Ngày 18.11, họp Ban CĐTW phòng chống tham nhũng, cụ Tổng thể hiện quyết tâm đẩy mạnh chống tham nhũng và khuyên các thành viên phải luôn nhớ: “Quan trên trông xuống người ta trông vào”. Ý cụ nói các thành viên muốn chống tham nhũng phải liêm chính, bàn tay bẩn không thể có tư cách chống ai.
Tôi nể cụ khi lẩy cái câu Kiều nói về quan Tổng đốc trọng thần Hồ Tôn Hiến. Nguyên văn trong Truyện Kiều: “Nghĩ mình phương diện quốc gia/ Quan trên trông xuống người ta trông vào”.
Tôi nghĩ các quan dưới trướng cụ Tổng sẽ hiểu. Nhưng đám giáo sư trong ngành giáo dục chẳng mấy ai hiểu. Bởi từ các giáo sư văn học đầu ngành cho đến đám học trò ăn theo nói leo lâu nay đều hiểu Hồ Tôn Hiến là nhân vật đạo đức giả, xấu xa, bẩn thỉu, nham hiểm, đại diện cho triều đình phong kiến thối nát buôn thịt bán người. Tư duy này đã đầu độc bao nhiêu thế hệ nhưng chưa một ai phản tỉnh. Cụ Tổng nói được cái điều lâu nay tôi đã nghĩ và đến lúc phải viết ra cho mọi người phản tỉnh.
Trong Truyện Kiều, tuyệt nhiên không có một lời nào Nguyễn Du mạt sát Hồ Tôn Hiến. Ngược lại, chỉ có tôn trọng, ngợi ca: “Có quan Tổng đốc trọng thần/ Là Hồ Tôn Hiến kinh luân gồm tài”. Nói họ Hồ dùng Thuý Kiều để dụ hàng Từ Hải là thủ đoạn nham hiểm thì trong lịch sử nhân loại không nhà chính trị nào không nham hiểm. Nếu gọi đó là thủ đoạn nham hiểm thì Tôn Tử đã không đặt ra “mỹ nhân kế” trong 36 kế, và nhân loại đã không bỉ loại “anh hùng không qua ải mỹ nhân”. Đã từng có ý kiến nói Từ Hải “chết vì dại gái”, nhưng các giáo sư vẫn nhất mực bào chữa cho nhân vật anh hùng của họ, rằng họ Từ chết vì thủ đoạn nham hiểm của Hồ Tôn Hiến. Theo tôi, “Thương nhau như thế bằng mười hại nhau”, bởi xét về “phương diện quốc gia”, Hồ Tôn Hiến đứng trên Từ Hải một cái đầu. Kẻ bị nhan sắc làm “nghiêng nước, nghiêng thành” mới là kẻ thất bại ê chề. Tôi hình dung cái chết đứng, chết không nhắm mắt của Từ Hải là cái chết ê chề chứ chẳng phải hiên ngang khí phách như các giáo sư ngợi ca. Không phải ngẫu hiên mà Nguyễn Du viết: “Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn”!
Tôi biết chắc các giáo sư sẽ nói: chết vì dại gái chẳng có gì là xấu. Ừ thì không xấu, nhưng phải gọi đúng tên là cái chết thường tình chứ chẳng có gì vĩ đại hay cao cả như các giáo trình ngợi ca. Ngợi ca như vậy thì khi các quan thời nay đua nhau chết vì gái, sao không dựng tượng mà thờ? Bí thư huyện Cô Tô có dày mặt ra đổ lỗi bị gài bẩy và tự hào mình vĩ đại không?
Giáo sư trẻ trâu mượn lời bọn trẻ trâu nói: “chết vì gái là cái chết êm ái”. Đúng, nhưng phải nói đó là cái chết thường tình.
Trong thế giới nhân vật của Truyện Kiều, tất cả đám đàn ông đều thường tình, trừ Hồ Tôn Hiến. Kim Trọng thường tình. Thúc Sinh thường tình. Từ Hải thường tình. Loại Mã Giám Sinh, Sở Khanh thì bỉ ổi, không đáng kể. Tất nhiên, cả lũ đàn ông này đều giống nhau, chẳng ai vì tình yêu đích thực mà đều vì cám dỗ bởi thân xác nàng Kiều, tức dâm dục. Các cụ xưa đổ lỗi Kiều dâm một cách bất công khi không dám nói đám đàn ông vậy quanh Kiều mới thực sự dâm!
