Ông Nguyễn Phú Trọng, TBT Đảng Cộng sản Việt Nam cùng với BCH TƯ đảng khi kết thúc Hội nghị lần thứ Tư của BCH TƯ nhiệm kỳ 13 ngày 7 tháng 10 năm 2021 cùng hợp ca bài: Toàn hệ thống chính trị đã chủ động, tích cực vào cuộc, kế thừa, phát huy những thành tựu, kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và bình tĩnh, tỉnh táo đề ra nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp để xử lý kịp thời, đúng đắn những vấn đề mới phát sinh do tác động bất lợi của đại dịch COVID-19.
Chưa hết, toàn bộ BCH TƯ đảng nhiệm kỳ này chỉ đòi toàn đảng, toàn bộ hệ thống chính trị… bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái sai, không được phụ họa với sai trái lệch lạc và không hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao riêng trong phạm vi xây dựng, chỉnh đốn đảng mà thôi!
Hay lắm, vinh quang lắm vì Đảng thấu hiểu mọi ngóc ngách dẫn tới việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng cho khỏi bị diệt vong sau gần một thế kỷ đè đầu hút máu bọn dân đen ngu muội. Bọn dân đó có than thở cũng chỉ dám khe khẽ trong gia đình cùng lắm là giữa bàn nhậu với nhau vì ra khỏi phạm vi ấy, kẻ bạo mồm lắm miệng sẽ vào tù đếm lịch.
Sự tàn khốc không chỉ xảy ra một ngày mà liên lỷ hơn 90 năm qua kể từ ngày Đảng Cộng sản được thành lập. Bắt đầu bằng những cái chết của cường hào địa chủ, tiếp theo là những người yêu nước nhưng khác chính kiến với Đảng, và rồi cải cách ruộng đất, chiến dịch Mậu Thân, tù cải tạo, đánh tư sản, kinh tế mới, vượt biên, tịch thu ruộng đất, cầm tù người bất đồng chính kiến cho tới hôm nay, giam giữ hàng triệu con người trong chiếc lồng Thành phố với danh nghĩa dịch Covid, đến nỗi gần triệu người bỏ chạy về quê trên những cung đường thảm khốc.
Những sự kiện ấy không phải là vinh quang cho Đảng hay sao khi mục tiêu ban đầu đội lốt giải phóng dân tộc đã được thực hiện một cách hoàn hảo?
Báo chí ước tính có khoảng gần triệu người đã rời bỏ Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai, Long An để trở về quê. Họ từ Cao Bằng, Lạng Sơn cho đến Bạc Liêu, Cà Mau.
Gần một triệu con người ấy có đáng làm cho Đảng được 1 phút chạnh lòng hay không khi cuộc đời của họ gói gọn trên một chiếc xe máy rệu rã, có chiếc tả tơi như đời sống của chủ nhân nó đến nỗi người dân đề nghị thành lập tượng đài cho nó, một tượng đài đối trọng với hàng ngàn tượng đài ‘bẩn thỉu’ khắp nước. Chỉ có tượng chiếc xe rách khổ này mới đủ hình tượng hóa cuộc sống cơ cực của người Việt hôm nay, nó nói lên tất cả từ bạo lực cách mạng cho tới chiến thắng mùa xuân năm 1975 dẫn tới sự kiệt quệ tận cùng của người Việt Nam trên mảnh đất cùng khổ này.
Sự cùng khổ không do lười biếng hay ỷ lại, nó phát sinh từ bóc lột, cưỡng đoạt, đe nạt lẫn bức hình. Kết quả ấy không thể khác khi hơn 90 năm Đảng này lãnh đạo bằng hai chữ vinh quang, vinh quang cho Đảng, cho tập thể Đảng viên đã dụng công bảo vệ và che chở cho Đảng.
Vinh quang được hình thành trên cơ thể dân chúng không thể có cách gọi nào khác là vinh quang trên máu dân lành.
Máu dân thấm sâu vào lòng đất không những chỉ có màu đỏ mà chúng còn có những hình thái khác, những ẩn dụ khác, những tinh thần khác.
