Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm) – VOA
Chưa bao giờ một hoạt động văn hóa của đại diện Việt Nam trên đấu trường quốc tế lại nhuốm màu sắc chính trị, gây dư luận bất lợi từ ngay trong nước như cuộc thi hoa hậu quốc tế 2021, khi Hoa hậu Đỗ Thị Hà trình diễn đàn T’rưng bản nhạc “Cô gái vót chông”.
Chê bai
Như thường lệ, một hoạt động văn hóa quan trọng của đại diện VN ở nước ngoài, dù dở tới đâu thì báo chí VN cũng khó dám cất lời, bởi nó luôn được chính trị hóa.
Thế nhưng, với mạng xã hội, báo chí tự do thì rất … tự do, đặc biệt khi vấn đề lại đụng chạm tới một tình cảm lớn của người Việt.
Dù bản “Cô gái vót chông” chỉ được trình diễn phần nhạc, người nước ngoài hầu như không biết tới lời của nó, nhưng những người Việt biết bài hát thì rất đau một khi họ coi trọng và nhìn thấy tầm quan trọng trong mối quan hệ Việt-Mỹ đang ngày càng tốt đẹp.
Họ cho rằng lời của bài hát chỉ phù hợp với cuộc chiến kiểu “đánh chí chết” một thời, với lời ca nhuốm máu
“Mỗi mũi chông nhọn hoắt căm thù
Xiên thây quân cướp nào vô đây …
Còn giặc Mỹ cọp beo, khi còn giặc Mỹ cọp beo …”
Đó là chưa nói tới điệu nhạc với tiết tấu nhanh rộn ràng, vui tươi thể hiện tâm trạng thiếu nữ bước vào một cuộc chiến đầy chết chóc nhưng như chuẩn bị cho ngày hội. Không ngạc nhiên với điều đó, bởi một thời có nhiều bài hát mang âm hưởng lời ca tương tự, kiểu “có những ngày vui sao, cả nước lên đường, xao xuyến bờ tre, từng hồi trống giục …”.
Một khi, một chế độ xã hội cứ luôn thích sống bằng “ăn mày dĩ vãng”, những toan tính nước đôi, hai mặt, thì vẫn không thoát khỏi thái độ đố kỵ, thù hận dẫn tới vô ơn, dối trá. Thái độ đó khó hòa nhập đích thực với thế giới văn minh hiện đại.
Vậy là hoa hậu bị “ném đá”, không chỉ mạng xã hội, mà cả các báo đài của Mỹ, nước chủ nhà cho cuộc thi đồng thời là “nạn nhân” trong vụ điều tiếng này.
Thanh minh
Báo chí VN ắng ngắt, không thể có được một bài “bào chữa” giúp nàng hậu quá trẻ, hồn nhiên, với đầy thử thách khó khăn, hầu như thụ động trong câu chuyện.
Cái dở là ở những bậc đàn anh, đàn chị, thậm chí kể cả các “nhà chính trị” đứng sau kiểm soát nội dung cho cuộc xuất ngoại quan trọng.
Tiếc rằng, lời bào chữa vụng về đồng thời càng lộ rõ tầm văn hóa của vị Chủ tịch Miss World Vietnam đã thành phản tác dụng.
Không những không nhận ra góc nhìn rất khác với mình của thiên hạ, bà còn phản công bằng đánh giá thấp, sai phản ứng từ dư luận với việc chọn bản nhạc này để trình diễn, khi cho rằng họ đã “hiểu nhầm tiêu cực” rằng đó là “tiết mục hát”.
Họ không hề nhầm, nếu bà chỉ cần biết rằng, ngay trong một bài báo trước buổi trình diễn bản đàn của hoa hậu VN cả chục ngày, một độc giả đã nhắc khéo trong phần phản hồi, rằng “Ban giám khảo Miss World có biết nội dung bài hát không nhỉ?”
Thà là thú nhận chân thành, là chỉ trong thời gian ngắn tiếp xúc với đàn, nốt nhạc bẻ đôi không biết, buộc hoa hậu phải chọn bản nhạc từng nổi tiếng, đã có người chơi, để mà bắt chước, học theo kiểu “chuyền tay” thôi.
Cho nên, liệu có phải từ hậu quả của những phản ứng trong công luận, cùng kiểu chống chế như vậy, mà đã dẫn tới hệ quả bình chọn của khán giả cho Hoa hậu VN là 0%, làm cho siêu mẫu-“cô giáo” của cô phải nháo nhào kêu gọi cư dân mạng “ứng cứu”, như một tờ báo trong nước đưa tin?
Cảm thông?
