Quỳnh Vi – Nguyên Sa chuyển ngữ – Luật Khoa Tạp Chí
Bài gốc tiếng Anh “Pham Doan Trang Is A Journalist, Her Profession Is Not A Crime” của Trần Quỳnh-Vi được đăng trên The Vietnamese ngày 7/10/2021.
***
Khi tôi viết ra những dòng này, tâm trí tôi tràn ngập ký ức về Phạm Đoan Trang. Tôi cũng nhận ra là đã gần bảy năm kể từ ngày tôi từ biệt Trang để cô ấy rời Mỹ về Việt Nam. Chúng tôi đã trở thành bạn của nhau, cùng nhau trải qua bảy tháng ở Mỹ, và không gặp lại nhau kể từ tháng 12/2014. Tôi cũng đã không thể liên lạc hay nói chuyện điện thoại với Trang kể từ ngày 6/10/2020. Gần nửa đêm hôm đó, ở Sài Gòn, cô bị bắt. Tin nhắn cuối cùng tôi gửi cho cô cũng là vào buổi tối hôm đó.
“Trang ơi, trả lời Vi.”
Đoan Trang có thể được gọi bằng nhiều danh xưng, tùy vào người mà bạn đang nói chuyện. Cô là một nhà báo, một nhà hoạt động, một người thầy, một nhân vật chính trị chống Đảng Cộng sản Việt Nam, một gương mặt nổi bật của phong trào dân chủ ở Việt Nam, và nhiều hơn nữa. Nhưng với tôi, Đoan Trang là một người bạn, một người bạn rất thân thiết, chỉ vậy thôi. Tôi chỉ hy vọng có thể giúp bạn mình được tự do vì cô ấy đã chẳng làm gì sai cả. Đoan Trang xứng đáng được tự do để cô có thể tiếp tục viết.
Vậy mà buồn thay, những gì cô viết ra lại chính là lý do mà cô bị chính quyền Việt Nam bỏ tù.
Ở Việt Nam, việc viết hay phát ngôn (trên Youtube, TikTok, v.v.) có thể trở thành một tội nghiêm trọng nếu như bạn không tuân theo hệ thống kiểm duyệt của chính quyền hay sự tự kiểm duyệt của chính bạn. Nếu xem xét các chi tiết của bất kỳ vụ án chính trị nào ở Việt Nam, bạn sẽ thấy các bị cáo chỉ toàn bị kết án vì những bài viết, những phát ngôn của họ. Bất kể chính quyền Việt Nam gọi đó là “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” hay “tuyên truyền chống nhà nước,” tội của những người này lúc nào cũng là đã viết, đã nói.
Với Đoan Trang, tôi nghĩ còn có một khía cạnh khác khiến chính quyền Việt Nam thấy gai mắt với cô hơn. Cô không chỉ là một nhà báo; cô còn cố gắng thúc đẩy để ngày càng có nhiều người viết hơn và hiểu biết về chính trị Việt Nam hơn. Tôi là một trong những người đã được cô truyền cảm hứng để theo nghề viết và quan tâm hơn đến các vấn đề nhân quyền và chính trị Việt Nam.
Trong sự nghiệp viết của mình, tôi biết ơn hai người: Trịnh Hữu Long và Phạm Đoan Trang, hai người đồng sáng lập của Tổ chức Sáng kiến Pháp lý Việt Nam (LIV). Nếu không gặp họ trong đời, tôi không nghĩ là mình sẽ có đủ tự tin để viết bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh, đặc biệt là viết như một nhà báo.
Năm 12 tuổi, tôi rời Việt Nam đến Mỹ. Đó là cái tuổi không đủ nhỏ để nghĩ rằng tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ của mình, cũng không đủ lớn để tự tin về khả năng viết tiếng Việt. Tuy nhiên, sau khi gặp Trịnh Hữu Long và Phạm Đoan Trang vào năm 2014, cuộc đời tôi thay đổi. Tôi tin tưởng vào mục tiêu của họ và quyết định đồng sáng lập LIV. Kể từ thời điểm đó, tôi bắt đầu thúc đẩy nhân quyền, dân chủ, và pháp quyền ở Việt Nam thông qua báo chí. Trịnh Hữu Long có lẽ là người thầy đầu tiên của tôi trong nghề báo, nhưng Đoan Trang là nguồn cảm hứng để tôi quyết định chuyển hướng sự nghiệp từ luật sang báo chí.
Nhiều người hỏi tôi vì sao lại quyết định bỏ nghề luật sư để làm việc cho một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào Việt Nam. Có lẽ họ cho rằng bước chuyển sự nghiệp này không có lợi, và còn có thể là một bước lùi. Nhưng trong suốt những năm qua, những lời cuối cùng mà Đoan Trang nói với tôi trước khi cô rời Mỹ luôn đọng lại trong tôi: “Mỗi đất nước cần một thế hệ trẻ hy sinh cuộc sống của mình để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn cho những người khác. Nếu thế hệ của tụi mình từ chối nhận trách nhiệm này cho Việt Nam, vậy ai khác sẽ làm? Không lẽ bây giờ tụi mình lại ngồi đợi thế hệ tiếp theo hy sinh cho đất nước, còn mình thì chọn một cuộc đời dễ dàng hơn?”.
Đoan Trang quyết định nhận lãnh trách nhiệm thúc đẩy nhân quyền ở Việt Nam, và cô rời Mỹ để về Việt Nam, dù biết rằng mình rồi sẽ phải vào tù. Vậy thì, với tôi, quyết định từ bỏ sự nghiệp của một luật sư tranh tụng để viết về nhân quyền và các vấn đề chính trị ở Việt Nam dường như dễ dàng hơn rất nhiều.
Cô ấy đã truyền cảm hứng cho tôi, và chúng tôi có cùng một mục tiêu: đưa vấn đề Việt Nam ra thế giới và khuyến khích nhiều người Việt Nam quan tâm đến nhân quyền và dân chủ hơn. Viết về những chuyện này không phải là tội, bất kể ở quốc gia nào, vì chúng tôi chỉ muốn nâng cao nhận thức của công chúng. Chúng tôi đã làm gì sai trái đến mức Phạm Đoan Trang bạn tôi phải chịu một năm biệt giam trong nhà tù Việt Nam?
Chính quyền Việt Nam không thể biện minh cho vụ việc của Đoan Trang, cũng như tất cả những vụ án chính trị đã khiến cho hàng trăm nhà bất đồng chính kiến phải chịu đựng hàng thập niên trong tù. Tuy vậy, tôi hy vọng cộng đồng quốc tế và các chính quyền ngoại quốc có thể lên tiếng lớn hơn nữa, và cụ thể hơn nữa về sự bất công này.
Làm báo không phải là tội; viết về chính trị và nhân quyền không phải là tội. Việt Nam đang tiếp tục tăng cường đàn áp tự do báo chí và tự do ngôn luận, cộng đồng quốc tế không thể cho phép việc này. Hãy lên tiếng cho những người đang bị chính quyền Việt Nam cầm tù, như Phạm Đoan Trang. Đó là việc đúng nên làm.
T.Q.V.
Leave a Comment