Tưởng Năng Tiến – RFA
Có anh bạn đồng hương và đồng nghiệp trẻ, sau khi tình cờ biết rằng tôi là dân thuộc bộ lạc Tà Ru (tù ra) bèn nhỏ nhẹ khen:
- Không thấy ai đi “cải tạo” về mà vẫn lành mạnh, bình thường như chú!
Chưa chắc đó đã là lời chân thật, và dù thật thì e cũng chỉ là câu khen trật (lất) thôi! Nói tình ngay, tôi không được “bình thường” hay “lành mạnh” gì lắm. Tôi ít khi đề cập đến những năm tháng lao tù của mình, giản dị chỉ vì nó rất ngắn ngủi và vô cùng nhạt nhẽo.
Khi có dịp gặp gỡ những vị huynh trưởng, vốn đều là dân từ “chiến khu” ra (Vũ Ánh, Đoàn Viết Hoạt, Vũ Thư Hiên, Thanh Thương Hoàng, Phan Nhật Nam, Bùi Ngọc Tấn, Uyên Thao, Nguyễn Chí Thiện …) tôi luôn luôn chỉ “dựa cột mà nghe” – dù luôn uống khá nhiều – chứ tuyệt nhiên không hề dám “thưa thốt” (hay nói leo) một câu nào ráo.
Tổng cộng số ngày tôi đi “cải tạo”, có lẽ, không nhiều hơn thời gian mà Nguyễn Chí Thiện ngồi trong chuồng xí (sau mấy lần tù) và chắc chưa bằng tổng số đêm mà Vũ Ánh hay Phan Nhật Nam nằm chèo queo trong những xà lim kiên giam ở A 20 – Phú Yên – hay trại 5 Thanh Hóa.
Tôi cũng chả bị vu vạ cho những tội trạng tầy đình (xét lại, âm mưu lật đổ chính quyền, biệt kích cầm bút) như Đoàn Viết Hoạt, Vũ Thư Hiên, Bùi Ngọc Tấn, Uyên Thao, Thanh Thương Hoàng, và vô số tù nhân khác. Tội danh của tôi tuy nghe cũng nặng nề (“cầm súng chống lại nhân dân”) nhưng vì chỉ là một sỹ quan hạng bét, và có hàng trăm ngàn thằng như thế nên không đứa nào bị hỏi cung hay tra vấn gì sất. Cái giá phải trả tương đối cũng nhẹ hều à: lao động cải tạo.
Chỉ có điều vô cùng “bất tiện” là chúng tôi chả bao giờ được cho ăn uống đàng hoàng hay no đủ cả. Với thời gian, cái đói – dường như – cũng từ lòng ruột “ngấm” luôn vào tiềm thức hay vô thức. Ngay cả trong giấc ngủ, tôi cũng chỉ mơ toàn khoai (với củ) chứ chưa hề thấy cá hấp, vịt quay, gà xối mỡ, chim cút rô ti, hay cua rang me (hoặc rang muối) một lần nào cả.
Tôi đói đến độ có thể nuốt cơm không, chả cần muối mắm gì, cũng vẫn thấy rất ngon. Hạt cơm vào miệng tan thành như sữa, ngấm tận kẽ răng, rồi trôi dần xuống họng. Nó trôi đến đâu là thấm thía, đậm đà, ngọt ngào tới đó.
Cũng từ đó, tôi nhìn thực phẩm (hạt ngô, hột đỗ, muỗm cháo, thìa mỡ, tán đường, cục kẹo …) bằng một đôi mắt khác – trân trọng đến độ bất thường – và hoàn toàn không được “lành mạnh” gì cho lắm! Đôi lúc, tôi lớn tiếng quát tháo con cái (chỉ vì chúng bỏ dở chút thức ăn thôi) rồi cứ ân hận mãi về cái tính khí “không được bình thường” của mình !
Thế hệ chúng tôi không phải là những người Việt đầu tiên sống chung với … đói. Nhiều kẻ cũng bị lâm vào cảnh khốn cùng tương tự, từ giữa thế kỷ trước, dù họ chả có tội tình gì ráo:
Bán trôn rồi lại bán cả mồ hôi
Mà đói rét vẫn quần cho sớm tối!
Hai câu thơ trên Nguyễn Chí Thiện viết từ năm 1964. Mười năm sau, sau khi cuộc chiến Bắc/Nam đã chấm dứt, tình hình – xem ra – cũng không khác trước bao nhiêu:
“Sau năm 1975, chính quyền CSVN cho phép các hộ gia đình được giết mổ lợn vào dịp tết nhưng phải xin giấy phép của UBND xã và nộp thuế sát sinh… Chuyện đụng lợn ngày tết cũng phải nói thêm rằng, đối tượng là những gia đình có mức sống trung bình trở lên chứ những hộ nghèo đói quanh năm thì chỉ dám mua vài cân thịt chui ở chợ đen. Trong 3 ngày tết, họ ăn thịt rang mặn với rau dưa là chính. Chỉ sáng mồng Một tết họ mới dám thịt con gà để cúng tổ tiên. Vì thế, mấy ngày trước tết, nếu nghe tiếng lợn kêu từ nhà nào vọng tới thì họ cũng chỉ biết thở dài và cảm thấy chạnh lòng nhìn lũ con đói cơm, rách áo.” ( FB Lê Hữu Nghiệp. “Đơn Xin Mổ Lợn Thời Bao Cấp” – 09/06/2021).
Miền Nam – tất nhiên – cũng thế, theo như lời của blogger Trần Ngọc Tuấn: “Khoảng thời gian 1976 – 1977…các chợ trời ở Miền Nam như Sài Gòn – Đà Nẵng – Huế không còn thấy sách nữa, thay vào đó là quần áo, máy nghe nhạc Akai, đồng hồ, xe đạp, xe máy, bàn ghế kiểu, salon, tủ chè, tủ lạnh, tivi…và cả bàn thờ…cả trăm thứ đồ dùng dân sự, đồ nhà binh, thượng vàng hạ cám. Điều đó chứng tỏ người dân Miền Nam (tính từ Quảng Trị trở vào) đã lâm vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn về kinh tế, về miếng ăn hàng ngày.
Thời gian, cũng như thời cuộc – may thay – đều không đứng về phía cường quyền nên việc “quản lý bao tử” không thể kéo dài mãi được. Chế độ tem phiếu buộc phải cáo chung. Blogger Lê Bá Vận kết luận: “Cộng sản dù là thứ chính cống cũng chịu hết nổi buộc phải từ bỏ chính sách Bác Hồ bao cấp để sửa sai, đổi mới. Đó là thời kỳ Kinh tế thị trường định hướng XHCN.”
Kinh Tế Thị Trường không chỉ giúp cho đám đông quần chúng được đủ no mà còn tạo ra một nhu cầu mới cho giới quan chức cao cấp ở Việt Nam, như phản ảnh của báo chí ở xứ sở này:
- Chiêm ngưỡng biệt phủ khổng lồ của gia đình Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa
- Biệt phủ hoành tráng của Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum
- Bộ Công Thương bác thông tin biệt thự siêu đẹp ở Hồ Tây
- Phó Thủ tướng yêu cầu giải quyết dứt điểm tình trạng xây biệt phủ trên đất rừng tại Vĩnh Phúc
- Chỉ đạo xử lý biệt phủ xây trái phép trên đất nông nghiệp ở Huế
- Biệt phủ thiếu minh bạch đang thách thức công luận
Điều đang “thách thức” công luận – thực ra – không phải là những biệt phủ/biệt thự nguy nga mà là tình cảnh sống chui rúc (như chuột bọ) của đám đông quần chúng. Báo Lao Động, số ra ngày 28/12/2020, cho biết:
“Theo kết quả kiểm toán chương trình nhà ở xã hội vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố, tại Hà Nội, trong giai đoạn 2016-2020, dự kiến có 15 dự án nhà ở xã hội được xây dựng, hoàn thành nhưng đến tháng 7.2020 chưa có dự án nào hoàn thành.”
Toàn là những “dự án ma” thôi thì làm sao mà “hoàn thành” được, mấy cha? Phần lớn dân Việt nay có đủ ăn là đã “hạnh phúc” lắm rồi, chưa ai kịp nghĩ đến chuyện ở đâu. Họ “chỉ mỗi mong có cái bỏ vào mồm” thôi, theo như cách nói của bỉnh bút Thu Trân của trang Việt Nam Thời Báo.
Ngay cả đến một cặp vợ chồng nghệ sỹ lừng lẫy như Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh mà còn không có một chỗ trú thân tử tế thì nói chi đến đám công nhân lam lũ: Khoảng không gian của anh và em/ Khi buồn bã em không thể quay mặt đi nơi khác/ Anh không giấu em một nghĩ lo nào được/ Ta chỉ có mấy thước vuông để cùng khổ cùng vui.
Vấn đề chỉ trở nên phức tạp khiến thiên hạ lo sợ trong những ngày dịch bệnh vừa qua vì mức độ lây lan nhanh chóng do sự bẩn chật thôi. FB Đào Tuấn tường thuật:
Thứ trưởng Bộ Lao động Nguyễn Văn Hồi kể trong đợt khảo sát vừa rồi, ông gặp trường hợp có gia đình 5-6 người sống trong căn phòng chỉ 7m2… Không hiểu họ ăn ở sinh sống thế nào khi mà chỉ thở thôi đã vật vã rồi. Nhưng đó chưa phải là sự tồi tệ nhất. Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM nói: Nhiều phòng trọ chỉ 10m2, mà có tới 10 người chen nhau chung sống.
Trước phong tỏa, họ chia ca ngày đêm đi làm cũng đỡ. Bốn tháng hơn 120 ngày lockdown tất cả chui một chỗ 24/24. Không gian kín mít ở những nhà trọ ổ chuột như này chính là lý do vì sao số F0 dựng đứng suốt mấy tháng giời.
Lockdown không kéo dài hoài. Dịch bệnh rồi cũng sẽ qua thôi nhưng họa cộng sản thì e sẽ còn ở lại lâu. “Những nhà trọ ổ chuột” cũng thế, cũng sẽ tồn tại mãi mãi với chế độ hiện hành. Phát biểu khai mạc Hội Nghị Trung Ương 4, Khóa XIII – hôm 4 tháng 10 năm 2021 – Nguyễn Phú Trọng bầy tỏ sự lo âu:
“Tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’ vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi một cách căn bản, thậm chí có mặt còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, có thể gây ra những hậu quả khôn lường.”
Trong khi mà người dân đang cuống cuồng (như bầy kiến trên một que sắt nóng) thì điều duy nhất mà ông TBT đương nhiệm quan tâm vẫn chỉ là là sự tồn vong của Đảng và Nhà Nước thôi, chứ còn chuyện ăn ở của đám dân đen thì chưa bao giờ được các đồng chí lãnh đạo mang ra bàn thảo trong suốt bố n kỳ ở Hội Nghị Trung Ương. Quí vị Đại Biểu Quốc Hội cũng vậy, cũng câm như hến ròng rã hai phần ba thế kỷ qua– nếu tính từ năm 1946.
Leave a Comment