VietTuSaiGon – RFA
Đất nước thống nhất gần nửa thế kỉ, có những điều tốt đẹp mất đi vĩnh viễn, và cũng có những điều để hi vọng trong cái mới, nhưng nghe ra còn rất mơ hồ. Chỉ có điều, suốt nhiều năm sau cái ngày thống nhất ấy, bia và tượng đài mọc lên thêm rất nhiều, ngoài những mộ bia của người ngã xuống từ chiến tranh, có thêm bia căm thù của thể chế mới, ngoài những tượng đài tưởng tiếc đã bị xô gục, có thêm rất nhiều tượng đài của nhà cầm quyền xây dựng lên, từ mồ hôi, xương máu của nhân dân. Và cũng từ những tượng đài ấy, có một tượng đài mọc lên giữa lòng nhân dân, hiện hữu mà không hiện hữu – tượng đài Phẫn Uất!
Thử nhìn lại đất nước này đi, qua gần nửa thế kỉ im tiếng súng, qua gần nửa thế kỉ xóa lằn ranh vĩ tuyến 17 và lằn biên kiến Bắc – Nam, Cộng Sản – Cộng Hòa, thế nhưng tiếng súng trong lòng người dân đã yên chưa, sự phân biệt, chia đôi Nam – Bắc đã nguôi chưa và lòng thù hận đã ngừng nghỉ chưa? Câu hỏi ấy không có lời đáp. Bởi mọi thứ tưởng chừng như rất đơn giản, tỉ như buông súng thành anh em là một thứ gì đó không có thật. Và, lằn ranh thù hận đã phát triển thành các tượng đài, những tấm bia – bia căm thù.
Thử nhìn trên thế giới này, có quốc gia nào, dân tộc nào phát triển trong sự căm thù? Và có quốc gia nào, dân tộc nào tiến bộ bằng nuôi dưỡng căm thù? Có quốc gia nào, dân tộc nào vừa nuôi dưỡng, vun đắp lòng thù hận vừa bắt tay với “kẻ thù” để phát triển? Tôi nghĩ rằng hiếm, thậm chí quá hiếm, họa chăng chỉ có ở những nước Cộng sản xã hội chủ nghĩa. Bởi vì sao? Cho đến lúc này chưa ai có thể lý giải, phân tích rành mạch về lòng căm thù của người Cộng sản, họ chỉ có thể thở dài, rồi nói rằng “Cộng sản là vậy!”.
Câu chuyện căm thù và phẫn uất vẫn diễn ra hằng ngày, hằng giờ tại Việt Nam, căm thù có chủ trương, có đoàn thể, có giáo huấn và thậm chí cả giáo dục, lịch sử, căm thù Mỹ, căm thù “ngụy” như là một trách vụ công dân khi sống trong đất nước này, thể chế này. Và sự căm thù, lòng căm thù được qui chế hóa thành các biểu tượng, bài học, nó trở thành chất xúc tác trên bước đường tiến thân của thanh niên Cộng sản xã hội chủ nghĩa. Mặc dù bên ngoài thì một lời, hai lời, mở miệng là khoan hồng, đoàn kết, bao dung, vị tha, hòa giải hòa hợp dân tộc… nhưng quay lưng đi là ta với địch, chỉ có ta, không có địch. Song hành với lòng căm thù có qui mô, chính thống này là nỗi phẫn uất của hàng triệu nhân dân thấp cổ bé miệng, bị phân biệt đối xử, bị cướp trắng, đè đầu cưỡi cổ trên từng mét vuông đất, trên từng mét vuông nhà… Thế hệ dân oan ra đời ngày càng nhiều trên khắp hai miền đất nước chỉ cho thấy duy nhất một điều: Ngay cả phân biệt phe địch, phe ta cũng chỉ là cái cớ để bóc lột, hà hiếp dân lành. Kỳ thực, đất nước này chỉ có hai phe: Phe đảng Cộng sản và phe Nhân Dân.
Phe đảng Cộng sản hãnh tiến, vụ lợi, điêu ngoa, xảo quyệt và tàn nhẫn bao nhiêu thì phe Nhân dân lãnh trái đắng bấy nhiêu. Và tiếng kêu ngày càng thê thiết, thảm hại, đau đớn, câu chuyện chưa bao giờ ngừng, cho đến lúc dịch cúm Tàu bùng phát, đối mặt với sự sống và cái chết, những tưởng người ta sẽ ngộ ra điều gì đó về lẽ sống, lẽ tử sinh để thay đổi cách nhìn, cách đối đãi trong đời. Nhưng không, cái chết của đám đông nhân dân thấp cổ bé miệng có khi lại thành miếng mồi ngon cho thiểu số phe đảng. Bán que thử, bán vacine ngoài luồng, bán giấy đi đường, bán chỗ tự do đi mua sắm thức ăn trong các khu tập trung đầy kẽm gai và súng ống… Thứ gì bán được cho nhân dân, phe đảng bán tất. Và có thể nói rằng chưa bao giờ mối lợi của phe đảng lại nhanh chóng, nhiều, phì đại tỉ lệ cùng cái chết của phe nhân dân như lần này.
Phe nhân dân có gì đâu ngoài tiếng thở dài? Phe nhân dân có gì đâu ngoài lời ta thán? Phe nhân dân có gì đâu ngoài cúi mặt cam chịu hoặc nổi khùng để vào trại giam hoặc cũng lạng lách, lươn lẹo để được chiếu cố, ưu tiên? Phe nhân dân có gì đâu ngoài nỗi thao thức về miếng ăn và cái chết? Phe nhân dân có gì đâu ngoài việc nhắm mắt, lắc đầu và để mặc cây gậy của đảng lùa vào chuồng trại? Phe nhân dân có gì đâu ngoài thân xác hứng chịu mọi khổ đau và khi có chiến rtanh, khi có giặc đến thì xông ra tuyến đầu, khi hòa bình, có cái ăn cái mặc thì lui về tận sau chót, dư được miếng cơm thừa cá cặn nào thì nhờ miếng đó? Phe nhân dân có gì đâu ngoài đau khổ triền miên?
Và, sống với trùng trùng tượng đài chiến thắng, bia căm thù, nhân dân xây dựng được gì ngoài tượng đài phẫn uất trong tâm hồn. Một tượng đài lớn, nó có mặt trong tầm hồn của hàng triệu nhân dân và mãi mãi là một tượng đài giấu mặt. Nó là tiếng thở dài, nó là biểu trưng của một lớp người sống lây lất, chết không tên tuổi, khi đi lặng lẽ, khi về bầy đàn, bị xua đuổi tứ tán, bị chặn ngõ trước rào ngõ sau, thiếu đói và rên xiết nhưng vẫn không được chiếu cố, vẫn không được nhắc tới trong các báo cáo của giới chức. Xấu hổ và kinh khủng hơn nữa là giới chức Cộng sản đã mang sự đau khổ, kiệt quệ của nhân dân ra làm trò đùa, làm bình phong cho sự láo toét của họ. Phát biểu gần đây nhất của Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động & Thương binh xã hội thành phố Hồ Chí Minh cho rằng “không có ai đói trong đại dịch”. Sau đó là sự phẫn nộ từ cộng đồng mạng xã hội.
Mọi sự phẫn nộ, bức xúc hay mọi phản biện xã hội từ xưa cho đến nay tại Việt Nam, chỉ cho thấy rằng tượng đài phẫn uất trong nhân dân là không thể thay thế, vấn đề nằm ở chỗ nó tỉ lệ thuận với tượng đài chiến thắng, bia căm thù cũng như các tung hê thắng lợi rực rỡ và muôn năm của chế độ Cộng sản.
Trong một đất nước chia phe và mỗi phe có một tượng đài, phe đảng có tượng đài chiến thắng, có bài học ngợi ca, phe nhân dân có tượng đài phẫn uất. Một đất nước quá nhiều tượng đài như vậy thì làm sao mà ngóc đầu cho nổi! Nhân dân bao giờ hết lầm than? Câu hỏi này tỉ lệ thuận với phép toán trừ về tượng đài của phe đảng, không còn lựa chọn nào khác cho dân tộc này!
Và lịch sử của hôm nay, là lịch sử của những tượng đài phẫn uất, của những cô nhi, góa phụ của thời đại mới, thời đại đã bước qua khỏi ngưỡng cửa chiến tranh đạn bom, họ đang nghiễm nhiên bước vào một cuộc chiến mới không tiếng súng nhưng đầy chết chóc, tai ương, đó là cuộc chiến chống lại sự bất công ném xuống từ tòa kiến trúc thượng tầng chính trị mang tên đảng Cộng sản Việt Nam.
Leave a Comment