By VĂN TÂM
Năm 1981, trong bài phát biểu bế mạc hội nghị thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Trí Thủ nói: “Từ đây chúng ta có thêm cơ sở thuận lợi mới để bảo đảm tín ngưỡng và phương pháp tu hành đúng chánh pháp, phát huy tinh thần bi, trí, dũng và nền văn hóa nhân bản của Phật giáo trong thời kỳ nước ta đang xây dựng chủ nghĩa xã hội.” [1]
Tuy nhiên, vào thời điểm các nhà sư được nhà nước chọn lựa kỹ lưỡng để tham dự hội nghị được cho là nhằm “thống nhất Phật giáo” tại Hà Nội, hơn 10 nhà sư nổi tiếng khác vẫn còn đang bị giam giữ trong các trại cải tạo. [2]
Một nhà sư tại TP. Hồ Chí Minh nói với hãng tin UPI khi đó rằng: “Chúng tôi từng có nghĩa vụ phản kháng với những điều sai trái của chính quyền. Nhưng bây giờ rất khó để lên tiếng, tốt hơn hết là giữ im lặng.” [3]
Năm 2008, một bài viết trên tạp chí Phật giáo nổi tiếng Tricycle chỉ trích: “Ngày nay, chính quyền Việt Nam không cho phép Phật giáo được sinh hoạt độc lập; chỉ có Phật giáo theo ý chính quyền mới được cho phép. Người dân chỉ được vào chùa lễ Phật, thực hiện các nghi lễ và thắp hương, còn việc thực hành trí tuệ và tình thương của Phật giáo đã bị chính quyền Việt Nam cắt bỏ.” [4]
40 năm qua, trong khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam ca ngợi về những thành tựu hào nhoáng của mình, trong đó có những ngôi chùa cao lớn đồ sộ, cộng đồng quốc tế không ngừng lên án sự đàn áp tinh vi của nhà nước đối với việc thực hành Phật giáo đúng nghĩa. Có phải từ khi có giáo hội mới, Phật giáo ở Việt Nam chỉ còn lại phần xác?
Các “thành tựu” không được lòng người
Nếu có nhà sư Việt Nam nào được cộng đồng quốc tế biết đến thì trước hết đó là Hòa thượng Thích Quảng Đức, người đã tự thiêu để đòi quyền tự do tôn giáo.
Tiếp đến, Hòa thượng Thích Quảng Độ và Thích Huyền Quang sẽ được nhắc đến với các hoạt động tranh đấu cho nhân quyền, bảo vệ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trước sự đàn áp của chính quyền.
Đến đây, các nhà sư của Giáo hội Việt Nam vẫn chưa có chỗ đứng. Hòa thượng Thích Nhất Hạnh của tăng đoàn Làng Mai do chính ông sáng lập là nhà sư Việt Nam nổi tiếng nhất hiện nay với các hoạt động giảng dạy, xuất bản sách về Phật giáo trên thế giới.
40 năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam vẫn chưa có gương mặt đại diện nào ở tầm cỡ quốc tế.
Còn trong nước, nhiều vụ bê bối của các nhà sư đã khiến công chúng không ngần ngại khái quát tình trạng của Phật giáo bằng các cụm từ “chùa quốc doanh”, “sư quốc doanh”, “chùa BOT”, “chi bộ nhà chùa”, “kinh doanh tâm linh”, v.v.
Những thành tựu do chính giáo hội liệt kê thì lại đối nghịch với thực tế.
Ví dụ như trong một bài viết kỷ niệm 40 năm thành lập giáo hội, Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự viết rằng giáo hội đã tích cực tham gia tuyên truyền và giảng giải ý nghĩa của việc không phá rừng, mà “tăng cường trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc.” [5] Trong khi đó, nhiều ngôi chùa của giáo hội đang mọc lên bằng cách phá rừng, xẻ núi. [6]
Một số thành tựu khác mà Hòa thượng Gia Quang nêu ra cũng rất xa lạ với công chúng, như hưởng ứng lời kêu gọi của thủ tướng về việc không dùng đồ nhựa một lần, hay vận động người dân thực hiện tốt văn hóa giao thông.
Năm 2014, một nhà nghiên cứu tôn giáo ẩn danh nói với BBC News Tiếng Việt: “Tại Việt Nam hiện nay, phẩm chất Phật giáo trong một bộ phận nào đó đã đánh mất niềm tin của quần chúng.” [7]
40 năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chạy rất nhanh trên con đường của mình với những cơ ngơi hoành tráng, nhưng con đường đó không dẫn các nhà sư tiến lên, mà thay vào đó là lao xuống dốc.
Một giáo hội dễ dàng bị sai khiến
Các lãnh đạo tôn giáo thường là đối tượng mà các chế độ độc tài nhắm đến để thực hiện mục tiêu kiểm soát dân chúng. Khi đó, họ chỉ có hai lựa chọn, hoặc là dũng cảm chống lại, hoặc chấp nhận phục vụ cho chế độ độc tài.
