Nghĩ đến người khác trước

Đeo khẩu trang, hành động đơn giản nhất để ngăn ngừa sự lây lan của virus. Hình minh họa.
- Quảng Cáo -

Ngô Nhân Dụng – VOA

Trên mạng xã hội TikTok đang loan truyền một video chỉ dẫn phương pháp xóa bỏ “tai hại” của các vaccine, dạy cho những người đã “bị” chích thuốc phòng ngừa Covid-19.

Một Dr. Carrie Madej thuyết trình trên video đề nghị các “nạn nhân bị chích” hãy pha các chất “bột nổi” (baking soda) và muối Epson vào nước tắm, thêm chút Bentonite nữa! Để trừ các chất độc do vaccine gây ra trong cơ thể!

Mạng TikTok đã rút video của Dr. Carrie Madej khi có người tố cáo các tin tức đó là tuyên truyền sai lạc (misinformation). Nhưng nhiều người vẫn còn lưu giữ trên mạng và chuyển qua người khác, mấy trăm ngàn người sử dụng TikTok. Họ còn chiếu hình một người đang đổ các thứ baking soda và epson vào bồn tắm để làm gương!

- Quảng Cáo -

Người tắm với “nước tẩy độc” của Bác sĩ Madej sẽ chỉ thấy ngứa ngáy và cay mắt nhưng không bị nguy hiểm. Hàng trăm ngàn người đang theo dõi bản tin trên TikTok này, theo bản tin NBC ngày 12 tháng 11 năm 2021. Trong thực tế, vaccine không tạo ra chất độc nào cả. Những loại vaccine dùng mRNA, như Pfizer hay Moderna, kích thích hệ thống miễn nhiễm sản xuất chất đề kháng vi khuẩn corona, có công hiệu ngay tức khắc. Các vaccine làm theo lối cổ công hiệu chậm hơn.

Các loại “thuốc tẩy độc” chống vaccine đã được truyền bá từ lâu, chống cả các thuốc đề phòng các bệnh sởi, đậu mùa, polio, sốt rét, vân vân. Nhiều nhà “bào chế” tung ra các thứ thuốc tẩy độc (detox) có thể hại sức khỏe. Họ còn bán những thứ “thức ăn bổ túc” và các “dụng cụ tẩy độc” khác, sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi!

Người Việt sống ở Mỹ chắc phải ngạc nhiên trước hiện tượng “mê tín” này. Những người trên 60, 70 chắc còn nhớ ngay từ các lớp tiểu học mình đã học về công hiệu của thuốc chủng ngừa. Chắc ai cũng được chích ngừa nhiều thứ bệnh khi còn nhỏ. Bộ Y tế đưa thuốc đến từng trường chích cho học sinh. Em bé nào cũng sợ đau nhưng vẫn răm rắp vâng lời thầy, cô, ra xếp hàng chờ “bị” chích.

Chương trình giáo dục dưới chế độ Quốc gia và Việt Nam Cộng Hòa có môn học “Vệ Sinh” cho cấp tiểu học. Người đầu tiên vẽ ra chương trình này, từ thời chính phủ Trần Trọng Kim, 1945, là Kỹ sư Hoàng Xuân Hãn, thấy rằng muốn quốc gia tiến bộ thì phải dựa vào khoa học. Từ thời 1940 ông đã soạn bộ “Danh từ Khoa học” đặt nền tảng cho các môn học mới. Nhờ nền giáo dục đề cao khoa học, chúng ta dễ dàng chấp nhận “bổn phận” phải chích ngừa các thứ bệnh dịch.

Những biện pháp ngăn ngừa Covid-19 không phải chỉ để phòng thân mà đều là những bổn phận đối với xã hội. Đó là điều cần giải thích cho những người phản đối. Nhiều người đề cao quyền tự do cá nhân, mình làm chủ thân thể mình: Không thích thì không đeo mạng che miệng, không chích vaccine, không cần đi thử test.

Người Việt thường suy nghĩ cách khác: Mình còn phải bảo vệ người chung quanh, tránh cho họ không vì mình mà nhiễm bệnh. Đó cũng là kết quả của nền giáo dục nước ta. Các lớp tiểu học đều có môn “Luân Lý.” Học sinh được dạy cách cư xử trong gia đình, ngoài xã hội. Học làm bổn phận với mọi người, cả những người không quen biết. Đến bây giờ tôi còn dạy các đứa cháu thói quen nhường bước cho người tàn tật hay già yếu, tập bỏ mũ, cúi đầu khi gặp một đám tang, như tôi đã học từ nhỏ. Lên trung học có môn “Công dân Giáo dục,” dạy các bổn phận tôn trọng luật pháp, hiến pháp, bổn phận bảo vệ quốc gia, vân vân. Các em vào Hướng Đạo, được gọi là “Sói Con” học thuộc lòng câu châm ngôn: “Sói con nghĩ đến người khác trước,” đồng thanh đọc trước mỗi buổi họp đàn như “tụng kinh.”