Có lẽ không nhiều người để ý tới sự “tinh tế” manh tính chính trị đối ngoại, dù có thể chỉ vô tình, là ngoài bản nhạc “Cô gái vót chông”, hoa hậu VN còn trình diễn trang phục Nhụy Kiều tướng quân – Bà Triệu. Nó nhắc nhở tới vị nữ anh hùng chống giặc Đông Ngô – Trung Quốc xâm lược.
Dù là vô tình hay hữu ý, thì nhà tổ chức phía VN cùng hoa hậu đã theo đúng hướng “đi dây” của Đảng, Nhà nước giữa hai siêu cường số một thế giới. Có điều, cũng như lối “đi dây” bao năm nay, màn “song diễn” đó chẳng thể làm vừa lòng dân Việt, bởi mấy lý do.
Cuộc thi diễn ra ngay trên đất Mỹ mà trình diễn một bản nhạc hận thù với nước chủ nhà, dù là quá khứ. Rồi còn có cả một khối đông đảo “bộ phận của Dân tộc” đang ở đó, phần đông còn chưa nguôi ngoai với mất mát từ cuộc chiến, trong đó có cả người thân của họ từng là nạn nhân của hầm chông bẫy đá.
Thử tưởng tượng, nếu cuộc thi lại ở Trung Quốc, thì liệu có hay không màn diễn trang phục Bà Triệu như vậy? Hay là một bản nhạc đại để như “Những đôi mắt mang hình viên đạn”, có lời ca “Đoàn quân vội đi … về biên giới … Cũng từ biên giới về những bầy trẻ nhỏ … từng đôi mắt đen xoe tròn … mang hình viên đạn … trút lên quân xâm lược dã man”?
Thêm nữa, bộ trang phục được đặt tên “cho oai” như vậy thôi, còn trên thực tế thì chẳng mấy ai nhìn ra tinh thần Bà Triệu xa xưa trong đó, thậm chí có thể bị làm méo mó (cái thời buổi hoang sơ còn nghèo, giản dị, biết đâu bà còn … ở trần như phụ nữ Tây Nguyên thế kỷ trước); nó chẳng có chút biểu cảm nào có thể so sánh được với phần lời ghê gớm của bản nhạc được hoa hậu trình diễn.
Nước Mỹ ngày nay đang trợ giúp VN lớn nhất về mọi mặt, đặc biệt trong việc đối phó với láng giềng Trung Quốc tham tàn, ta không thể hạ ngang hàng được với chính kẻ thù truyền kiếp ngàn năm đó.
Vậy thì làm sao có thể đặt đối sánh về tác động chính trị – đối ngoại hai tiết mục đó được.
Nói cách khác, màn trình diễn trang phục, nếu là có chủ ý chính trị kiểu “cân bằng” thì hầu như không có tác dụng.
Cả hai ít nhiều đã làm nên bản song tấu phảng phất u uẩn từ quá khứ.
Và, càng khó thêm sự cảm thông, bởi vị Chủ tịch Miss World Vietnam lại cố đem cái lý vừa nêu trên để dẹp bớt dư luận chỉ trích.
Thế nên, nếu quả thực có toan tính muốn “cân bằng”, thì không thể gắng cùng lúc làm vừa lòng một người bạn lớn nhất cùng một kẻ thù nguy hiểm nhất theo lối đó.
Giá mà “cân bằng” màn trình diễn bộ trang phục gợi nhớ quá khứ bi hùng bằng một bản nhạc hòa bình đương đại thì hơn.
Cảm ơn
Nhưng suy cho cùng, có lẽ ta nên cảm ơn Hoa hậu cùng nhà tổ chức VN ở mấy điều.
Trước hết, họ đã khuấy động không khí tranh luận quanh một chủ đề chính trị quan trọng chỉ qua một hoạt động văn hóa. Ngàn vạn khán giả được tự do thể hiện chính kiến của mình.
Qua cuộc tranh luận, người ta thấy thêm thái độ chính trị của dân chúng, liệu có gần với Đảng, Nhà nước đang mỗi ngày quanh quẩn nỗi lo “các thế lực thù địch” được Tây, Mỹ hỗ trợ, muốn lật đổ chính quyền. Liền với đó lại có tình đồng chí anh em môi răng cật ruột với Đảng Cộng sản Trung Quốc nữa.
Cuối cùng là nhờ đó, hé chút gợi ý cho câu trả lời thắc mắc của TBT Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, trước cuộc thi ít ngày, là “gần đây tôi không thấy có bài hát nào hay”:
Cứ mải say với thứ quá vãng cần khép lại, thì làm sao có món “hay” cho thực tại.
Leave a Comment