30.8
Chỗ nào cũng chốt chặn, nơi nào cũng công an dân phòng. Chính phủ yêu cầu, thực ra là ban lệnh, “ai ở đâu ở yên đó”. Đứa cháu bên hàng xóm sáng nay khoe mới lẻn ra được chỗ bán rau chui ở đường số 9 gần đó, họ bán trong nhà thấy dân phòng công an đi tuần thì đóng cửa lại, mua vội được mấy bó rau muống, bí xanh, bầu, mướp, hành…, nó bảo có thể trụ thêm được tuần nữa. Hỏi chỗ ấy có bán thịt bán cá không, nó gật nhưng thè lưỡi, thịt ba rọi 270 nghìn/ký, thèm mấy cũng chịu, không tiền nào đu nổi. Tôi cười bảo mày lên tivi, hay tới tòa soạn báo SGGP, báo Nhân Dân mà mua, đầy mà lại rẻ.
Bà bạn Bùi Lan Hoa ngoài Hà Nội viết giờ chỉ ngóng chờ hết dịch, chả để làm gì, chỉ để ra phố ăn bát phở.
5.9
Nhà báo Huy Đức thuật lại ở Hà Nội có chuyện rất thương tâm. Một thanh niên tên Nguyễn Huy Dũng sống tại Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì bị đau ruột thừa nhưng không thể đưa đi cấp cứu bởi khu anh ở bị phong tỏa chặt. Gia đình gọi điện cho chính quyền và những lực lượng liên quan nhưng không ai giải quyết. Sau 3 ngày, đau quá rồi, người nhà quyết định khiêng anh qua chốt rồi gọi xe cấp cứu nhưng không kịp, anh đã chết ngay trên đường trước khi tới bệnh viện.
5.9
Hôm nay, nhà văn đại thụ Nguyên Ngọc tròn 90 tuổi. Ông về náu ở xứ Quảng nhưng vẫn là người của cả nước. Ông chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc vẫn nhớ bậc đàn anh và gửi lời mừng. TS Mạc Văn Trang nhận xét: Một điểm son cho ông Phúc.
Nhà văn Nguyễn Thành Phong viết: Ở phần sau trong cuộc đời mình, Nguyên Ngọc và những trí thức cùng chí hướng với ông đã thất bại, một phần do các ông và những nhà chính trị ủng hộ các ông (chắc anh Phong định nhắc tới ông Trần Độ, ông Nguyễn Văn Hạnh, ông Trần Xuân Bách…) chưa đủ tỉnh táo và cơ mưu để giữ mình; phần quan trọng nữa, có lẽ do thời thế, do dân tộc này chưa được hưởng phúc lớn. Buồn cho trí thức các ông thì ít, mà buồn cho đại nghiệp của dân của nước thì nhiều.
6.9
Báo điện tử Zing.vn có tấm ảnh chụp một khu phố ở Hà Nội với cái cổng chào đỏ choét, phía trên cổng vẫn còn tấm băng rôn đỏ “Mừng đảng mừng xuân” (dù giờ đã cuối tháng 7 ta), dưới chăng dây thép gai chằng chịt, rào sắt bịt kín, treo cái biển cấm cũng màu đỏ chữ vàng “Cấm đi lối này”, giữa hai tấm ấy là một bảng màu xanh đề rõ vùng xanh cấm vào. Một hình ảnh thật đặc trưng cho xứ ta thời ôn dịch.
Nhà báo Mạnh Quân: Dùng người mà dùng bọn bất tài vào vị trí quan trọng, lúc nước sôi lửa bỏng thì hậu quả thật khôn lường. Cứ nhìn đường phố Hà Nội lúc sáng nay 6.9 thì biết. Thất kinh.
Ông Nguyễn Sĩ Dũng, cựu Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, một người được đánh giá là tử tế, viết trên FB cá nhân: Họ là vậy. “Chuyện dễ không làm cho khó, lấy đâu ra thịt chó mà ăn”. Ấy là ông muốn nhắc tới vụ chính quyền bày đặt ra đủ thứ chỉ thị, quy định, văn bản, app này app nọ, giấy tờ lằng nhằng phức tạp chồng chéo rắc rối để hành dân.
