Quảng Cáo

3 đạo luật làm giàu cho các nhóm lợi ích, có sửa được không?

Quảng Cáo

Hoàng Hải Vân

Thứ nhứt là Luật Đất đai.

Có quá nhiều sự bất cập cố ý trong đạo luật này đã không được khắc phục qua các lần sửa đổi, là nguyên nhân phát sinh hơn 80% tổng số khiếu kiện trong toàn quốc. Trong đó có 2 nội dung cốt lõi làm giàu cho các nhóm lợi ích : 1- chính sách 2 giá về đất đai : giá do nhà nước quy định (dùng để đền bù, giao đất, cho thuê đất) và giá thị trường. 2-Quy định cho phép chính quyền địa phương thu hồi đất giao cho các doanh nghiệp làm dự án kinh tế với giá đền bù rẻ mạt, thực chất là tước đoạt tài sản nông dân để làm giàu cho các đại gia kinh doanh đất. Tôi đã viết về những vấn đề này trong suốt 20 năm qua trên báo chí chính thống và trên mạng xã hội. Trong đợt góp ý sửa đổi Luật Đất đai lần trước cũng đã có hàng triệu ý kiến góp ý sửa đổi của những người chính trực, nhưng cơ quan soạn thảo do các nhóm lợi ích về đất đai thao túng đã phớt lờ những vấn đề này. (Việc thu hồi đất rồi mang ra đấu giá gần đây tuy nhà nước có lợi nhưng người bị thu hồi đất thì chẳng được lợi gì).

Thứ hai là Luật Dược.

Đó là đạo luật do Bộ Y tế chủ trì soạn thảo. Bộ này cũng là cơ quan soạn thảo các Nghị định hướng dẫn thi hành, rồi cũng chính họ ban hành những thông tư hướng dẫn tạo thành những ma trận người dân không thể nào hiểu nổi. Trong đó, có quy định về cấp số đăng ký thuốc cùng các quy định về quản lý dược phẩm, tạo độc quyền tăng giá thuốc và cơ chế xin-cho trong cung ứng thuốc và các thiết bị y tế vào bệnh viện và các cơ sở y tế công. Ma trận này tạo thành một hệ thống khép kín tôi chắc chắn là lãnh đạo Đảng và Nhà nước không thể hiểu, không thể can thiệp, cho đến khi lộ ra việc cấp số đăng ký thuốc để nhập thuốc giả và lộ rõ tình trạng ăn chặn xương máu sức khoẻ của người dân đằng sau những cái k.i.t xét nghiệm đang diễn ra. Tôi đã từng phanh phui “lịch sử đen” của việc cấp số đăng ký thuốc tạo độc quyền tăng giá thuốc ăn chặn trên cơ thể nhân dân từ lâu, nhưng như đã nói, các nhóm lợi ích trong ngành y tế được ma trận này bảo kê nên không ai làm gì được.

Thứ ba là Luật Đấu thầu.

Luật Đấu thầu nước ta dù nhiều lần sửa đổi nhưng về căn bản không tuân theo những nguyên tắc thị trường và luật pháp quốc tế về đấu thầu. Trong đó, có rất nhiều ngoại lệ áp dụng chỉ định thầu bị các nhóm lợi ích lợi dụng. Các nhóm lợi ích này thao túng luật pháp đấu thầu đến mức, khi ký Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ và gia nhập WTO, Việt Nam đã từ chối tham gia Hiệp định về đấu thầu của WTO. Có luật này mới có việc chỉ định thầu trong dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Cho đến gần đây, khi tham gia CPTPP, Việt Nam mới chấp nhận các quy định đấu thầu của WTO, nhưng Luật Đấu thầu vẫn chưa được sửa đổi theo các chuẩn mực quốc tế. Việc áp dụng các ngoại lệ chỉ định thầu (có thời gian chiếm phần lớn các gói thầu), đã tạo điều kiện cho các quan chức nhà nước câu kết với các doanh nghiệp bòn rút tài sản quốc gia, khiến cho tài sản quốc gia chảy vào túi các nhóm lợi ích không biết bao nhiêu mà kể. Mới nhất, là việc thổi phồng các nguy cơ dịch bệnh để áp dụng chỉ định thầu hay đấu thầu rút gọn trong ngành y, sự bung bét trong mua sắm k.i.t xét nghiệm đang diễn ra mới chỉ là một phần bé nhỏ của tảng băng lợi ích trong ngành này.

Ba đạo luật đó đang tiếp tay cho các nhóm lợi ích vơ vét máu mỡ của nhân dân và tài sản quốc gia, nhưng với quy trình luật liên quan đến ngành nào do Bộ quản lý ngành đó soạn thảo cùng với soạn nghị định, soạn thông tư hướng dẫn như hiện nay thì không thể sửa được.

Phải áp dụng cách làm luật của Napoleon thì may ra mới sửa được. Vị hoàng đế vĩ đại này của nước Pháp đã tự mình nghiên cứu luật pháp và trực tiếp chỉ huy soạn thảo luật. Ông từng nói, sự nghiệp của ông không phải là 40 trận thắng lớn trong quân sự mà chính là Bộ Luật Dân sự. Bộ Luật đó không chỉ trường tồn ở nước Pháp (ngày nay Pháp vẫn duy trình phần lớn các điều khoản của bộ luật này) mà còn ảnh hưởng sâu rộng trong thế giới hiện đại./.

HOÀNG HẢI VÂN

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux