RFA
Bốn nhà bất đồng chính kiến với chính quyền Việt Nam sẽ bị đem ra xét xử ở ba phiên toà riêng biệt diễn ra liên tiếp vào các ngày 14, 15, và 16 tháng 12 năm 2021.
Theo thông tin từ luật sư Đặng Đình Mạnh, bốn người bao gồm các ông/bà Phạm Đoan Trang, Nguyễn Thị Tâm, Trịnh Bá Phương và Đỗ Nam Trung sẽ bị xét xử trong ba ngày từ 14 đến 16 tháng 12.
Nhà báo Phạm Đoan Trang, người bị cáo buộc dưới tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88 của Bộ luật Hình sự cũ năm 1999, sẽ là người ra tòa án Hà Nội đầu tiên hôm 14 tháng 12 sau hơn một năm bị giam giữ.
Tòa án nhân dân Hà Nội cũng xét xử hai nhà hoạt động quyền đất đai từ làng Dương Nội là bà Nguyễn Thị Tâm và ông Trịnh Bá Phương, cùng theo điều 117 của Bộ luật Hình sự năm 2015, với cáo buộc “phát tán tài liệu chống nhà nước” vào ngày hôm sau 15 tháng 12.
Cuối cùng, nhà hoạt động trong phong trào chống “BOT bẩn” Đỗ Nam Trung, sẽ bị toà án tỉnh Nam Định xét xử vào ngày 16, ông cũng bị khởi tố theo điều 117 của luật hình sự.
Đối với cả bốn nhà hoạt động trên thì đây đều sẽ là các phiên tòa sơ thẩm, tức là lần xét xử đầu tiên kể từ khi họ bị bắt.
Trả lời phỏng vấn của Đài Á châu Tự do, luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết ảnh hưởng của việc ba phiên toà mà ông tham gia bào chữa xảy ra nối tiếp nhau:
“Thực ra thì công việc nó dồn dập hơn, áp lực hơn. Nhưng mà chúng tôi cũng có sự chuẩn bị từ trước rồi cho nên nó vẫn ở trong cái vùng mà mình kiểm soát công việc được, chứ không bị động lắm.”
Cũng theo vị luật sư từ Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh này thì việc ba phiên toà có yếu tố chính trị xảy ra liên tiếp là chưa có tiền lệ, ông nói:
“Thật ra cũng khá là hiếm hoi, hai phiên tòa liên tiếp thì có nhưng mà ba phiên toà thì đúng là hiếm hoi thật. Nhưng mà tôi nghĩ có thể nó chỉ là sự ngẫu nhiên thôi, tại v chính là ba phiên toà, nhưng mà hai phiên tòa thì ở Hà Nội, còn phiên toà thứ ba xét xử ông Đỗ Nam Trung thì ở tỉnh Nam Định, cho nên tôi nghĩ có thể nó là sự ngẫu nhiên chứ không hẳn là một sự sắp xếp.”
Một chi tiết đáng chú ý khác được luật sư Đặng Đình Mạnh chỉ ra đó là mặc dù bà Nguyễn Thị Tâm và ông Trịnh Bá Phương bị bắt cùng ngày, cáo buộc chung tội danh, và sẽ bị xử cùng một phiên toà. Nhưng giữa hai nhà hoạt động này lại hoàn toàn không có sự liên hệ nào về mặt hành vi. Do vậy, theo luật sư thì đáng nhẽ ra hai người cần phải được xét xử riêng biệt.
Hồi đầu tháng 10, phía luật sư bào chữa thông báo tình hình sức khoẻ của nhà báo Phạm Đoan Trang có những diễn biến đáng lo ngại. Trước việc chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa thì phiên toà xét xử nhà báo này sẽ diễn ra, luật sư Đặng Đình Mạnh cung cấp thông tin cập nhật về tình hình sức khoẻ của bà:
“Sau khi mà chúng tôi có những bước tác động tới trại giam để họ chăm sóc sức khoẻ cho cô ấy, thì chúng tôi được biết là cô Trang phản ánh lại rằng trại giam đã có những sự chăm nom, rồi thường xuyên vào thăm khám cho cô ấy. Chỉ có cái điều là cái việc điều trị thì chúng tôi e rằng là không chu đáo. Tại vì họ vào thăm khám nhưng mà lại không có cái sự điều trị thích đáng. Điều này chúng tôi nghĩ là khá đáng lo.”
Điều 88 của Bộ luật Hình sự năm 1999 trước đây được dùng để buộc tội “tuyên truyền chống nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” với mức án tù có thể lên đến 20 năm tù giam.
Với việc Bộ luật Hình sự năm 2015 được đưa vào sử dụng, thay thế cho bộ luật năm 1999, điều 88 được thay thế bằng điều 117, với nội dung quy định tội “làm, tàng trữ, hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tuy tên gọi có sự thay đổi nhưng các tổ chức nhân quyền trong nước và quốc tế đều cho rằng bản chất của điều 117 tương tự với điều 88, là để buộc tội những người có tiếng nói bất đồng với nhà nước Việt Nam và đảng Cộng Sản.
Theo thống kê của Đài Á Châu Tự Do thì chỉ trong năm 2021, có ít nhất 40 người bị chính quyền Việt Nam bắt giam theo các cáo buộc liên quan đến an ninh quốc gia vì bày tỏ chính kiến một cách ôn hòa. Trong số này, có hơn 10 người bị khởi tố theo điều 117./.
Leave a Comment