canhco – RFA
Thường khi bắt một người phải biết rõ người ấy vi phạm pháp luật ở điểm nào và bằng chứng phải đủ thuyết phục mới có thể mang người ấy về tạm giam để điều tra thêm chứng cứ hay đồng phạm. Chính quyền Việt Nam nhiều năm qua đã làm khác mọi luật lệ phổ quát trên thế giới bằng cách dựa vào những điều họ tự đặt ra, vượt qua hiến pháp và luật pháp nhằm mục đích có thể bắt giữ một ai đó có thái độ chống đối chính quyền, bất kể người ấy có bạo động hay không.
Người dân đã quá quen với cách hành xử vượt qua luật pháp để tạo chứng cứ nhằm bắt một ai đó có hành vi mà chính quyền lo sợ. Cả gia đình bà Cấn Thị Thêu bị giam giữ trong thời gian qua cho thấy độ dã man của chính quyền Hà Nội là đáng lên án khi chính quyền một lúc bắt cả ba mẹ con giam giữ mà không cần xét xử trong một thời gian dài. Người dân không nói ra vì nhiểu nỗi, nhưng chắc chắn trong tâm tư mỗi người đều đặt câu hỏi về tính chính danh của chính quyền có hợp pháp hay không khi mang người dân vào tù không bằng luật pháp mà bằng súng đạn và một mớ luật lệ mơ hồ, áp đặt.
Người dân không thể nổi loạn, không thể biểu tình, cũng không thể phản biện một cách triệt để trên mạng xã hội vì họ biết chính quyền này không nhượng bộ cho bất cứ ai có tư tưởng chống lại những sai trái mà chính quyền đang phạm phải. Nhưng bảo người dân hoàn toàn không chú ý tới những oan khiên mà chính quyền mang lại cho dân chúng là điều ảo tưởng. Người dân lúc nào cũng canh cánh gạo cơm một lẽ nhưng oan khuất, man trá chung quanh thì họ không thể không quan tâm. Chính quyền không thể đe nẹt làm cho lương tâm của họ bất động, ít nhất họ bàn bạc, lên án và biểu tỏ sự bất mãn trong phạm vi mà họ có thể. Một ngày nào đó khi phạm vi bất bạo động này lan ra, lúc ấy không một sức mạnh của chính quyền nào chống lại nổi. Thế giới đã có quá nhiều bài học nhưng xem ra Việt Nam vẫn xem thường và ngủ quên trên bạo lực cách mạng, vốn chỉ áp dụng cho quân thù chứ không thể áp dụng cho chính người dân, những người từng bảo vệ bao che cách mạng những ngày đầu của bạo lực.
Vì ngủ quên và tưởng rằng súng đạn luôn luôn đúng khi dùng để áp chế những tư tưởng tự do nên Hà Nội không ngại ngùng gì đáp trả những yêu cầu của mọi tổ chức nhân quyền trên thế giới về hành xử bất công mà chính quyền áp dụng vào con dân của mình. Hà Nội tiếp tục theo đuổi chính sách im lặng trước mọi yêu sách và im lặng thực hiện hành vi đàn áp người bất đồng chính kiến bất kể sự đàn áp ấy bị lên án, tố cáo trước dư luận quốc tế. Việt Nam tin rằng không một đất nước nào bỏ thời giờ tiền bạc ra cho một tù nhân, bất kể tù nhân ấy nổi tiếng như thế nào trước dư luận quốc tế.
Từ chính sách ấy, hàng chục tù nhân đã bị giam giữ một cách trái với pháp luật, thứ mà chính quyền luôn đưa ra bao che cho hành động phản pháp luật của mình. Cách mà Hà Nội trả lời báo chí ngoại quốc cho thấy Hà Nội không hề nhân nhượng bất cứ ai đe dọa nền tảng cai trị của họ, một nền tảng dựa trên sức mạnh và đàn áp dân chủ, tự do. Mọi nỗ lực tuyên truyền về dân chủ chỉ là tấm khiên che đậy mánh lới chính trị mà nhà nước Việt Nam luôn theo đuổi.
Phạm Đoan Trang là một người đang bị nhà nước Việt Nam trả thù, đúng, trả thù vì bà đã ngang nhiên thách thức sức mạnh mà Đảng Cộng sản Việt Nam luôn tự hào.
