Lee Nguyen – Luật Khoa
Tóm tắt:
Việt Nam và ASEAN có thể sẽ gặp một số thách thức khi Campuchia nắm giữ cương vị chủ tịch luân phiên vào năm 2022, chủ yếu từ các vấn đề sau:
- Vấn đề biển Đông: Với vị thế chủ tịch, Campuchia có thể loại tất cả những cuộc thảo luận liên quan đến biển Đông và không có lợi cho Trung Quốc ra khỏi danh mục chương trình nghị sự. Biển Đông từ “quốc tế hóa” có thể trở thành “Trung Quốc hóa”.
- Tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC): Với một vị chủ tịch thân Trung Quốc cùng sự nghi kỵ của các nước thành viên và cơ chế đồng thuận của ASEAN, khó có thể dung hòa lợi ích và đạt được thỏa thuận ở các điểm quan trọng.
- Bang giao với Mỹ và phương Tây: Việc chủ tịch ASEAN có quan hệ băng giá với Mỹ và phương Tây sẽ là một trở ngại lớn cho các nước thành viên như Việt Nam.
Ngày 28/10/2021, Campuchia chính thức trở thành chủ tịch luân phiên của ASEAN, nhiệm kỳ 2022. Đây có lẽ không phải là tin tốt đối với Việt Nam và các nước trong khu vực, bởi đằng sau Campuchia là Trung Quốc. Sự việc Campuchia ngăn cản Tuyên bố chung của ASEAN vào năm 2012 và 2016 vẫn còn là nỗi ám ảnh trong lòng các nước khác. Nhiều khả năng, năm 2022 sẽ không phải là một năm thuận lợi cho Việt Nam và ASEAN.
Việt Nam và ASEAN có thể sẽ gặp một số thách thức khi Campuchia nắm giữ cương vị chủ tịch luân phiên vào năm 2022, chủ yếu bởi các vấn đề sau:
1. Vấn đề biển Đông
Biển Đông sẽ là vấn đề đầu tiên khiến Việt Nam lo lắng trước một vị chủ tịch thân Trung Quốc. Vào năm 2012, Campuchia từng ngăn chặn ASEAN đưa ra tuyên bố chung đề cập đến vụ đụng độ ở bãi cạn Scarborough (giữa Philippines và Trung Quốc) và vấn đề vùng đặc quyền kinh tế (EEZs) của Việt Nam. Cuối cùng, lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm, ASEAN không đưa ra được tuyên bố chung. [1]
Cùng năm, Campuchia đã nhiều lần sử dụng cương vị chủ tịch của mình để hạn chế hoặc loại các chủ đề về biển Đông gây bất lợi cho Trung Quốc ra khỏi chương trình nghị sự của ASEAN.
Vào năm 2016, sau phán quyết về tranh chấp biển Đông của Tòa Trọng tài tại The Hague, các nước ASEAN dẫn đầu là Philippines và Việt Nam đã đề xuất thông cáo chung của tổ chức có đề cập đến phán quyết và sự cần thiết phải tôn trọng luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, Campuchia đã ngăn chặn mọi câu chữ đề cập đến phán quyết mà bất lợi cho Trung Quốc. Phía Campuchia thuận theo Bắc Kinh đối với bất kỳ lập trường nào của ASEAN về phán quyết và ưu tiên giải quyết các tranh chấp trên cơ sở song phương. Một lần nữa ASEAN lại rơi vào bế tắc. [2]
Campuchia từng được coi là “con rối của Việt Nam”, nhưng hiện nay Việt Nam đang mất dần ảnh hưởng ở Campuchia về tay Trung Quốc. Những năm gần đây, Campuchia và thậm chí là Lào – người anh em tốt của Việt Nam – liên tục xích lại gần Trung Quốc. Khối ASEAN ngày càng chia rẽ và Trung Quốc thì ngày càng trở nên hung hăng trên biển Đông.
Ở vị trí chủ tịch luân phiên, Campuchia sẽ né tránh vấn đề biển Đông cũng như các vấn đề an ninh nói chung vì những vấn đề này gây phương hại cho Trung Quốc và cũng không phải là lợi ích của Campuchia. Chính phủ Campuchia cũng từng thừa nhận, những vấn đề an ninh là nhạy cảm và khó có thể đạt được sự đồng thuận của các nước trong nội khối.
