Hiền Lương (VNTB)
Thủ tướng Việt Nam cam kết cải thiện nhân quyền để thu hút các nhà đầu tư
Trong một sự kiện được tổ chức vào ngày cuối cùng trong chuyến công du Nhật Bản của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính sau khi cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, ông Chính cho biết Việt Nam sẽ “tích cực tăng cường hội nhập quốc tế sâu và rộng”.
“Tôi muốn” không hẳn cũng là điều mà “Đảng muốn”
Trước vấn đề nhân quyền và các vấn đề xã hội ngày càng được coi là quan trọng đối với các công ty toàn cầu đang muốn xây dựng chuỗi cung ứng, khi mà nhiều hãng sản xuất quần áo đã ngừng tìm nguồn cung cấp bông từ khu vực Tân Cương của Trung Quốc do bị cáo buộc vi phạm nhân quyền – theo cam kết mang tính cá nhân bằng dùng đại từ “tôi” của Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Tôi muốn tăng cường triệt để cải cách hành chính và diệt trừ tham nhũng để mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư”.
Vậy thì “nhân quyền” nếu nhìn qua lăng kính một quốc gia đơn nguyên chính trị, liệu có phải là đối lập với “độc tài toàn trị”, khi không có động lực cạnh tranh từ các đảng phái, mà chủ yếu chỉ là cạnh tranh giữa những đảng viên của quyền lực nhóm cùng chung màu cờ đỏ búa liềm cộng sản?
Bàn luận vấn đề “nhân quyền” ở Việt Nam, cho đến lúc này vẫn thuộc phạm trù “nhạy cảm chính trị”, dễ bị chụp mũ chống phá Đảng và Nhà nước.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng phu nhân vừa có chuyến công du ở Thụy Sỹ, chắc hẳn ông đã đối mặt với cách hiểu đầy khác biệt về nhân quyền của Châu Âu với Hà Nội.
Theo nội dung Báo cáo của EEAS phát hành hồi tháng 6-2021, tổng kết tình hình nhân dân, dân chủ trên thế giới năm 2020, cơ quan Đối ngoại EU (EEAS) nói năm 2020 các blogger, nhà báo tiếp tục bị bắt ở Việt Nam, và tự do báo chí còn kém, tuy thế EU vẫn tiếp tục hỗ trợ cho nước này phát triển xã hội dân sự và quốc gia 97 triệu dân ở Đông Nam Á vẫn chỉ xếp hạng 175/180 về tự do báo chí.
Từ lâu nay, giới quan sát và đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam cho rằng cơ chế một đảng cộng sản nắm trọn bộ máy công an cảnh sát, tư pháp, truyền thông, và sự thiếu vắng của nguyên tắc tam quyền phân lập là cản trở cơ bản cho việc cải thiện nhân quyền ở Việt Nam.
Và trong bối cảnh đó nên dù chính phủ có nhiều luật và nghị định, nhưng các văn bản này thường trao nhiều quyền cho hành pháp, cụ thể là Bộ Công an và chính quyền địa phương tự quyết định, thiếu cơ chế kiểm tra chéo trong việc bắt giữ.
Phẩm giá của người phản biện độc lập là tùy thuộc vào người đứng đầu Đảng
Theo một bài viết nhấn mạnh về quan điểm của Bộ Ngoại giao Đức trên trang “Các cơ quan đại diện cộng hòa liên bang Đức tại Việt Nam”, ghi như sau:
“Các nỗ lực của chúng tôi dựa trên sự nhất trí là các quyền con người là các quyền chung cho tất cả mọi người, là không thể tước đoạt và bất khả xâm phạm. Chúng tôi có luật cơ bản là thước đo tiêu chuẩn: Phẩm giá của con người là bất khả xâm phạm.
Các quyền con người trong các hoạt động kinh tế và xã hội cũng được chúng tôi quan tâm như các quyền về chính trị và quyền của công dân. Chỉ những ai không phải lo sợ trước cái đói, cái khát và bệnh tật mới thực sự có thể sống một cách tự do và gánh vác các trọng trách.
Do đó chúng tôi luôn đặt ra các câu hỏi trong việc triển khai các sáng kiến hỗ trợ các quyền cơ bản của con người như quyền được tiếp cận với các nguồn nước sạch và các hệ thống vệ sinh, chống lại nạn buôn người và đảm bảo quyền được sống, định cư một cách phù hợp. Trong ủy ban an ninh, chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm tới các quyền của trẻ em trong các khu vực xung đột vũ trang. Chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục các nỗ lực bền bỉ của mình trong Hội đồng nhân quyền cho việc bảo vệ quyền trẻ em trên toàn thế giới”.
Như vậy, chỉ với nội dung “Phẩm giá của con người là bất khả xâm phạm”, cho thấy ở thể chế chính trị Việt Nam hiện tại là một nan đề, khi mà cứ mỗi lần nhà nước Việt Nam bắt giam và truy tố một nhà hoạt động, một nhân sĩ theo Điều 117 hay trước đó Điều 88 của Bộ Luật Hình sự Việt Nam, thì thế giới và chính phủ Việt Nam lại tung ra những tố cáo lẫn nhau.
Gần đây nhất là vụ Phạm Đoan Trang, Nguyễn Năng Tĩnh, hay Nguyễn Đình Quý – phía quốc tế lần nữa lên tiếng chỉ trích, lên án; phía Việt Nam thì phản đối và phủ nhận các cáo buộc vi phạm nhân quyền.
Phía Ân Xá Quốc tế hay Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới thì cho đó là vi phạm nhân quyền vì chính quyền “đàn áp những người bất đồng chính kiến”.
Phía chính phủ Việt Nam thì đáp trả rằng họ chỉ “truy tố những kẻ vi phạm pháp luật” và cho rằng những lời chỉ trích từ các tổ chức nhân quyền là “ngang ngược”, “vô căn cứ” và “can thiệp thô bạo vào chuyện nội bộ” của một quốc gia có chủ quyền./.
Leave a Comment