Người đàn bà trở dạ sinh con trên con đường thiên lý về quê chung quanh không có ai, người chồng đành gọi điện về nhà nhờ chỉ dẫn của mẹ. Hãy tưởng tượng nỗi sợ hãi của họ trong hoàn cảnh ấy chúng ta sẽ hiểu ra tại sao người Cộng sản lại thích vinh quang như vậy. Chỉ có vinh quang mới giải thích được sự việc có một không hai này. Vinh quang thay cho người chồng dám một mình dìu vợ trên con đường mà anh không hề biết tới. Vinh quang thay cho người vợ, sự chịu đựng nào đáng so sánh với đau đớn này khi chị một mình chống chọi với tử thần cho cả hai mẹ con.
Người Cộng sản sẽ giải thích câu chuyện theo chiều hướng này và họ câng mặt lên cho rằng nhân dân chung quanh đều ngu dốt.
Vinh quang không chịu nằm yên, nó nhảy sổ vào câu chuyện của cụ bà Trần Thị Ớt 76 tuổi đi bộ đẩy chiếc xe nôi từ thành phố về Thoại Sơn, An Giang vì chồng tai biến trở nặng. Hình ảnh cụ bà lưng đã còng, chậm rãi đẩy chiếc xe chất đầy đồ đạc đi hàng trăm cây số khiến ai nhìn thấy cũng lặng người.
Nhưng người Cộng sản lại nhìn thấy đó là vinh quang, là sự chịu đựng vượt ngưỡng, vượt cả trí tưởng tượng của loài người không vinh quang thì là gì?
Vinh quang nằm lẫn lộn giữa câu chuyện một cặp vợ chồng trẻ đi bộ về quê khi chẳng còn một đồng trong túi sau hai tháng ở gầm cầu vì bị đuổi ra khỏi nhà trọ do không còn tiền để đóng, người vợ đang mang thai, mấy hôm đi bộ nhiều nên có lẽ động thai, ra huyết và bên cạnh đó có người đã phải chết trước khi về được ngôi nhà, làng xóm thân yêu của mình. Hai mẹ con chết vì bị tai nạn giao thông khi vừa đến Quảng Nam.
Vinh quang còn nằm ở chỗ ngay từ đầu khi có dịch ở trên thế giới, chính phủ đã thực hiện nhiều chuyến bay để chở những người con xa xứ từ Châu Âu, Nhật Bản, hay Ấn Độ trở về, thế nhưng hôm nay là những hàng rào kẽm gai, là giấy phạt là cách ly. Vinh quang nào cũng có thời cơ của nó.
Vinh quang thay cho hàng trăm người dân ở khu cách ly y tế thuộc khu vực quân sự 121 tỉnh Yên Bái đang phải nhịn ăn vì sợ không thể chi trả chi phí sinh hoạt trong khu cách ly.
Vinh quang nào bằng sự vượt khó của 28 người dân tộc Đan Lai biết rõ hành trình 1.400km đi bộ về quê không hề dễ dàng, vì họ không có tiền, chẳng có xe dù chỉ là chiếc xe đạp, nhưng họ vẫn quyết tâm lên đường.
Vinh quang đang lập lại từ ngày 30 tháng Tư khi 1 triệu thuyền nhân bỏ nước ra đi thì hôm nay vào một ngày đầu tháng Mười, từ Bình Dương, Sài Gòn … từng dòng người chở theo lỉnh kỉnh đồ đạc, chạy về cửa ngõ phía Bắc. Khi đèn đường còn chưa kịp sáng.
Hình ảnh nào minh họa tuyệt vời hơn niềm vinh quang ấy?
Họ không chờ đợi một tín hiệu lạc quan nào từ nhà nước nhưng khi bốn tay lãnh đạo cao nhất vẫn ngồi trong chiếc xuồng vinh quang chèo chống cho Đảng thì người dân vẫn lặng im, bởi họ không thể hét mãi vào những hình nhân trong ngôi đình thờ Đảng. Không ai căm ghét hình nhân cho dù hình nhân ấy là Tổng bí thư hay Chủ tịch nước, bởi hình nhân dù gì thì cũng được nặn lên từ bùn đất.
Người dân hôm nay đang cúi người xuống chân nhìn lại chính mình trên con đường vinh quang của Đảng./.
Leave a Comment