp vaccine cho Việt Nam. Tổ công tác “ngoại giao vaccine” còn yêu cầu COVAX giúp nối kết, chia xẻ thông tin về các nước có khả năng dư thừa vaccine hoặc những nước đã được phân bổ nhưng chưa sử dụng ngay thì nhường cho Việt Nam.
Qua nỗ lực “vái tứ phương” của các ông Trọng, Phúc, Chính và Huệ, CSVN từ con số 16 triệu liều vào đầu tháng Tám, 2021 đã tiếp nhận và được phân bổ gần 60 đợt với tổng số hơn 160 triệu liều tính đến ngày 5 tháng Mười Hai, 2021. Đây là con số đáng kể vì đã tiếp nhận trong thời gian kỷ lục.
Hiện nay, CSVN đã tiêm được 166,8 triệu liều và số người tiêm 1 mũi đạt tỷ số 98% người trên 18 tuổi. Tuy nhiên do hệ thống y tế còn quá tồi tệ và những loạt vaccine nhận được từ sự chuyển nhượng của một số nước đã quá hạn khiến cho việc bảo trì và không đạt đúng tiêu chuẩn như quy định của WHO. Vì thế, mặc dù tỷ số người được chích ngừa được báo cáo rất cao; nhưng con số người tiếp tục bị lây nhiễm và tử vong vẫn tiếp tục lên cao, nhất là tại Hà Nội và một số tỉnh thành thuộc Đồng Bằng Sông Cửu Long.
- CSVN TUNG GÓI CỨU TRỢ ĐẠI DỊCH – NHƯNG CHỈ TƯNG BỪNG TRÊN TV
Đại dịch Covid-19 đã không chỉ làm cho sự di chuyển của con người bị gián đoạn mà còn ảnh hưởng sâu sắc lên đời sống, đặc biệt là đối với giới lao động. Khi công xưởng bị đóng cửa, quán ăn, chợ búa bị phong tỏa, người dân lao động phải nằm nhà và chờ các gói cứu trợ từ chính quyền hay từ các tổ chức từ thiện. Đa số các quốc gia công nghiệp hay đang phát triển đều tung ra những gói cứu trợ tổng trị giá từ 10 đến 25% GDP nhằm gửi trực tiếp đến các gia đình có thu nhập thấp hay bị mất việc vì đại dịch.
Tại Việt Nam, nhà cầm quyền CSVN cũng đã tung ra hai gói cứu trợ đầu tiên vào tháng Tư, 2020: Gói cứu trợ 61.580 tỷ đồng dành cho những người nghèo và lao động với khẩu hiệu “không để ai bị bỏ lại phía sau” và gói cứu trợ 16.000 tỷ đồng dành riêng cho các doanh nghiệp vay với mức lời 0% nhằm trợ giúp tiền lương để các công ty không bị đóng cửa. Nhưng theo điều tra của Đài Á Châu Tự Do (RFA) thì sau một năm ban hành gói hỗ trợ tính đến ngày 27 tháng Năm, 2021 chỉ đạt 53% gói cứu trợ 61.580 tỷ đồng, tức chỉ có 32.694 tỷ đồng đến tay người dân. Còn gói cứu trợ các doanh nghiệp thì tính tới tháng Tám, 2021 tỷ lệ giải ngân là 0,26%, tức chỉ giải ngân khoảng 42 tỷ đồng cho 245 doanh nghiệp, trong khi cả nước có khoảng 500.000 doanh nghiệp điêu đứng vì đại dịch.
Vào năm 2021, CSVN còn tung ra hai gói cứu trợ 26.000 tỷ đồng vào tháng Tư, 2021 và 30.000 tỷ đồng lấy từ tiền tiết kiệm Quỹ Bảo Hiểm Xã Hội vào tháng Chín, 2021 với mục tiêu “để giảm tác hại của cơn đại dịch, ổn định lao động, việc làm, và cũng để phát triển kinh tế.” Nhưng theo báo cáo của Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam, một tổ chức ngoại vi của đảng CSVN cho biết là do thủ tục hành chánh quá rườm rà nên số tiến giải ngân đến tay nguời nhận quá ít, đa số lao động nghèo phải sống nhờ vào tiền cứu giúp của các cơ quan từ thiện.
Lúc đầu khi nghe các báo đài loan tải rầm rộ về các gói cứu trợ nên người dân có tâm lý háo hức chờ đợi, nhưng do thủ tục rườm rà, nhịp độ giải ngân thấp và chậm chạp khiến cho mọi người đều nói với nhau “tiền cứu đói chỉ phát trên TV mà thôi!”
Leave a Comment