Nguyễn Huỳnh – Việt Nam Thời Báo
162.000 ha đất do người Trung Quốc sở hữu tại Việt Nam, trong số đó có bao nhiêu là núp bóng người dân, doanh nghiệp trong nước?
Đó là vấn đề được đặt ra ở nghị trường Quốc hội vào chiều ngày 11/11/2021.
Đại biểu Vũ Trọng Kim (Quảng Nam) – Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, nói rằng vừa qua báo chí cũng như người dân có thắc mắc về việc người Việt Nam tiếp tục ‘núp bóng’ mua đất cho người nước ngoài và chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
“Vấn đề này chúng ta thấy rằng nó đã vi phạm Luật Đất đai, không đúng đối tượng vì mua hộ, mua thay. Bộ Kế hoạch – Đầu tư giám sát kiểm tra như thế nào? Thời gian tới có tham mưu gì Chính phủ để sửa luật Đất đai, luật Đầu tư, chứ như này thì làm sao đảm bảo sử dụng đất đai hiệu quả?”, đại biểu Vũ Trọng Kim chất vấn.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng nói: “Đầu tư núp bóng, sở hữu đất là vấn đề lớn và thực sự chúng tôi chưa có điều kiện để nắm rõ sát tình hình thực tế ở các địa phương này ra sao. Với trách nhiệm của Bộ chúng tôi sẽ nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ để có chính sách quản lý đất đai với các nhà đầu tư núp bóng danh nghĩa cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam đang thâu tóm, chiếm giữ. Đặc biệt vùng ven biển, sát biên giới. Đây là vùng hết sức nhạy cảm, tôi ghi nhận ý kiến và xin phép báo cáo lại ở Quốc hội sau.”
Việc ‘xin khất’ trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, một lần nữa cho thấy sự lúng túng của cái gọi là “Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.”
Theo Điều 197 của Bộ luật Dân sự 2015 quy định tài sản thuộc sở hữu toàn dân như sau: Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Đồng thời, tại Điều 53 của Hiến pháp năm 2013 cũng nêu rõ, đất đai thuộc sở hữu toàn dân.
Như vậy, đất đai thuộc sở hữu của toàn dân, theo đó quyền năng sở hữu này được thông qua Nhà nước với việc Nhà nước vừa sở hữu, vừa thống nhất quản lý. Một trong những quyền lực dễ đưa đến tham nhũng chính sách, đó là quyền được quyết định trao quyền sử dụng đất cho chủ thể sử dụng đất.
Và chính điều này cho thấy rất khó để người dân ‘mua hộ – mua thay’ cho phía người Trung Quốc, vì các thủ tục hành chính liên quan cho chuyện được Nhà nước “trao quyền sử dụng đất cho chủ thể sử dụng đất” lâu nay nức tiếng nhiêu khê.
Thế nhưng phía quản lý nhà nước vẫn luôn bảo thủ rằng “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu” lại ưu việt của thể chế chính trị Việt Nam, với lập luận phổ biến như sau: “Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai tránh cho xã hội Việt Nam rơi vào tình trạng bất ổn do một số người có thể đòi hỏi xem xét lại các quyết định lịch sử về đất đai nếu như duy trì chế độ sở hữu tư nhân về đất đai.”
Lo lắng trên của nhà nước Việt Nam hiện tại là dễ hiểu vì ở miền Bắc trước đây diễn ra sự kiện chính trị được gọi là “Hoàn thành cải cách ruộng đất và khôi phục kinh tế quốc dân (1955-1957).”
Sau tháng 4/1975, “đánh tư sản” của Hà Nội đã ‘cướp’ trắng tài sản, động sản, bất động sản của người miền Nam. Do vậy, nếu không bắt buộc “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu,” thì một khi thừa nhận sở hữu tư nhân đất đai, sẽ diễn ra các cuộc tranh đấu đòi lại quyền sở hữu nhà, đất trong quá khứ, sẽ có cuộc lục soát lại những gì mà Nhà nước cộng sản Việt Nam đã làm trong cải cách ruộng đất, trong thu hồi đất, chia nhà bỏ hoang – tức buộc người dân gọi là tư sản phải đi kinh tế mới, sau đó chiếm những nhà này cho cán bộ và ‘người có công cách mạng’…
Phía quản lý Nhà nước còn bảo vệ quan điểm “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu,” bằng lập luận thế này:
“Đất đai là tài sản chung của dân tộc cho nên không cho phép Chính phủ hay chính quyền địa phương chuyển nhượng cho người nước ngoài một cách tự do như đối với công dân Việt Nam.
Nếu không quy định những điều kiện chặt chẽ về sở hữu đất, nhất là đất sản xuất của người nước ngoài, nếu chúng ta thừa nhận sở hữu tư nhân đất đai và cho phép người nước ngoài thỏa thuận mua bán đất với tư nhân, thì nguy cơ mất nước từ hệ lụy của nền kinh tế thị trường sẽ thành hiện thực và thành quả đấu tranh kiên cường để giành độc lập của dân tộc ta sẽ có nguy cơ bị triệt tiêu bởi thế lực của đồng tiền.”
Vậy là há miệng mắc quai của lập luận trên, khi mà Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã ‘ầu ơ’ không biết trả lời thế nào lúc có vị đại biểu chất vấn, vì sao đang có 162.000 ha đất do người Trung Quốc sở hữu tại Việt Nam?
Để dễ hình dung, người Trung Quốc sở hữu 162.000 ha đất, tức là 1.620 km² lớn hơn thành phố Cần Thơ, khi Tây đô diện tích chỉ có 1.439 km² mà thôi.
Leave a Comment