Hiếu Chân
Dư luận đang ồn ào vụ cô hoa hậu Việt Nam Đỗ Thị Hà mang cây đàn T’rưng và bản nhạc “Cô Gái Vót Chông” sặc mùi thù hận “giặc Mỹ cọp beo” sang diễn ở Mỹ – một hành động bị coi là “vô văn hóa,” “ăn cháo đái bát” vào thời điểm chiến tranh đã lùi xa hơn nửa thế kỷ và Hoa Kỳ mới viện trợ cho Việt Nam hơn 20 triệu liều vaccine chống COVID-19. Tất nhiên ai cũng hiểu, cô gái này không được chọn tiết mục biểu diễn mà sự việc được quyết định ở cấp rất cao trong guồng máy chính quyền Hà Nội; nó cho thấy một lối ứng xử cực kỳ ngu dốt và ác độc.
Cùng thời gian này, đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) tưng bừng tổ chức “Hội Nghị Văn Hóa 2021” ngày 24 tháng Mười Một, “dưới sự chủ trì của Ban Bí Thư Trung Ương Đảng nhằm đưa ra những thông điệp quan trọng về văn hóa, huy động trí tuệ tập thể của đội ngũ văn nghệ sĩ, hiến kế phát triển văn hóa, đặt cơ sở cho nền văn hóa mới ở Việt Nam,” theo tường thuật của báo chí trong nước. Liên kết hai sự kiện đó, người quan sát không thể không tự đặt câu hỏi: Người Cộng Sản hiểu thế nào là văn hóa và cách ứng xử văn hóa?
Phát biểu “chỉ đạo” hội nghị, ông đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng dùng những khẩu hiệu hết sức sáo rỗng “văn hóa làm nên hồn cốt của một dân tộc,” “văn hóa soi đường cho quốc dân đi,” nhại cả cụ Phạm Quỳnh khi nói “văn hóa còn thì dân tộc còn”… Ông dẫn ca dao tục ngữ, thơ Nguyễn Bính, thơ Tố Hữu (!) để bày tỏ quan điểm về văn hóa (?) Ông phê phán “một bộ phận cán bộ văn hóa chưa nhận thức đầy đủ toàn diện đường lối văn hóa của đảng, phương thức quản lý văn hóa chậm đổi mới… thể chế hóa thiếu đồng bộ, cán bộ thực hiện thiếu quyết liệt, thiếu hiệu quả…” Ông phàn nàn Việt Nam chưa có những tác phẩm lớn, những nghệ sĩ lớn! Rồi ông ra lệnh cho thuộc cấp phải làm “sáu nhiệm vụ trọng tâm” để “giữ lấy nếp nhà, giữ lấy chân quê!” Nhưng rốt cuộc, văn hóa là cái gì và phải làm gì để vực dậy nền văn hóa đang bị mục ruỗng thì dường như ông không biết!
Có hàng trăm định nghĩa khác nhau về văn hóa; ở Việt Nam cụ Phan Kế Bính trước đây giải thích “văn” là “vẻ đẹp, vẻ sáng” – văn hóa là làm cho sáng lên, đẹp lên. Văn hóa do vậy bao gồm các hoạt động khoa học, giáo dục, văn chương nghệ thuật có tác dụng nâng con người lên, làm cho con người sáng ra, đẹp hơn. Theo nghĩa rộng, văn hóa còn là tiêu chuẩn ứng xử, được thể hiện trong cách sống, cách giao tiếp giữa con người với con người sao cho nhân văn, cao đẹp. Từ đó, chúng ta có các khái niệm văn hóa dân tộc, văn hóa cổ truyền, văn hóa phương Tây, có hành vi “kém văn hóa,” “phản văn hóa” hoặc “xâm lăng văn hóa” – một hình thức chiến tranh, hủy diệt văn hóa của một dân tộc đó để áp đặt ách cai trị và nô dịch họ.
Người Cộng Sản cầm quyền ở Việt Nam dường như không hiểu khái niệm văn hóa theo cách hiểu của cụ Phan Kế Bính mà đồng nhất nó với tuyên truyền. Hoạt động văn hóa bị thu hẹp vào việc sáng tác và biểu diễn văn chương nghệ thuật, vào việc chấp hành các chính sách của đảng và nhà nước. “Gia đình văn hóa” là gia đình tuân thủ quy định của nhà nước, chẳng hạn như không sinh đứa con thứ ba, cho dù trong gia đình đó cha mẹ con cái luôn bất hòa và thù địch; “khu phố văn hóa” là nơi người dân đóng góp đầy đủ các loại quỹ, tuân thủ khai báo tạm trú tạm vắng với công an, cho dù khu phố đó đầy rác và tội phạm… Cách sống, cách ứng xử sao cho “văn hóa” thì không được coi trọng, không dạy dỗ cho trẻ và cũng không có những luật lệ chế tài những hành vi phản văn hóa; người ta thậm chí còn đặt ra những từ ngữ quái dị như “văn hóa phong bì,” “văn hóa nịnh”… đem các hành vi phản văn hóa như hối lộ, nịnh hót gán ghép vào cái mỹ từ “văn hóa.”
