Cộng Đồng Người Việt Có Trung Tâm Sinh Hoạt Lớn Nhất Tại Hoa Kỳ
QUẬN SANTA CLARA RA MẮT TRUNG TÂM PHỤC VỤ CỘNG ĐỒNG
TRỊ GIÁ 60 TRIỆU ĐÔ CUNG CẤP DỊCH VỤ Y TẾ VĂN HÓA GIÁO DỤC
- Triều Giang (Hình ảnh Thái Hà & Hà Phi Khanh)
“Hôm nay là ngày thật đẹp!
Hôm nay còn là ngày lịch sử! Cũng như ngày lịch sử của hơn 40 năm trước đây khi quý bạn đến nhận quận hạt Santa Clara là quê hương thứ hai, chúng tôi vui mừng và hãnh diện giới thiệu tòa nhà đẹp và khang trang này được xây nên để phục vụ cho cộng đồng người Mỹ gốc Việt, như một lời cám ơn chân thành tới các bạn vì các bạn đã đến đây sau những khó khăn của chiến tranh tại quê hương Việt Nam để cùng với chúng tôi đóng góp vào sự phát triển của quân hạt.”
Đó là những lời phát biểu đầy cảm xúc của bà Cindy Chavez, Giám sát viên quận hạt Santa Clara, người phụ trách việc vận động và xây cất tòa nhà Vietnamese American Civic Center (VASC), còn được gọi là Trung Tâm Phục Vụ Cộng Đồng Việt Mỹ trước gần 1,300 quan khách và đồng hương vào trưa thứ bảy 24 tháng 10, 2021 trong cái nắng vàng óng của bầu trời San José sau một đêm mưa và những tiếng trống dồn dập của màn múa lân ngoạn mục.
Bà Chavez cho biết: tòa nhà với diện tích 37,000 bộ Anh vuông với kinh phí gần $60 triệu đô la, được xây cất gần bên Việt Nam Town, trung tâm thương mại của người Việt tại San José. Tòa nhà gồm 3 tầng lầu sẽ cung cấp những dịch vụ cần thiết như y tế, các chương trình hỗ trợ cho người cao niên về dinh dưỡng, cũng như sức khỏe, một nhà thuốc, dịch vụ sức khỏe tâm thần, kiểm tra sức khỏe, chủng ngừa, giúp đỡ việc tìm các nguồn hỗ trợ bảo hiểm, giới thiệu và tham vấn, các chương trình giáo dục, các lớp học về computer, các dịch vụ sức khỏe chuyên khoa…
Lý do cơ bản của sự hình thành Trung Tâm
Nghị sĩ tiểu bang California, ông Dave Cortese đơn vị 15, nguyên Giám Sát Viên của quận hạt trước khi được bầu vào chức vụ hiện tại vào năm 2020, người có ý tưởng và đặt nền móng cho việc thành lập trung tâm từ những năm 2010, ông kể lại:
Năm 2009 đã có một phái đoàn y tế từ San Fransisco đến quân hạt để cung cấp dịch vụ y tế. Sau chuyến làm việc, họ đã gọi điện thọai cho ông và chia sẻ rằng cộng đồng người Việt tại quân Santa Clara chưa được hưởng bình đẳng các phúc lợi của chính phủ như y tế, nhà ở, các chương trình an sinh xã hội, đồng đều với các sắc dân khác, lý do vì khác biệt ngôn ngữ, phần khác do thiếu thông tin và không có cơ hội để tiếp xúc với các cơ quan cung cấp dịch vụ nên họ đã trở thành sắc dân chưa được phục vụ đúng mức (underserved).
Năm 2010, ông đã cho thực hiện một cuộc Nghiên cứu về Sức Khỏe Cộng Đồng-Tình Trạng Sức Khỏe Của Người Việt (2011 SCC Public Health Assessment- Status of Vietnamese Health) kéo dài trong một năm. Kết quả của cuộc nghiên cứu này đã chứng minh rõ ràng cộng đồng người Mỹ gốc Việt là cộng đồng chưa được hưởng các phúc lợi đúng mức. Đó là văn bản căn bản để quận hạt vận động kinh phí xây dựng trung tâm phục vụ người Mỹ Gốc Việt.
Năm 2013 khi được bầu làm Giám sát viên, bà Cindy Chavez đã tiếp tục công việc của ông Cortese là vận động và hoàn thành xây cất trung tâm cho đến nay là hơn 8 năm. Để hôm nay, cộng đồng người Việt tại Santa Clara có được tòa nhà khang trang, lộng lẫy và lớn nhất tại Hoa Kỳ cũng như trên toàn thế giới bên ngoài Việt Nam.
