Bauxite Việt Nam
Nền giáo dục ở Việt Nam ngày càng đi xuống trầm trọng mà chưa nhìn thấy có cách gì cứu vãn là một hiện tượng khiến nhiều người lo lắng từ nhiều chục năm nay. Nguyên nhân sâu xa cũng như gần gũi của sự xuống dốc ấy là vì đâu? Giải pháp nào có tính chất căn cơ có thể chặn đứng được nó? Đó là những câu hỏi bức xúc đặt ra cho người cầm quyền, các nhà giáo dục, và rất nhiều bậc làm cha mẹ trong cả nước.
Gần đây, trong hội thảo “Văn hóa học đường trong bối cảnh mới của GD-ĐT” do UB Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam tổ chức ngày 21-11-2021, GSTSKH Trần Ngọc Thêm có kiến nghị bỏ khẩu hiệu ”Tiên học lễ hậu học văn” trong nhà trường. Đề xuất của ông được không ít người chú ý, phản đối hoặc tán thành. GS Nguyễn Ngọc Lanh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Hà Nội đề xuất tổ chức một cuộc thảo luận công khai, thẳng thắn vấn đề này trên các diễn đàn mạng. Trang BVN rất đồng tình với ý kiến của ông.
Vấn đề là khái niệm “Tiên học lễ hậu học văn” mà GS Thêm đề cập cần được hiểu một cách cụ thể như thế nào trong bối cảnh tình hình giáo dục hiện tại của đất nước. Hiểu “lễ và “văn” là hai vế đạo đức và chuyên môn thì không ai không thừa nhận cả hai vế đều hết sức cần thiết, không vế nào được coi nhẹ cả. Nhưng chắc chắn không ai lại nghĩ đó vẫn là cái hình thức “lễ” và cái nội dung “văn” của xã hội phong kiến mà nhiều ngàn năm qua đạo Nho đã áp đặt một cách chuyên chế lên giáo dục. Trong các bộ sách giáo khoa do Nha học chính Đông Pháp xây dựng từ năm 1928 (một bộ là Việt văn giáo khoa thư được nhóm Trần Trọng Kim biên soạn, một bộ là Hán văn tân giáo khoa thư được nhóm Lê Thước và Nguyễn Hiệt Chi biên soạn), không ở đâu còn viện dẫn những những khuôn vàng thước ngọc của “tam cương ngũ thường” để giảng dạy các lớp học sinh tiểu học. Và kể từ tháng Tám 1945 về sau, với Chính phủ Trần Trọng Kim, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, chính quyền ở các vùng tạm chiếm, và Chính phủ miền Nam sau 1954, đạo lý thánh hiền của Nho giáo cũng đã bị gạt ra khỏi chương trình “công dân giáo dục” của các chính quyền này. Tất nhiên ảnh hưởng của thứ đạo đức gọi dạ bảo vâng ấy vẫn còn, thậm chí còn rất nặng, trong đời sống xã hội, nhưng lỗi không thể quy cho nội dung sách giáo khoa của ngành giáo dục, dù là ở vùng miền nào cũng vậy.
Vậy thì có lẽ nên hiểu “tiên học lễ hậu học văn” nói ở đây là một vấn đề thuộc phương pháp tư tưởng, một thói quen coi trọng đạo đức hơn chuyên môn mà lối học cũ hàng trăm năm đã để lại như một di chứng, và về phương diện này thì nó vẫn còn chi phối sâu sắc quan niệm xây dựng và đánh giá con người không chỉ trong giáo dục mà còn mở rộng ra nhiều lĩnh vực cuộc đời, của xã hội chúng ta. Đặt “tiên học lễ hậu học văn” vào đời sống thực tiễn của miền Bắc từ 1954 đến 1975, và của cả nước từ 1975 đến nay, khi bộ máy nhà nước dưới sự lãnh đạo của một đảng duy nhất luôn luôn có những yêu cầu bảo đảm sự ưu tiên cân nhắc về tỷ lệ giữa “hồng” và “chuyên” trong nghiệp vụ tổ chức (mà Thủ tướng Phạm Văn Đồng một lúc nào đấy đã phải nhắc nhở: Hồng và chuyên đều phải coi trọng như nhau), thì rõ ràng những hiện tượng bất thường trong giáo dục, trong phấn đấu hàng ngày của hàng ngũ cán bộ chuyên môn ở bất cứ ngành nào, có khả năng bị đẩy tới những hậu quả mất cân đối nặng nề, không tạo được sức bật để nhân lên, là điều không có gì lạ.
Trên tinh thần thực tế chứ không sách vở như đã trình bày, BVN xin hưởng ứng cuộc trao đổi xung quanh câu cách ngôn “Tiên học lễ hậu học văn” mà GS Trần Ngọc Thêm đã gợi ý. Rất mong được quý bạn đọc nhiệt tình hưởng ứng.
Leave a Comment