***
Người CSVN bắt đầu đề cập tới văn hóa từ bản “đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943,” do tổng bí thư đảng CSVN khi ấy là Trường Chinh soạn thảo. Vận dụng quan điểm đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Marx vào văn hóa, “đề cương” – mà thực chất là một phần cương lĩnh của đảng CSVN – lần đầu tiên đưa ra yêu cầu “đại chúng hóa” hoạt động văn hóa, yêu cầu “văn hóa phải thực sự phục vụ quần chúng nhân dân.” Đến hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai năm 1948 tại chiến khu Việt Bắc, yêu cầu đó được mở rộng và cụ thể hóa, “quần chúng nhân dân” được xác định là “công, nông, binh,” là “lực lượng nòng cốt của cách mạng” mà văn hóa phải “phục vụ.” Ngay sau đó, đảng tiến hành những chiến dịch “chỉnh huấn” nhằm uốn nắn văn nghệ sĩ theo đường lối văn hóa mới, rập khuôn theo cách làm của Trung Quốc ở bên kia biên giới, và đàn áp khốc liệt bất kỳ ai còn “rơi rớt tư tưởng tình cảm tiểu tư sản” như tình yêu nam nữ lứa đôi, nỗi buồn vì chiến tranh chia cắt…
Đường lối văn hóa mới “xã hội chủ nghĩa,” cùng với sự kiểm soát chặt chẽ tư tưởng tình cảm của người sáng tác đã làm cho nhiều nghệ sĩ tài danh kinh hoàng, họ lần lượt bỏ chiến khu về vùng quốc gia rồi sau đó chạy luôn vào Sài Gòn tị nạn Cộng Sản; nhạc sĩ đầy tài năng Phạm Duy là một gương mặt tiêu biểu. Những người ở lại thì hoặc phải tự biến thành “văn nô” phục vụ cho đảng và chế độ, hoặc bị thất sủng và bị vùi dập như nhạc sĩ Văn Cao – người viết quốc ca cho miền Bắc. Cho đến cuộc thanh trừng Nhân Văn-Giai Phẩm những năm 1955-1958, bỏ tù và lưu đày những văn nghệ sĩ có tư tưởng tự do thì đảng CSVN về căn bản đã áp đặt được đường lối văn hóa nặng tính nô dịch của mình lên đội ngũ văn nghệ sĩ miền Bắc. Từ đó trở đi, văn hóa văn nghệ không còn là hoạt động sáng tạo thẩm mỹ nhằm nâng cao tư tưởng tình cảm của con người mà chỉ còn là một công cụ tuyên truyền các chính sách, chủ trương của đảng và nhà nước. Cho đến tận bây giờ…
Trong xã hội, công cuộc hủy diệt văn hóa và tín ngưỡng cổ truyền, dưới chiêu bài “phản phong,” xóa bỏ tàn tích phong kiến, như đập phá đền chùa miếu mạo, bức hại giáo dân; cộng với phong trào Cải Cách Ruộng Đất do các cố vấn Trung Quốc đạo diễn những năm 1953-1956 đã gần như xóa sạch truyền thống văn hóa của người Việt tại những vùng do đảng CSVN kiểm soát. Văn hóa cổ truyền Việt Nam phát triển trên đơn vị làng xã, cố kết bền vững quanh mái đình mái chùa sau lũy tre xanh và cổng làng; nhưng khi đảng phát động con đấu tố cha, láng giềng xử tử lẫn nhau để cướp nhà cửa ruộng đất thì cái nền tảng văn hóa ấy sụp đổ… Từ đó con người trở thành những phần tử biến chất, lạc lõng và dối trá, những đơn vị sức lao động trong guồng máy sản xuất chiến đấu dưới sự dẫn dắt của đảng, ôm mối hận thù giai cấp viển vông và nỗi khát khao quyền lực.
Kể lể dài dòng như vậy để nói rằng, hơn bảy mươi năm cầm quyền của đảng CSVN là quá trình hủy diệt văn hóa Việt Nam để xây dựng cái gọi là “nền văn hóa xã hội chủ nghĩa” mang tính đảng, tính giai cấp và tính chiến đấu, đối lập với văn hóa thực sự là cái giúp con người thăng hoa, tốt hơn và đẹp hơn. Thực trạng bi đát về văn hóa hiện nay chẳng qua chỉ là “quả” của cái “nhân” là đường lối văn hóa đầy bạo lực mà đảng CSVN đã gieo vào đất nước Việt Nam mấy chục năm về trước.
