Lê Nguyễn Duy Hậu
Đa số các quyền tự do là có giới hạn, nhưng bản thân việc giới hạn tự do không có nghĩa là quyền tự do chỉ được thực hiện trong một khuôn khổ nào đó. Xét về hình ảnh, thì việc một quyền tự do phải nằm trong khuôn khổ đã tức khắc làm mất đi ý nghĩa tự do của nó rồi, huống gì là “tự do cao nhất” như một tờ báo trong nước từng giựt tít. Nhưng đó là về mặt câu chữ và cách hiểu thông thường, còn về mặt pháp lý và chuẩn mực thì sao? Mình muốn thử cắt nghĩa nó và có lẽ sẽ cần nhiều hơn một post để nói về việc này.
Phải khẳng định với nhau rằng “tự do trong khuôn khổ” chưa bao giờ là một thuật ngữ pháp lý cả. Không một quy định pháp luật nào từng nhắc đến cụm từ “tự do trong khuôn khổ” hay một cách cắt nghĩa nào đó đại loại. Nếu mình không nhầm thì nghị quyết đảng cộng sản Việt Nam cũng chưa bao giờ nói như vậy. “Tự do trong khuôn khổ” vì thế chỉ có thể xem là một cách nói khái quát hóa lên về cách hiểu của quyền tự do mà thôi. Cách hiểu này làm triệt tiêu sự tự do, và ít khi nào những người sử dụng nó chịu tranh luận để làm rõ vấn đề.
Vì sao? Thử xem xét cách hiểu về cụm từ này mà hai tờ báo lớn là Công an Nhân dân và Quân đội Nhân dân từng sử dụng. Mình xin không trích dẫn lại vì có thể khiến bài quá dài. Nhưng hai bài báo nói về hai lập luận phổ biến. Ở lập luận của báo CAND thì tự do phải gắn liền với chuẩn mực pháp lý, văn hoá, giao tiếp và do vậy tự do chỉ dành cho những công dân chuẩn mực, là phần thưởng cho sự hợp chuẩn. Còn báo QĐND thì cho rằng tự do là một tuyên ngôn, và thực thi nó như thế nào thì phải xem luật nói gì đã.
Khi cần đến cơ sở pháp lý, thì những người ủng hộ “tự do trong khuôn khổ” thường viện dẫn đến các quy định của Hiến pháp, theo đó “quyền công dân có thể bị giới hạn bởi luật” trong một số trường hợp (Điều 14.2) và “việc thực thi [quyền công dân] do pháp luật quy định.” Từ đó, người ta cho rằng tuy Hiến pháp có nói về quyền công dân, nhưng Hiến pháp “trao quyền” lại cho Nhà nước để quy định cụ thể các điều kiện, yêu cầu, giới hạn của việc thực hiện quyền công dân bằng “pháp luật.” Nghe qua thì có vẻ hợp lý, nhưng nếu chấp nhận lập luận này thì cách hiểu về quyền công dân ở Việt Nam vừa không đạt được chuẩn mực tối thiểu của Liên Hiệp Quốc, vừa có vấn đề về mặt giải thích pháp luật.
Trước hết, nếu thực sự Hiến pháp trao quyền cho Nhà nước quy định các điều kiện cụ thể để thực hiện quyền công dân bằng pháp luật thì có nghĩa là chúng ta đã sa đà vào nguyên tắc “công dân chỉ được làm những gì pháp luật cho phép” chứ không phải là nguyên tắc “công dân làm những gì pháp luật không cấm.” Về mặt câu chữ, nếu đã quy định việc thực thi quyền là do pháp luật quy định, thì tại sao cần phải quy định riêng rằng giới hạn quyền “theo quy định của luật” tại Điều 14.2? Nếu ta hiểu “việc thực hiện quyền” bao gồm tất cả các khía cạnh của việc quản lý một quyền thì đâu cần thiết phải có một quy định riêng cho giới hạn quyền. Mà nếu như một quy định với tên gọi khác như điều kiện thực hiện quyền, thủ tục thực hiện quyền… nhưng bản chất và hệ quả của nó là gây khó khăn, hay thậm chí là từ chối việc thực hiện quyền của một cá nhân nào đó, thì nó là gì nếu không phải là một quy định giới hạn quyền với tên gọi khác? Hiểu như vậy thì sẽ thấy cần giải thích điều khoản “việc thực hiện quyền theo quy định của pháp luật” khác đi. Vì nếu không sẽ dẫn đến hai điều luật thừa, thậm chí mâu thuẫn nhau.