Từ những năm 1980 đến cuối những năm 1990, chính quyền Việt Nam đã dàn xếp lại trật tự của các tổ chức tôn giáo. Các tổ chức từng bị cấm hoặc hạn chế sinh hoạt được tái hoạt động. Tuy nhiên, các tôn giáo phải thành lập một bộ máy quản trị mới chứ không phải là tổ chức trước năm 1975.
Sự dàn xếp thô thiển này đã kéo theo sự chia rẽ sâu sắc trong cộng đồng các tôn giáo, giữa phe ủng hộ và phe chống lại gọng kìm kiểm soát tự do tôn giáo của chính quyền. Sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam có lẽ là phép thử của chính quyền trong kế hoạch dàn xếp này.
Từ sau năm 1975, các nhà sư miền Nam đã trải qua giai đoạn xung đột nội bộ căng thẳng. Những thành viên muốn hoạt động độc lập với thanh thế đã gây dựng dưới thời Việt Nam Cộng hòa không chấp nhận những người muốn phục vụ cho chế độ mới và để chính trị thâm nhập vào giáo hội. Trong cuộc xung đột này, phe thân chính quyền đã thắng, nhưng cũng từ đó, Phật giáo bị đặt lên đầu chiếc vòng kim cô thắt chặt thứ mà họ đã từng đổ máu để tranh đấu: quyền tự do tôn giáo.
Tạp chí Phật giáo Tricycle từng chỉ trích rằng nếu bạn thực hành các đạo đức cốt lõi của Phật giáo tại Việt Nam – chánh ngữ (nói lời đúng đắn, công bình, ngay thẳng), chánh mệnh (sống chân chính bằng khả năng của mình, không luồn cúi, không ăn bám kẻ khác), và chánh nghiệp (hành động theo lẽ phải) – thì bạn có thể sẽ ngồi tù vì “tội tuyên truyền chống nhà nước”. [8]
Chưa nói đến việc lên tiếng cho các bất công trong xã hội, các nhà sư của giáo hội hiếm khi lên tiếng trước sự kiểm soát khắc nghiệt của chính quyền về tôn giáo, trừ phi sự kiểm soát này đụng chạm đến lợi ích trực tiếp của họ như việc quản lý tiền công đức. [9]
Các nhà sư của giáo hội thậm chí còn không giữ được vị thế trung lập trước một bên là nhà nước và bên kia là các đồng môn của mình đang đòi quyền tự do tôn giáo. Điển hình là vụ việc Tu viện Bát Nhã vào năm 2008.
Vào tháng 2/2008, Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong Lá thư Làng Mai số 31 đã chỉ trích việc kiểm soát kiểm soát tôn giáo quá khắc nghiệt, sự can thiệp quá đáng của Ban Tôn giáo Chính phủ và công an vào các hoạt động tôn giáo. [10] Ngay sau đó, Thượng tọa Thích Đức Nghi – Viện chủ tu viện Bát Nhã trở mặt. Ông từ chối tiếp tục bảo lãnh cho các môn sinh Làng Mai tu tập tại tu viện. Động thái này được xem là tạo ra lý do để công an giải tán hoạt động của Làng Mai tại Việt Nam từ đó đến nay. [11]
Trong bức thư vào năm 2010, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đặt vấn đề về vị thế của các nhà sư của giáo hội qua vụ việc Bát Nhã: “Nhưng tại sao mình [những vị thuộc hàng giáo phẩm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam] bất lực không che chở được cho họ? Tại sao mình phải sống và hành xử như một nhân viên của chính quyền? […] Một đạo Phật thật sự có uy quyền lãnh đạo tinh thần, người ta [chính quyền] rất sợ. Người ta chỉ chấp nhận được một tổ chức Giáo hội mà người ta có thể kiểm soát được, sai sử được.” [12]
Phật giáo Việt Nam có sự tương đồng lớn với Phật giáo Trung Quốc về việc mất đi thanh thế khi chấp nhận sự can thiệp của chính quyền vào giáo hội.
Trong năm 2020, Ban Tôn giáo Chính phủ đã tặng hàng nghìn lá cờ tổ quốc và khuyến khích các cơ sở tôn giáo treo cờ hàng ngày song song với đạo kỳ. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nhiệt tình tham gia phong trào này. [13]
Theo South China Morning Post (SCMP), việc ép các cơ sở tôn giáo treo cờ cũng đã được chính quyền Trung Quốc thực hiện vào năm 2018. [14]
Các nhà quan sát nói với SCMP rằng sự can thiệp của chính quyền Trung Quốc vào Phật giáo đã khiến tôn giáo cổ xưa này ngày càng mất đi quyền uy về mặt tâm linh đối với các tín đồ, cản trở việc truyền dạy giáo lý Phật giáo đích thực, và khiến nhiều nhà sư biến chất./.
Nguồn: Luật Khoa tạp chí
Leave a Comment