Nhiều khả năng, Campuchia sẽ gạt bỏ tất cả những tuyên bố chỉ trích Trung Quốc như họ đã từng làm vào năm 2012 và 2016. Với vị thế chủ tịch, Campuchia cũng có thể loại tất cả những cuộc thảo luận liên quan đến biển Đông và không có lợi cho Trung Quốc ra khỏi chương trình nghị sự mà họ sẽ đăng cai tổ chức từ giờ đến hết nhiệm kỳ 2022.
Việc tham gia của các bên thứ ba cũng sẽ bị ảnh hưởng. Campuchia có thể hạn chế những cuộc thảo luận có sự xuất hiện của Mỹ và phương Tây, đồng thời tăng cường sự hiện diện và tham gia của Trung Quốc. Vấn đề biển Đông thay vì từ trước đến nay vẫn được “quốc tế hóa” thì sẽ trở thành “Trung Quốc hóa”. Nhưng đây mới chỉ là tin xấu đầu tiên cho Việt Nam.
2. Tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông sẽ bị ảnh hưởng
Với việc Campuchia làm chủ tịch, nhiều khả năng Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) sẽ không thể hoàn thành vào năm tới, mặc dù Trung Quốc và ASEAN đều đặt mục tiêu hoàn thành COC vào năm 2022, và các vòng đàm phán đã được nối lại vào tháng 8/2021. [3] [4]
Phần khung của COC đã được thống nhất vào năm 2017. Hai bên đã hoàn thành bản dự thảo đầu tiên của COC vào năm 2019, từ đó vẫn chưa có tiến triển gì đáng kể, chủ yếu do đại dịch COVID-19 khiến các chuyến công du để trao đổi quan điểm trở nên khó khăn. Hiện các vòng đàm phán COC đã được nối lại, nhưng các bên vẫn còn tồn tại nhiều khác biệt lớn và chưa đạt được các tiến triển thực chất. [5]
Trung Quốc có lẽ là bên được lợi nhiều nhất khi Campuchia làm chủ tịch ASEAN năm 2022. Bắc Kinh cố gắng thúc đẩy COC trong năm 2022 bởi họ biết rõ khả năng thỏa thuận được những phần có lợi cho Trung Quốc như các điều khoản ngăn chặn sự can dự của các bên thứ ba, ngăn cản việc đưa tranh chấp, xung đột trên biển Đông ra tòa án quốc tế, v.v.
Với một vị chủ tịch thân Trung Quốc, cùng sự nghi kỵ của các nước thành viên và cơ chế “đồng thuận” của ASEAN, thật khó có thể dung hòa lợi ích của 11 bên và đi đến đồng thuận ở những điều khoản quan trọng. COC nhiều khả năng sẽ không hoàn thành trong năm 2022.
Nhiều nhà phân tích trong khu vực đưa ra cái nhìn bi quan về triển vọng của COC khi Campuchia giữ chức chủ tịch ASEAN 2022. Ông Jay Batongbacal, giám đốc Viện Các vấn đề Hàng hải và Luật Biển (Institute for Maritime Affairs and Law of the Sea) tại Đại học Philippines bình luận trên RFA:
“Nếu mục tiêu là tạo ra một COC toàn diện có thể đáp ứng tất cả các mối quan tâm khác nhau của các quốc gia có tuyên bố chủ quyền, thì tôi không nghĩ là có thể đạt được. Sự khác biệt vẫn còn quá lớn vào thời điểm này và họ vẫn chưa thực sự bắt đầu những cuộc thảo luận mang tính thực chất về các điều khoản quan trọng, mỗi điều khoản trong số đó có thể sẽ khó hòa giải giữa 11 bên”. [6]
Ông Carlyle Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales (Canberra, Australia), một học giả có nhiều bài viết về chính trị Việt Nam và Đông Nam Á, cũng chia sẻ với RFA rằng việc đàm phán những cam kết căn bản trong COC sẽ rất phức tạp. Theo ông, hiện COC vẫn còn một chặng đường dài và khúc khủyu phải đi.
Kể từ khi Trung Quốc và ASEAN ký kết Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) vào năm 2002, hòa bình và ổn định trong khu vực vẫn chưa đạt được. Trung Quốc vẫn tiếp tục các yêu sách lãnh thổ và chèn ép các nước khác. Một phần nguyên do là bởi DOC không phải là một văn bản có tính ràng buộc. Vì vậy, ASEAN luôn cố gắng hối thúc Trung Quốc ký kết COC – một văn bản pháp lý có tính chất ràng buộc và ngăn ngừa các hành động đơn phương đi ngược lại luật pháp quốc tế.