Bà không im lặng như 90 triệu người dân Việt Nam. Bà lên tiếng bằng ngòi bút qua những tác phẩm khai sáng trí tuệ dân chúng về vấn đề chính trị. Bà biến chữ viết trở thành vũ khí để trang bị cho người dân, mặc dù chưa ai cảm thấy rằng đọc sách của bà là một cách tiến gần đến quyền lợi mà thượng đế giao phó cho con người. Quyền lợi đó bao gồm quyền được sống, được lên tiếng phản biện những phép tắc có hại cho dân chúng, được bày tỏ ý kiến cá nhân một cách ôn hòa và được chống lại những gì mà chính phủ sai trái.
Tác phẩm “Chính trị bình dân” mà bà viết ra không nhằm bán kiếm tiền, không nhằm đánh bóng tên tuổi cũng không nhằm làm một tấm thông hành giúp bà thỏa mãn ước vọng sang một nước khác tỵ nạn chính trị. Phạm Đoan Trang viết cuốn sách này trong nhiều năm, nhiều chỗ và dĩ nhiên rất nhiều hạn chế từ phía chính quyền. Cuốn sách được in chui và nó làm chính quyền sợ hãi hơn là bực bội.
Sự sợ hãi gắn liền với lòng tự tôn đã đẩy Hà Nội vào chỗ không còn lựa chọn nào khác là bắt Phạm Đoan Trang vào tù cho thỏa mãn tự ái, nhưng sau vài tuần lễ giam giữ bà, chính quyền đối diện với sự sợ hãi đang quay trở lại. Lần này, sợ hãi đến từ dư luận, từ những bài viết đanh thép bào chữa cho bản thân người bị bắt và ngay cả trong chính quyền đã không ít người tỏ ra bực mình khi Hà Nội cương quyết giam giữ Phạm Đoan Trang mà không phân biệt tính cách nguy hiểm của bà và cuốn sách mà bà đã xuất bản.
Chính sự bắt bớ tác giả đã làm cho cuốn sách nổi tiếng hơn vì những gì bà Đoan Trang chứng minh trong đó hiện rõ lên hành vi bắt người trái phép của Hà Nội. Nó như một minh chứng khách quan, một sự thật không thể che giấu và nhất là hành trình của cuốn sách từ lúc bà Trang bị bắt đã đi xa hơn, lan tỏa rộng hơn, và nhất là nhiều người tìm xem hơn.
Tác động của việc bắt giữ tác giả một cuốn sách làm cho chính quyền ngày càng khó đối phó với dư luận hơn mặc dù chưa bao giờ họ tỏ ra sợ dư luận cả. Nhưng chính trị cũng như thời tiết, chưa bao giờ nó đứng yên một chỗ cho nhà cầm quyền an hưởng thái bình trên nỗi đau của nhân dân. Khi thời tiết thay đổi, lúc nhân dân tìm nơi trú ẩn cũng là lúc chính quyền đối diện với bão tố đến từ tác động trong hay ngoài nước tùy thuộc vào khuynh hướng thay đổi của chính trị thế giới.
Mới đây nước Mỹ tổ chức ngày thảo luận về nhân quyền của các nước khắp thế giới mà trong đó những nước có thành tích chà đạp nhân quyền như Trung Quốc, Nga và Việt Nam bị cạch mặt.
Hà Nội sẽ cho rằng đây là một hội nghị thiếu khách quan, nhưng cả thế giới lại hiểu ngược lại, Việt Nam bị đạp ra khỏi ngày thảo luận vì một lẽ rất đơn giản, họ xem dân chúng của họ là những con thú, muốn giam giữ, đầy đọa hay thậm chí giết thịt lúc nào cũng được miễn sao chế độ vững bền.
Không có gì vững bền trong đời sống chính trị cả. Hôm nay Hà Nội bắt giam dân chúng thì một lúc nào đó dân chúng sẽ quay lại bắt giam họ mà thôi.
Cái ngày mà người cầm quyền hôm nay phải đứng trong vành móng ngựa không xa như họ nghĩ. Thế giới thu hẹp dần và mọi diễn biến xảy ra chớp nhoáng không thể ngờ tới, nhất là lịch sử, không có gì cản được vết xe của nó, kể cả bạo lực cách mạng.
Leave a Comment