Vì sao Tuyên giáo Đảng nhìn đâu cũng thấy thù địch?

- Quảng Cáo -

Nguyễn Nam (VNTB)

Thế lực thù địch, phản động lợi dụng Covid-19 gia tăng chống phá Đảng, Nhà nước.

Ông Lại Xuân Môn, Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương, tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2021 và triển khai nhiệm vụ 2022, do Ban Tuyên giáo trung ương tổ chức sáng 23-12, tại Hà Nội, theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, cho rằng, “dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội; các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã lợi dụng tình hình này để gia tăng các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước”.

Cũng theo ông Môn, công tác nắm tình hình tư tưởng, dư luận xã hội trên không gian mạng đã có nhiều chuyển biến tích cực, qua đó phát hiện trước mỗi sự kiện lớn của đất nước và đặc biệt là trong công tác phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam, các lực lượng thù địch, phản động đã gia tăng hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước.

- Quảng Cáo -

Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo TP.HCM, cho hay trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, tại TP.HCM phát hiện rất nhiều tin tức giả, xuyên tạc, sai sự thật về công tác phòng chống dịch Covid-19. Trong đó, Ban Tuyên giáo TP.HCM đã phát hiện 3.036 tin giả, thông tin sai sự thật do các thế lực thù địch, phản động phát tán trên không gian mạng.

Trưởng ban Tuyên giáo trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cũng đánh giá các đối tượng, thế lực này có điều chỉnh cả lực lượng công khai và lực lượng bí mật, với phương thức hoạt động mới là lợi dụng các vấn đề an sinh xã hội để tổ chức các hoạt động công kích, hòng làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào chế độ; gây mất đoàn kết chia rẽ lực lượng công an, quân đội; bác bỏ, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang…

Ông Nghĩa cũng cho rằng lực lượng nòng cốt đấu tranh với các thế lực thù địch, phản động đến nay cơ bản đã rõ thì công tác đấu tranh, phản bác trên không gian mạng cần mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong năm 2022, để bảo vệ nền tảng tư tưởng, chính trị của Đảng.

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 tổ chức tại TP.HCM ngày 25-12, khi ấy ông Nguyễn Trọng Nghĩa cấp hàm thượng tướng, phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, xác nhận “Lực lượng 47 đã có hơn 10.000 người là hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng, vừa hồng vừa chuyên, kiên định lập trường, có trình độ, kỹ năng sử dụng công nghệ cao”.

Tại hội nghị vào cuối năm 2017 đó, thượng tướng Nguyễn Văn Thành – thứ trưởng Bộ Công an (từ tháng 8-2021, ông Thành là Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận trung ương, nhiệm kỳ 2021 – 2026) – cho rằng hiện nay các vấn đề liên quan đến an ninh phi truyền thống đều đã xuất hiện ở Việt Nam dưới dạng này hay dạng khác.

Nói về tình hình tội phạm xuyên quốc gia, tướng Nguyễn Văn Thành lấy ví dụ tỉ lệ người Việt phạm tội ở Nhật Bản tăng lên. Bộ Công an điều tra thì thấy xuất hiện những nhóm người nước ngoài ở Nhật, phối hợp với một số tổ chức ở Việt Nam đưa người sang Nhật đào tạo, lao động với nhiều lời hứa hẹn. Nhưng sang tới nơi không có việc làm, dẫn tới phạm tội…

Một ví dụ khác là nạn buôn người sang các nước Trung Đông. Ông Thành kể khi sang Dubai (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất), đến đại sứ quán đã thấy có người Việt đứng khóc vì bị lừa bán, ông phải chỉ đạo xử lý ngay…

Trở lại với những nội dung liên quan ‘thế lực thù địch’ được bàn luận tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2021 và triển khai nhiệm vụ 2022, do Ban Tuyên giáo trung ương tổ chức sáng 23-12, tại Hà Nội.

Rõ ràng là các cảnh báo của tướng Thành năm 2017, cho đến hiện tại dường như vẫn đúng, và chuyện xuất khẩu lao động đều là từ các doanh nghiệp được thành lập đúng pháp luật. Vậy nếu có những sai trái tiếp tục như câu chuyện kể của tướng Thành hồi năm 2017, đó là trách nhiệm các cơ quan hữu trách của Đảng và Nhà nước, chứ sao lại cứ chăm chăm ‘đổ thừa’ kiểu thế lực thù địch chống phá?

“Tôi cho rằng cần thay đổi định kiến về những chê trách mà người dân lên tiếng. Từ hồi đầu đợt bùng dịch Covid lần thứ tư, trên mạng xã hội từng rộ lên ngờ vực về giá trị thực sự của các kit test. Từng có rất nhiều cảnh báo về chuyện bắt nhốt cách ly, truy vết đến tận F3, F4, rồi chuyện dựng lô-cốt trên đường phố, thôn xóm, phường xã gọi là phòng chống Covid, thậm chí có nơi còn cưỡng bức thô bạo bằng sức mạnh cơ bắp buộc người dân phải ‘chọt mũi’…

Những ý kiến này cũng từng được Đảng và Nhà nước coi là chống phá. Thế nhưng ở những gì của hiện tại, xem ra nếu Đảng và Nhà nước cầu thị lắng nghe, có lẽ mọi chuyện tốt hơn hẳn lên rồi!” – một nhà báo ‘ngại nêu tên’, bức xúc ý kiến về hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2021./.

- Quảng Cáo -