Người ta thường ngợi ca mối tình Kim-Kiều là mối tình trong sáng. Tôi không nghĩ thế. Kim mới gặp Kiều đã “Xem trong âu yếm có chiều lả lơi” ngay lập tức thì “trong sáng” cái gì? Không ngẫu nhiên mà cả đoạn dài cụ Nguyễn đặt vào đầu nhân vật toàn những biểu tượng chứa đầy phức cảm tính dục: trăng-gió, mây-mưa, vườn hồng-chim xanh… Người như Kim thì năm thê bảy thiếp cũng không thoả. Không lấy Kiều được thì lấy Thuý Vân, miễn là thân xác đàn bà. Tôi cứ nghĩ, Kim đòi tái hợp với Kiều chỉ vì tham lam chứ chẳng vì tình yêu thuỷ chung như các giáo sư ngợi ca. Sâu xa trong tâm lý chỉ là vì Kim tiếc cho cái đêm “ra tuồng trên bộc trong dâu” bị Kiều cự tuyệt, lúc này dẫu Kiều đã “bướm chán ong chê” nhưng với Kim vẫn là “của lạ” so với Thuý Vân đã chung xác thịt với Kim suốt 15 năm!
Kim Trọng mà là cán bộ Đảng thời nay thì mắc bẫy là cái chắc! Tất nhiên, trong đám đàn ông của Truyện Kiều, thằng thư sinh này dâm nhưng hèn nhất nên chưa bị gì.
Quan hệ xác thịt với nữ nhi là tâm điểm của Truyện Kiều. Vũ Hạnh nhất quyết không chịu cái câu: “Càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông” là mang nghĩa đen ở chữ “sâu” và “dài”, vì dung tục. Nhưng tôi lại hình dung, nó mang nghĩa đen thật, bởi đó là câu thể hiện sự hoan lạc cực đỉnh khi cụ Nguyễn miêu tả quan hệ xác thịt giữa Kiều với Thúc Sinh. Thúc Sinh tan nhà nát cửa chỉ vì cái của “sâu” và “dài” ngập lún trong thân xác của nàng Kiều.
Thúc Sinh mà là cán bộ Đảng thời nay thì bị khai trừ ra khỏi tổ chức, trả về với quần chúng là cái chắc!
Kim Trọng, Thúc Sinh, Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Từ Hải không ai thoát khỏi cái bể tình đầy quyến rũ, tất nhiên là quyến rũ xác thịt, của nàng Kiều. Không chết thảm như Mã Giám Sinh, Sở Khanh, tan tành cơ nghiệp như Từ Hải, đổ vỡ gia đình như Thúc Sinh thì cũng hỏng cả một đời trai như Kim Trọng.
Các giáo sư phê phán mạnh mẽ Hồ Tôn Hiến ở chi tiết: “Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình”. Các giáo trình nhấn nhá vào cái “mặt sắt” của họ Hồ để mạt sát, nào là đen đủi, tối tăm, nào là nham hiểm, đạo đức giả. Không hiểu nổi khi thấy các giáo sư cũng biết cái ước lệ cổ điển “thiết diện vô tư”, nhưng vẫn cố tình xuyên tạc để gia tăng sức tố cáo chế độ phong kiến. Họ không hiểu nghĩa của câu: “Nghĩ mình phương diện quốc gia/ Quan trên trông xuống người ta trông vào” là gì. Là đúng tâm lý của một ông quan liêm chính. “Ngây vì tình” thì họ Hồ cũng ngây như bao thằng đàn ông khác, nhưng họ Hồ rất tỉnh táo, bản lĩnh, quyết không đánh đổi cơ nghiệp, thà nhịn thèm chứ không chết lềnh bềnh trong cái biển tình mà bao nhiêu thằng đàn ông đã chết.
Chung quy bởi lập trường giai cấp. Cứ quan lại phong kiến là các giáo sư vu cho sự xấu xa bẩn thỉu. Đã chơi gái mà cũng đòi lập trường giai cấp công nông mới khổ thân các giáo sư!
Tố cáo, mạt sát Hồ Tôn Hiến, vô tình hay hữu ý, các nhà Kiều học đã khuyến khích các quan thời nay làm mất thể diện quốc gia bằng đủ thứ háo: háo thực, háo sắc, háo dục, háo tiền, háo danh.
Thú thực, tôi nể phục Hồ Tôn Hiến. Trong lịch sử không có kẻ thứ hai. Cụ Tổng lẩy Kiều ở đoạn nói về Hồ Tôn Hiến trong trường hợp phòng chống tham nhũng là không chỉ nói về tình mà còn nói về tiền. Cụ biết, theo lẽ thường tình, đứa nào cũng háo thực, háo sắc, háo dục, háo tiền, háo danh, háo đủ thứ, dù 19 điều cấm đều liên quan đến cái sự háo ấy. Tôi chỉ hy vọng ở chế độ này, chỉ cần dăm ba đảng viên chóp bu mà học tập và làm theo được Hồ Tôn Hiến thì đã không lo chế độ bị sụp đổ./.
Leave a Comment