An ninh và quốc phòng vì vậy phải được nắm giữ bởi những người thân tín của người nắm giữ quyền lực. Nó không chỉ là để triển khai các chính sách bảo đảm an ninh trong nước và phòng vệ từ nước ngoài dễ dàng, mà còn để bảo đảm an ninh cho chính mình, nhất là ở những nước độc tài khi mà việc thi hành luật lệ công bằng và sự cân bằng quyền lực giữa các nhóm đảng không có.
Khi ông Trọng dưới sức ép của Trung Quốc đưa ông Phạm Minh Chính lên vị trí thủ tướng. Ông Trọng đã khôn ngoan cài lại ông Tô Lâm và Phan Văn Giang làm bộ trưởng công an và quốc phòng. Hai tay của ông Chính coi như bị trói về cả hai chính sách an ninh và quốc phòng. Vị trí bộ trưởng Bộ Ngoại giao rơi vào tay ông Phạm Bình Minh và vị trí bộ trưởng Bộ Tài chính rơi vào tay ông Hồ Đức Phớc; cả hai ông này đều cũng không phải là người của ông Chính. Ông Chính vì vậy mà từ khi nắm nhiệm vụ cho tới nay nói nhiều mà làm chẳng được bao nhiêu, bởi đơn giản rằng ông không có quân trong tay, không có thực quyền. Quyền lực ngay trong chính phủ bị chia năm xẻ bảy. Đó là chưa kể ông còn không có khả năng điều hành và định hướng chính sách vĩ mô.
Để lên nắm giữ quyền lực tất nhiên Phạm Minh Chính biết hợp tác với các phe nhóm khác. Kể từ khi cựu chủ tịch Trương Tấn Sang bị bệnh và dần ít xuất hiện. Các phe nhóm được ông chống lưng như nhóm Báo Sạch ngay lập tức bị bắt; các nhân sỹ ở Miền Nam cũng im tiếng. Thế lực còn lại chỉ duy nhất là cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Dù đã về hưu, nhưng ông Dũng vẫn còn uy tín với giới chính trị gia ở miền Nam; và thông qua việc mượn sự ủng hộ của ông Dũng, ông Chính nhận lại được sự ủng hộ của giới chính trị gia miền Nam. Nhưng muốn nhận được sự ủng hộ của ông Dũng thì ông Chính tất phải thúc đẩy để vị trí và quyền lực chính trị của nhà ông Dũng tiếp tục hiện diện trong chính trường Việt Nam. Đó là lý do mà hai người con của ông Dũng đã thăng tiến nhanh chóng lên các vị trí khác nhau trong chính trường Việt Nam gần đây. Ngay khi ông Chính lên làm thủ tướng, ông đã đưa ông Nguyễn Thanh Nghị lên làm Bộ trưởng Bộ Xây dựng; còn người con út của ông Dũng là ông Nguyễn Minh Triết, mới 32 tuổi, giờ đây đã trở thành chủ tịch tổng hội sinh viên, một vị trí mà nhiệm kỳ tới có thể chuyển về nắm giữ vị trí bí thư tỉnh uỷ và nhiệm kỳ tới nữa có thể nhảy lên nắm một ghế bộ trưởng như người anh của ông.
Song song với việc phát triển mạng lưới vây cánh, việc tiếp theo ông Chính phải làm là tìm cách thay thế hai ông Tô Lâm và Phan Văn Giang bằng người của mình. Nếu thay thế và đưa được người thân tín của mình nắm giữ hai vị trí này thì quyền lực của ông Chính có thể là vô song, ông sẽ trở thành chính trị gia quyền lực nhất Việt Nam.
So với bộ trưởng Bộ Quốc phòng thì bộ trưởng Bộ Công an dễ tạo áp lực để truất phế hơn. Bộ Quốc phòng ít tiếp xúc với nhân dân nên ít mang nợ và ít bị ghét. Ngược lại, Bộ Công an nắm nhiệm vụ đàn áp trực tiếp người dân nên hình ảnh của ông Tô Lâm không có gì là tốt đẹp trong cộng đồng. Nhưng để loại được ông Tô Lâm cần có một kịch bản để hạ uy tín ông mà từ đó có thể loại được. Và kịch bản quay phim ông Tô Lâm ăn bò dát vàng xuất hiện. Đó là một kịch bản công phu, vì đi chung một đoàn chính phủ trong đó có cả thủ tướng nhưng chỉ có nhóm của ông Tô Lâm bị dàn cảnh ăn bò dát vàng, quay phim và phát tán rộng rãi.
Là một chính trị gia lão luyện và là một viên tướng công an thâm niên, ông Tô Lâm tất hiểu rằng ông có rất nhiều món nợ. Và việc ông có hạ cánh được an toàn hay không nó còn tuỳ thuộc vào người đang cầm quyền là ai. Ông Chính — người mà ông Tô Lâm giờ đây có lẽ nghi ngờ đang đứng sau kịch bản bò dát vàng cốt để đưa ông Tô Lâm nhanh chóng về hưu — chính là người làm ông Tô Lâm lo sợ nhiều nhất.
Ông Trọng sắp phải nghỉ vì lý do sức khoẻ và tuổi tác, và đang dần mất đi ảnh hưởng vì người ta theo để vì một tương lai chứ chẳng ai theo chỉ vì quá khứ. Chính trường Việt Nam vì vậy mà chẳng còn nhiều trụ cột quyền lực để người ta theo phò trợ.
Như đã nói, nếu ông Tô Lâm ra đi, ông Chính có thể đưa người thân tín vào vị trí bộ trưởng Bộ Công an, và lúc đó số phận ông Tô Lâm như cá nằm trên thớt trong tay ông Chính.
Ông Chính trong thời gian làm bí thư tỉnh Quảng Ninh, một tỉnh giáp giới Trung Quốc, đã thúc đẩy sự hợp tác phát triển một cách mạnh mẽ với Trung Quốc. Ông Chính vì vậy mà có một mối quan hệ đặc biệt với giới chính trị Bắc Kinh. Việc ông Chính vươn lên vị trí thủ tướng từ vị trí bí thư một tỉnh lẻ sẽ khó có thể được một cách dễ dàng nếu không có sự tác động ít nhiều phía sau của Bắc Kinh.
Ngược lại với ông Chính, ông Tô Lâm trong một công điện bị rò rỉ từ đại sứ quán của Hoa Kỳ ở Việt Nam được cho là người có thể hợp tác. Để có được một sự xác nhận này tất ít nhất đã có những cuộc tiếp xúc giữa ông Tô Lâm và nhân viên tình báo của Hoa Kỳ. Việt Nam ở cạnh Trung Quốc và vì vậy mà các bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam đều ít nhiều phải theo dõi và biết về các vấn đề an ninh liên quan đến Trung Quốc. Những tiếp xúc nếu có giữa một bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam và giới tình báo Hoa Kỳ không có gì quan trọng bằng những thông tin về hoạt động an ninh của Trung Quốc.
Muốn biết được sự hợp tác này đến đâu thì chỉ có hỏi ông Tô Lâm là rõ nhất. Và khi mà ép được ông Tô Lâm rời chức sớm, ông Chính có thể thông qua thân tín của mình ở Bộ Công an mà triệu tập ông Tô Lâm đến để hỏi rất dễ dàng, tất nhiên là có thể bằng một vụ án nào đó. Lúc này, những thông tin quan trọng như vậy có thể giúp Bắc Kinh rất nhiều trong việc bảo vệ mạng lưới an ninh trước sự xâm nhập của Hoa Kỳ, nhất là khi mà việc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Bắc Kinh đến hồi khốc liệt.
Số phận của ông Tô Lâm do đó tuỳ thuộc vào việc ông Chính có còn là thủ tướng hay không. Nếu ông Chính ra đi, và thay vào đó là một thủ tướng thân phương Tây hơn thì ông Tô Lâm hạ cánh an toàn, nhẹ nhõm về nhà nghỉ hưu.
Do đó cuộc chiến bây giờ là cuộc chiến giữa Phạm Minh Chính và Tô Lâm.
Trong cuộc chống dịch, vô số quyết định sai trái được đưa ra, vô số sai lầm bị mắc phải, và chắc chắn là rất nhiều tham nhũng. Với cương vị là người đứng đầu chính phủ, ông Chính là người chịu trách nhiệm cuối cùng về các chính sách. Đây là mảnh đất màu mỡ để một bộ trưởng Bộ Công an như ông Tô Lâm khai thác, mở chiến dịch và từ đó nhằm làm xói mòn uy tín, vị thế, và cuối cùng có thể đưa ông Chính ra khỏi ghế thủ tướng.
Việc khui vụ Việt Á bán dụng cụ xét nghiệm dỏm chỉ mới là phần đầu của một chiến dịch như vậy. Và chiến dịch sẽ tiếp tục cho tới khi các dàn xếp nội bộ kết thúc. Nó không chỉ là việc đầu đá nội bộ làm ảnh hưởng đến số phận của những người tham gia, mà nó còn ảnh hưởng đến cục diện của quốc gia và định hướng của đất nước, bởi phía sau nó là sự thúc đẩy của hai cường quốc Trung Quốc và Mỹ nhằm giữ một sự ảnh hưởng ở Việt Nam./.
Nguyễn Huy Vũ
Leave a Comment