Ông đặc biệt cám ơn toàn thể cộng đồng đã tiếp tay vào công việc vận động và hỗ trợ trong nhiều năm qua, ông cám ơn các nhân viên làm việc cần mẫn trong mùa dịch để hoàn thành tòa nhà đúng thời hạn. Cuối cùng ông phát biểu:
“ Chúng tôi đặc biệt cám ơn 2 người đó là cựu Đại tá Vũ văn Lộc, người đã khổ công xây dựng Viện Bảo tàng để lưu lại lịch sử người Mỹ gốc Việt cho các thế hệ con cháu chúng ta.
Và Tướng Nguyễn Khắc Bình, người đã có mặt tại tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn để bảo vệ an ninh cho những quân nhân Mỹ cuối cùng rút khỏi VN trước khi Sài gòn rơi vào tay CS. Sau đó, ông dùng máy bay trực thăng đến định cư tại quân hạt này sinh sống và làm việc với chúng tôi để có kết quả hôm nay. Và người Việt tiếp tục đến và còn đang đến, xin cám ơn tướng Bình và tất cả người Việt đã đến đây”.
Những tiếng vỗ tay vang dội của quan khách dành cho người khởi xướng một công trình đầy ý nghĩa.
“Tòa nhà dành cho những người tìm tự do. Lời cám ơn thiết thực nhất”
Sau đó, Dân biểu Hoa Kỳ Zoe Lofgren, đại diện đơn vị 19 thuộc thành phố San José và quận Santa Clara thường được gọi là “Thung Lũng Điện Tử” đã lên sân khấu và chia sẻ:
“Cách đây trên 40 năm khi miền Nam rơi vào tay CS, tôi còn rất trẻ, nhưng tôi đã là tình nguyện viên giúp đỡ những người Việt Nam đến đây tìm tự do. Họ chấp nhận mất tất cả để có tự do. Không lâu sau đó lại có những anh hùng không quân của miền Nam VN đến. Rồi cuối thập niên 1990, những người lính VNCH sau những năm dài tù tội, bị Cộng sản hành hạ, cũng đã đến quận Santa Clara để được hưởng nền tự do của Hoa Kỳ. Được bầu là đại diện cho đơn vị này, chúng tôi đã tìm đủ mọi phương tiện để giúp họ có cuộc sống tốt đẹp mà họ xứng đáng để có. Và hôm nay đây là tòa nhà đẹp lộng lẫy này được xây dựng nên để phục vụ cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Tôi xin chân thành cám ơn các vị lãnh đạo quận hạt Santa Clara đã thành công trong việc xây dựng tòa nhà. Nhưng trên tất cả, cám ơn cộng đồng người Việt. Chính các bạn là lý do của sự có mặt của tòa nhà. Chúng tôi phải cám ơn các bạn và tòa nhà này là sự cám ơn thiết thực nhất…”
Các vị dân cử khác thuộc Quân hạt cũng lên phát biểu. Chúng tôi ghi nhận có Giám sát viên Otto Lee, người Mỹ gốc Hồng Kong, Tổng Giám Đốc Điều Hành, Bác sĩ Jeff Smith, Thị trưởng Sam Liccardo, Nghị viên Maya Esparza đã lần lượt bày tỏ sự vui mừng và ca ngợi những thành quả và sự đóng góp của người Mỹ gốc Việt cũng như hy vọng Trung tâm sẽ đáp ứng đúng sự mong mỏi của mọi người.
“Trung tâm là nơi phát huy văn hóa và phát triển cộng đồng. Là giấc mơ biến thành sự thật. Là ngôi nhà của người Việt Nam!”
Cựu Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình, một trong những nhân vật khởi xướng và đấu tranh kiên trì cho việc hình thành Trung Tâm. Một trung tâm được ông diễn tả là huy hoàng, nguy nga, lộng lẫy và độc đáo. Ông nhắc đến sự lớn mạnh và đóng góp của cộng đồng người Mỹ gốc Việt trong mọi lãnh vực, như sự đóng góp cho quân đội Hoa Kỳ với tướng Lương Xuân Việt và lãnh vực khoa học của khoa học gia Dương Nguyệt Ánh. Ông kêu gọi chính phủ Hoa kỳ hãy chia xẻ quyền lực cho thế hệ trẻ người Mỹ Gốc Việt. Ông đặc biệt cám ơn Giám sát viên Cindy Chavez và chúc bà thắng cử vào chức vụ Thị trưởng trong cuộc bầu cử sắp tới.
Năm nay Thiếu Tướng Bình đã 92 tuổi, ông chống chiếc gậy trúc đứng bên bục giảng, giọng ông còn sang sảng. Bài nói chuyện ngắn của ông đã bị ngắt quãng nhiều lần vì những tràng pháo tay không ngớt:
“…Tôi hy vọng người Việt chúng ta không chỉ hãnh diện mà còn nỗ lực sử dụng Trung tâm để có thể phát triển và gây ảnh hưởng của người Mỹ gốc Việt tại địa phương, tới quốc gia Hoa Kỳ và trên toàn thế giới. Mong rằng nơi đây sẽ là nơi tập họp giữa các anh em, các hội đoàn, các tổ chức để chúng ta xây dựng con đường vinh quang cho tổ quốc, cho cộng đồng, đem lại thoải mái, tốt đẹp, cho gia đình và cho riêng mỗi người!”
Phần phát biểu của cựu Đại tá Vũ văn Lộc ngắn gọn nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa: “Một trung tâm như thế này là niềm mơ ước của mọi người Việt. Chúng tôi gửi lời cám ơn chân tình tới chính quyền Quận Santa Clara, quý vị đã biến giấc mơ của tôi thành sự thật!”
Phần phát biểu sau cùng là của kiến trúc sư Đỗ Thắng, Tổng Giám Đốc công ty kiến trúc Aedis, đơn vị trúng thầu thiết kế tòa nhà. Ông bày tỏ lòng cảm ơn chính quyền và cộng đồng người Việt đã chọn công ty của ông. Ông chia sẻ, khi nhận công việc thiết kế tòa nhà, ông và các cộng sự của ông cảm thấy có nhiều áp lực; một bên là để đáp ứng những đòi hỏi từ chính quyền Quận hạt; làm thế nào để tòa nhà có thể thực dụng vào những dịch vụ được cung cấp, phần khác còn phải thỏa mãn sự mong đợi của cộng đồng là phản ảnh được văn hóa đặc thù của Việt Nam.
Ông phát biểu:
“ Chúng tôi hy vọng quý vị đến đây xem tòa nhà với những nét biểu tượng bên ngoài: hình ảnh của lá cờ, những cây tre biểu hiện lũy tre làng, những bảng ghi chú về lịch sử của cộng đồng người Việt. Vào bên trong quý vị sẽ nhìn thấy những hình ảnh quen thuộc của văn hóa Việt Nam để quý vị cảm thấy được những mong mỏi của cộng đồng đã được đáp ứng ra sao? Người tị nạn chúng ta thường mang nỗi băn khoăn không biết đâu là nhà. Hy vọng khi đến đây, quý vị tìm thấy được căn nhà của mình…”
Trong cuộc phỏng vấn ngắn ông dành cho chúng tôi qua đường dây viễn liên, kiến trúc sư Đỗ Thắng chia sẻ: Công ty Aedis của ông là một trong nhiều công ty đấu thầu để thiết kế tòa nhà. Ông nghĩ rằng lý do Aedis trúng thầu ngoài vấn đề chuyên môn, Aedis còn là công ty kiến trúc duy nhất do người Mỹ Gốc Việt làm chủ am hiểu phong tục và văn hóa người Việt. Ông cũng cho biết kinh phí thiết kế tòa nhà khoảng từ $4 triệu tới $5 triệu đô la. Thêm vào những chi phí khác như khảo sát địa chất, nghiên cứu môi trường…nâng tổng số kinh phí mềm của tòa nhà là $8 triệu. Ông cũng bày tỏ sự mong mỏi người Việt chia sẻ tòa nhà với những cư dân thuộc cộng đồng khác để tỏ tình đoàn kết. Ông cũng không ngần ngại tiết lộ rằng mọi người thấy đầu ông bị rụng hết tóc là vì ông vừa qua cuộc xạ trị cho bệnh ung thư và kết quả của xạ trị rất tốt. Bệnh ung thư của ông đã được kềm chế và ông hiện cảm thấy rất khỏe mạnh.
Buổi lễ được tiếp tục bởi phần cắt băng khánh thành trong tiếng trống rộn rã của đoàn múa lân cho thêm phần khởi sắc. Quan khách và đồng hương được cung cấp bữa ăn nhẹ cầm tay rồi theo phái đoàn hướng dẫn đi thăm tòa nhà trước khi trở lại sân khấu để thưởng thức màn múa của nhóm Tuổi Thần Tiên vói các bạn trẻ Victoria Thúy Vi, Shannon, và Vicky. Buổi lễ kết thúc vào khoảng 4 giờ chiều cùng ngày.
Ý kiến của một số thân hào nhân sĩ và cư dân
Mặc dù chỉ được báo trước khoảng hai tuần lễ, số người tham dự gần 1,300 là con số đáng kể. Quan khách và đồng hương với quần áo chỉnh tề và những nụ cười hân hoan đến chúc mừng Trung tâm hoàn thành. Họ nói cười vui như ngày Tết. Chúng tôi rảo một vòng để thực hiện những cuộc phỏng vấn chớp nhoáng, mời quý độc giả theo dõi:
Cựu Tổng Trưởng Thương Mãi và Kỹ Nghệ Nguyễn Đức Cường cho biết: “Cách đây 7 năm chúng tôi có họp với quận hạt Santa Clara về việc thành lập một trung tâm cho người Việt tại đây. Lúc đó tôi không nghĩ sẽ thực hiện được. Không dè hôm nay tòa nhà đã hoàn thành. Chúng tôi rất vui mừng và hãnh diện về thành quả này. Hai người chúng ta cần cám ơn nhiều nhất là Nghị sĩ tiểu bang ông Dave Cortese và Giám sát viên Cindy Chavez người đã chính thức tuyên bố ứng cử chức thị trưởng của San Jose’…”
Bác sĩ Phạm Đức Vượng, thuộc Trung tâm Điều Hợp Sinh Hoạt Cộng Đồng Người Việt và trong Ban Cố vấn của Trung tâm VASC, ông chia sẻ: ”Vấn đề quan trọng ở đây là chính quyền Quận hạt họ lo hết mọi kinh phí cho việc xây cất, hàng năm còn cung cấp chi phí điều hành là hơn $5 triệu đô la. Chúng ta là những người được thừa hưởng. Nếu chúng ta không sử dụng và giữ gìn thì không biết nói sao nữa? Về những dịch vụ họ nêu ra trong lúc này thì cũng chưa hẳn là những nhu cầu cần thiết nhất nhưng chúng ta có quyền đóng góp ý kiến để được phục vụ đúng với nhu cầu của chúng ta.”
Anh Đỗ Quang Hưng, một nhân sĩ sinh hoạt với cộng đồng San José từ năm 2005 từ vấn đề từ thiện, tới tưởng nhớ các chiến sĩ VNCH, hỗ trợ cho những người đấu tranh cho tự do dân chủ tại quê nhà. Anh chia sẻ: “Hôm nay tôi đến để đại diện cho chuà Đại Nhật Như Lai vì thầy trụ trì không khỏe . Tôi rất vui mừng và phấn khởi khi thấy Trung tâm có một chương trình phục vụ người dân nghèo rất phong phú vì theo chỗ tôi biết có rất nhiều người cần giúp đỡ các dịch vụ mà quân hạt cung cấp như hướng dẫn điền đơn xin trợ giúp nhà ở, xin Medicare, các dịch vụ y tế với giá phải chăng, thi quốc tịch…Riêng tôi sinh hoạt với giới trẻ rất nhiều nên có nhu cầu mượn những phòng học cho các lớp huấn luyện lãnh đạo giới trẻ, để các em có tinh thần phục vụ không chỉ cho cộng đồng Hoa Kỳ mà các em mở tấm lòng phụ vụ mọi người, học hỏi việc dấn thân, chuyển tải thiện chí và các tinh thần tốt đẹp của VNCH, của giong máu Việt Lạc hồng. Tôi chưa thăm hết Trung tâm nhưng cũng mong mỏi Trung tâm có thể có những khoảng không gian lớn có thể chứa những tập họp từ 500 người trở lên thì thật là tốt đẹp…”
Bà Ngô Lan Phương cùng đi với chồng là ông Hà Triệu cả hai đều biết cộng đồng người Việt đã vận động cho Trung tâm trong nhiều năm. Ông Hà Triệu cũng đóng góp ý kiến trong việc xây dựng. Bà phát biểu với nụ cường rạng rỡ:”Tôi rất hãnh diện, phải nói là thật hãnh diện vì cộng đồng mình có được Trung tâm này. Tôi nghĩ rằng Cộng đồng của chúng ta cần góp một bàn tay để giữ vững nó. Con cái chúng tôi đã trưởng thành hết nhưng chúng tôi có các cháu. Hy vọng Trung tâm sẽ đem lại lợi ích cho chúng”.
Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hồng Dũng, một nhân sĩ sống rất lâu trong cộng đồng, ông là bộ mặt quen thuộc qua những chương trình bình luận trên đài truyền hình Viên Thao, Viêt Today… và đã được mời vào Ban cố vấn của Trung tâm. Ông có mặt rất sớm đang đứng trong hàng để ghi danh. Ông chia sẻ với chúng tôi:”Đây là niềm mơ ước của người Việt tại San Jose’ hôm nay được thành tựu. Với vai trò cố vấn, chúng tôi sẽ đạo đạt lên ban Giám đốc những nhu cầu của người Việt để họ có thể phục vụ cộng đồng một cách hiệu quả. Tôi mong rằng chúng ta hãy sử dụng nó để Quận hạt biết được chúng ta thực sự có nhu cầu. Nếu chúng ta không sử dụng nó như một số trung tâm khác dành cho người Mễ, người Nhật, thì Trung tâm sẽ bị mai một. Một mong ước khác qua chương trình giáo dục của Trung tâm, chúng tôi mong mỏi có một thư viện để ghi chép lịch sử của sự hình thành và phát triển của cộng đồng người Việt trong 46 năm qua. Cũng như có nơi để giữ và phổ biến sách báo của người Việt. Chúng tôi đã đệ đạt lên ý kiến này và đã được ghi nhận.”
Đến nơi này là có đầy đủ “One Stop Shopping”
Luật sư trẻ Betty Dương, người được chọm làm Giám đốc Điều hành Trung tâm từ tháng 5, 2021 vừa qua. Cô còn có 4 phụ tá. Tất cả đều là những luật sư trẻ người Mỹ Gốc Việt. Ban điều hành sẽ có từ 60 – 70 nhân viên, phần đông sẽ là người Mỹ Gốc Việt thông thạo hoặc ít nhất có đủ tiếng Việt để tiếp khách nói tiếng Việt. Qua cuộc phỏng vấn bằng đường dây viễn liên, Betty cho biết: “ Trung tâm sẽ là nơi cung cấp mọi thông tin về những phúc lợi mà người dân được hưởng từ y tế, trợ cấp nhà cửa, chăm sóc các em nhỏ, các chương trình học thi quốc tịch, học lái xe, học tiếng Anh, các lớp dạy computer, các chương trình ăn trưa, thể dục, dưỡng sinh cho người già…Hầu hết các chương trình đều miễn phí. Riêng các dịch vụ phải trả chi phí tượng trưng chỉ bằng khoảng 40% so với giá bên ngoài như y tế, nha khoa, thuốc men…Riêng với thông tin mọi mặt, VASC sẽ cung cấp miễn phí. Nếu nhân viên VASC chưa biết về một vấn đề gì đó thì sẽ đi tìm hiểu và cung cấp tới quý khách sau đó. Đặc biệt bất kỳ sắc dân nào, có là cư dân của Santa Clara hay không cũng có thể đến để được giúp đỡ. Có thể nói đến VASC sẽ có tất cả như “one stop Shoping”.
Nữ luật sư trẻ đẹp, được sinh ra tại Hoa Kỳ nhưng nói tiếng Việt rất thành thạo, cô cho biết mình may mắn còn giữ được tiếng Việt vì cha mẹ cô không nói tiếng Anh để hôm nay có cơ hội phục vụ cộng đồng. Betty đã có gia đình và một con trai 4 tuổi, chồng cô là kỹ sư trong ngành điện tử, Betty chia sẻ: “Gần nửa năm qua Betty và các nhân viên đã làm việc ngày đêm, với hàng chục đơn vị sẽ cung cấp dịch vụ để chuẩn bị cho ngày Trung tâm có thể tiếp nhận người dân. Trong tháng 11 và tháng 12, 2021, một số dịch vụ sẽ được bắt đầu, nhưng phải đến đầu tháng 2, 2022 thì VASC mới có thể cung cấp toàn bộ các dịch vụ”.
Betty cũng tâm sự:” Betty là luật sư chuyên về Luật Lao Động. Bây giờ còn trẻ, Betty muốn làm việc phục vụ cộng đồng. Khi lớn tuổi hơn, Betty muốn trở về làm Luật sư đúng trong ngành của mình. Thật đáng quý và may mắn thay cho công đồng chúng ta có những người trẻ tài giỏi và đầy thiện chí như Betty và các phụ tá của cô.