Trong cái văn hóa xã hội chủ nghĩa đó, các hoạt động khoa học, giáo dục, văn chương nghệ thuật đều bị bế tắc trầm trọng khi bị ép phải “phục vụ công nông binh.” Ông Trọng chắc thật lòng khi than thở đất nước không có tác phẩm lớn, nghệ sĩ lớn. Trong xã hội, từ gia đình tới nhà trường và rộng ra toàn xã hội, đâu đâu cũng thấy những chuyện đau lòng, con cái hắt hủi cha mẹ, anh chị em giết nhau chỉ vì vài mét vuông đất; học trò đổi tình lấy điểm; bằng giả học giả trở thành phương tiện tiến thân! Trên cao thì guồng máy cai trị toàn những kẻ gian trá, tham nhũng, lừa lọc, bất chấp lương tri và trách nhiệm. Bên dưới thì cả một dân tộc 90 triệu người nhẫn nại cam chịu, bị đè nén tới tận cùng mà không dám kêu than nói gì tới phản kháng! Cái mà cụ Phan Châu Trinh gọi là “dân khí” trong chủ trương “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” cơ hồ đã mai một, khó mà chấn hưng được.
Xã hội Việt Nam bây giờ, tuy điều kiện vật chất có dồi dào hơn trước rất nhiều, nhưng là một khoảng trống lạnh người về văn hóa; suy đồi đến mức những người Việt còn chút lương tâm và tự trọng đều thấy nhục nhã; ra nước ngoài nhiều người không muốn nhận mình là người Việt!
Trong hoàn cảnh “văn hóa xã hội chủ nghĩa” như vậy, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi một cô học trò Đỗ Thị Hà đi thi sắc đẹp, đội vương miện hoa hậu “vinh quy” về làng thì cả làng già trẻ ra xếp hàng đón tiếp, về trường ngồi chễm chệ thì thầy hiệu trưởng phải đứng vòng tay thưa chuyện. Đừng ngạc nhiên khi cô Hà sang Mỹ dự thi lại đánh đàn bản nhạc hận thù người Mỹ. Thậm chí một thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Việt Nam sang Mỹ đến thăm Thượng Nghị Sĩ John McCain – người có công lớn trong việc nối lại bang giao Việt-Mỹ sau chiến tranh – đã mang tặng ông món “quà” là tập thư từ mà ông McCain viết gửi về nhà những năm tháng bị cầm tù tại nhà lao Hỏa Lò nhưng bị chính quyền Hà Nội giữ lại. Những hành vi quái đản như vậy không thể có trong lối ứng xử của những con người, những quốc gia thực sự có văn hóa.
***
Sự nghèo khó về kinh tế có thể giải quyết được trong một vài thế hệ, nhưng phục hưng văn hóa là chuyện thiên nan vạn nan.
Cái may là nền văn hóa cổ truyền Việt Nam có gốc rễ sâu bền, một ngàn năm Bắc thuộc mà giặc Tàu không đồng hóa nổi. May là cái tinh thần tương thân tương ái – nét lớn trong văn hóa ứng xử của người Việt – chưa hoàn toàn bị mai một mà vẫn như tia lửa nằm trong hòn đá lửa, có dịp là bật lên. Chuyện người dân đùm bọc nhau trong cơn đại dịch ở Sài Gòn hiện nay là một minh chứng.
Người Việt cũng không hẳn thiếu tài năng sáng tạo, cả về khoa học công nghệ lẫn văn chương nghệ thuật. Cái mà họ thiếu – đúng hơn là cái mà họ bị đảng CSVN tước đoạt – là tự do, tự do sáng tác, tự do tư tưởng, tự do biểu đạt và một môi trường sống trong đó tự do và nhân phẩm được tôn trọng. Những người Việt lưu vong ở phương Tây đã chứng minh như vậy. Ở trong nước, có một lúc, đảng CSVN thời ông Trần Độ làm trưởng Ban Tư Tưởng-Văn Hóa đã có chủ trương “cởi trói cho văn nghệ sĩ,” chỉ trong vài năm đã xuất hiện những cây bút mới đầy tài năng như Nguyễn Huy Thiệp. Tiếc là chỉ một thời gian ngắn, run sợ trước sự sụp đổ của Liên Xô và khối Cộng Sản Đông Âu, ông đảng trưởng Nguyễn Văn Linh lập tức đóng sầm cánh cửa “đổi mới,” văn nghệ Việt Nam lại rơi vào bế tắc triền miên, chỉ “chạy theo giải trí, thị trường” như nhận xét của ông Trọng.
Giá như ông Trọng và đảng của ông ta nhận ra nguyên nhân dẫn tới thảm trạng của văn hóa Việt Nam là đường lối văn hóa phản động của chủ nghĩa Cộng Sản, từ đó cởi trói cho văn nghệ sĩ, trả lại tự do cho quốc dân đồng bào thì Việt Nam mới có cơ may tạo dựng được nền văn hóa hiện đại và mang bản sắc dân tộc. Việc tổ chức rình rang hàng trăm hội nghị văn hóa như hiện nay sẽ chẳng mang lại hiệu quả gì nếu người dân và nghệ sĩ vẫn bị bắt bớ tù đày vì thực hiện quyền tự do của họ. Nhưng nói chơi vậy chứ Cộng Sản là thứ không thể sửa chữa được, chỉ có thể vứt vào sọt rác mà thôi…
Hiếu Chân
Nguồn: Người Việt
Leave a Comment