Lão bạn tôi Nguyễn Văn Hảo, một tay giỏi về nhiều thứ, đặc biệt là ngoại ngữ và chơi gôn, y viết: “Tướng giỏi phải là tướng loạn mà không rối”. Ý Hảo muốn nói lúc này chỉ thấy rối tinh rối mù, họ càng chống dịch càng loạn thêm. (Đọc cái ý ấy, chợt nhớ trong truyện Tam quốc, khi quân Tào bất ngờ đánh ập vào trại Lã Bố tưởng cầm chắc thắng, nhưng Trương Liêu tướng của Bố cực kỳ bình tĩnh, lệnh không được hoảng hốt, cứ đợi quân Tháo vào thì bắn tên ra. Liêu đích thân đi đốc thúc từng nơi nên cuối cùng quân Tào thua. Tào Tháo chứng kiến, than rằng làm tướng phải như thế, tướng không loạn thì quân mới không rối, mới thắng được. Từ đó có bụng mến Liêu, tìm mọi cách kéo Liêu về mình).
Ông Phạm Xuân Nguyên (Nguyên đầu bạc) chốt ngắn gọn: Coi cái cách họ chống dịch ngăn dân mà tức không chịu nổi, đành phải thốt ra câu: Ngu không để đâu cho hết!
23.9
Ngọc Vinh nhà báo Tuổi Trẻ đã hưu vừa có “thư gửi ông Trần Hoàng Ngân” – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (ông này từng là trưởng khoa của Trường đại học Kinh tế, rồi Giám đốc Trường cán bộ TP). Vinh viết: “Anh Trần Hoàng Ngân, đại biểu cục cưng nhiều khóa liền của quốc hội, viện trưởng viện nghiên cứu phát triển TP.HCM vừa đề xuất xây dựng tượng đài vinh danh ngành y tế. Theo tôi, anh lo tìm giải pháp hồi phục kinh tế cho thành phố mình đi anh Ngân, khi mà nó có thể sập tiệm bất cứ lúc nào vì tình trạng phong tỏa lâu nay, thay vì dành thời gian rảnh rỗi đề nghị tào lao vớ vẩn. Kinh tế lao đao, ngân sách trống rỗng, dân khô máu, lấy tiền đâu xây tượng đài hả anh Ngân?”.
26.9
Hôm nay âm lịch 20.8 là ngày giỗ Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Đang dịch nhưng dân chúng nhắc nhiều tới vụ cái lư hương thờ Đức Thánh Trần. Bị dân la quá trời, chính quyền ở Sài Gòn có ý định trả lại lư hương thờ ở tượng đài Đức Thánh Trần trên bến Bạch Đằng về chỗ cũ. Nhưng họ còn thăm dò, quanh co lấy lý do này nọ. Làm một việc cứ cho là tốt (sửa lại cái sai của người tiền nhiệm) mà dùng dằng chần chừ mưu mẹo thì cũng không khác gì làm một điều xấu nhanh vội, khiến giảm cả sự tốt đẹp đi. Thứ mà nhà cai trị xứ này thiếu, đó là sự chân thật với dân.
Huy Đức (Trương Huy San) thẳng thắn “Làm chính trị thì đúng là phải nhìn trước ngó sau nhưng phàm việc gì thấy đúng thì Bí thư Nên nên quyết đoán. Dân chờ chính quyền trả lư hương về chỗ cũ đã lâu; nhân đấy, thành phố cho tu sửa, tôn tạo cảnh quan khu vực tượng Đức Thánh Trần, chắc chắn dân càng ủng hộ. Càng thiệt tình, càng thành tâm thì dẫu có sai sót, trời đất, nhân dân đều thể tất. Đụng vào nơi linh thiêng thì không chỉ hỗn hào với tiền nhân mà còn đụng đến lòng dân. Đã thế, cái cung cách lấm la, lấm lét, dùng tiểu xảo như Nguyễn Thiện Nhân, thì không những dân chúng phẫn nộ mà tiền nhân cũng càng khinh bỉ”.
Cũng Huy Đức: “Các loại barrier, chốt chắn, các loại giấy đi đường… không có bất cứ ý nghĩa gì trong chống dịch. Những thứ đó chỉ là công cụ để nhũng nhiễu, để hành dân, để làm xấu đi hình ảnh quốc gia và làm kiệt quệ nền kinh tế”.
(còn tiếp)
Thông chép
Leave a Comment