Ngày 8/11, bà Nguyễn Thị Tình, vợ của thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh, nhận được thông báo kèm theo phán quyết của UNWGAD số 36/2021 trong đó nêu rõ rằng cáo buộc mà phía Việt Nam đưa ra đối với ông Nguyễn Năng Tĩnh là “quá mơ hồ, không thể là cơ sở pháp lý để giam tù ông”.
Phán quyết ngày 4/11/2021 được thông qua trong kỳ họp thứ 91 của UNWGAD mà VOA xem được cho rằng việc bắt giam, xét xử ông Tĩnh được xếp vào hành động giam giữ tùy tiện, vi phạm các chuẩn mực và công ước quốc tế mà Việt Nam là một quốc gia thành viên.
Trường hợp của ông Tĩnh, UNWGAD cho rằng chính quyền Việt Nam đã vi phạm 4 trong số 5 khoản mục về bắt giữ tùy tiện: thiếu cơ sở pháp lý để tước đoạt quyền tự do của một người; người bị tước đoạt quyền tự do khi thực thi các quyền cơ bản theo chuẩn mực quốc tế; vi phạm quyền được xét xử công bằng; và bị tước quyền tự do trên cơ sở phân biệt đối xử, do là một người bảo vệ nhân quyền, và là người bất đồng chính kiến.
UNWGAD ra phán quyết trường hợp Nguyễn Năng Tĩnh, ngày 4/11/2021. Photo UNWGAD.
Phán quyết, còn được gọi là Công bố Quan điểm (Opinion) có đoạn viết: “Nhóm công tác kêu gọi Chính phủ [Việt Nam] trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông Tĩnh và thăm khám bệnh cho anh Tĩnh theo yêu cầu.”
“Nhóm làm việc cũng kêu gọi Chính phủ tôn trọng quyền tự do tôn giáo của ông Tĩnh khi bị giam giữ theo quy tắc 65 và 66 của Quy tắc Nelson Mandela, cũng như Điều 18 trong Tuyên bố Quốc tế về Nhân quyền và Điều 18 của Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị”.
Ông Nguyễn Năng Tĩnh, 45 tuổi, quê Nghệ An, là một thầy giáo dạy nhạc tại một trường cao đẳng ở tỉnh Nghệ An. Ông bị bắt vào 29/5/2019 và ngày 15/11/2019 bị tuyên 11 năm tù giam và 5 năm quản chế, và một phiên phúc thẩm vào tháng 4/2020 đã giữ nguyên mức án này. Hiện ông đang thụ án tù tại Trại 5, Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.
Bà Nguyễn Thị Tình cho VOA biết sau khi nhận được thông báo về phán quyết của LHQ:
“Tôi rất vui khi nhận phán quyết của Nhóm công tác Liên Hiệp Quốc về Giam giữ Tùy tiện. Phán quyết này hoàn toàn đúng. Sự việc đúng như phán quyết của LHQ nêu.”
“Bản án mà chính quyền tuyên cho chồng tôi là hoàn toàn bất công và oan sai. Chồng tôi không làm điều gì sai hay vi phạm để mà bị kết tội cả. Anh chỉ làm những việc tốt cho cộng đồng. Trong cả hai phiên sơ thẩm và phúc thẩm họ hoàn toàn không chứng minh được chồng tôi phạm tội.”
Chính quyền Việt Nam xét xử ông Tĩnh với cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 2015.
UNWGAD kết luận rằng Điều 117 Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 2015 không tương thích với Điều 11(2) của Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền và Điều 15(1) của Công ước Liên Hiệp Quốc về Các quyền Dân sự và Chính trị.
Bản thân ông Nguyễn Năng Tĩnh không thể tiên liệu được rằng việc thực thi quyền tự do biểu đạt để chuyển tải những ý kiến một cách ôn hòa trên mạng xã hội lại là hành vi phạm tội hình sự theo Điều 117, theo UNWGAD.
Ngoài ra, Nhóm Công tác lưu ý rằng Ủy ban Nhân quyền LHQ cũng đã kêu gọi Việt Nam khẩn trương thực hiện tất cả các bước cần thiết, bao gồm cả sửa đổi pháp luật, liên quan đến các tội danh được áp dụng rộng rãi trong các điều khoản khác nhau của Bộ luật Hình sự 2015, bao gồm cả Điều 117.
Trong văn thư giải trình gửi UNWGAD vào 15/4/2021, chính quyền Việt Nam cho rằng các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã điều tra và truy tố ông Tĩnh vì “ông đã vi phạm pháp luật Việt Nam, chứ không phải vì ông đã thực hiện các quyền tự do cơ bản”.
Nguồn: VOA Tiếng Việt