Thương trẻ như vậy bằng mười hại trẻ

- Quảng Cáo -

Chu Mộng Long

Dẫn lời nhà nghiên cứu Cương Giang (Nghệ An), Báo Lao động viết:

“Việc làm của một số cán bộ, tổ chức Đoàn ở Thanh Hóa là thăm hỏi, động viên đoàn viên gặp hoạn nạn, khó khăn, bị làm nhục. Kể cả đoàn viên đó có lỗi lầm, thì cũng cần được động viên, chia sẻ và đồng hành để vượt qua, đi tới; chứ tổ chức Đoàn không thể bỏ mặc đoàn viên khó khăn vì sợ trách nhiệm, sợ liên đới. Đó là hành động mang tính nhân văn, thông cảm và chia sẻ. Dù bất cứ cá nhân, tổ chức nào, thì tính nhân văn phải là tiêu chí hàng đầu”.

Khiếp cho “tính nhân văn”, “động viên”, “chia sẻ” theo kiểu bầy đàn nhân danh đoàn thể như thế này.

- Quảng Cáo -

Không rõ nhà nghiên cứu Cương Giang trong bài báo nghiên cứu gì. Nghiên cứu tâm lý – giáo dục hay nghiên cứu… phân bón?

Nếu là nghiên cứu tâm lý – giáo dục thì anh ta phải biết một lẽ đơn giản mà kẻ cả đời làm nghề bón phân cũng biết. Rằng, khi thân đã lỡ rơi vào hố phân thì lo tắm gội sạch sẽ trước khi bước vào bàn ăn hay đến nơi công cộng. Một kẻ phạm lỗi lầm, nếu biết lỗi thì họ cần sự yên tĩnh để sám hối, ăn năn. Kẻ phạm lỗi mà biết lỗi thì điều kẻ đó sợ hãi nhất là cả làng đến bu quanh, dù là động viên, chia sẻ. Bởi khi đó, vô tình hay hữu ý, cái xấu được banh thêm ra cho thiên hạ bàn luận.

Có hai giả định. Một là, nếu cô gái kia đã từng ăn cắp đến dày mặt, thì việc “động viên”, “chia sẻ” của cả một bầy đàn gọi là đoàn thể kia khác nào cổ vũ động viên cho sự ăn cắp? Và hiệu ứng tiêu cực kéo theo là những đoàn viên khác coi ăn cắp là điều đáng được biểu dương, hoặc chí ít là không đáng xấu hổ. Hai là, nếu cô gái và cả gia đình xem đó là lỡ lầm, đáng xấu hổ thì việc bầy đàn mang danh đoàn thể kia kéo đến, vừa tặng quà, vừa chia sẻ hình ảnh lên mạng gây dư luận ầm ĩ, khác nào bôi tro trét phân lần nữa lên mặt họ?

Thương nhau như thế bằng mười hại nhau!

Thử đặt mình vào cô gái và gia đình của cô gái mà trải nghiệm xem, rằng việc thăm hỏi, tặng quà, khoe ảnh rùm beng như vậy, họ cảm thấy ngọt ngào hay đau đớn, đắng cay?

Chỉ có kẻ mặt dày mới thấy ngọt ngào!

Nhân văn đúng nghĩa là thế này, các nhà nhân văn giả cầy ạ. Khi một cá nhân mắc lỗi lầm, đặc biệt là trẻ em, người lớn và có hiểu biết cần có hai động thái: vừa chỉ ra lỗi lầm để trẻ hiểu ra lỗi lầm của mình, vừa động viên để kẻ mắc lỗi đứng lên mà sống một cách ngay thẳng. Cả hai đều phải được làm một cách kín đáo, tế nhị. Việc kéo bầy đàn đến nhà người ta, lại chụp ảnh, khoe quà, khoe danh là giết chết con người ta rồi đấy. Xem ra cô gái này bị làm nhục hai lần, và chính lần “động viên”, “chia sẻ” này mới thực sự giết chết cô gái. Cô gái hết đường sống khi lỗi lầm của mình bị đoàn thể đem ra diễn trò cho thiên hạ xem.

Tôi khuyên báo chí và những “nhà nhân văn”, rằng giết người như vậy là đủ rồi, đừng biện bạch để tri trét thêm nữa./.

Chu Mộng Long

- Quảng Cáo -