Phạm Nhật Bình – Việt Tân
Với một ngân sách quốc gia thâm thủng kinh niên, bộ máy cai trị của đảng phải tận thu bất cứ hoạt động kinh tế, xã hội nào có thể thu được, bất kể sự vơ vét ấy có thực sự mang lại lợi ích công cộng nào không. Ngoài các sắc thuế thông thường vốn không thể cân bằng chi thu hàng năm, các tỉnh thành, các quận huyện xã ấp gần như có thể tùy tiện áp đặt các loại phí, lệ phí của địa phương mình mà khi nghe đến tên ai cũng sững sờ, không tin đó là chuyện có thật.
Trước đây ở nông thôn Miền Trung đã có phí trâu bò ăn cỏ, phí vịt thả đồng do xã ấn định mà các quan xã giải thích lấp liếm rằng đó là áp dụng sự công bằng theo kiểu “công đồng lạc túc” từ thời xa xưa. Ở thành phố từ khi có chính sách xã hội hóa ngành y tế, các bệnh viện thu phí thăm nuôi, phí đi vệ sinh, thậm chí còn có phí thang máy thu của thân nhân người bệnh. Dĩ nhiên, trong những trường hợp cười ra nước mắt ấy, người dân trước hết phải tuân thủ đóng góp cho đến khi nó bị bãi bỏ vì sự ta thán kéo dài. Một loại phí khác bị kêu ca nhiều nhất là phí bảo vệ môi trường từ 2019, thu 4 ngàn đồng/lít xăng chẳng những không bảo vệ được môi trường mà môi trường sống của người dân được mô tả ngày càng ô nhiễm.
Trong chiều hướng đó, mới đây hai thành phố Sài Gòn và Hà Nội đưa dự án lập các chốt thu phí xe cộ vào nội thành. Vụ lập chốt thu phí ở Hà Nội đang bị dư luận chống đối dữ dội. Với sự cố vấn của Trường Đại Học Giao Thông Vận Tải, Sở Giao Thông Hà Nội đã lập dự án xây dựng 87 chốt thu phí tại 68 vị trí tại các ngã đường chính đi vào thành phố, với lý do vô cùng tốt đẹp là giảm lượng lưu thông của xe hơi và xe gắn máy.
Chưa cần tính tới số tiền không nhỏ phải bỏ ra xây 87 chốt kiểm soát này và cần bao nhiêu nhân viên điều hành, đây quả là một sáng kiến độc đáo. Vì nó chỉ có hại cho dân nhưng lại mang về rất nhiều tiền cho cán bộ và thành phố Hà Nội, còn ngân sách nhà nước được bao nhiêu đồng thì chưa thể biết được.
Có thể dự đoán với 87 chốt kiểm soát hoạt động từ 5 giờ sáng đến 21 giờ, cảnh ùn tắc sẽ diễn ra rất kinh khủng, do xe cộ các loại dồn lại chờ đóng phí để được vào thành phố. Vì chắc chắn với công nghệ 4.0 mới chập chững bước vào, Hà Nội chưa đủ điều kiện là thành phố thông minh cỡ Singapore để có thể thu phí tự động. Cùng với sự trì trệ, quan liêu nổi tiếng của nhân viên chính quyền Hà Nội, hàng trăm chốt moi tiền dân này sẽ sớm phá sản.
Thông thường ở các thành phố lớn trên thế giới, để giải quyết nạn kẹt xe, giải pháp đầu tiên là xây dựng nhanh chóng hệ thống chuyên chở công cộng như xe buýt, xe điện ngầm để dân khỏi dùng xe riêng, vừa tiết kiệm được tiền bạc. Thế mà trong gần 70 năm qua, tức từ 1954 đến nay hệ thống giao thông công cộng của Hà Nội vẫn là con số không nhưng hô hào bằng khẩu hiệu rất to.
10 năm trước, Hà Nội khởi công làm tuyến đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông nhưng mãi đến nay vì nhiều lý do, tức 10 năm sau, ngày khánh thành cho tàu lăn bánh chưa thấy đâu. Mới đây công trình dài 13,5 cây số tiêu tốn 868 triệu đô-la này nghe đâu đã được nhà nước chấp thuận nghiệm thu đưa vào khai thác vào đầu tháng Mười Một. Đây là một công trình giao thông công cộng đúng nghĩa, nhưng rơi vào sự chê trách của dư luận vì sự bất động của những đường cong uốn lượn nằm trên cao quá lâu, đến nỗi phải mang danh công trình thế kỷ.
Trong khi đó do sự sáp nhập các đơn vị hành chánh vào Hà Nội, dân số ngày càng tăng, nhu cầu đi lại của thành phố tăng theo, tình trạng ùn tắc giao thông không có gì khó hiểu. Nhưng cách giải quyết của chính quyền Hà Nội lại không theo con đường bình thường như các quốc gia khác để mang lại lợi ích cho người dân. Mà họ lại đi theo chiều hướng vơ vét làm lợi cho chiếc túi tham không đáy của cán bộ nhà nước.
Rõ ràng việc thiết lập những trạm thu phí xe chỉ để làm giàu cho đảng viên các cấp thời hậu dịch, khi Covid-19 đã làm ngưng đọng mọi hoạt động khiến cán bộ hết đường kiếm ăn. Ngoài ra nó chẳng phục vụ cho một lợi ích cụ thể nào cho người dân khi mang ra áp dụng.
Người dân phải chống lại dự án móc túi phi lý này nếu không muốn bị chính quyền cộng sản tiếp tục “vặt lông vịt.”
Phạm Nhật Bình
Leave a Comment