Ls Nguyễn Văn Đài – RFA
Theo truyền thông của nhà nước CSVN đưa tin: Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) TP Hà Nội vừa ban hành cáo trạng truy tố chị Phạm Thị Đoan Trang (SN 1978), trú tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”, quy định tại Điều 88 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Theo cáo trạng, từ ngày 16/11/2017 đến 5/12/2018, chị Phạm Thị Đoan Trang có hành vi làm, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, bài viết có nội dung nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Chị Phạm Thị Đoan Trang đã trả lời phỏng vấn trên truyền thông nước ngoài với nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước cũng như “phỉ báng chính quyền nhân dân”.
Cụ thể, chị Phạm Thị Đoan Trang có hành vi tàng trữ các tài liệu: “Báo cáo tóm tắt về thảm họa môi trường biển Việt Nam”; “Đánh giá chung về tình hình nhân quyền tại Việt Nam”; “Báo cáo đánh giá về Luật Tôn giáo và tín ngưỡng năm 2016 liên quan đến việc thực hiện quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng ở Việt Nam”…
Theo cáo trạng của VKSND TP Hà Nội, các tài liệu trên có nội dung tuyên truyền với luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, tuyên truyền, thông tin xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
VKSND TP Hà Nội xác định chị Trang này đã có hành vi trả lời phỏng vấn đài nước ngoài BBC News tiếng Việt và Đài Á Châu tự do (RFA), trong đó phát ngôn “tuyên truyền các nội dung thông tin xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước”. Do đó, chị Phạm Thị Đoan Trang phải chịu trách nhiệm hình sự vì nhiều lần thực hiện hành vi làm ra, tàng trữ và lưu hành các tài liệu có nội dung nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Vậy, cáo buộc của nhà nước độc tài CSVN với chị Phạm Đoan Trang và chị Nguyễn Thị Tâm, gia đình chị Cấn Thị Thêu và hàng trăm người khác phạm tội tuyên truyền chống nhà nước có đúng không?
Tất cả các loại từ điển đều giải nghĩa cụm từ: “Ngôn luận và tự do ngôn luận” như sau:
Ngôn luận có nghĩa là: – Sự ăn nói, bàn bạc; Tự do ngôn luận là quyền của công dân được tự do bày tỏ ý kiến.
Theo luật pháp quốc tế:
Tự do ngôn luận là nguyên tắc củng cố cho quyền tự do của một cá nhân hoặc cộng đồng trong việc biểu đạt quan điểm và ý kiến của họ mà không bị trả đũa, kiểm duyệt hoặc xử phạt.
Tự do ngôn luận được công nhận là quyền con người theo điều 19 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (UDHR) và được công nhận trong luật nhân quyền quốc tế tại Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR).
Điều 19 của UDHR quy định rằng “ai cũng có quyền giữ quan điểm mà không can thiệp” và “ai cũng có quyền tự do biểu đạt; quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến thông tin và ý kiến các loại, không kể biên giới quốc gia, bất kể bằng lời nói, bằng văn bản hay in ấn, dưới hình thức nghệ thuật, hoặc thông qua bất kỳ phương tiện truyền thông nào khác tùy theo sự lựa chọn của họ”.
Bản thân tự do ngôn luận được xem là nguyên tắc cơ bản cho một nền dân chủ. Các quy phạm về việc hạn chế quyền tự do ngôn luận có nghĩa là một cuộc tranh luận công khai không thể bị triệt tiêu hoàn toàn ngay cả trong trường hợp khẩn cấp.
Nhà nước độc tài CSVN đã ký kết và tham gia Công nước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị từ năm 1982.
Tại sao quyền tự do ngôn luận lại được qui định trong Hiến pháp, đạo luật cao nhất của Việt Nam?
Nếu mọi công dân đều sử dụng quyền tự do ngôn luận để tôn vinh, ca ngợi hay nói những lời tốt đẹp về đảng, chế độ, nhà nước độc tài CSVN thì quyền tự do ngôn luận không cần được ghi nhận và bảo vệ quyền bằng Hiến pháp.
Bởi vì trên thực tiễn, hàng trăm ngàn dư luận viên được chính quyền CS Việt Nam trả lương với công việc hàng ngày là ca ngợi đảng, chế độ và nhà nước độc tài CSVN.
Nhưng về bản chất, quyền tự do ngôn luận là vũ khí của người dân để bày tỏ các quan điểm, chính kiến đối lập với chính quyền, nhà nước CSVN. Người dân sử dụng quyền tự do ngôn luận để chỉ trích, lên án, phê bình, thậm chí là chửi rủa, phỉ báng chính quyền CSVN khi mà người bị thiệt hại do chính quyền gây ra, hay người dân mất hết niềm tin vào chính quyền.
Bởi vậy, quyền tự do ngôn luận của công dân phải được Hiến pháp ghi nhận và bảo vệ.
Khi nhà nước CSVN chấp nhận quyền tự do ngôn luận tại điều 25 Hiến pháp VN 2013, tức là quyền tự do ngôn luận trở thành khế ước giữa chính quyền, nhà nước, thể chế chính trị với mọi công dân.
Điều này có nghĩa: đảng, chế độ và nhà nước CSVN đã thừa nhận, chấp nhận mọi công dân VN có quyền tự do bày tỏ các quan điểm, chính kiến đối lập của họ về mọi vấn đề của đất nước từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, tôn giáo,…. Và nhà nước CSVN không bao giờ được sách nhiễu, đe dọa hay trừng phạt các công dân của mình.
Được hiểu cụ thể:
Về chính trị: Mọi công dân Việt Nam có quyền tự do bày tỏ quan điểm về đa nguyên, đa đảng; có quyền đòi hỏi đa nguyên, đa đảng; có quyền phê phán chính sách, pháp luật mà người dân không hài lòng; có quyền đòi các quan chức cộng sản phải từ chức; có quyền lên án đảng, chế độ, chính quyền CSVN vi phạm các quyền con người; có quyền chỉ trích, phê phán trực tiếp các quan chức cộng sản cầm quyền,….
Về kinh tế: Mọi công dân có quyền tự do lên tiếng đòi hỏi các cải cách về kinh tế, thuế, tiền lương, lao động, việc làm,…; có quyền lên án, chỉ trích các chính sách không phù hợp về kinh tế của chính quyền,…
Về Tôn giáo: Mọi công dân có quyền tự do lên án, chỉ trích các chính sách và hành vi đối xử vi phạm quyền tự do tôn giáo của chính quyền,…
Tóm lại, lĩnh vực nào, mọi công dân Việt Nam đều có quyền lên án, chỉ trích đảng, chế độ, nhà nước độc tài CSVN khi họ không hài lòng.
Khi không hài lòng, không chấp nhận sự cai trị độc tài của nhà nước CSVN. Chị Phạm Đoan Trang, anh Trịnh Bá Phương, chị Nguyễn Thị Tâm cũng như mọi công dân Việt Nam khác có quyền làm ra, tàng trữ và lưu hành các tài liệu có nội dung nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Và đó là quyền tự do ngôn luận của công dân Việt Nam đã được ghi nhận tại điều 25 Hiến pháp Việt Nam 2013.
Tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là quyền tự do ngôn luận, không phải là tội.
Leave a Comment