‘Khen thưởng tôi nói thật có hiện tượng chạy thành tích, dùng thành tích khen thưởng để nâng lương, thăng cấp hàm’.
Sáng 23-10-2021, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật thi đua khen thưởng. Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay dự thảo sẽ quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu, các phong trào thi đua phải thực sự thiết thực, hướng về cơ sở, hạn chế tính hình thức trong thi đua.
Đồng tình, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra thực tế hiện có nơi, có lúc chỉ tập trung vào khen thưởng, nhưng lại chưa chú ý phát động phong trào thi đua một cách mạnh mẽ trong tầng lớp nhân dân, giai tầng xã hội.
“Có thể bây giờ nói kinh tế thị trường không cần khen thưởng nữa, nhưng đó là nhận thức sai. Phải khắc phục hạn chế về hình thức, chưa đi vào thực chất. Khen thưởng tôi nói thật có hiện tượng chạy thành tích, dùng thành tích khen thưởng để nâng lương, thăng cấp hàm. Có không? Tôi nói là có, có một số ngành tôi ký quá mỏi tay vì ký khen thưởng quá nhiều” – Chủ tịch nước chia sẻ – theo tường thuật bằng lời dẫn trực tiếp của báo Tuổi Trẻ.
Như vậy, liệu ở đây là hành vi tòng phạm’, hay là ‘không tố giác tội phạm’?
Không tố giác tội phạm, được hiểu là hành vi không báo cho cơ quan có thẩm quyền về một trong các tội phạm được Bộ luật Hình sự quy định (tại Điều 389) mà mình biết rõ là đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện.
Tội không tố giác tội phạm được quy định tại Điều 390 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi năm 2017:
“Điều 390. Tội không tố giác tội phạm
- Người nào biết rõ một trong các tội phạm quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 14 của Bộ luật này đang được chuẩn bị hoặc một trong các tội phạm quy định tại Điều 389 của Bộ luật này đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 19 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
- Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt”.
Các nội dung ở Điều 390 không liên quan đến hành vi Tội đưa hối lộ, tội môi giới hối lộ được quy định, hướng dẫn tại Điều 364, điều 365 Bộ luật hình sự.
Như vậy về nguyên tắc, không đủ căn cứ pháp lý để quy kết hành vi gọi là “không tố giác tội phạm” của ông Nguyễn Xuân Phúc qua phát biểu, “Khen thưởng tôi nói thật có hiện tượng chạy thành tích, dùng thành tích khen thưởng để nâng lương, thăng cấp hàm. Có không? Tôi nói là có, có một số ngành tôi ký quá mỏi tay vì ký khen thưởng quá nhiều”.
Tuy nhiên công luận được quyền đặt nghi vấn, liệu ở đây để “ký quá mỏi tay”, có vấn đề gì liên quan đến “bánh ít đi, bánh quy lại”?
Nếu căn cứ Luật phòng, chống tham nhũng thì xem chừng sẽ phù hợp hơn cho ngữ cảnh của câu “Khen thưởng tôi nói thật có hiện tượng chạy thành tích, dùng thành tích khen thưởng để nâng lương, thăng cấp hàm. Có không? Tôi nói là có, có một số ngành tôi ký quá mỏi tay vì ký khen thưởng quá nhiều”.
“Điều 5. Quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tham nhũng
- Công dân có quyền phát hiện, phản ánh, tố cáo, tố giác, báo tin về hành vi tham nhũng và được bảo vệ, khen thưởng theo quy định của pháp luật; có quyền kiến nghị với cơ quan nhà nước hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng và giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
- Công dân có nghĩa vụ hợp tác, giúp đỡ cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong phòng, chống tham nhũng”.
Ông Nguyễn Xuân Phúc đã “ký mỏi tay” trên cương vị là Chủ tịch nước. Ông Nguyễn Xuân Phúc còn giữ trọng trách Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII. Với ‘hai vai’ như vậy cho thấy trước tiên ông Nguyễn Xuân Phúc phải là công dân gương mẫu, nên ông cần thực hiện quyền và nghĩa vụ được ghi ở Điều 5, Luật phòng, chống tham nhũng./.
Leave a Comment