Nghĩ đến người khác trước. Đó là một quy tắc trong nền luân lý cổ truyền. Một thí dụ cụ thể, tổ tiên chúng ta dạy, “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng.” Mình thèm ăn nhưng không nên quên người chung quanh cũng cần ăn. Tránh không ăn nhiều vì nếu hết thức ăn người khác phải nhịn đói. Trước khi ngồi xuống, phải nhìn coi mình có thể chiếm chỗ của ai hay vô lễ với người nào không. Nhiều người Việt đã tập nhiễm thói quen “nghĩ đến người khác” ngay trong đời sống hàng ngày. Khi sống ở một quốc gia thức ăn dư thừa, mình không cần “Ăn trông nồi” nữa. Cách sống dân chủ tự do cũng làm mất tập quán “ngồi trông hướng.” Dần dần, mình có thể mất cả thói quen “Nghĩ đến người khác trước.”

Người đầu tiên trong gia đình tôi nhiễm Covid-19 là một cháu gái 18 tuổi. Cháu không có triệu chứng sốt và ho. Cháu chỉ thấy mũi không ngửi thấy mùi, nên đi thử test, kết quả positive, đã nhiễm vi khuẩn. Cháu báo tin cho bạn bè, những người đã gặp gần đây, cho họ biết mình bị bệnh; yêu cầu họ đi thử. Cha mẹ cũng đi thử; để nếu positive thì sẽ báo tin cho bạn bè, đồng nghiệp biết.

Khi đứa cháu thấy kết quả positive, tôi đã cho một người bạn biết tin. Ngày hôm sau, tôi kể tiếp chuyện cha mẹ cháu và hai em cũng mới đi làm test. Ông bạn ân cần hỏi thăm: Bố mẹ cháu đã có triệu chứng gì? Tôi nói không có chứng nào cả. Ông bạn ngạc nhiên hỏi lại: Không thấy triệu chứng, tại sao phải đi làm test?

Chính tôi lại ngạc nhiên khi nghe câu hỏi. Nếu trong nhà có người nhiễm vi khuẩn Covid thì ai cũng phải đi làm test! Tại sao phải chờ thấy triệu chứng mới làm? Ông bạn tôi không thấy điều đó là hiển nhiên. Tôi giải thích rằng các con tôi đi làm test để biết mình có cần thông báo cho bạn bè, người dạy học phải cho học sinh và các đồng nghiệp biết, để họ lo tránh bệnh. Nghe xong, ông bạn hiểu ngay, nhiệt liệt đồng ý.

Tất cả các việc thử test coi mình bị nhiễm bệnh hay không, hoàn toàn không phải chỉ vì muốn biết mình bịnh hay không. Một người có thể không sợ bệnh, chấp nhận mình bị bệnh cũng không sao. Kết quả test là positive hay negative cũng không cần biết. Còn cho rằng đi làm test chỉ thêm lo nếu thấy positive!

Nhưng việc đi làm test còn nhắm để biết có cần báo động cho những người gần đây tiếp xúc với mình hay không. Động cơ chính yếu là “Nghĩ đến người khác.”

Người đặt câu hỏi “Đã có triệu chứng gì mà phải đi làm test?” chỉ chú ý đến từng người một, mà quên xã hội ở chung quanh. Bệnh dịch là một tai họa xã hội, ai cũng có thể mắc bệnh. Mỗi người tự ngăn ngừa bệnh không đủ, ai cũng phải đề phòng. Cho cả những người mình không quen biết.

Người có tuổi thường hay đãng trí. Ông bạn đã được giáo dục giống như mọi người Việt trong thế hệ cùng tuổi tôi. Nhưng trong chốc lát, phản ứng của ông cho thấy ông cũng quên rằng mỗi người còn quan hệ với cả xã hội.

May mắn là người Việt Nam ở Mỹ không bị ảnh hưởng của những nhóm vẫn từ chối công nhận bệnh dịch có thật và nguy hiểm. Họ loan truyền những tin sai lạc không thể tưởng tượng được. Một nhóm mang tên “Hãy học Trước khi Chích Vaccine” (Educate Before You Vaccinate) trên Facebook nói với mọi người rằng chích vaccine rồi sẽ bị chính phủ theo dõi suốt đời, sẽ mất khả năng sinh sản, và có thể chết!

Các nhóm khác hiến kế “tẩy độc” nếu bị chích ngừa. Phương pháp của bà Dr. Madej chưa nguy hiểm. Có người còn quảng bá cho một loại thuốc “Khóang chất Thần kỳ,” (Miracle Mineral Solution) dùng đến thuốc tẩy giặt quần áo (bleach). Thứ “Eau de javel” uống vào có thể chết người. Và có người uống đã chết rồi!

Chúng ta may mắn được giáo dục và được chích ngừa từ khi còn nhỏ ở Việt Nam, không bị cơn bão loạn thông tin đầu độc. Và được học thói quen “Nghĩ đến người khác trước.”

- Quảng Cáo -