Quảng Cáo

Đưa môn lịch sử thành môn thi tuyển bắt buộc vào đại học không phải là giải pháp làm cho học sinh thích học môn lịch sử

Quảng Cáo

Nguyen Ngoc Chu

Bài viết “ ĐỒNG HOÁ VĂN HOÁ BẰNG PHIM ẢNH TRÊN TRUYỀN HÌNH” có đề cập đến câu hỏi của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về tình trạng học sinh không ham thích học môn Lịch sử và điểm thi Lịch sử thấp. Trong đó có chỉ ra việc chiếu nhiều phim Trung Quốc trên khung giờ vàng của Truyền hình đã làm cho một bộ phận học sinh Việt Nam biết sử tàu nhiều hơn sử ta.

Hôm nay(04/12/2021) báo Giáo dục Việt Nam lại đề cập đến vấn đề học sinh không thích học môn Lịch sử và điểm thi môn Lịch sử thấp. Cụ thể là nhà báo Thuỳ Linh đã diễn tả quan điểm của GS Phạm Hồng Tung: “Cứ xếp lịch sử vào môn thi bắt buộc tuyển sinh đại học, chất lượng sẽ khác”( https://giaoduc.net.vn/…/cu-xep-lich-su-vao-mon-thi-bat…).

Được biết GS Phạm Hồng Tung đã là Chủ biên chương trình Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông cải cách. Nên tiếng nói của GS Phạm Hồng Tung có vai trò quan trọng trong quyết định nội dung, và vạch đường biên giới cho giáo trình Lịch sử dùng trong trường phổ thông. Bởi thế mới phải quan tâm đến ý kiến của GS Phạm Hồng Tung.

I- MỘT SỐ NHẬN XÉT CỦA GS PHẠM HỒNG TUNG

Không biết nhà báo Thuỳ Linh có đưa bài để GS Phạm Hồng Tung xem trước khi đăng hay không, nhưng từ bài “Cứ xếp lịch sử vào môn thi bắt buộc tuyển sinh đại học, chất lượng sẽ khác” có thể rút ra 5 nhận xét của GS Phạm Hồng Tung như sau.

1. “Trong kỷ nguyên hội nhập có 2 môn học góp phần chuẩn bị hành trang hội nhập tốt nhất cho thế hệ trẻ đó là Ngoại ngữ và Lịch sử”:

“Nhìn nhận từ thực tế điểm thi môn Lịch sử thấp, Giáo sư Phạm Hồng Tung cho rằng đây là mối nguy hại bởi trong kỉ nguyên hội nhập có 2 môn học góp phần chuẩn bị hành trang hội nhập tốt nhất cho thế hệ trẻ đó là Ngoại ngữ và Lịch sử”.

2. ” Cách trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chưa hẳn đã chỉ ra được gốc rễ vấn đề”:

“nghiên cứu phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trước Quốc hội, cá nhân Giáo sư Phạm Hồng Tung chưa thật hài lòng bởi vấn đề này được nêu ra tại nghị trường Quốc hội trong nhiệm kỳ của 4 đời Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gần đây (từ thời Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đến nay), điều đáng ngạc nhiên là tất cả đều cho rằng lỗi là do phương pháp dạy học và thi kiểm tra đánh giá môn Lịch sử chưa đúng, thiên về hỏi diễn biến, ghi nhớ máy móc sự kiện ngày tháng…

Do đó đến Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cách trả lời như vậy chưa hẳn đã chỉ ra được gốc rễ của vấn đề”.

3. Đưa môn Lịch sử vào môn thi bắt buộc cho tuyển sinh đại học là giải pháp cấp thời để chống lại việc học sinh không thích học môn Lịch sử và điểm thi môn Lịch sử thấp:

“Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng điều quan trọng là do xã hội có đánh giá cao chất lượng giáo dục Lịch sử hay không, xã hội có tạo cơ hội cho nó hay không, nếu bây giờ tuyển sinh đại học coi Lịch sử là môn xét tuyển chính thì ắt hẳn kết quả sẽ khác đi”.

4. Không nhiều người theo nghề Lịch sử vì lương thấp. Muốn học sinh quân tâm đến môn Lịch sử và nhiều người theo nghề Lịch sử thì phải có cơ hội việc làm tốt:

“Tôi quan sát trên thế giới, ở nhiều nước phát triển cũng vậy. Một sinh viên tốt nghiệp đại học ngành Lịch sử – Văn hóa của Đức ra trường, mức lương trước thuế là khoảng 1.700 euro/ tháng, trong khi một sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin, công nghệ y tế thì lương trước thuế tối thiểu lên tới 5.500-7.500 euro/tháng. Ở Mỹ hay Canada cũng như vậy. Cho nên ngay ở các nước phát triển, phần đông học sinh cũng chỉ học Lịch sử để đối phó, bởi cơ hội việc làm ít mà thu nhập lại rất thấp”.

