Quảng Cáo

Bộ Trưởng Công An Tô Lâm ăn bò dát vàng bằng tiền của ai?

Bộ Trưởng Công An Tô Lâm và miếng thịt bò dát vàng. Ảnh AFP

Quảng Cáo

Diễm Thi

Bữa ăn ngoại giao hay bữa ăn từ tiền thuế của dân?

Một video clip chỉ khoảng 40 giây được lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội hai hôm nay, cho thấy “Thánh rắc muối” Salt Bae tự tay bưng món bò dát vàng phục vụ cho Bộ trưởng công an Tô Lâm, người phát ngôn Bộ Công An Tô Ân Xô và một người nữa trong đoàn tùy tùng của ngài bộ trưởng, tại một nhà hàng sang trọng. Được biết giá tiền mỗi phần ăn như vậy lên đến 45 triệu đồng Việt Nam. Tổng cộng ba phần là 135 triệu đồng.

Cư dân mạng xã hội nổi giận với hình ảnh các quan chức Việt Nam ăn uống xa xỉ, trong khi dân trong nước đang kiệt quệ vì dịch bệnh kéo dài suốt hơn hai năm qua. Facebooker Phạm Minh Vũ viết trên danh khoản Facebook cá nhân của mình rằng:

“Tôi nhớ lại từng chuyến xe tháo chạy khỏi Saigon mấy đợt vừa qua của người dân để chạy cái đói, cái khổ, tôi nhớ từng đoàn người đi bộ nối hàng dài lam lũ trở về quê hàng trăm cây số vì đói, tôi nhớ tới đoàn xe thiên di leo lên đỉnh Hải Vân trong cái mưa lạnh kèm bão lũ, tôi nhớ tới hình ảnh người đàn ông phải nhặt từng hạt gạo khi cái nilon bục giữa hè phố sau khi xin được nhà hảo tâm cho 3 kg gạo… và còn lắm cảnh thê lương mà Dân ta chịu nỗi khốn khổ vì đại dịch, trong mấy tháng qua.

Tháp tùng Thủ tướng đi dự hội nghị tại Âu Châu không biết hiệu quả đạt được ra sao? Mang lại lợi ích thế nào cho dân cho nước. Trước mắt là thấy ngốn không ít tiền thuế của dân. Nhưng, lại tổ chức ăn uống nhìn nó thật khốn nạn và lưu manh, kệch cỡm.”

Cũng trên mạng xã hội, nhiều bình luận cho rằng, bữa ăn là do nước ngoài mời, không tốn ngân sách nhà nước, có gì mà ầm ĩ!

Nêu quan điểm của mình về vấn đề này với RFA, Nhà báo Trần Ngọc Tuấn ở Cộng hòa Séc, một người luôn đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền trong nước nói:

“Khi tôi xem video clip đó thì cảm giác đầu tiên của tôi là rất sốc vì trong khi dân hết sức đói nghèo, nợ công đất nước thì ngập. Nhiều dư luận viên nhảy vào bênh ông Tô Lâm rằng đây là bữa tiệc chiêu đãi của Chính phủ Pháp. Nói như thế là ngờ nghệch vì tôi ở châu Âu đã lâu rồi, không bao giờ quan chức mời quan chức lại vào những chỗ đắt tiền như thế đâu. Họ lịch thiệp và không bao giờ làm chuyện hoang phí như vậy thì đó là ngân sách của quốc gia, là tiền thuế của dân. Họ không lãng phí như vậy đâu. Thêm vào đó, nếu là buổi chiêu đãi thì phải có đối tác ngồi cùng bàn chứ.

Tôi cho rằng, họ ăn uống như thế trong khi dân thì quá đói khổ sau đợt Covid là thiếu tính nhân văn và tầm văn hóa rất kém. Tôi đánh giá tư cách của một quan chức như vậy là vất đi!”

Vụ “ăn chơi” của Tô Lâm có “sân sau” lo?

Video clip được loan tải khi Bộ trưởng Công an Tô Lâm đang trong chuyến tháp tùng đoàn của Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc COP26 tại Anh, sau đó đoàn Việt Nam sẽ thăm chính thức Pháp.

Đằng sau hình ảnh ăn uống sang trọng, xa xỉ của các vị đứng đầu ngành công an như trong clip đăng tải hai ngày qua, nhiều người dân đặt câu hỏi rằng, tiền đâu mà các quan chức có thể tiêu xài phung phí như vậy? Phải chăng đó là tiêu chuẩn đặc biệt của những người thuộc hàng lãnh đạo ngành công an – người mà bấy lâu nay được coi là “thanh kiếm và lá chắn của đảng?

