Một giáo sư kinh tế ở một trường đại học cho biết ông chưa từng đánh rớt sinh viên nào, nhưng đã từng đánh rớt hết cả một lớp học.
Vì học sinh lớp này kiên quyết cho rằng, một xã hội có hình thái tổ chức hoàn hảo là một xã hội không ai giàu và cũng không ai nghèo, và đó là một xã hội tuyệt vời.
Thế là vị giáo sư nói:
– “Được rồi, vậy lớp mình sẽ tiến hành một thí nghiệm về điều đó. Từ nay, tất cả các điểm sẽ được cộng lại và chia đều ra, mọi người sẽ nhận được điểm như nhau, vì thế không ai bị rớt và cũng không ai được điểm A cả.”
Sau bài thi đầu tiên, mức điểm trung bình cho cả lớp là B. Những sinh viên siêng năng rất buồn, còn những sinh viên lười biếng thì rất mừng.
Qua bài thi thứ hai, điểm trung bình cho cả lớp là D! Không ai vui cả. Vì những sinh viên lười thậm chí còn lười hơn; còn những sinh viên chăm chỉ thì quyết định rằng họ cũng chỉ nên học ít thôi.
Đến bài thi thứ ba, điểm trung bình là F. Mức điểm không hề tăng lên, mà còn nổ ra các cuộc cãi vã, nghi ngờ, buộc tội nhau. Mọi người đều khó chịu và tức giận, tất cả mọi người không ai còn muốn học để người khác có lợi.
Bài cuối cùng, tất cả đều rớt, khiến ai cũng ngỡ ngàng …
Giáo sư đã nói với họ rằng:
– “Thông qua kết quả những bài kiểm tra thì các bạn có thể dễ dàng thấy được rằng, kiểu xã hội công bằng mà các bạn đang mong muốn rất khó thành hiện thực, vì dù ý tưởng rất hấp dẫn, nhưng khi đưa vào thực hành thì chẳng ai có động lực muốn làm việc nữa.”
Cuối cùng ông kết luận :
– Bạn không thể làm người nghèo giàu lên bằng cách khiến người giàu nghèo đi.
– Người không làm gì mà vẫn được hưởng, trong khi người phải làm thì lại không được hưởng cái gì.
– Chính phủ cho miễn phí ai cái gì, thì phải lấy thứ đó từ người khác.
– Khi một nửa nhân loại thấy rằng họ không cần làm gì vì sẽ có người khác làm cho, còn một nửa kia thì nghĩ rằng họ có làm kiệt xác cũng chẳng ích gì vì sẽ bị kẻ khác chiếm mất. Thì đó chính là khởi đầu cho sự kết thúc của mọi xã hội!
(St)
LỜI BÌNH:
Vị GS đã làm một thực nghiệm đơn giản và rất thuyết phục, rằng: Một xã hội BÌNH QUÂN thì sẽ lụn bại. Công cuộc xây dựng CNXH kiểu bao cấp, làm chủ tập thể. “không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng” của VN đã thất bại, phải “ĐỔI MỚI”… Như thực nghiệm trên đã chứng minh.
Nhưng “ĐỔI MỚI” mà “ruộng đất là sở hữu toàn dân, do nhà nước quản lý”, thực chất là nằm trong tay “Giai cấp mới”, lại đẩy xã hội đến sự phân hóa cực đại và rối loạn các giá trị!… Nhìn bộ mặt vật chất xã hội thấy hào nhoáng, nhưng trong lòng nó đầy mâu thuẫn và hư hỏng…
Chủ nghĩa tư bản từ hoang dã, cướp bóc tàn khốc nhưng do cơ chế cạnh tranh, kiểm soát quyền lực, nên đã phải điều chỉnh dần, tìm ra một số mô hình bớt tồi tệ và một số quốc gia đã thành công. Ở đó xây dựng được xã hội nhân đạo, phát triển hài hoà, bền vững, quyền lực được kiểm soát, bớt lạm quyền, tham nhũng, người DÂN được tôn trong NHÂN QUYỀN, TỰ DO, DÂN CHỦ… Đã có những mô hình như vậy, sao không học còn đi tìm cái chưa từng có, “dò đá qua sông”, mà “đến 2045 mới hoàn thiện lý luận về CNXH”, rồi “chưa biết đến cuối thế kỷ đã có CNXH hoàn thiện chưa?”!
Ôi! … “Gánh vàng đi đổ sông Ngô”
Đêm nằm tơ tưởng đi mò sông Tương!” ..
MVTrang
Leave a Comment