“Nếu tạo ra cơ hội phát triển từ giáo dục Lịch sử, cơ hội việc làm tốt thì khó mấy các con cũng sẽ cố gắng, chắn chắn Sử không khó hơn các môn học khác”.

5. Đổi mới cách thi, ra đề thi dễ, biếu điểm cho học sinh mà vẫn không làm cho học sinh thích học Lịch sử.

“Xin hãy đọc các mã đề thi môn Lịch sử trong tổ hợp Khoa học xã hội ở kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 có những câu hỏi dễ đến mức không tưởng, thậm chí có tới trên dưới 30/40 câu người ra đề cố gắng “biếu” điểm cho thí sinh mà thí sinh vẫn không đạt được.

Chỉ cần đọc qua sách giáo khoa, nghe thầy cô giảng bài chắc chắn sẽ làm được nhưng có những học sinh nghĩ Ấn Độ ở châu Phi… sự thật là vậy, tôi cho rằng điểm thi còn chưa phản ánh hết, có thể còn đáng buồn hơn như vậy”.

Xin nhường cho bạn đọc bình luận về 5 nhận xét của GS Phạm Hồng Tung.

II-NHỮNG ĐIỀU CỐT LÕI

Vì GS Phạm Hồng Tung đã là người Chủ biên chương trình Lịch sử, lại có các nhận xét ở trên, nên xin được đưa ra 5 điều cốt lõi dưới đây.

1. Đã là con người, ai ai cũng muốn biết Lịch sử. Lịch sử không chỉ là môn học, mà còn “di truyền” từ trong máu, vì gắn liền với tổ tiên. Không ai không muốn biết về tổ tiên mình, ai cũng thích hiểu biết về Lịch sử.

2. Có cái mang danh Lịch sử, nhưng thực ra không phải Lịch sử, vì đã bị nhào nặn, bóp méo, bịa đặt.

3. Mức độ cần thiết và sự hiểu biết về Lịch sử đối với mỗi người không giống nhau.

4. Cùng một sự kiện Lịch sử, quan điểm của mỗi người có thể khác nhau. Lịch sử bởi vậy được phản ánh khác nhau qua lăng kính của mỗi cá thể, của mỗi nhóm người. Lịch sử đối với người chiến thắng có thể khác với kẻ chiến bại. Lịch sử đối với người thống trị có thể khác với người bị thống trị. Lịch sử đối với người giàu có có thể khác với kẻ khốn cùng. Lịch sử càng được nhìn từ nhiều góc độ càng gần với Lịch sử.

5. Lịch sử vô cùng rộng lớn. Không ai có thể bao quát hết Lịch sử.

III. SUY RA

Từ 5 điều cốt lõi nêu trong phần II, có thể giúp suy ra các nguyên nhân dẫn đến việc học sinh không thích học môn Lịch sử và điểm thi môn Lịch sử thấp dù câu hỏi rất dễ. Mà nguyên nhân cốt lõi cuối cùng là:

– Dạy và thi điều học sinh không quan tâm.

Nếu cứ dạy điều học sinh không quan tâm, nếu cứ thi điều học sinh không quan tâm, thì có đưa môn Lịch sử là môn thi bắt buộc để tuyển sinh đại học cũng không cứu vãn được tình trạng học sinh không thích học môn Lịch sử.

Nói cho chính xác thì không phải học sinh không thích học Lịch sử, mà học sinh không thích học nội dung chương trình Lịch sử đang giảng dạy trong trường phổ thông hiện nay.

GS Phạm Hồng Tung đã là người Chủ biên chương trình Lịch sử mà không thấy được nguyên nhân chính, lại cho rằng vì không bắt thi và thi dễ nên học sinh mới không thích học và điểm thi mô Lịch sử mới thấp. Nếu cứ tiếp tục cách nhìn như vậy thì học sinh Việt Nam sẽ còn khổ sở với môn Lịch sử.

Khổ sở vì phải học cái không cần thiết. Khổ sở vì phải học cái không quan tâm. Khổ sở vì phải học cả cái “râu ria” của Lịch sử. Và thậm chí khổ sở vì có khi học phải cái giả dối của Lịch sử.

Khổ sở khác nữa là bị áp đặt quan điểm về Lịch sử, phải nhìn Lịch sử theo ‘barem điểm’ định trước./.

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux