Những sai lầm trong chống dịch

Dân ngồi chờ xét nghiệm
- Quảng Cáo -

Cho đến lúc này, có thể nêu ra hàng loạt sai lầm trong phòng chống dịch tại Việt Nam, và tìm ra câu trả lời hoàn toàn không khó khi đặt câu hỏi: Vì sao đang an toàn, dịch cúm lại hoành hành, chết chóc đến mức tàn khốc? Câu trả lời là vì Duy Ý Chí và không có chuyên môn.

Duy ý chí chỗ nào?

Trong chống dịch, có hai vấn đề nổi cộm: Test cộng đồng và phong tỏa. Vấn đề test cộng đồng bắt buộc và các dịch vụ test phát sinh khi trung ương và chính quyền địa phương ra các qui định vừa thiếu khoa học vừa chồng chéo, dẫn đến tình trạng bán que test với giá cắt cổ và test tràn lan, tạo ra những ổ dịch tiềm ẩn.

- Quảng Cáo -

Khi việc test trở nên trầm trọng trong đời sống, nó thành sự bắt buộc và người dân không thể từ chối được ở các điểm test cộng đồng cũng như các giấy thông hành phải có chứng nhận test trong vòng 72 giờ đồng hồ thì mối nguy lạm phát bán que test cũng như giá chặt chém mỗi lần test đã hiện thực bằng chính các động thái của chính quyền. Hậu quả của việc này là có lúc giá một lần test lên đến 350.000 đồng, đây là mức giá đắt gấp hơn 15 lần so với giá một lần test trên thị trường khu vực và quốc tế.

Sức nặng của chi phí test đè nặng lên đôi vai kinh tế quốc dân và kinh tế mỗi gia đình. Một mặt ngân sách bị tiêu tốn quá nhiều cho việc test cộng đồng một cách tràn lan, không được khuôn giới trong một nhóm nguy cơ và nghi nhiễm, khiến cho việc test trở thành mối nguy cơ tiềm ẩn, các ổ dịch phát sinh từ các điểm test cộng đồng là một trong những mũi giáo đâm vào mảnh giáp an toàn còn sót lại khi chống dịch.

Bên cạnh đó, việc đi lại phải được bảo chứng bằng giấy test là tốt, hợp lý, nhưng việc quản lý thị trường que test dường như bỏ trống khiến cho các bộ kit nhảy vọt lên mức giá kinh hoàng đã đẩy kinh tế gia đình đến chỗ kiệt quệ. Sự kiệt quệ của kinh tế gia đình, sự chậm trễ và gián đoạn trong lưu thông hàng hóa đã nhanh chóng đẩy kinh tế quốc gia đến bên bờ vực.

Trong khi đó, nếu như không test tràn lan cộng đồng mà test giới hạn trong các nhóm nguy cơ, nhóm nghi nhiễm, số que còn lại chuyển sang hỗ trợ cho những người làm công việc vận chuyển, đảm nhiệm chức năng lưu thông hàng hóa… thì các chuỗi cung ứng sẽ không bị đứt gãy, kinh tế không đến nỗi trì trệ, người chết vì nhiễm dịch cộng với suy dinh dưỡng cũng không đến nỗi tràn lan. Nghiệt nỗi, dường như chống dịch bằng ý chí, duy ý chí chứ không căn cứ vào khoa học nên câu chuyện càng lúc càng trở nên tệ hại.

Cùng với việc test tràn lan là phong tỏa, các đợt phong tỏa kéo dài nhiều tháng trong một nền kinh tế chủ yếu dựa vào công nghiệp mới phát triển, công nghiệp bán khai, dựa vào các nhóm đầu tư nước ngoài sẽ dẫn tới tình trạng đói lương thực, bế tắc nguồn tiền và giảm dần sức sống ở những vùng người lao động bị phong tỏa. Bằng chứng của điều này là nơi nào phong tỏa mạnh tay, phong tỏa dài hạn thì nơi đó người chết tràn lan, Sài Gòn, Bình Dương là những ví dụ điển hình.

Không có chuyên môn chỗ nào?

Đây là một kiểu chống dịch duy ý chí, không có phân tích thực tế và cũng không rút được kinh nghiệm từ thực tiễn gần hai năm dài va chạm, phòng chống dịch cũng như quan sát dịch bùng phát trên thế giới. Và cho đến thời điểm này, có những khắc phục cụ thể, ví dụ như gần đây nhất, Chính phủ ra các qui định mới nhằm cứu vãn tình thế.

Ngày 20 tháng 10 năm 2021, “Tại cuộc họp giữa Phó thủ tướng Lê Văn Thành với Bộ GTVT, Bộ Y tế và các địa phương hôm nay, 20.10, đa số ý kiến đều bày tỏ quan điểm nên có những quy định y tế chặt chẽ hơn với hành khách khi tham gia giao thông bằng đường hàng không so với các loại hình vận tải khác trong giai đoạn hiện nay.

Theo đó, Bộ GTVT hướng dẫn, trường hợp hành khách cư trú, lưu trú trước chuyến bay tại địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) hoặc hành khách trên chuyến bay xuất phát từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) hoặc hành khách trên chuyến bay xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất, Cần Thơ: có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (PCR hoặc test nhanh) trong 72 giờ.

Trường hợp hành khách khác cần đáp ứng một trong 3 điều kiện: tiêm đủ liều vắc xin (liều cuối cùng ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng), hoặc F0 khỏi bệnh không quá 6 tháng, hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính (PCR hoặc test nhanh) trong 72 giờ.

Ngoài ra, hành khách phải thực hiện khai báo y tế theo quy định, hoàn thành cam kết và chuyển cho đại diện hãng hàng không khi làm thủ tục hàng không (check-in) tại điểm xuất phát. Hành khách không được tham gia chuyến bay khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng, mất vị giác… Hành khách luôn đeo khẩu trang, thực hiện sát khuẩn tay, hạn chế tiếp xúc.

Tổ bay và tiếp viên có chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin, hoặc F0 khỏi bệnh không quá 6 tháng, có kết quả xét nghiệm âm tính trong 7 ngày.

Thời gian áp dụng từ ngày 21.10 đến ngày 30.11. Trong vòng 15 ngày kể từ ngày áp dụng, Cục Hàng không Việt Nam đánh giá tình hình kiểm soát dịch bệnh tại các địa phương và trên toàn quốc để đề xuất phương án điều chỉnh tần suất khai thác và điều kiện đối với hành khách phù hợp…

Với đường sắt, hành khách chỉ phải xét nghiệm y tế trong các trường hợp có một trong các biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở….

Đối với tất cả các cấp độ dịch, chỉ yêu cầu xét nghiệm một trong các điều kiện sau: có nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp 3; đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế (vùng phong toả), không yêu cầu xét nghiệm khi đi lại trong địa bàn.

Với người đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc khỏi bệnh Covid-19, chỉ xét nghiệm khi có điều tra dịch tễ, với trường hợp cách ly y tế, theo dõi y tế và trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc vùng phong toả….”. (Trích từ báo Thanh Niên).

Phương án khắc phục cho thấy yêu cầu về vaccine khi đi máy bay không còn là qui định bắt buộc và qui định test Covied-19 khi đi tàu lửa cũng không còn bắt buộc với tất cả mọi người trước khi bước lên tàu mà giới hạn ở một nhóm có nguy cơ và nghi nhiễm. Trong “bình thường mới” này có vẻ dễ thở hơn so với trước.

Nhưng, có một vấn đề là hầu hết các chốt chặn ranh giới giữa các tỉnh còn vấp phải, đó là mặc nhiên thừa nhận giấy tiên vaccine hai lần có giá trị thay thế cho giấy xác nhận âm tính với Covid-19. Điều này chứng tỏ các cơ quan quản lý và kiểm soát y tế địa phương thiếu chuyên môn, hiểu không đúng về vaccine, xem việc tiêm vaccine như một bước chặn nhiễm dịch và người tiêm vaccine có thể hoàn toàn miễn dịch… Đây là cách hiểu sai, bởi người tiêm vaccine vẫn nhiễm dịch bình thường, chỉ khác chăng là hi vọng sống sót của họ cao hơn người chưa tiêm. Và ngay cả chuyện sống sót của người đã tiêm vaccine cũng chưa có cơ sở thực tế để khẳng định, xác tín.

Bên cạnh đó, vấn đề chồng chéo về thủ tục, cát cứ địa phương, mạnh ông nào ông nấy ra qui định, các qui định không dựa trên nguyên tắc và cơ sở khoa học mà chỉ dựa trên ý chí, trên sức tưởng tượng của các ông về dịch. Điều này dẫn đến trì trệ về hệ thống. Ví dụ như bỏ qui định tiêm vaccine khi đi máy bay nhưng để đến được sân bay, người ta phải có cái giấy chứng nhận đã tiêm, rồi khi ra khỏi sân bay, điểm đến cũng yêu cầu giấy chứng nhận vaccine (thẻ xanh) hoặc phải cách ly 14 ngày. Như vậy, các qui định mới trở thành cái bẫy với người dân.

Đó là chưa nói đến các giấy tờ ngoài luồng, vấn đề tiêu cực trong quản lý chống dịch dạng “vaccine ông ngoại”. Có rất nhiều vấn đề bất cập khi các qui định cứ chồng chéo, rối như canh hẹ trong một chuỗi hối thúc khiến cho người dân nhắm mắt nhắm mũi tiêm vaccine Trung Quốc miễn phí nhưng kì thực nhà nước dùng ngân sách để mua và ngân sách là tiền thuế của nhân dân, là tiền của quốc dân, chẳng có gì là cho không cả. Người dân chỉ được mua một cách thụ động thứ người ta không muốn đưa vô người chứ làm gì có chuyện miễn phí!

Với kiểu chống dịch “Bắc cười Nam khóc” như vậy, tình hình rối ren sẽ còn dài dài. Và muốn vãn hồi trật tự, thiết nghĩ, Chính phủ cũng nên bắt mạch cho chính xác, có phương án tốt hơn để khắc phục. Nếu không, mọi thứ chỉ đi từ sai lầm này đến hỏng hóc khác, từ rối rắm này sang rối ren khác, không hơn không kém!

- Quảng Cáo -