3. Bang giao giữa Mỹ và phương Tây sẽ bị ảnh hưởng
Với vai trò chủ tịch, Campuchia sẽ giữ vai trò người phát ngôn, điều phối và tổ chức các chương trình nghị sự cho ASEAN. Việc đối ngoại của hiệp hội trong năm 2022 sẽ phụ thuộc rất lớn vào bàn tay sắp đặt của Campuchia.
Trong khi đó, Campuchia không có quan hệ tốt với Mỹ và phương Tây, và bản thân Hun Sen là một nhà độc tài chống dân chủ. Chính quyền Biden cũng có rất ít đòn bẩy đối với quốc gia này. Với quan hệ ngoại giao băng giá cùng với những lời chỉ trích về tình trạng nhân quyền tồi tệ, cộng với những khoản đầu tư hạn chế và cán cân thương mại song phương khiêm tốn, thật khó để Campuchia thắt chặt quan hệ với Mỹ và phương Tây.
Ngược lại, Campuchia hiện đang là một vệ tinh trong quỹ đạo của Trung Quốc. Bắc Kinh từng được nhà lãnh đạo Campuchia, Hun Sen, mô tả là “người bạn đáng tin cậy nhất” (the most trustworthy friend). [7] Có đến 90% vốn FDI ở Campuchia là đến từ Trung Quốc. Quốc gia này còn trở nên phụ thuộc vào Bắc Kinh nhiều hơn sau các lệnh cấm vận của Mỹ và EU. [8]
Năm 2018, ông Hun Sen từng phát biểu: “Các nhà lãnh đạo Trung Quốc rất tôn trọng tôi và đối xử với tôi như một người đồng cấp ngang hàng. Thử hỏi những người đã buộc tội tôi quá thân cận với Trung Quốc, các vị đã cho tôi điều gì ngoài việc chửi bới, [đòi] trừng phạt và đe dọa áp dụng các biện pháp cấm vận đối với tôi?” [9]
Việc chủ tịch ASEAN năm 2022 không có quan hệ tốt với Mỹ và phương Tây sẽ là một trở ngại lớn cho các nước thành viên như Việt Nam. Vì một số lý do, Việt Nam không thể trở nên quá thân cận với Mỹ ở cấp độ song phương mà phải đẩy mạnh quan hệ tại các diễn đàn ngoại giao đa phương. [10] Nhiều khả năng, các chương trình nghị sự của ASEAN năm 2022 sẽ nghiêng về phía Trung Quốc nhiều hơn. Thiếu vắng sự tham gia của Mỹ và phương Tây đồng nghĩa với việc những hạng mục mà Việt Nam quan tâm như quốc tế hóa vấn đề biển Đông hoặc an ninh nguồn nước sông Mekong sẽ thiếu đi những lời chỉ trích thẳng thắn và những tiếng nói có trọng lượng.
Dưới thời Campuchia, ASEAN sẽ phải vật lộn để có thể điều hướng sự cạnh tranh giữa hai cường quốc (Mỹ – Trung) trong khu vực. Hầu hết các thành viên của khối đều không muốn chọn phe nào, và Campuchia thì không phải là một người cầm lái điêu luyện.
Bên cạnh đó, do phải khắc phục hậu quả từ COVID-19 và tái thiết nền kinh tế, các quốc gia Đông Nam Á nhỏ bé rất cần những nguồn vốn từ bên ngoài. Trung Quốc và Mỹ sẽ là sự lựa chọn. Nhiều khả năng, các nước thành viên sẽ buộc phải chọn bên và đẩy mạnh quan hệ ngoại giao song phương, dẫn đến sự rạn nứt, trì trệ trong khối.
Đây là một thế khó cho một chính quyền ưa thích ngoại giao đa phương như Việt Nam. Đây cũng là điều bất lợi cho ASEAN, vì các cường quốc trong khu vực sẽ chỉ chú ý đến lợi ích của những nước này khi ASEAN làm tốt vai trò cầm lái và điều hướng các tranh chấp trong khu vực, qua đó đoàn kết với các nước nhỏ để lồng ghép lợi ích của mình./.
Leave a Comment