Uỷ ban Thụy sĩ – Việt Nam (Cosunam) có trụ sở ở Geneva, vừa kêu gọi trả tự do cho nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh, người đang bị chính quyền Việt Nam giam cầm hơn 8 tháng qua nhưng chưa cho gia đình và luật sư thăm gặp. Uỷ ban Cosunam cũng cho biết rằng chính quyền bang Geneva đã nêu trường hợp của bà Hạnh trong cuộc gặp với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vào cuối tháng 11.
Uỷ ban Cosunam, gồm các thành viên là người Thụy sĩ và người gốc Việt, hoạt động hơn 30 năm qua nhằm tranh đấu cho nhân quyền và một nền dân chủ thật sự tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Tăng Lũy, Tổng thư ký của Uỷ ban Cosunam, cho VOA biết ủy ban này vừa gửi thỉnh nguyện thư gửi đến chính quyền bang Geneva, Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ và Đại sứ quán Việt Nam yêu cầu can thiệp để trả tự do cho bà Nguyễn Thúy Hạnh.
Ông Lũy nói:
“Uỷ ban Cosunam thấy rằng trường hợp của bà Nguyễn Thúy Hạnh, người lo cho Qũy 50K tại Việt Nam, là trường hợp rất quan trọng và có ý nghĩa.
“Uỷ ban Consunam đã làm một thỉnh nguyện thư đặc biệt với hơn 100 người trong chính giới tại Thụy Sĩ và các ủy ban quốc tế về nhân quyền khác. Thỉnh nguyện thư này đã gửi đến tòa đại sứ tại thủ đô Berne và chính quyền tại Việt Nam, Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ.
“Chúng tôi trình bày về trường hợp của bà Nguyễn Thúy Hạnh, trước nhất xin yêu cầu cho gia đình được thăm bà, mang thuốc men vô và cho luật sư can thiệp.”
Theo ông Lũy, Uỷ ban Cosunam cũng đã nhờ chính quyền bang Geneva can thiệp và đã nêu trường hợp của bà Hạnh trong cuộc gặp với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi ông Phúc công du Thụy Sĩ vào cuối tháng 11 vừa qua.
Ông Lũy cho biết:
“Trước lúc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đi một vòng qua Thụy Sĩ và tới thành phố Geneva, chúng tôi đã liên lạc với một số người trong Bộ Chính phủ Geneva và yêu cầu họ can thiệp cho bà Nguyễn Thúy Hạnh và một số tù nhân lương tâm khác khi tiếp phái đoàn ông Phúc. Và vào ngày họ gặp [ông Phúc] thì họ đã tỏ ý can thiệp theo đường hướng đó”.
VOA đã liên lạc Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ và Bộ Ngoại giao Việt Nam để tìm hiểu thêm về sự can thiệp của chính quyền Geneva cho trường hợp này, nhưng chưa được phản hồi.
Trang Cosunam.ch cũng đăng một bức thư của ông Jean-Luc von Arx, Ủy viên Hội đồng thành phố Geneva kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho bà Hạnh.
“Không thể chấp nhận được việc để bà Nguyễn Thúy Hạnh sống mòn mỏi trong tù thêm nữa và chúng tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho bà ngay lập tức. Không một con người nào đáng bị đối xử như vậy, được cho là nhân danh công lý, mà không tôn trọng các quyền cơ bản của họ,” ông Jean-Luc von Arx viết.
Ông Huỳnh Ngọc Chênh, chồng của bà Hạnh, hôm 7/12 viết trên Facebook: “Hôm nay tròn 8 tháng kể từ ngày Hạnh bị bắt, đã qua hai lệnh tạm giam để điều tra nhưng cơ quan an ninh điều tra Hà Nội vẫn chưa điều tra ra tội của Nguyễn Thúy Hạnh để có kết luận gởi đi.”
“8 tháng qua tui hoàn toàn bặt vô âm tín với Hạnh”, ông Chênh viết.
Bà Nguyễn Thúy Hạnh, 57 tuổi, một người tranh đấu bảo vệ nhân quyền ở Hà Nội, bị chính quyền khởi tố bắt tạm giam hôm 7/4/2021 với cáo buộc “Tuyên truyền chống phá nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Bà Nguyễn Thuý Hạnh đã tham gia vào các phong trào xã hội dân sự và các cuộc biểu tình vì môi trường trong mười năm qua.
“Không có gì bất hợp pháp thực sự, ngoại trừ việc bà ấy bị cáo buộc đã lập nên và phát triển một quỹ nhân đạo vào năm 2014 để hỗ trợ các nạn nhân bị cầm tù và gia đình của họ bị bỏ rơi mà không có bất kỳ sự hỗ trợ nào của chính phủ Việt Nam. Bà Hạnh hỗ trợ hàng tháng cho gia đình để trang trải chi phí thăm gặp phạm nhân, mua sách giáo khoa và học phí cho con em của tù nhân lương tâm,” Ủy viên Hội đồng thành phố Geneva viết.
Theo bức thư của ông von Arx, quỹ “50K” của bà Hạnh đã tạo được uy tín và sự tín nhiệm trong cộng đồng người Việt Nam trong và ngoài nước, và rằng nhà chức trách Việt Nam lo sợ trước thành công của quỹ này và đã buộc bà khóa tài khoản vào năm 2020.
Ngay sau bà Hạnh bị bắt giam, Cộng hoà Czech lên tiếng bày tỏ quan ngại và kêu gọi trả tự do cho bà ngay lập tức. “Chúng tôi hết sức quan ngại về vụ bắt giữ nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Thuý Hạnh và những cáo buộc chống lại bà,” Bộ Ngoại giao Cộng hoà Czech nói trong một tuyên bố hôm 12/4.
Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) cũng lên án việc bắt giữ bà Hạnh, cho rằng việc bắt bà Hạnh có “động cơ chính trị” và là hành động “vi phạm nhân quyền trắng trợn” của chính quyền Hà Nội.
Truyền thông Việt Nam cho rằng bà Hạnh bị bắt tạm giam vì “hành vi chống phá Nhà nước.” Về việc phong toả tài khoản do bà Hạnh đứng tên quyên góp được hơn 500 triệu tiền “phúng viếng cụ Kình”, Bộ Công an nói rằng đây là một trong những biện pháp “chống khủng bố” mà pháp luật Việt Nam cho phép./.
Leave a Comment