Ông Lê Văn Triết, nguyên Bộ trưởng Thương Mại, khi nghe về thông tin trên đã khẳng định rằng ông không tin như thế. Ông Triết giải thích thêm với RFA vào sáng ngày 5 tháng 11:

“Bộ Tài chính họ đài thọ cho đoàn đó gồm bao nhiêu người, mỗi người theo cấp bậc, trong thời gian bao lâu… là có quy định hết. Cho nên, đoàn đó có muốn lấy nhiều hơn cũng không được, chỉ theo chuẩn đã được Bộ Tài chính và những cơ quan chức năng khác quy định.

Trước khi đi (công tác – PV), Bộ Tài chính họ chuẩn bị sẵn số tiền đó và họ đến nhận. Khi trở về cũng phải báo cáo số tiền sử dụng. Bộ Tài chính họ đâu được đưa quá số tiền quy định. Nếu làm sai quy định họ sẽ vi phạm. Việc gì họ phải gánh tội như thế trong khi họ đâu phải người đi?”

Một luật gia tên HL. hiện đang sinh sống ở Hà Nội, người từng đứng trong hàng ngũ Đảng Cộng Sản Việt Nam những năm 90, nói với RFA:

“Nếu cuộc viếng thăm do nước sở tại mời thì thông thường họ đài thọ chi phí. Còn nếu mình chủ động thì mình phải tự lo. Ví dụ mình thành viên của một khối, tổ chức quốc tế nào đó, khi đi dự các hội nghị liên quan thì phải bỏ tiền túi ra, mà tiền này là ngân sách nhà nước. Nó có hết trong các chương trình làm việc.

Chuyện ‘ăn chơi’ của Tô Lâm, theo tôi, có thể do một số doanh nghiệp cánh hẩu, một số doanh nghiệp sân sau của ổng ở đó đãi ổng. Công an họ có nhiều doanh nghiệp sân sau núp bóng bằng công ty tư nhân ở khắp thế giới mà. Ở đâu họ chẳng có ‘đệ tử.’ Chuyện đó đâu có gì khó hiểu. Công an nó có những đặc tính của nó, nó có cách kinh doanh của nó. Chỉ có nó mới ‘bán’ hộ chiếu, ‘bán’ visa được thôi. Giá cả thì tùy vào độ gấp, độ cần thiết của người mua. Tuy không có bằng chứng chứng minh nhưng tôi chắc chắn ai cũng biết những điều đó.

Chỉ có điều, trong lúc nhân dân đang đói kém do đại dịch mà ăn uống xa xỉ như thế thì đập vào mặt dân là hình ảnh quan chức cộng sản hưởng lạc. Thế thôi, chứ tiền thì họ thiếu gì!”

Những “doanh nghiệp sân sau” hay “doanh nghiệp thân hữu” được coi là những doanh nghiệp nhận được nhiều ưu đãi, tiếp tay của các quan chức trong việc tiếp cận các lĩnh vực kinh doanh “béo bở” từ đất đai, tài chính, ngân sách, giấy phép, mức thuế và rất nhiều các ưu đãi khác.

Những doanh nghiệp như thế tồn tại rất nhiều, không chỉ ở Việt Nam. Truyền thông Nhà nước từng dẫn lời Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung về việc này rằng: “Vì sao thân hữu ở Việt Nam nhiều đến thế? Vì Nhà nước có quá nhiều thứ để cho, Nhà nước có quá nhiều và thị trường lại có quá ít và Nhà nước cho không minh bạch, không chịu trách nhiệm giải trình.”

Dẫn giải về chuyện sân sau, Luật gia HL. kể thêm rằng, trong lần sang thăm chính thức Hàn Quốc năm 1997, Tổng bí thư Đỗ Mười lúc bấy giờ nhận được một món quà bằng tiền mặt trị giá một triệu USD, do các doanh nghiệp nước này góp lại tặng. Ông Đỗ Mười được toàn quyền chi xài số tiền này:

“Chính cháu ruột ông Đỗ Mười nói với tôi rằng, mùa hè năm đó ổng mua 40 dàn máy vi tính tặng cho 40 trường xuất sắc trong năm. Phần còn lại ổng đút túi ổng tiêu.”  

Sự kiện năm 1997 cũng từng được báo chí Nhà nước loan. Tuy vậy, theo nội dung được loan thì, Tập đoàn LG đã gửi biếu cố Tổng Bí thư Đỗ Mười một triệu USD và Công ty Nomura biếu 100.000 USD để chi dùng khuyến học.

Ngày 18 tháng 3 năm đó, Văn phòng Trung ương Đảng đã gửi công văn tới các ban ngành truyền đạt ý kiến của ông Đỗ Mười về việc sử dụng 1,1 triệu USD nói trên. Theo đó, số tiền này được chia đều làm 11 phần. Chín phần chia cho chín tỉnh của ba vùng Trung, Nam, Bắc để xây dựng trường tật học. Một phần góp vào Quỹ khen thưởng dành cho học sinh nghèo học giỏi. Một phần dùng để “xây dựng một trung tâm đào tạo giáo viên tật học tại Đại học sư phạm Đại học quốc gia Hà Nội.”

Diễm Thi

Nguồn: RFA

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux