Ngô Nhân Dụng – VOA
Đầu năm 1950 là thời điểm tốt nhất để Trung Cộng đánh chiếm Đài Loan. Quân đội Quốc Dân Đảng mới chạy ra hòn đảo, trong khi Hồng Quân như cơn nước lũ chiếm toàn thể lục địa đang hăng say chiến thắng. Ngoại trưởng Mỹ Dean Acheson còn tuyên bố nước Mỹ không muốn dính đến châu Á: “Họ phải tự lo lấy thân, và họ biết như thế.”
Nhưng ngày 26 tháng Sáu, 1950, quân Bắc Hàn tổng tấn công Nam Hàn sau khi Stalin bật đèn xanh. Quân Mỹ phải giúp Nam Hàn. Ngày 27, Tổng thống Harry Truman công bố chính sách mới: Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan, nhưng yêu cầu chính quyền Tưởng Giới Thạch không tấn công lục địa. Hàng không mẫu hạm Valley Forge dẫn đầu Hạm đội số 7 ngày 29 tháng Sáu đi diễu qua eo biển Đài Loan trước khi lên phía Bắc. Mỹ và Trung Cộng ngầm hiểu với nhau rằng phải để yên cho Đài Loan sống.
Đó là chính sách mà các chính phủ Mỹ vẫn theo từ 70 năm qua. Chỉ có một bước ngoặt, năm 1979 Mỹ công nhận Cộng sản Trung Quốc, sau 30 năm vẫn coi chính phủ Trung Hoa Dân Quốc còn cai trị Trung Quốc. Lãnh đạo Trung Cộng tuyên bố sẽ thống nhất bằng đường lối hòa bình, với mô hình “một quốc gia, hai chế độ.”
Gần đây, cảnh tượng đã thay đổi. Trung Cộng cho máy bay chiến đấu, chiến hạm, tàu ngầm, hàng không mẫu hạm, cả loại chuyên chở trực thăng diễn võ dương oai trong eo biển, và tàu thám thính chạy vòng quanh hòn đảo. Ngôn ngữ của giới lãnh đạo Bắc Kinh cũng hung hăng hơn. Bà Tổng thống Thái Anh Văn báo động mối đe dọa diễn ra hàng ngày.
Nhưng liệu Tập Cận Bình có đưa quân qua chiếm Đài Loan hay không? Chắc không.
Trước khi đánh Đài Loan, Trung Cộng phải đặt hai câu hỏi: Một: Phản ứng của thế giới chung quanh như thế nào? Hai: Chiếm được Đài Loan ích lợi gì không?
Trước hết, nước Mỹ sẽ làm gì? Bốn ngày sau Tổng thống Joe Biden nhậm chức, bộ Ngoại giao Mỹ đã lên tiếng phản đối các hành động và lời nói đe dọa Đài Loan của Bắc Kinh, và cam kết rằng chủ trương bảo vệ Đài Loan vẫn vững như bàn thạch (rock solid). Năm 1996, Trung Cộng đã phóng hỏa tiễn qua đầu Đài Loan để đe dọa, muốn dân không bỏ phiếu cho đảng Dân Tiến, một đảng có khuynh hướng độc lập. Tổng thống Bill Clinton đã cho mẫu hạm nguyên tử Nimitz kéo cả hạm đội đi diễu trong eo biển. Trung Cộng ngưng thử hỏa tiễn. Ứng cử viên Dân Tiến Trần Thủy Biển đại thắng, Nhưng ngày nay, sức mạnh quân sự của Trung Cộng có thể áp đảo lực lượng Mỹ ở trong vùng, họ không sợ nữa. Nếu quyết tâm, Trung Cộng vẫn đánh và chiếm được hòn đảo trước khi Mỹ kịp hành động.
Nhưng không phải chỉ có Mỹ lo mất Đài Loan. Các nước trong vùng Á Đông, từ Nhật Bản, Hàn Quốc cho tới Australia không thể ngồi yên. Thủ tướng Suga Yoshihide, trong một thông cáo ký chung với Tổng thống Biden, đã nhấn mạnh sự ổn định của Đài Loan là điều thiết yếu đối với an ninh nước Nhật. Nếu Đài Loan bị Trung Cộng chiếm, ảnh hưởng của Mỹ suy yếu và Nhật Bản sẽ không còn được bảo vệ nữa. Nam Hàn, Úc, các nước Đông Nam Á cũng sẽ thấy như vậy. Ấn Độ đang tranh chấp biên giới với Trung Cộng trong vùng Hy Mã Lạp Sơn sẽ bị cô lập hơn. Các nước Pháp, Anh gần đây đã đưa chiến hạm tới eo biển Đài Loan cũng là một lời cảnh cáo. Tất cả các nước đó sẽ phải hợp tác bao vây kinh tế Trung Quốc nếu Tập Cận Bình bắn hỏa tiễn trên đầu dân Đài Loan!
Khi các nước kinh tế mạnh nhất thế giới lập mặt trận cùng trừng phạt Trung Cộng, kinh tế Trung Quốc sẽ suy sụp. Giao thương với tất cả các nước khác sẽ đình trệ nếu các chính phủ Mỹ, Nhật và châu Âu cấm các ngân hàng nước họ không được chuyển tiền cho các giao dịch giữ các công ty và ngân hàng Trung Quốc và người nước khác. Riêng hành động đó sẽ khiến kinh tế Trung Quốc xuống dốc vì mất hết các nguồn cung cấp cũng như khách hàng.
Đó là viễn tượng khiến ông Tập Cận Bình phải cân nhắc có nên hạ thủ bà Thái Anh Văn hay không.
Nếu chiếm được Đài Loan, Tập Cận Bình sẽ chỉ tăng dân số thêm 24 triệu người, chưa bằng một phần năm dân tỉnh Quảng Đông. Tập Cận Bình sẽ làm chủ các cơ xưởng, máy móc, với hàng triệu kỹ sư và công nhân đang làm việc trong đó. Nhưng tất cả sẽ trở thành những cái xác không hồn! Vì tất cả guồng máy kinh tế của hòn đảo này mạnh mẽ là nhờ giao dịch với các nước Tây Phương, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, vùng Đông Nam Á, Australia, và Ấn Độ.
Hãy lấy thí dụ một công ty, TSMC (Taiwan Semiconductor Manufacturing Company). Đó là công ty cung cấp gần 50% các con chíp dùng trong đủ các hoạt động công nghiệp của thế giới, chỉ cạnh tranh với Samsung của Nam Hàn. Công ty tương tự trong nước Trung Quốc là SMIC (Semiconductor Manufacturing International Corporation) còn đóng vai “tí hon” đứng bên cạnh TSMC và Samsung. Hai công ty Đài Loan và Nam Hàn đang chế những con chíp nhỏ nhất (từ 3 đến 5-nanometers) trong khi SMIC của Trung Cộng đang cố làm loại chip nhỏ vẫn lớn gấp 10 lần (28-nanometers). Những con chíp càng nhỏ thì khi đem ghép lại càng dễ tạo nên những máy móc mạnh và nhẹ nhất. Đó là thế ưu thắng của TSMC và Samsung.
Tại sao TSMC thành công như vậy? Vì họ nhận được đơn đặt hàng chế tạo chíp cho các công ty Âu, Mỹ lớn nhất; Apple, Qualcomm, Nvidia, AMD và cả Intel. Các công ty khách hàng đưa mô hình, nhà máy của TSMC chỉ việc làm. TSMC cũng mua được máy móc, dụng cụ làm chíp tối tân từ Applied Materials của Mỹ và ASML của Hòa Lan. Những khách hàng kể trên, cũng như các nhà cung cấp khí cụ, đều tin tưởng vào TSMC. Mối quan hệ được được xây dựng mấy chục năm trời, vì người bán và kẻ mua đều sống trong các chế độ tự do dân chủ đặt tinh thần trọng pháp lên hàng đầu. Nhờ lòng tín nhiệm chung đó, TSMC được sử dụng những hiểu biết kỹ thuật cao nhất trong việc chế tạo các con chíp mới nhất, nhỏ nhất.
Việc chế tạo những con chíp hiện đại rất phức tạp. Nhà sản xuất cần rất nhiều thành phần, vật liệu, kỹ thuật và mô hình, mỗi ngày lại đổi mới, do các công trình nghiên cứu khắp thế giới tập hợp lại. Sản xuất là một mạng lưới, TSMC sống được là nhờ các quan hệ đặt trên lòng tin. Nếu ông Tập Cận Bình chiếm được Đài Loan, lòng tin đó sẽ tan biến. Ông ta có thể làm chủ các cơ xưởng (nếu không bị phá), các kỹ sư, các công nhân giỏi. Nhưng những công ty khách hàng như Apple, Qualcomm, Nvidia, AMD cung cấp cho các mô hình làm chíp mới, mỗi năm hay mấy tháng lại thay đổi cho mới hơn, khi họ cắt đứt liên lạc, thì những nhà máy và nhân viên cũng không làm được gì mới nữa. Trong khi đó khắp thế giới người ta vẫn đi tìm những thứ chip mới nhất! Mỗi năm, các công ty Mỹ Applied Materials và ASML của Hòa Lan cũng thay đổi dụng cụ làm chíp họ bán cho khách hàng. Họ cũng sẽ cắt đứt quan hệ. Tập Cận Bình có thể chiếm được TSMC nhưng không dùng được!
Tương tự, cả nền kinh tế Đài Loan trong tay Tập Cận Bình cũng trở thành những cái xác không hồn khi bị mất quan hệ và tín nhiệm của các nước khác.
Khi suy xét đến phản ứng của thế giới nếu Trung Cộng đánh chiếm Đài Loan, và nhìn trước những lợi ích chẳng có bao nhiêu, thì chắc ông Tập Cận Bình sẽ không đánh Đài Loan.
Leave a Comment