Vậy thì phải hiểu rằng điều khoản “việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” không bao gồm các trường hợp làm hạn chế, hay gây khó khăn cho việc thực hiện quyền công dân. Ví dụ, nếu một quy định pháp luật đặt ra điều kiện để thực hiện quyền tự do nào đó (chẳng hạn như cần phải có hộ chiếu khi ra khỏi đất nước – do đó, hạn chế quyền tự do đi lại) thì phải xem là một quy định hạn chế quyền, thay vì gọi bằng các tên gọi khác (như điều kiện, thể thức). Và vì điều kiện thực hiện quyền đó thực chất mang tính hạn chế quyền nên nó phải chịu sự điều chỉnh của quy định về hạn chế quyền (và các tiêu chuẩn mà ta có thể bàn sau). Còn lại, các quy định có tính chất ghi nhận, bảo vệ, hoặc thúc đẩy quyền thì không cần lý do chính đáng. Chẳng hạn như Nhà nước có thể ra một nghị định khuyến khích người dân sử dụng internet để thúc đẩy tự do ngôn luận, có thể ra một thông tư quy định trình tự xử lý các khiếu nại khi quyền bị xâm phạm, ra một chỉ thị tăng cường giáo dục nhân quyền… mà không cần phải thoả mãn các điều kiện như khi giới hạn quyền. Tương tự, người dân thực hiện quyền của họ một cách tự do và chỉ bị can thiệp trong một số trường hợp hạn hữu theo Hiến pháp và thỏa đáng theo chuẩn mực nhân quyền. Người dân không cần phải có một giấy phép để nói, giấy phép để đi lại, giấy phép để hiệp hội… Đó chính là cách hiểu đúng của tự do. Hiểu như vậy thì sẽ thấy diễn ngôn về tự do phải đảo ngược lại. Khuôn khổ là dành cho nhà nước. Lúc này “tự do” không phải nằm trong khuôn khổ của pháp luật nữa mà là pháp luật phải nằm trong khuôn khổ của tự do, và để bảo vệ tự do.
Cách hiểu này quan trọng và nó xuất phát từ chuẩn mực của Liên Hiệp Quốc về các quyền tự do. Khi pháp luật nằm trong khuôn khổ tự do, tức là tự do lúc này là nguyên tắc, hạn chế tự do là ngoại lệ (trừ các trường hợp hết sức đặc biệt như tình trạng khẩn cấp mà khi thực hiện phải thật sự rõ ràng, cẩn trọng). Đây cũng là một cách hiểu theo lẽ thường (common sense) nếu ta chấp nhận với nhau rằng con người sinh ra tự do và tồn tại trước nhà nước, tạo nên nhà nước, và sinh tồn ngay cả sau khi nhà nước bị thay đổi. Từ đó thì đúng như Marx nói, nhà nước trở thành công cụ của con người, chứ không phải là người thầy, người cha để vẽ ra khuôn khổ cho con người chạy trong đó. Tất nhiên, hoàn toàn có thể thay cụm từ “nhà nước” bằng “xã hội,” bằng “số đông” mà không làm thay đổi quan điểm trên.
Vậy thì, “khuôn khổ” của tự do nếu có chỉ có thể là trí tưởng tượng và tiềm lực của con người, chứ không phải là pháp luật. Trong cái “khuôn khổ vô tận” đó, pháp luật có thể đóng vai trò như những khu vực cấm hoặc khu vực cẩn trọng mà công dân bị hạn chế xâm phạm, xuất phát vì mục tiêu duy nhất là bảo vệ cho chính sự tự do đó. Và chính vì vậy mà khu vực cấm cần cần phải rõ ràng, cần phải thỏa đáng, và đặc biệt là cần phải nhỏ hơn sự tự do. Nếu ta tin rằng tự do cần có khuôn khổ, ta sẽ mãi đi tìm cái khuôn khổ đó và chịu sự siết chặt của khuôn khổ, và khi không có khuôn khổ thì ta sẽ hoang mang. Ở chiều ngược lại, nếu ta hiểu tự do là nguyên tắc, thì mọi hành động của chúng ta cũng đều hướng đến sự tự do và những hành vi giới hạn quyền tự do, hay nói cách khác là đè lên quyền tự do của ta và người khác, cũng sẽ được cân nhắc một cách e dè hơn. Chính cách hiểu đó cũng giúp giải thích vì sao Liên Hiệp Quốc yêu cầu việc giới hạn quyền tự do tuy có thỏa đáng cách mấy cũng không được phép xâm hại đến nguyên tắc bình đẳng và không phân biệt đối xử giữa các cá nhân, và nguyên tắc tôn trọng nhân phẩm của mọi người.
Không khó để xác định lý do vì sao diễn ngôn “tự do trong khuôn khổ” vẫn phổ biến. Đôi khi chúng ta đang thay nhiệm vụ của nhà nước, lo là nhà nước không quản lý nổi. Hoặc đơn giản vì đa số thời điểm ta là số đông hưởng lợi. Các tài liệu về quyền con người truyền thống vì thế có vẻ nặng về việc làm thế nào để nhà nước quản lý được mà không vi phạm các quy định về quyền con người chứ không phải xuất phát từ việc làm thế nào để con người tự do và không xung đột. Nó dẫn đến đôi khi ta tìm hiểu về những quy định về giới hạn quyền tự do theo chuẩn mực quốc tế thì lại phải lận đận phân tích câu chữ của từng quy định trong công ước và tranh cãi không hồi kết như thế nào là thoả đáng để đảm bảo ta “lách” được chuẩn mực. Thay đổi mục đích nghiên cứu có lẽ sẽ giúp ta hiểu hơn về tự do, cũng như thay đổi góc nhìn từ phe đa số thành người thiểu số cũng sẽ giúp ta thấy rõ sự chật hẹp của “khuôn khổ” mà ta từng ca ngợi.
Tiếc rằng những lời mời như vậy tuy chỉ là số ít so với diễn ngôn “tự do trong khuôn khổ” nhưng khi nói ra lại thường bị phê phán là dân túy, là không chịu nghĩ cho nhu cầu quản lý của nhà nước, là bỏ qua xã hội đông đảo…
(Ảnh minh họa do một bạn tặng)
Nguồn: FB Le Nguyen Duy Hau
Leave a Comment