Nhưng vấn đề là làm thế nào để có tự trọng, đó mới là điều quyết định.
“Tự trọng là coi trọng và giữ gìn phẩm cách của mình”. Nhưng làm thế nào để có được cái phẩm cách ấy khi mà từ lúc vừa bước chân vào trường học người ta đã không được nói cái điều mình thấy, mình nghĩ? Có ai tôn trọng sở thích, chính kiến, lý giải, biện hộ của họ đâu. Người ta nhất nhất phải học và nói theo sách, thi theo sách dù những điều ấy trái với lòng mình.
Con người bị tước đi phẩm cách cá nhân từ ngay từ buổi đầu đời, hỏi làm gì còn có mà giữ gìn? Giáo dục đúc khuôn, giáo dục đồng phục, giáo dục nghe lời, giáo dục “sản xuất hàng loạt” thì làm gì có phẩm cách cá nhân để mà gìn giữ?
Đó là chưa kể chúng bị đẩy vào một guồng quay bất tận và khốc liệt của thành tích, của danh hão. Người ta được dạy cạnh tranh, kèn cựa, hơn thua, hiếu thắng ngay dưới mái trường. Giá trị của một con người gắn chặt với những con số để phân loại giỏi dốt ngoan hư thì phẩm cách dùng vào đâu và để làm gì?
Phẩm cách có ý nghĩa gì khi ra trường nếu còn sót lại chút gì thì người ta cũng phải cất nó đi và thay bằng chiếc phong bì dày cộp để khúm núm đến của quan xin việc? Và lại lên làm quan.
Ăn cắp mà thấy xấu hổ là khi nó cá biệt, nó hiếm hoi; chứ một khi đâu đâu cũng tham nhũng thì nó trở thành mục đích, thành tiêu chí của thành đạt, thành công. Khi trong giờ kiểm tra, nếu một học sinh dở tài liệu mà bị phát hiện thì kẻ đó thấy nhục, chứ đến 3 đứa thì đã trở thành niềm tự hào, tất cả mọi giá trị bị đạp đổ, thi cử trở thành nỗ lực qua mặt giám thị. Làm gì còn tự trọng nữa!
Học sinh hí hửng rằng chúng chép bài mà không bị phát hiện; giáo viên đi kể oang oang về khoản tiền chạy việc, chuyển trường… Phẩm cách là món rẻ nhất trong xã hội ta. Bán không mua, cho không lấy.
Phẩm cách để làm gì khi sự trung thực ngay thẳng thì bị trù dập còn thói nịnh bợ thì lên ngôi? Phẩm cách để làm gì khi “nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bốn trí tuệ”?
Một quốc gia muốn có phẩm cách thì không bao giờ chỉ từ những “giáo huấn”, phải thiết kế lại toàn bộ hệ thống từ giáo dục, quản trị, trọng đãi nhân tài… Một quốc gia muốn có phẩm cách thì tất cả mọi người đều phải có quyền và được bảo vệ khi phê bình (chữ của Hồ Chí Minh) từ chính phủ tới quan lại.
Người ta chỉ tự trọng khi phẩm cách được tôn trọng. Sự tôn trọng đó được thể hiện ở lắng nghe, ở cầu thị, ở bênh vực ở tôn vinh. Phẩm cách không phải là thứ từ trên trời rơi xuống, người ta phải có nghĩa vụ giữ gìn nó cho nhau bằng cách lên án, phê phán, chỉ trích, bằng luật pháp và dư luận. Khi dư luận bị cấm thì chỉ còn sự vô liêm sỉ, làm gì có phẩm cách./.
Thái Hạo
Leave a Comment