Phúc trình của Ban Chỉ Đạo Quốc Gia Phòng Chống COVID-19 được công bố hôm 17 Tháng Mười, cho biết đã chi 30.500 tỷ đồng ($1,3 tỷ) từ ngân sách nhà sách để chống dịch, nhưng Sài Gòn chỉ nhận được 2.000 tỷ đồng ($87,8 triệu) trong số này.
Việc một thành phố chịu thiệt hại nặng nề nhất của đại dịch COVID-19, và từng là nơi đóng góp nhiều nhất cho ngân sách nhà nước hàng năm, mà chỉ được phân bổ 1/15 chi phí chống dịch khiến công luận đặt câu hỏi.
Trong khi đó, khoản chi đáng kể nhất từ ngân sách cho việc chống dịch được cấp cho Bộ Y Tế, với 21.200 tỷ đồng ($930 triệu), tức hơn mười lần so với chi cho Sài Gòn.
Cũng theo phúc trình nêu trên, đến nay Việt Nam ghi nhận tổng số 860.000 ca nhiễm OVID-19; riêng đợt dịch thứ tư ghi nhận 858.000 ca và 21.000 người chết, hầu hết trong số này ở Sài Gòn. Tỷ lệ tử vong trên tổng số ca nhiễm là 2,4%, xếp thứ 58 trong số 223 trên thế giới.
“Dịch bệnh tăng nhanh trong khoảng thời gian ngắn gây quá tải hệ thống y tế, làm tăng các ca tử vong, nhất là tại Sài Gòn và một số tỉnh, thành phía Nam. So với các nước trong khu vực, Việt Nam có dân số đông, mật độ dân cư cao, thiếu vaccine, nên việc chống dịch hết sức khó khăn,” bản phúc trình viết.
Theo nhận định của Ban Chỉ Đạo Quốc Gia, dịch bệnh “cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc.” Tại Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, số ca nhiễm và tử vong “đã giảm rõ rệt, tuy nhiên vẫn ở mức cao.”
Liên quan việc cấp ngân sách chống dịch cho Sài Gòn, theo báo Sài Gòn Giải Phóng hồi trung tuần Tháng Chín, chính phủ đề nghị trợ giúp một số địa phương như Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai, ba nơi dẫn đầu về số ca nhiễm COVID-19.
“Đây là các địa phương theo quy định hiện hành phải tự lo toàn bộ kinh phí thực hiện phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, do mức độ ảnh hưởng dịch bệnh quá lớn, địa phương đã sử dụng cơ bản hết các nguồn dự phòng ngân sách địa phương, quỹ dự trữ tài chính… nên cần trung ương hỗ trợ thêm,” tờ báo viết.
Thời điểm đó, ông Trần Hoàng Ngân, viện trưởng Viện Nghiên Cứu Phát Triển ở Sài Gòn, được báo Tuổi Trẻ dẫn lời: “Con số 2.000 tỷ đồng tuy lớn, song so với nhu cầu phòng chống dịch của thành phố thời điểm này là quá khiêm tốn.”
Ông Ngân cũng cho biết thêm là bình quân mỗi năm, Sài Gòn đều chuyển về trung ương trên 300.000 tỷ đồng ($13,1 tỷ) tiền thuế dân.
(N.H.K)
Leave a Comment