Miếng thịt bò ở đâu? (Where is the beef?)
Người Mỹ rất thiết thực khi nói đến quyền lợi nên họ có ngạn ngữ “Miếng thị bò ở đâu?” (Where is the beef?). Chúng ta từng thấy chương trình quảng cáo, trên nhiều đài truyền hình Hoa Kỳ, rất nổi tiếng của bà cụ già mặt nhăn nheo và quát lên câu: “Where is the beef?” để đòi cái chất lượng của món hàng. Phải chăng những cuộc đấu tranh và vận động cho quyền lợi của cộng đồng người Việt hải ngoại hay ngay cả trong nước thì quyền lợi thiết thực cho các nhu cầu của đời sống con người mới chính là điều căn bản. Nhiều chính trị gia thường hay cho người dân uống nước đường, đem đến những món quà “hữu danh vô thực” nghe thì rất kêu như vinh danh điều này, hay ca ngơi điều khác, và họ chỉ tốn một mảnh giấy hay ít nước bọt. Nhưng quyền lợi thiết thực thì không hề đến với người dân.
Sự hình thành của VASC là một điển hình để chúng ta suy nghĩ lại về cách đấu tranh. Nhiều cộng đồng khác như người Mễ Tây Cơ, Do thái, Nhật…họ đã có những trung tâm phục vụ đời sống cũng như văn hóa riêng cho họ tại những thành phố có đông đảo người của họ sinh sống. Nhờ vào những vận động tích cực và hiệu quả. Khi những cuộc vận động của chúng ta đúng mức và có lý do chính đáng thì sẽ có kết quả tốt. Trong tờ chương trình 3 trang của buổi Lễ ra mắt VASC đã nói đến nhu cầu cấp thiết của người dân Việt Nam tại Santa Clara qua cuộc nghiên cứu về sức khỏe và tinh thần của người Mỹ gốc Việt đã chứng minh hùng hồn rằng cần phải có trung tâm VASC. Cuộc khảo sát ghi nhận rằng: 26% người Việt không có bảo hiểm y tế, cao hơn các sắc dân khác rất nhiều, 16% người Việt cần khám bệnh nhưng không có khả năng tài chánh, số người Việt chết vì ung thư cao tới 32% so với các sắc dân khác trong quận hạt, và cao gấp 4 lần so với mọi sắc dân trên toàn quốc…
Tờ chương trình cũng nhắc đến những đóng góp của người Việt. Với trên 140,000 người Việt trên dân số 1.2 triệu của Quận hạt, chiếm khoảng 12% dân số. Người Việt có 12, 882 các cơ sở kinh doanh và thương mại. 32.9% làm việc trong các ngành quản trị, kinh doanh, Khoa học và nghệ thuật. 30.9% thuộc về dịch vụ…Khu phố Little Saigon là một trong những phong cảnh chính của thành phố. Hàng năm cộng đồng có những lễ hội đặc biệt như Tết, Trung thu mang đến cho Quận hạt nét văn hóa đặc thù.
Tờ chương trình đặc biệt còn nói đến sự tranh dấu kiên trì của rất nhiều người, nhiều hội đoàn. Hàng trăm những cuộc vận động đóng góp ý kiến và nguyện vọng của người dân. Có những người theo đuổi hàng chục năm, qua việc ủng hộ tinh thần cũng như vận động tài chánh cho các cuộc tranh cử của những vị dân cử đã hết lòng với cộng đồng, trong đó, phải kể đến cựu Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình với tuổi gần đất xa trời, sức khỏe mỏng manh nhưng vẫn chống gậy đi vận động khắp nơi, gõ từng cánh cửa.
Ông là một vị tướng của quân lực VNCH mà chúng tôi quý trọng nhất vì ông đã không màng đến sĩ diện cá nhân, làm bất kể điều gì để tranh đâu cho quyền lợi của người dân. Để kết thúc bài tường trình, chúng xin ghi lại mấy câu thơ chúng tôi đã từng tặng ông để tỏ lòng kính mến và hãnh diện về một vị tướng VNCH.
Tướng Nguyễn Khắc Bình quê ở Bến tre
Thương dân, yêu nước vẫy vùng bao phen
Ngày xưa ông chinh chiến giữ quê hương
Ngày nay gậy trúc đỡ nâng đồng bào!
Triều Giang
(10/2021)
Leave a Comment